Người thổi hồn cho cát

Thứ Tư, 16/09/2009, 14:00
Nói đến duyên nợ với cát, nghệ nhân Ý Lan kể rằng, thật tình cờ, trong một lần về thăm quê chồng ở Bình Thuận, chị đã bị cánh đồng cát trải dài ngút mắt hút hồn. Chị lấy một ít cát về cắm hoa và khi cho cát vào bình thủy tinh thì những hạt cát bé nhỏ ánh lên những sắc màu kỳ diệu. Vậy là chị nảy ra ý định làm tranh bằng cát với mong muốn làm sao cho mọi người cùng thấy và tận hưởng vẻ đẹp huyền bí mà giản dị của cát.

Từ ngày 22/8 đến 6/9, tại số 8 Hùng Vương (Hà Nội), nghệ nhân Ý Lan phối hợp với Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức triển lãm tranh cát bộ chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh (nhân kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Người) và chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp (nhân sinh nhật lần thứ 98 của Đại tướng). Những ai ghé thăm triển lãm này đều có chung một cảm giác ngạc nhiên thú vị khi chỉ từ những hạt cát bé nhỏ, nghệ nhân Ý Lan đã tạo ra những bức tranh sinh động với màu sắc chân thực và rất có hồn về hai con người, hai nhân cách lớn của dân tộc Việt Nam.

Theo nghệ nhân Ý Lan cho biết, sau khi kết thúc triển lãm, bộ tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ được chị tặng lại cho Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng, còn bộ tranh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tặng cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Nghệ nhân Ý Lan được coi là người khai sinh ra dòng tranh cát đặc biệt này và đến nay vẫn được xác nhận là có một không hai trên thế giới. Tại Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 14 (tháng 11/2006) tổ chức tại Việt Nam, 21 bức chân dung của các vị lãnh đạo cấp cao dự hội nghị được nghệ nhân Ý Lan thể hiện, đã trở thành món quà chính thức của Nhà nước ta trao tặng các nhà lãnh đạo các nước tham dự hội nghị. Các vị khách quốc tế đã rất bất ngờ trước cách thể hiện chân dung mới mẻ và độc đáo này.

Trước đó, tại SEA Games 22 tổ chức tại Việt Nam, nghệ nhân Ý Lan cũng đã tổ chức triển lãm bộ sưu tập "Trâu vàng" với biểu tượng của 32 môn thể thao thi đấu tại Đại hội thể thao lần ấy, được tái hiện trong những ly thủy tinh độc đáo. Cũng từ đó, tranh cát của nghệ nhân Ý Lan đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới. Đến nay, nghệ nhân Ý Lan đã là chủ nhân của trên 3.000 bức tranh cát về nhiều mảng đề tài như chân dung, phong cảnh, kiến trúc, biểu tượng, thư pháp...

Mảng tranh chân dung của chị được đánh giá cao, chị từng tái hiện chân dung của những nhân vật đặc biệt như Nguyễn Trung Trực, Huỳnh Thúc Kháng, Bác Hồ, Bác Tôn, vua hề Sáclô... rồi "vẽ lại" các bức tranh nổi tiếng như bức "Mona Lisa", "Em Thúy", các bức tranh dân gian thuộc dòng tranh Đông Hồ...  Tranh chân dung của chị, trông vừa có dán dấp của nghệ thuật vẽ truyền thần lại có nét hiện đại được tạo nên bởi những sắc màu hết sức phong phú. Chị cũng từng tổ chức hàng chục triển lãm tranh cát thành công và thông thường, các khoản tiền thu được từ hoạt động triển lãm chị dùng để hoạt động từ thiện: ủng hộ nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam, ủng hộ người nghèo.

Say đắm với cát, nghệ nhân Ý Lan từng kiêu hãnh nói rằng: "Tôi hãnh diện về cát, cát hạnh phúc vì tôi!". Chị bị cát mê hoặc đến độ bỏ cả nghề giáo viên để toàn tâm làm công việc thổi hồn cho cát, cho dù chị không hề được đào tạo qua lớp nghệ thuật tạo hình nào. Những gì chị làm được hoàn toàn từ lòng say mê và sự sáng tạo không ngừng nghỉ. Và cát đã chẳng phụ người. Giờ đây, tên tuổi nghệ nhân Ý Lan đã vang danh trong Nam, ngoài Bắc, ra cả nước ngoài. Nhiều khách hàng là người nước ngoài đã gửi ảnh chân dung của mình đến đặt hàng Ý Lan để chị khắc họa chân dung của họ bằng chất liệu đặc biệt này.

Nói đến duyên nợ với cát, nghệ nhân Ý Lan kể rằng, thật tình cờ, trong một lần về thăm quê chồng ở Bình Thuận, chị đã bị cánh đồng cát trải dài ngút mắt hút hồn. Chị lấy một ít cát về cắm hoa và khi cho cát vào bình thủy tinh thì những hạt cát bé nhỏ ánh lên những sắc màu kỳ diệu. Vậy là chị nảy ra ý định làm tranh bằng cát với mong muốn làm sao cho mọi người cùng thấy và tận hưởng vẻ đẹp huyền bí mà giản dị của cát.

Lúc đầu, chị chỉ làm trong những vật dụng nhỏ như cốc, ly, bình thủy tinh trong suốt. Sau đó, mở rộng ra thành các khung hộp lớn hơn. Mày mò chăm chỉ với đôi bàn tay khéo léo và sự kiên trì, vẻ đẹp của những bức tranh cát đem lại đã khiến nhiều người phải ngờ vực rằng, chắc Ý Lan đã vẽ sẵn tranh vào ly hoặc dùng các chất keo dính gắn vào. Nhưng thực chất những bức tranh ấy chỉ được thực hiện bằng cách "rót" cát vào ly qua một chiếc thìa cà phê được bẻ cong. Sự pha trộn màu sắc và những chi tiết nhỏ được thực hiện rất công phu, có khi chỉ là vài hạt cát để thể hiện một chi tiết nào đó. Có những bức tranh tưởng đã sắp thành công nhưng chỉ một chi tiết bị hỏng là lại phải đổ cả bình cát ra làm lại từ đầu.

Mặc dù Ý Lan không học qua trường lớp nào về mỹ thuật, nhưng tranh cát của chị ngay từ khi mới ra đời đã nhận được nhiều lời cổ vũ bởi sự tinh tế của màu sắc. Từ những màu sắc cơ bản ban đầu, đến nay nghệ nhân Ý Lan đã tìm ra 30 màu, rồi đến 80 màu cát khác nhau mà hoàn toàn là màu tự nhiên chứ không hề qua nhuộm tẩm.

Chị lặn lội đi khắp nơi, khắp các vùng biển trong nước để sưu tầm cát nguyên liệu về để chọn màu. Nhưng theo chị, cát ở Mũi Né (Bình Thuận) là có nhiều màu sắc đẹp nhất. Cát "thô" qua sàng lọc nhiều lần bằng chiếc rây mắt nhỏ và qua mỗi công đoạn sàng lọc lại có thể ra được những màu sắc khác nhau.

Chị cho biết, lần thể hiện chân dung 21 vị nguyên thủ quốc gia dự Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 14, chị phải lặn lội ra tận Quảng Ninh để tìm cho được màu cát xanh ở Vịnh Hạ Long cho giống với màu mắt xanh của các vị khách quốc tế để khi tái hiện lên tranh có được màu sắc chân thực nhất.

Nghệ nhân Ý Lan có đôi bàn tay thật khéo léo, có óc tưởng tượng phong phú và điều đặc biệt tôi cảm nhận được ở chị, đó là sự nhạy cảm của một nữ nghệ sĩ. Chị có nhiều đề tài bởi đi đến đâu chị cũng ngắm nhìn, cũng sưu tầm, cũng nghe ngóng.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bên bức tranh “Mười cô gái Đồng Lộc”.

Khi đến viếng nghĩa trang Đồng Lộc, nơi có 10 cô gái thanh niên xung phong hy sinh khi đang ở độ tuổi thanh xuân căng tràn, chị đã rất xúc động. Nghệ nhân Ý Lan tâm sự: "Nhìn những kỷ vật của các cô gái Đồng Lộc lưu giữ ở bảo tàng, tôi không cầm được nước mắt. Bốc một nắm cát ở nghĩa trang, trong tôi đã hình thành ngay ý tưởng vẽ một bức tranh tái hiện hình ảnh của 10 cô gái Đồng Lộc và khi trở về nhà, tôi đã bắt đầu thực hiện ngay bức tranh ấy. Tôi dùng hình ảnh hoa sen vì các cô gái Đồng Lộc đã sống, chiến đấu gan dạ với tấm lòng trinh bạch như những bông sen mọc trong bùn lầy...".

Sau khi bức tranh hoàn thành, nghệ nhân Ý Lan đã tặng lại cho Ban Quản lý Khu di tích Đồng Lộc. Từ những hạt cát được lấy từ chính ngã ba Đồng Lộc, nghệ nhân Ý Lan đã kể lại câu chuyện về sự hy sinh cũng như sự bất tử của họ. Bức tranh độc đáo bởi nó có hai mặt: Một mặt là chân dung 10 cô gái cùng với hoa sen và mặt kia tái hiện hình ảnh khói lửa chiến tranh, nơi các cô hy sinh anh dũng.

Nghệ nhân Ý Lan không hề giấu giếm bí quyết nghề nghiệp. Chị luôn sẵn sàng chia sẻ với khán giả hoặc những ai có mong muốn trở thành một nghệ nhân tranh cát giống như chị. Với những khay cát nhỏ nhiều màu và chiếc thìa cà phê được uốn cong hai bên thành hình ống, chị sẵn sàng thực hành vẽ tranh ở mọi nơi, hướng dẫn cách làm tranh rất chi tiết trên trang web của mình. Tất nhiên không phải ai cũng làm theo được.

Hiện nay, xưởng của chị tại TP Hồ Chí Minh luôn có rất đông học viên theo học và tranh cát đến nay đã trở thành món quà thú vị cho người Việt tặng bạn bè ở nước ngoài cũng như khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tìm mua dành tặng người thân, gia đình. Ý Lan - người đàn bà say mê cát và chị đã dùng cát để mê hoặc những người thưởng thức

Việt Hà
.
.