Chuyện bên lề giải Nobel văn học:

Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm

Thứ Sáu, 07/11/2014, 08:00
Đối với không ít nhà văn, giải thưởng Nobel tuy danh giá thật song đã đến với họ không thật đúng lúc. Văn hào Anh (gốc Ireland) Bernard Show, năm 1925, ở tuổi 69, khi hay tin mình được trao giải Nobel đã phát biểu cảm tưởng rằng: Giải thưởng như chiếc phao ném cho ông khi ông đã vào tới… bờ, và rằng, đó là "sự cảm ơn của thế giới vào cái năm tôi không cho ra đời một cuốn sách nào"...

Vậy là, đến hẹn lại lên, vào ngày 9/10 vừa qua, Ban Tổ chức Giải thưởng Nobel chính thức công bố thông tin: Giải Nobel văn học năm nay đã thuộc về nhà văn Pháp Patrick Modiano, một tác giả trước đó từng có tiểu thuyết được dịch in ở Việt Nam ta (sách do dịch giả Dương Tường chuyển ngữ, có tên gọi "Phố của những cửa hiệu u tối"). Mặc dù vậy, với đông đảo bạn đọc nước ta cũng như bạn đọc của nhiều nước trên thế giới, tên tuổi của Patrick Modiano vẫn không phải thuộc dạng "quá quen thuộc" như một số trường hợp khác - ví như nhà văn Nhật Bản Mukarami chẳng hạn. Âu cũng là chuyện thường tình ở giải Nobel - điều được nhiều chuyên gia cảnh báo từ lâu.

Hẳn không phải bạn yêu văn học nào cũng biết, giải Nobel văn học lần đầu tiên được trao (vào năm 1901) là dành cho một nhà thơ Pháp khi ấy đã ở tuổi 62 tuổi và đang mang bệnh nặng. Bệnh tình khiến Sully Prudhomme - tên ông nhà thơ nọ - không thể đến Thụy Điển nhận giải được. Không biết có phải vì cái "dớp" của lần "đầu tiên" này mà sau đó, giải Nobel văn học đã gặp không ít trục trặc? Tuy nhiên, điều đáng nói không phải là chuyện sức khỏe của người được trao giải. Vấn đề là chất lượng giải thưởng. Có thể nói, ở Pháp, hiện không mấy độc giả biết tới cái tên Sully Prudhomme, ngoại trừ những người làm văn học sử. Nhưng biết thì biết vậy, hầu như ai cũng dễ dàng đồng ý với nhau rằng, việc trao giải cho Prudhomme là chưa được thực sự chuẩn xác. Tính đến nay, nước Pháp có 11 tác giả được trao giải Nobel văn học, nhưng lần trao đầu tiên lại dành cho một tác giả mà sự nghiệp văn chương thuộc loại mờ nhạt nhất.

Nếu như người đoạt giải Nobel văn học đầu tiên là một nhà thơ mà đến nay danh tiếng gần như không được mấy độc giả biết tới ngay tại chính quốc, thì trong lần trao giải tiếp theo (năm 1902), giải thưởng Nobel văn học lại thuộc về một người vốn dĩ được xem là nhà sử học hơn là nhà văn: Ông Theodor Mommsen, người Đức. Chẳng là bấy giờ, trên văn đàn thế giới còn không ít ứng cử viên sáng giá, như nhà văn Nga Lev Tolstoy, nhưng do Ủy ban xét giải Nobel không chấp nhận một số quan điểm của Tolstoy nên họ đành phải mở rộng phạm vi xét giải sang các tác phẩm… lịch sử. Rốt cuộc, nhà sử học Theodor Mommsen bấy giờ đã ở tuổi 85 bất ngờ được ẵm giải thưởng văn học danh giá. Điều đáng buồn là vì tuổi cao sức yếu nên chỉ sau khi nhận giải được có một năm, ông Theodor Mommsen đã từ giã cõi đời.

Nhà văn Pháp Patrick Modiano (trái), người vừa đoạt giải Nobel văn học và ứng viên "hụt" - nhà văn Nhật Bản Haruki Mukarami.

Cũng có trường hợp được trao giải khi còn trẻ, thậm chí rất trẻ, như trường hợp của nhà văn Anh Rudyard Kipling. Khi nhận giải (năm 1907), Kipling mới 42 tuổi. Mặc dù Kipling có đến Stockholm (Thụy Điển) nhận giải, song ông không đọc diễn từ và vì trước đó 2 ngày, Vua Oscar Đệ nhị của Vương quốc Thụy Điển qua đời nên bữa tiệc chiêu đãi những người được giải thưởng cũng đã bị… hủy bỏ.

Năm 1915, nhà văn Pháp Romain Rolland được Viện Hàn lâm Thụy Điển quyết định trao giải Nobel, song vì những tranh cãi xung quanh những bài báo mang tinh thần phản chiến của ông mà việc trao giải đã bị đình hoãn đến tận… năm sau, và rồi, vì đang trong giai đoạn chiến tranh ác liệt nên lễ trao giải rốt cục cũng đã không được tổ chức.

Tất nhiên, ngoài lý do sức khỏe và những sự cố khách quan kể trên, cũng có một số tác giả - vì ý thích cá nhân - không muốn đến Stockholm dự lễ trao giải. Như trường hợp nhà văn Mỹ William Faulkner. Năm 1949, hay tin mình được giải Nobel, Faulkner đã từ chối tới Stockholm. Hết Bộ Ngoại giao Mỹ, đại sứ Thụy Điển tại Mỹ, rồi đến gia đình vận động, cuối cùng ông chấp nhận lên đường với lý do: Để con gái có dịp đi du lịch. Trong diễn từ đọc tại lễ chiêu đãi Giải thưởng Nobel tổ chức tại Stockholm ngày 10-2-1949, William Faulkner tâm sự rất thật rằng, ông cảm thấy giải thưởng này không được trao cho ông với tư cách một con người, những tác phẩm viết ra không phải vì lợi lộc mà vì sự thôi thúc đưa ra những gì trước nay chưa từng có. Chính vì ý nghĩ đó, ông muốn cung hiến một phần số tiền của giải thưởng sao cho thật ý nghĩa. Và ông muốn nhận được lời hoan hô nhiệt liệt của mọi người khi phần thưởng đó tới đúng địa chỉ, để rồi biết đâu sau này, những người được hỗ trợ sẽ lại có cơ hội được đứng trên bục vinh danh này như ông.

Đối với không ít nhà văn, giải thưởng Nobel tuy danh giá thật song đã đến với họ không thật đúng lúc. Văn hào Anh (gốc Ireland) Bernard Show, năm 1925, ở tuổi 69, khi hay tin mình được trao giải Nobel đã phát biểu cảm tưởng rằng: Giải thưởng như chiếc phao ném cho ông khi ông đã vào tới… bờ, và rằng, đó là "sự cảm ơn của thế giới vào cái năm tôi không cho ra đời một cuốn sách nào".

Trong danh sách các nhà văn từ chối giải thưởng Nobel, sách báo thường chỉ nhắc tới hai trường hợp: Đó là nhà văn Nga Boris Pasternak (năm 1958) và nhà văn, nhà triết học Pháp Jean - Paul Sartre (năm 1964). Kỳ thực, còn một tác giả nữa, và là người đầu tiên trên thế giới từ chối giải thưởng này: Đó là nhà thơ Thụy Điển Erik Karlfeldt. Ngay từ năm 1912, Karlfeldt đã được đề cử trao giải Nobel, nhưng lấy lý do là Thư ký thường trực của Ủy ban giải thưởng Nobel nên ông kiên quyết khước từ. Thế rồi, cuối năm 1931, ít tháng sau khi mất, Karlfeldt được Viện Hàn lâm Thụy Điển quyết định tặng giải Nobel. Đây cũng là trường hợp đầu tiên và duy nhất trên thế giới được "truy tặng" giải thưởng Nobel. Sau này, Viện Hàn lâm Thụy Điển đã phải chính thức ra tuyên bố sẽ không bao giờ trao giải cho các tác giả đã quá cố.

Trở lại với lý do từ chối nhận giải của nhà văn Pháp J.P.Sartre. Theo như thông tin chính thức đăng trên tờ Le Figaro ngày 23/10/1964 thì không phải xuất phát từ việc ông "xem thường Viện Hàn lâm Thụy Điển", mà chỉ bởi do cách nhìn nhận của ông, việc một nhà văn chấp nhận một sự vinh danh như vậy "sẽ có nghĩa là ràng buộc những cam kết cá nhân của mình với thiết chế đã trao giải, mà nhà văn, trên tất cả không được tự cho phép mình biến thành một thiết chế". Hơn thế, theo Sartre, những giải thưởng Nobel trong quá khứ đã "không hề được trao một cách bình đẳng cho những nhà văn tiêu biểu cho mọi ý thức hệ và mọi dân tộc" nên ông cảm thấy việc mình nhận giải "có thể bị người ta diễn giải một cách bất công" và theo những cách mà ông không muốn.

Năm 1969, được tin mình được giải Nobel, nhà viết kịch người Ireland Samuel Beckett đã ra điều kiện: Ông chỉ đồng ý nhận giải trong trường hợp không phải tới dự lễ trao giải. Thậm chí, ông còn muốn lánh đi đâu đó một thời gian để tránh sự ồn ào, nhòm ngó của công luận. Và người xuất bản sách sẽ tới lĩnh giải thay ông. Nhà văn Australia Patrick White, giải Nobel văn học năm 1973 cũng có ý muốn tương tự. Để tránh sự xưng tụng ồn ào, thay vì có mặt tại lễ trao giải, ông đã nhờ người bạn chí thiết của mình là họa sĩ S.Nolan đến nhận giải thay.            

Năm 1999, giải Nobel văn học được trao cho nhà văn Đức Gunter Grass (tác giả "Cái trống thiếc" đã được dịch ra tiếng Việt, đến năm 2006, sau thời gian Gunter được trao giải Nobel tới 7 năm, trong cuốn hồi ký "Bóc củ hành", nhà văn bất ngờ tiết lộ một "sự thật khủng khiếp", rằng năm 17 tuổi, ông đã được gọi vào Uwffen - SS, một lực lượng mà sau khi cuộc đại chiến thế giới lần thứ hai kết thúc, đã bị kết tội có nhiều dính líu tới đảng quốc xã Đức và là "tội phạm chiến tranh". Lời thú tội này đã làm dấy lên một làn sóng phẫn nộ đòi "xử lý" nhà văn. Đã có phong trào kêu gọi tẩy chay các tác phẩm của Gunter Grass cũng như thu hồi giải Nobel của ông.

Về nhà văn Haruki Mukarami - một trong những ứng viên hụt giải Nobel văn học năm nay - so với nhiều nước châu Á khác, trong lịch sử của mình, đất nước mặt trời mọc từng có hai trường hợp đoạt giải Nobel văn học, đó là nhà văn Kawabata Yasunari (năm 1968) và Kenzaburo Oe (năm 1994). Sau hai chục năm, nhiều nhà văn, nhà phê bình Nhật đã đặt trọn niềm tin vào Mukarami và cho rằng, ông là người rất xứng đáng đại diện cho văn học Nhật Bản nhận thêm một giải Nobel nữa. Chính Kenzaburo Oe, nhà văn Nhật thứ hai được trao giải Nobel đã phát biểu rẳng: "Mukarami đang là niềm hy vọng của người dân Nhật, là nhà văn đương đại có công đầu đưa văn học Nhật đến với thế giới". Tất nhiên, từ mong ước tới hiện thực không hề đơn giản. Nhiều bạn yêu văn học đã biết, năm 2006, khi Mukarami giành giải thưởng Franz Kafka với tác phẩm "Kafka bên bờ biển", thiên hạ ai cũng kỳ vọng ông sẽ nhận được giải Nobel vì là người đầu tiên ở khu vực châu Á được trao giải thưởng Kafka (trước đó, hai tác giả từng nhận giải thưởng Franz Kafka là Horold Pinter và Elfriede Jelinek cũng đã được trao tặng giải thưởng Nobel). Cuối cùng, một chuyện bi - hài đã xảy ra: Một sớm thức dậy, Mukarami bất ngờ nhận được rất nhiều lời chúc tụng. Bạn bè, đồng nghiệp báo cho ông biết họ đã hay tin ông được trao giải Nobel. Mukarami nghe mà ngạc nhiên. Hóa ra đó là chuyện "bé cái lầm": Hệ thống trang chủ của thư viện ở Ashiya - quê nhà của ông đã gặp sự cố nên dẫn tới sự sai sót đó.

Năm 2009, Murakami từng bứt lên, thành ứng viên giải Nobel có tỉ lệ đặt cược cao nhất. Rốt cục, giải Nobel năm đó đã về tay nhà văn, nhà thơ người Đức Herta Muller

Trần Ngọc Xuân
.
.