Người vẽ tranh bằng... bẹ chuối khô

Thứ Sáu, 27/02/2009, 10:00
Tranh "vẽ" bằng gam màu lấy từ bẹ chuối khô của Văn Đắc khá đặc thù. Nó là công việc của hội họa, của cắt dán và của cả điêu khắc. Phông "vẽ" có thể là một mảnh báo cũ, một vỏ hộp cocacola của Mỹ... Không gian trong tranh có thể là một mặt phẳng, có khi trội nổi cả khối ba chiều.

Rời cơ quan là Nhà văn hoá thuộc UBND TP Đồng Hới về nghỉ hưu, họa sĩ Văn Đắc, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát huy công việc sáng tạo nghệ thuật mà anh đã theo đuổi hơn 40 năm qua.

Tháng 4 năm 1965, Văn Đắc tình nguyện gia nhập TNXP, cùng 54 chiến sĩ khác của tuổi trẻ Thị xã Đồng Hới - Quảng Bình, anh được sung vào Đại đội 736, Sư đoàn 31, Binh đoàn 559 Trường Sơn. Với những sở trường: chữ đẹp, vẽ tốt, một thời gian sau, anh được chuyển về làm chiến sĩ, công tác tại Phòng Tuyên truyền chính trị và văn nghệ của Binh trạm 16, Đoàn 559, đóng ở Tây Nam Quảng Bình.

Ngoài những công việc khắc kẻ mộ chí, lập hồ sơ lưu giữ lý lịch những chiến sĩ hy sinh trong chiến trận, anh thường dành thời gian để ký họa những trận đánh, những cuộc hành quân, những cảnh rừng Trường Sơn... để tặng đồng chí, đồng đội, những ai dừng chân ở Binh trạm của anh.

Ở mãi rừng sâu, bút chì, thuốc nước cũng không còn để sáng tác, một chiều trên cánh võng, bên bờ một con khe giữa đại ngàn Trường Sơn thuộc địa phận Tây Nam Quảng Bình, Văn Đắc nhìn những cây chuối bị bom Napan Mỹ đốt mà cháy chưa hết, bỗng lóe lên trong anh một ý nghĩ độc đáo trong công việc sáng tạo của mình.

Những bẹ chuối khô chứa những gam màu tối sáng đa sắc kia, sao không là chất liệu để vẽ tranh? Thế là Văn Đắc bật dậy, dùng dao cắt, dùng hồ bột gạo dán. Một bức tranh bằng các gam màu lấy từ bẹ chuối khô về cảnh rừng Trường Sơn bị đốt cháy được hình thành.

Tranh "vẽ" bằng gam màu lấy từ bẹ chuối khô của Văn Đắc khá đặc thù. Nó là công việc của hội họa, của cắt dán và của cả điêu khắc. Phông "vẽ" có thể là một mảnh báo cũ, một vỏ hộp cocacola của Mỹ, một vỏ bao thuốc lá, một tờ giấy bọc những thanh lương khô... Không gian trong tranh có thể là một mặt phẳng, có khi trội nổi cả khối ba chiều.

Ban đầu, anh dùng hồ bột gạo, sau dùng nhựa cây rừng làm chất dính để dán những mảnh bẹ chuối chứa gam màu lên bức tranh. Văn Đắc còn lưu giữ được cho đến bây giờ một số đứa con tinh thần ấy trong phòng tranh của mình.

Đã hơn 40 năm, nhìn những bức tranh ấy, tôi mới thấy "con mắt tinh đời" của người nghệ sĩ. Tranh không hề phôi pha màu sắc. Nó gân guốc bởi chủ đề và đường nét. Nó dịu dàng bởi đề tài và phối sắc. Thiên nhiên quả là quà tặng phong phú cho con người. Ai ngờ, bẹ chuối khô cũng là chất liệu để họa sĩ sáng tạo nên tác phẩm của mình.

Với bức tranh "Đường mòn trên biển" (cỡ 85x100cm), thể hiện khung cảnh hoành tráng và khốc liệt của một cuộc chiến đấu sinh tử trên biển giữa hai chiếc máy bay Mỹ nối theo đuôi làn khói trắng với hai chiếc tàu vận tải không số của Hải quân 125, họa sĩ Văn Đắc đã được tặng đồng giải nhất trong triển lãm mỹ thuật "Lực lượng vũ trang nhân dân chiến tranh cách mạng, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" năm 2002 tại Đà Nẵng do Bộ Quốc phòng tổ chức.

Ngoài đề tài chiến tranh, Văn Đắc còn thể hiện khá sinh động phong cảnh, thiên nhiên, như bức "Lối xưa", "Biển chuyển mùa", "Ven biển Nhật Lệ"... Những gam màu từ bẹ chuối khô trong tranh của anh quả thực có một sức hấp dẫn kỳ lạ.

Ở phòng vẽ trong ngôi nhà khang trang của anh ở phường Hải Đình, TP. Đồng Hới, ngổn ngang những bẹ chuối khô mà anh đã dày công sục sạo khắp các khu vườn ngoại ô mang về. Văn Đắc say sưa, tỉ mẩn, cắt dán để cho ra đời những đứa con tinh thần của mình. Bức tranh "Anh hùng Lâm Úy lập chiến công" vừa được anh chuyển cho Bảo tàng Lịch sử Quân đội Việt Nam kịp trưng bày đúng ngày kỷ niệm thành lập QĐND Việt Nam.

Đón tết Kỷ Sửu 2009 vừa xong, anh lại bắt tay ngay vào thực hiện bức tranh "Trường Sơn quân ta đi" để kịp trưng bày trong đợt kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Binh đoàn Trường Sơn sẽ được tổ chức long trọng tại Quảng Bình thời gian tới...

Hồ Ngọc Diệp
.
.