Người "tha hóa" qua các vai diễn

Thứ Hai, 25/07/2005, 07:59

Trong cuộc đời làm diễn viên sân khấu hay điện ảnh, người nghệ sĩ luôn muốn mình tạo được ấn tượng trong lòng khán giả. Chúng ta cũng quá quen với một số gương mặt diễn viên chuyên thể hiện rất thành công một loại vai người tốt hoặc kẻ xấu. Nhưng cũng có những trường hợp diễn viên đã chuyển từ "chính" sang "tà" thành công đến mức bị người xem... căm ghét. Trung Hiếu là một nghệ sĩ tiêu biểu cho trường hợp như thế.

Tôi bắt đầu câu chuyện bằng thắc mắc: Trung Hiếu từng là một diễn viên đang được khán giả ấn tượng về những vai người tốt, hiền lành chất phác, vậy mà tại sao anh có thể “biến chất” nhanh chóng đến thế? Anh đang vào những vai tồi tệ, đểu giả đạt đến mức người xem nhìn thấy anh trên sân khấu hay phim truyền hình là ghét sẵn và lo sợ cho nhân vật chính diện có liên quan đến anh trong phim? Trung Hiếu kể lại: “Tôi vào Nhà hát Kịch Hà Nội đã 12 năm, lại tham gia đóng phim truyền hình khá nhiều. Tôi từng đóng nhiều vai “thiện” và như chị vừa nói là có gây được thiện cảm về loại vai người tốt - việc tốt. Nhưng sau đó tôi muốn thử sức mình trong loại vai trái ngược và cũng may mắn vì được các đạo diễn tin tưởng tạo cơ hội”.

Khi đề nghị Trung Hiếu kể những lần anh thủ vai nhân vật "đểu" điển hình, Trung Hiếu đã cười thật tươi: “Nhiều đấy chị ạ! Nhưng khán giả truyền hình nhớ nhất là vai Khang trong bộ phim truyền hình nhiều tập “Đường đời”. Tôi cũng từng thủ vai một nhân vật quá tồi tệ trong vở kịch “Cát bụi” với diễn xuất “nhập vai” người xấu đến… đáng ghét. Tôi được Ban giám khảo Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2004 trao giải diễn viên xuất sắc. Còn gần đây nhất, vở “Xuân tím” vừa ra mắt, tôi cũng vào vai kẻ thậm tệ đến mức bố  mẹ tôi đi xem về mấy hôm không nói với tôi một câu nào”.

Cũng phải chia sẻ với anh, tôi nhớ là trong vở đó anh đóng vai một người em chồng ve vãn, tấn công chị dâu cả, bắc ghế nhìn trộm chị dâu tắm, đặt chuyện gây hiểu nhầm ghen tuông cho anh cả của mình với một người anh em tốt trong nhà. Ăn nói thì anh cứ mở miệng nói một câu thoại lại làm người xem thấy vừa ghét vừa tức. Nhân vật Tình mà anh thủ vai còn vô lương tâm đến mức có thể cùng khênh người em bị thần kinh nhốt vào nhà xí để cậu ta bị kiến đốt sưng vù… Anh ác thật - tôi đã nói với Trung Hiếu như thế khi trò chuyện. Trung Hiếu thật thà tâm sự:  "Vâng, khổ thế đấy chị ạ! Các cụ nhà tôi đi xem về chỉ đánh tiếng chung chung: Thôi đi, đóng các loại vai ấy thế là đủ rồi. Bạn bè bố mẹ xem con mình nhập vai như thế mãi thì gặp họ cũng xấu hổ”.

Theo nguyên mẫu của nhân vật Hải trong “Đường đời”, tôi được biết, nhân vật Khang cứ đi theo nhân vật Hải trong phim như quỷ ám, hãm hại anh ta suốt mấy chục năm và là “tổng” của cả 3 nhân vật  “phản diện”trong đời thực mà nguyên mẫu gặp phải. Vì thế, sự tồi tệ của Khang sẽ đến đỉnh điểm và đểu một cách… đa diện. Anh đã cùng một lúc “giảm chi phí” cho đoàn làm phim đến “3 cátsê” vai nhân vật đểu ư? Trung Hiếu vui vẻ giải thích: Gộp nhân vật là do các nhà làm phim chủ động, tôi chỉ cố thể hiện phần diễn xuất của mình. Thật ra, trong cuộc đời cũng khó có nhân vật xấu nào cứ đeo đẳng, tập trung hãm hại mãi một người như thế. Vì thế, tôi đã cố gắng vào vai này với một sự cố gắng thể hiện động cơ "đểu" của Khang là đời thiếu may mắn sinh ra đố kị với người bạn được quý trọng hơn, rồi mất chất. Cuối cùng tha hóa đến không có điểm dừng. Ngay cả trong vai Tình, tôi cũng nghĩ đến chiều sâu, nguyên cớ của sự suy đồi là do chị dâu giống người yêu đã chết trong lúc anh ta bị đi tù, mà đó lại là đi tù vì lý do rất ngớ ngẩn… Để diễn được thành công vai người đểu cũng cần phải sống với những oán hận là lý do đểu của anh ta. Như thế ngay cả vai ác cũng có… chiều sâu và không chỉ là biểu hiện bên ngoài.

Như vậy, người nghệ sĩ nhận vai phản diện còn “khốn khổ” vì phải tập trung vào diễn biến nội tâm người xấu. Gặp Trung Hiếu ở ngoài đời mới thấy anh không giống Khang và Tình chút nào, anh hiền khô và khá trang nhã.

Tôi hỏi: "Vì sao anh không tránh bớt các vai ác cho chân dung thêm đẹp và dễ lấy vợ hơn?". Trung Hiếu cởi mở nói: "Tôi không nghĩ mình  khó lấy vợ vì mình hay diễn vai tệ (!). Mỗi diễn viên chúng tôi đều quan tâm cho chân dung nghệ sĩ của mình qua vai diễn hơn là chân dung cá nhân ngoài đời. Nếu cứ lo cho hình ảnh của mình như vậy thì có lẽ chọn nghề khác. Tôi rất cảm ơn khán giả đã ưu ái đối với tôi cũng như đã ghét các nhân vật phản diện Khang, Tình… tôi đóng. Nhưng xin đừng ghét oan tôi (Trung Hiếu) ở ngoài đời".

Chia tay người đóng các vai ngày càng “tha hóa” ấy, tôi ngầm cảm ơn cuộc nói chuyện đã giúp hiểu hơn về mỗi nghệ sĩ khi đóng vai phản diện thật khó khăn lại còn dễ bị ghét oan ở ngoài đời

Nguyễn Kim Anh
.
.