Người thổi hồn cho trứng

Thứ Tư, 16/04/2014, 08:00
Chỉ với một chiếc kéo nhỏ lưỡi cong, nửa quả chanh tẩy màu vỏ trứng, chút sơn móng tay có màu phù hợp, trong 30 phút, từ chiếc vỏ trứng cút đơn điệu, một chú cánh cam màu đỏ chấm bi đen ngộ nghĩnh hiện ra dưới đôi tay khéo léo. Đó chỉ là một trong số rất nhiều tạo hình độc đáo của kỷ lục gia Việt Nam về tạo hình nhiều nhất bằng vỏ trứng Nguyễn Thành Tâm.

Cách đây hơn 10 năm, ông Nguyễn Thành Tâm ngừng làm việc cho một công ty nước ngoài về mở lớp dạy tiếng Anh tại nhà. Thực ra, đây cũng là sự trở về nghề cũ. Bởi ông từng có hơn chục năm gắn bó với việc dạy nhạc ở trường THPT Marie Quirie, Tp HCM. Lúc này, học trò của ông là các em nhỏ từ lớp 1 tới lớp 12.

Yêu trò, muốn tạo hứng khởi học hành cho chúng, ông nghĩ cách sáng tạo các giáo cụ trực quan sinh động. Sau nhiều thử nghiệm với vài loại chất liệu khác nhau, ông nhớ lại chuyện lúc nhỏ, từng làm món quà bằng vỏ trứng tặng cô bạn gái, vậy là ông bắt tay "nhóm lại kỷ niệm xưa" với trứng.

Đúng mùa Noel, ông quyết định khởi đầu bằng tạo hình ông già Tuyết. Sản phẩm đầu tay được học trò tán thưởng, yêu thích, thầy Tâm tiếp tục chọn thêm những tạo hình khác phù hợp với vỏ trứng như ông Địa, ông Thần Tài, ông Táo. Kế tiếp, bộ sưu tập mười hai con giáp thành hình. Từ những trải nghiệm đầu tiên này, nhà giáo Nguyễn Thành Tâm chắc chắn rằng, vỏ trứng có thể tạo hình được bất cứ vật nào ông muốn.

Dạy cùng lúc 12 khối học, phải thông suốt nội dung kiến thức từ lớp 1 đến lớp 12, lại muốn học trò cập nhật các thông tin sự kiện văn hóa, thể thao, lễ tết, ông đã mày mò tạo tác các hình ảnh nhân vật liên quan. Cứ thế, cứ thế, sau 12 năm, đã có khoảng 600 tác phẩm tạo hình trên vỏ trứng được bày khắp căn hộ tập thể ở chung cư Nguyễn Văn Lượng 2, Quận Gò Vấp, Tp HCM. Đầu năm 2010, ông được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam trao Bằng chứng nhận Xác lập kỷ lục là người tạo hình bằng vỏ trứng nhiều nhất. Nguyễn Thành Tâm trở thành chuyên gia trong việc sử dụng chất liệu này.

Để tránh dùng chất hóa học gây hại cho trẻ, ông tìm ra cách dùng nước cốt chanh tẩy trắng vỏ trứng chim cút. Cứ nửa quả chanh vắt lấy nước, ngâm 5 quả trứng cút trong khoảng 10 phút và dùng tay quậy đều. Sau đó lấy ra và dùng miếng rửa có mặt nhám cọ nhẹ, quả trứng chim cút sẽ có màu sáng trắng như trứng gà.

Thầy Nguyễn Thành Tâm và các con vật làm từ vỏ trứng.

Theo ông Tâm, trong các loại vỏ trứng, trứng chim cút dễ tạo hình hơn cả. Chúng dai nhưng mềm. Trứng vịt cũng có lớp màng phía trong, khá dai. Vỏ trứng gà thường giòn, cứng, nên là loại khó tạo hình nhất. Trong khi đó, trông có vẻ đồ sộ và đắt tiền, nhưng việc tạo hình với trứng đà điểu lại đơn giản hơn cả. Chỉ cần khoan và cưa thao tác, ông có thể tạo hình thật dễ dàng.

Hồi đầu, để có được chiếc vỏ trứng nguyên vẹn, thầy Tâm phải làm theo cách "nguyên thủy", dùng một chiếc đũa để đập vỡ trứng, sau đó lấy kéo cắt khoét dần vào. Sau đó, nhớ ra nguyên lý thông trong vật lý, ông khoan thủng hai lỗ nhỏ ở hai đầu quả trứng. Thổi hơi vào đầu  này, lòng trứng sẽ theo ra lỗ kia, để lại vỏ trứng nguyên vẹn. 

Chỉ với một chiếc kéo mũi cong, thầy Tâm khéo léo lách mũi kéo từ lỗ khoan nhỏ ban đầu để cắt được những hình thù phù hợp với vật định tạo tác. Điều thú vị nhất, theo nhà giáo Nguyễn Thành Tâm, tùy hình tượng nhân vật định làm, ông sẽ chọn chất liệu là trứng cút, trứng vịt, trứng gà, trứng ngỗng hay trứng đà điểu. Đây chính là đất dành cho sự sáng tạo của người nghệ sĩ. Nhiều năm say sưa với đam mê, thì chỉ cần nhìn vào rổ trứng, thầy đã có thể chọn ngay được quả có vỏ phù hợp với tác phẩm đang cần thực hiện.

Tương ứng với 600 tác phẩm nghệ thuật tạo hình trên vỏ trứng, số trứng đã "ra đi" chắc cũng phải gấp đôi. Tất nhiên, thầy Tâm phải nghĩ ra cách "giải quyết" hợp lý lượng thực phẩm bổ dưỡng này. Vậy là không chỉ rán trứng, ốp-la, làm chả đùm, làm bánh Flane, hấp trứng, chưng trứng, thầy còn nghĩ ra rất nhiều món ăn khác được làm từ lòng trứng và đem mời các học trò, hàng xóm.

Mẫu "Mã đáo thành công" của thầy Nguyễn Thành Tâm. Ảnh: Trung Nguyên.

Từ trứng chim cút cho tới trứng đà điểu, cả thầy và trò đều đã được nếm qua. Theo đúc kết từ những trải nghiệm rất… thường xuyên này của thầy, trứng ngon nhất là trứng vịt lộn; trứng bổ dưỡng nhất là trứng gà, trứng nhiều nhưng ăn không ngon lắm là trứng đà điểu, v.v…

Khỏi phải nói, lũ học trò của thầy sung sướng thế nào khi tới học, vừa được ngắm nhìn các giáo cụ ngộ nghĩnh, đáng yêu, lại vừa được thưởng thức những món ăn thầy chế biến từ lòng quả trứng. Sau đó, chúng lại có dịp được ngắm nhìn những tác phẩm nghệ thuật từ vỏ trứng thật thú vị như hình Tổng thống Mỹ Obama, anh chàng không tay Nick Vujic, vua hề Charles, mèo Kitty của Nhật Bản, mèo máy Doraemon, Gangnam style… v.v…

Mỗi mẫu tạo hình mới "ngốn" của thầy vài ba tiếng đồng hồ. Đi kèm với mẫu là những câu chuyện rất dễ thương và giàu ý nghĩa giáo dục như "mã đáo thành công", "ngựa non huấn luyện thành tuấn mã", "mẹ con nhà gà chiu chít" hay "bầy cánh cam rủ nhau đi chơi"… v.v…

Gần một năm trước, thầy Nguyễn Thành Tâm đã làm hồ sơ đăng ký xét danh hiệu kỷ lục châu Á cho bộ sưu tập tạo hình trên vỏ trứng. Tháng 3/2014, ông tiếp tục làm thêm một lần nữa và đang chờ kết quả. Nếu việc này thành công, ông dự định sẽ tiếp tục đăng ký xét Kỷ lục thế giới. Thầy Tâm tự tin cho biết, ông đã tìm hiểu và thấy, trên thế giới chưa có nhiều người theo đuổi lĩnh vực này. Có người khắc trên vỏ trứng; một đôi người khác cũng tạo hình theo cách giống thầy, nhưng số lượng ít và không thật đẹp. Cho tới nay, mọi tạo hình với trứng đều do thầy Tâm tự nghiên cứu và sáng tạo cách làm, không học hỏi theo cách thức nào.

Để chuẩn bị cho những dự định lớn lao và lâu dài hơn, thầy Tâm tập trung làm những tạo hình là biểu tượng văn hóa của các quốc gia như nhà hát Sydney của Australia, sư tử của Singapore, hay những nhân vật nổi tiếng như Bill Gates, Obama… v.v…

Đặc biệt hơn nữa, ông cũng đang tạo hình mặt nạ các nhân vật trong nghệ thuật tuồng cổ Việt Nam bằng vỏ trứng. Ông cho rằng, đã có nhiều tạo hình mặt nạ kiểu này, nhưng trong cảm nhận của ông, chúng chưa tạo được bản sắc riêng của người Việt. Và đây sẽ là một trong những phần việc quan trọng ông đề ra cho mình trong phần đời còn lại.

Hơn mười năm đeo đuổi lĩnh vực nghệ thuật thủ công độc đáo, sau khi đã trở thành bậc thầy tạo hình với vỏ trứng, nhà giáo Nguyễn Thành Tâm trăn trở nhiều về việc phát triển lĩnh vực này trên cả phương diện thương mại và truyền nghề. Một nghệ thuật, dù hay đến mấy, nếu không được kích thích bằng nhu cầu thị trường, chẳng mấy chốc nó sẽ chết yểu. Hiểu lẽ đó, nhưng làm thế nào để đưa sản phẩm nghệ thuật thành sản phẩm thương mại lại là bài toán thầy Tâm vẫn chưa tìm ra lời giải.

Trong nghệ thuật tạo hình bằng vỏ trứng, câu nói "của một đồng công một nén" thật đúng. Nhưng vì sự mỏng manh, dễ vỡ của nó, người mua sẽ khó chấp nhận nếu giá thành cao. Bán đắt không được, bán rẻ thì không thể làm. Và như thế, sản phẩm này khó có thể phổ biến trên thị trường theo hình thức quà lưu niệm.

Do đó, trong ý tưởng phát triển loại hình nghệ thuật này ở phương diện thương mại, thầy Tâm muốn hướng dẫn những ai yêu thích có thể tự làm. Vì vậy, mùa hè năm nay, ông dự định mở các lớp dạy tạo hình trên vỏ trứng cho người học mà theo lời ông là "từ em bé 7 tuổi cho đến cụ già 77 tuổi".

Được biết trên thế giới hiện nay chưa có ai mở lớp dạy môn nghệ thuật tạo hình bằng vỏ trứng. Và nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, nhà giáo Nguyễn Thành Tâm sẽ trở thành người Việt Nam đầu tiên thực hiện công việc này. Ông rất hy vọng sẽ được cộng tác với các nhà hoạt động văn hóa trong và ngoài nước để bộ môn nghệ thuật này được phổ biến hơn

Dương Kim Thoa
.
.