Người thả mây cho gió

Thứ Ba, 05/11/2013, 08:00
Đóng kín các ô cửa để cái lạnh trở mùa không ùa vào phòng riêng, tôi mở đĩa nhạc, thả hồn mình vào những ca khúc của Dạ. Phần lớn ca khúc trong đĩa Dạ phổ nhạc, gồm những bài thơ trong tập "Hồn đầy hoa cúc dại" Dạ tặng tôi năm 2007. Hồi ấy nàng chưa có dấu hiệu bất bình thường. Hồi ấy tôi đọc xong, chỉ thấy cái buồn nó man mác theo tác giả, rồi bao nhiêu bộn bề thường nhật, có lúc đã lãng đi...

1.Bỏ lại phía sau những giọt "nước mắt lã chã của vợ chồng Ngâu" đang rơi xuống khoảng trời Hà Nội, nhóm nhà thơ nữ chúng tôi "gồng gánh thơ" đi phượt đến tận vùng Đất Mũi. Như lộ trình đã định, ngày cuối cùng ở Tp HCM, tất cả được tự do thăm thân. Mỗi người đều có kế hoạch của riêng mình. Tôi và nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đến thăm nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ.

Suốt những con phố dài taxi đi qua, tôi với chị Nhàn tuy chẳng nói ra lời nhưng đều chung một băn khoăn: Không hiểu tình hình sức khỏe của Dạ hiện nay như thế nào. Nhớ lại, mỗi lần ra Hà Nội, Dạ đều dành thời gian gặp gỡ các bạn thơ nữ. Tôi thường đón Dạ về nhà mình. Phần vì tôi có điều kiện đưa Dạ đi đây đó, phần vì tôi và Dạ đều yêu thích nhạc Trịnh Công Sơn. Bên chiếc dương cầm, hai đứa lại có dịp cùng nhau ngâm nga những ca khúc của anh. Dạ cho biết nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là bạn thân của chồng chị (nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường) từ hồi trẻ trai.

Gần đây nhất, cuối thu 2012, Lâm Thị Mỹ Dạ ra Hà Nội cùng Nguyễn Bính Hồng Cầu (con gái nhà thơ Nguyễn Bính). Trong bữa cơm thân mật tại gia đình tôi, trong những bạn thơ đến với Dạ, chỉ có tôi, Nguyễn Thị Mai, Hồng Cầu và anh Nguyễn Khắc Thạch là biết não của Dạ không còn bình thường nữa, bởi trước mọi người, nàng thơ ấy vẫn dịu dàng nhỏ nhẹ khiêm nhường như xưa. Sau mấy ngày nghỉ tại nhà khách của Hội Nhà văn trên Quảng Bá, Nguyễn Bính Hồng Cầu phải về quê nội ở Nam Định và họ hàng của cha mình ở Hưng Yên, Hải Dương. Tôi lại đón Dạ về nhà mình. Dạ ăn rất ít, ngủ không sâu, đang khuya cũng thảng thốt trở dậy bồn chồn không yên, như ở đâu đó đang có người mong đợi vậy. Có thể một người bằng xương bằng thịt, cũng có thể chỉ là sự khát vọng về một người Dạ luôn tưởng tượng ra, như những lời tự bạch của nàng trong thơ:

tưởng tượng một người
hồn xanh như cỏ
tâm rộng như trời
để tôi bé nhỏ
thả đời rong chơi… 

tưởng tượng một người
khi tôi vấp ngã
người ấy đỡ dìu
ngực Người - tôi tựa
muôn ngàn tin yêu

(Bài "Ừ thôi, tưởng tượng")

Và hiện tại (ảnh chụp cùng chồng - nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường).

Biết bạn thơ của mình trí nhớ không còn như xưa nữa, nhưng tôi vẫn bất ngờ khi thấy sau bữa sáng ấy, Dạ rũ tung hết túi nọ túi kia tìm kiếm vật gì đó. Nhìn nét mặt Dạ bần thần như người bị mất của, tôi hỏi: "Dạ tìm gì thế?". Mãi vài giây sau nàng mới nói: "Hà ơi, thỏi son với cái bút chì của Dạ ở mô, hỉ?". Tôi hơi hoảng. Chồng tôi nghe Dạ kêu mất cũng băn khoăn. May sao, tôi chưa kịp thò tay vào các ngóc ngách trong chiếc túi ấy, Dạ đã reo lên như đứa trẻ: "Hắn đây rồi". Hóa ra, nàng để đồ trang điểm ngay trong túi áo khoác đang mặc. Hai hôm sau, Hồng Cầu gọi điện cho biết, chị đang bận công việc ở văn phòng Hội nên không thể lên Tây Hồ đón Dạ được. Hồng Cầu nhờ tôi chở Dạ về số 9 Nguyễn Đình Chiểu (trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam) để chiều Dạ ra sân bay.

Hôm ấy cánh tay phải của tôi bị đau, không thể chở Dạ đi được, càng không dám để xe ôm đưa Dạ đi, nên đành nhờ ông xã chở Dạ về Hội. Ai dè Hồng Cầu đang làm việc với Chủ tịch Hội Hữu Thỉnh nên đã nhờ người khác ra "nhận". Chồng tôi nhất quyết không trao Dạ cho người mình chưa biết mặt. Anh nói qua điện thoại với tôi: "Em gọi Hồng Cầu xuống dắt Dạ vào, hiện giờ cô ấy như trẻ dại, anh chẳng dám giao cho người lạ đâu''. Một lát sau tôi nghe giọng nữ nói trong điện thoại của anh: ''Em Hải văn phòng Hội đây chị Hà ơi, chị bảo anh yên tâm nhé". 

Ngay tối Dạ về Tp HCM, tôi gọi về số điện di động của nàng, hy vọng ai đó sẽ nghe máy. Thật khó tin, không chờ tôi hỏi, đầu bên kia, giọng Dạ vẫn nhỏ nhẹ nhưng chậm rãi, mạch lạc từng lời: "Hà đó hỉ? Dạ về đến nhà an toàn, chỉ tiếc hôm rồi đem tặng Hà cái đĩa ca khúc trữ tình, gồm những bài thơ của Dạ tự phổ nhạc, để vợ chồng Hà nghe chơi, chẳng hiểu sao lại quên mất. Hôm tới Dạ gửi bưu điện ra nhé". Đúng một tuần sau, khi cơn gió bấc đầu tiên của mùa đông Nhâm Thìn đổ về Hà Nội, tôi nhận được bưu phẩm. Đấy chính là đĩa nhạc mang tên: "Ca khúc Lâm Thị Mỹ Dạ". Mừng vì nhận được món quà quý, nhưng mừng hơn vì bạn gái của tôi đã không quên. Tự nghĩ, chắc với thuốc đặc trị, não của nàng đã dần hồi phục.

Đóng kín các ô cửa để cái lạnh trở mùa không ùa vào phòng riêng, tôi mở đĩa nhạc, thả hồn mình vào những ca khúc của Dạ. Phần lớn ca khúc trong đĩa Dạ phổ nhạc, gồm những bài thơ trong tập "Hồn đầy hoa cúc dại" Dạ tặng tôi năm 2007. Hồi ấy nàng chưa có dấu hiệu bất bình thường. Hồi ấy tôi đọc xong, chỉ thấy cái buồn nó man mác theo tác giả, rồi bao nhiêu bộn bề thường nhật, có lúc đã lãng đi. Nhưng trời hỡi, khi giọng ca sĩ Tấn Minh trầm ấm da diết cất lên "thả mây cho gió…/ thả trăng cho trời/ thả người thục nữ/ hồn nhiên nói cười/ thả người tục lụy/ danh vọng đua đòi…/ Tôi về với tôi /…. thơ như máu thắm …/ đau không còn kêu/ người im như bóng …/ tôi về với tôi…", những tưởng sau ngày mẹ tôi qua đời, tôi không khóc nổi trước bất cứ điều gì, thế mà nghe xong bài hát ấy, sống mũi tôi cay nghẹt, nước mắt trào tuôn. Bài thơ "Tôi về với tôi" Dạ đã phổ nhạc với tên "Thả mây cho gió". Phải chăng đấy là điềm báo trước của bệnh tật. Điều ấy cứ ám ảnh tôi mãi cho đến khi viết bài này.           

2.Tôi và nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn được hai cô gái trẻ đồng phục váy ngắn, áo cộc tay màu mận chín lễ phép hướng dẫn lên tầng 10, phòng số… Chuông reo. Bước sau người đàn bà thô đậm ra mở cửa, là Dạ. Nhìn nụ cười quen thuộc nở trên khuôn mặt trắng hơn, đỡ nhăn hơn năm trước, tôi đã mừng thầm. Nhưng khi chị Nhàn hỏi Dạ có nhận ra ai không, nàng dướn cao chân mày, vừa gõ gõ ngón trỏ lên trán vừa lắc đầu: "Dạ trông quen lắm mà không nhớ nổi". Lúc chị Nhàn nói tên mình và tên tôi, không chút ngạc nhiên, Dạ chỉ ậm ừ như đã nhớ ra. Nàng dẫn chúng tôi đến bên chiếc giường đôi sát ô cửa sổ thoáng gió.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đang nằm trên giường đọc báo. Ông chủ không để ý đến khách vừa vào nhà mình. Dạ bảo người đàn bà giúp việc trèo lên giường đỡ chồng mình ngồi dậy. Đúng là phải có sức khỏe như chị ấy mới có thể nâng nổi người bị liệt cả hai chân như anh Tường. Ánh mắt của người giúp việc nhìn chúng tôi như tìm sự chia sẻ. Chẳng e ngại, giọng Quảng Trị cứ sang sảng: "Không chỉ riêng lần ni mô, hằng ngày, hằng đêm còn phải lo những sinh hoạt cá nhân khác cho anh nữa đó, cực chi là cực. Dạ biểu tôi đêm đêm vô nằm bên anh để Dạ khỏi phải gọi, nhưng  tui có chịu mô". Vừa nói, chị vừa đỡ anh Tường ngồi thẳng lưng, buông thõng chân xuống sàn nhà tiếp chúng tôi. Anh Tường nhách miệng cười, gật đầu chào hai chị em tôi. Tôi cảm thấy nụ cười ấy không có màu sắc của vui hay buồn. 

Hai căn hộ của vợ chồng Dạ - Tường và gia đình con gái thông nhau, rộng, thoáng mát. Trong nhà bài trí trang nhã mà sang trọng, đứng ở ô cửa sổ nào cũng thấy dòng sông Sài Gòn. Dạ dẫn chúng tôi đi tham quan tất cả các phòng. Nàng vẫn hồn nhiên như đứa trẻ khi níu chân chúng tôi dừng lại ở một phòng đầy đồ chơi của cháu ngoại.

Người đàn bà giúp việc vẫn kèm theo từng bước. Chị cướp lời bà chủ: "Thôi mà, Dạ dẫn các chị ra bàn khoe vở tập viết đi". Nói rồi chị rảo chân ra chiếc bàn trước nơi thờ cúng ông bà tổ tiên của vợ chồng chủ nhân. Tôi biết, chị giúp việc nói Dạ khoe với chúng tôi, nhưng thực ra chị muốn chúng tôi biết về công sức của mình. Người giúp việc vội vã lấy cuốn vở kẻ ô từng trang đã có chữ mẫu, trải ra mặt bàn, như thể sợ khách  ra về mà không kịp biết kết quả của mình. Đặt cây bút bi vào tay Dạ, người giúp việc cao giọng như cô giáo: "Viết cho các chị coi đi". Bàn tay khô, gân xanh nổi trên màu da trắng bợt, Dạ ngoan ngoãn như cô trò nhỏ trước bà giáo già. Nàng cầm cây bút run run, vì không nhớ mặt chữ nên viết không đúng ô đúng hàng. Chị Nhàn bảo Dạ: "Em viết tên chị nhé". Dạ lại ngước lên hỏi mọi người: "Bắt đầu ra răng?".

Gió lồng lộng sổ tung cả mái tóc lưa thưa điểm bạc của nàng thơ xinh đẹp dịu dàng một thời. Gió như lại ùa vào tôi giọng hát của ca sĩ Tấn Minh: "thả thời thiếu nữ/ khuất vào xa xăm/ thả chùm tóc bạc/ trắng cả ngàn năm…". Lời ca buồn đến não lòng!

Nguyễn Thị Ngọc Hà
.
.