Người nghệ sĩ mù thăng hoa cùng cây đàn dân tộc

Thứ Sáu, 11/02/2005, 11:41
Nghe NSƯT Kim Sinh đàn, cảm nhận trong từng giọt đàn của ông những vang âm sâu lắng của tâm hồn mà ngàn vạn ngôn từ chắc gì đã giãi bày da diết, lay thức đến thế? Nghệ sĩ Đào Mộng Long từng nhắn nhủ: “Chúng ta không khai thác Kim Sinh thì có khi sau này phải sang Nhật, sang Mỹ tìm hiểu về nhạc dân tộc Việt Nam!”.

Mới 3 tháng tuổi, cậu con trai Kim Sinh của cô hàng xén và thầy ký đã bị mù sau một trận đau mắt. Thầy ký muốn đem cho đứa bé đi, nhưng mẹ cậu không đành lòng. Thầy bỏ đi, hai mẹ con bơ vơ phải về nương nhờ ông ngoại ở cạnh chùa Vân Hồ. Không ai có thể ngờ, đứa trẻ tật nguyền ấy lại được trời bù đắp cho năng khiếu nghệ thuật tuyệt vời!

Tuổi thơ của cậu bé Kim Sinh chìm trong bóng tối. Nhưng ánh sáng cuộc đời cậu lại được thắp lên chính bởi lòng đam mê nghệ thuật. Những bài kèn lính Tây tập hằng ngày ngoài bãi cạnh nhà ông ngoại hay tiếng hát, tiếng trống chèo của những người phu xe tay đêm đêm trong các căn nhà tuềnh toàng đã gieo vào lòng cậu bé 5-6 tuổi những âm thanh nghệ thuật đầu đời, đủ để nuôi trong cậu mơ ước lớn lao.

Không có tiền nên cây đàn đầu tiên trong cuộc đời cậu là cây đàn tự tạo từ hộp xi đánh giày. Thế mà cậu cứ như bị thôi miên, hút hồn mỗi khi cầm cây đàn để gửi vào các cung bậc thanh, trầm bao buồn, vui thân phận…

Năm 1992, NSƯT Kim Sinh được Công ty King Record của Nhật Bản thực hiện một CD mang tên The Art of Kim Sinh (Nghệ thuật Kim Sinh). Sau khi ông được mời dự festival Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan, năm 1995, Hãng Fuji lại đến Việt Nam để thực hiện cuốn băng ghi hình về tiếng đàn dân tộc của ông.

Năm 1996, ông lại được mời sang Nhật với tấm băng rôn chào đón “Kim Sinh - tiếng hát linh hồn Việt Nam” và năm sau, Hãng Truyền hình Lilly Acoustic đã đón ông sang Mỹ ghi đĩa CD The Artistry of Kim Sinh (Tài năng Kim Sinh). Tháng 7/2004, ông lại nhận được giấy mời sang Canada dự festival với lời trân trọng “ông là bậc thầy của đàn gảy Việt Nam”...

Như định mệnh, ít lâu sau gia đình Kim Sinh chuyển đến sống ở xóm Đình Phủ (Khâm Thiên, Hà Nội), lại sát ngay nhà Bích Thuận, Tường Vy - các nghệ sĩ cải lương nổi tiếng. Những đĩa hát của người hàng xóm càng dệt nên khao khát được đàn, được hát giữa cuộc sống tưởng như vô vọng của cậu! Thế là cậu bé mù càng quyết tâm học đàn.

Cậu thọ giáo ông Sinh “răng vàng”, rồi ông Thiệu tài tử về đàn nguyệt cầm và hát văn, để được truyền những ngón đàn huyền bí và những câu hát như rót vào lòng người! Cậu đã học, không chỉ bằng sự nhạy cảm, mà bằng tất cả niềm đam mê cháy bỏng dồn nén.

Âm nhạc đã tưới lên tâm hồn khao khát của cậu từng giọt âm thanh mát lành, làm dịu đi bao xói buốt về số phận. Tiếng đàn, tiếng hát đã trải những cung bậc tình cảm với cuộc đời và là cầu nối tâm hồn cậu bé mù với mọi người… Nghệ thuật như cánh cửa mở cho cậu bé tật nguyền, giúp cậu thêm niềm lạc quan để tự tin đứng vững trước cuộc đời.

13-14 tuổi, Kim Sinh đã trở thành một kép hát được các quan viên quý mến bởi tiếng đàn, lời ca lắng sâu, quyến rũ. Cậu cũng là học trò ruột của nghệ nhân ca trù Quách Thị Hồ, Nguyễn Thị Phúc, Cao Văn Sỹ… đã tham gia biểu diễn tại nhiều sân đình và nhà vương tôn công tử. Mỗi lần cậu cất lên giai điệu Đêm đông, Thiên thai, Giọt mưa thu… là mỗi lần làm mê đắm lòng người. Tiếng đàn như mang cả tâm can người chơi, gieo vào lòng người nghe bao thanh âm da diết “trong như tiếng hạc bay qua/ Đục như tiếng suối mới sa nửa vời”.

Trong kháng chiến chống Pháp, một thời gian Kim Sinh làm công việc tuyên truyền ở Khoái Châu, đem lời ca tiếng đàn phục vụ nhân dân, rồi hát cổ động bình dân học vụ. Từ năm 1954, Kim Sinh trở thành nhạc công chủ chốt của Đoàn cải lương Chuông Vàng (nay là Nhà hát cải lương Hà Nội), rồi giảng dạy cải lương ở Trường Nghệ thuật Sân khấu Hà Nội.

Năm 1983, ông là một trong những nghệ sĩ đầu tiên được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Nghỉ hưu, NSƯT Kim Sinh tiếp tục cộng tác với Nhạc viện Hà Nội để dạy hát cải lương. Nghe một băng nhạc vọng cổ, nếu ông không giới thiệu rằng, đó chính là giọng hát ông, tôi cứ ngỡ đó là của một tài tử Nam Bộ chính hiệu bởi âm giọng vang cao, rung ngân, lắng sâu, đầy chất Nam Bộ.--PageBreak--

Không chỉ hát hay, NSƯT Kim Sinh còn chơi giỏi nhiều loại nhạc cụ, từ đàn nguyệt, đàn tứ, đến ghi ta, vĩ cầm vv… Nhưng với ông, “cái mà tôi yêu quý, thấy có nghĩa vụ phải giữ gìn và bày tỏ lòng trung thành với giống nòi là chơi đàn nguyệt”.

Ông bảo, người chơi thực sự yêu đàn nguyệt thì phải đánh đúng kiểu của dân tộc, tiếng đàn phải cất lên được tiếng nói của tổ tiên, lắng sâu hồn đất Việt! Kim Sinh chơi đàn điêu luyện đến mức có thể dùng tiếng đàn để nói chuyện. Dĩ nhiên, để có tiếng đàn mang dấu ấn riêng là cả một hành trình lao động nghệ thuật vô cùng nghiêm cẩn của người nghệ sĩ!

Với một người mù cả 2 mắt như ông, điều đó càng đòi hỏi sự lao tâm khổ tứ. Bởi âm nhạc truyền thống rất phong phú. Chỉ hát văn đã có 60 - 70 điệu, chèo có tới 400 - 500 làn điệu, chưa nói tới cải lương… Mỗi điệu, mỗi lời lại phải có cách thể hiện riêng. Cùng lối hát văn nhưng đàn và hát xá thương phải khác với điệu cờn; hát văn công đồng thì trang nghiêm, còn lời ông hoàng lại mang vẻ sang trọng ..v.v…

Thăng hoa bên tiếng đàn.

Ông bảo, đàn nguỵêt có từ thời Bà Trưng, Bà Triệu, được cấu tạo cho lối chơi nhấn, để tiếng đàn trầm lắng, nhẹ nhàng, phù hợp tâm lý, tình cảm người Việt. Thế mà giờ người ta đang biến tấu cách chơi đàn nguyệt thành lối vê giòn giã, chẳng còn đâu truyền thống “nguyệt nhấn, nhị rền, tam vê, tỳ đối…” nữa! Điều đó làm ông đau đáu buồn, như thể đang sắp vuột khỏi tay đồ gia bảo…

*

*   *

Hình như tài hoa luôn là tình nhân của lận đận! NSƯT Kim Sinh cũng thế! Ông có tới 4 lần “rước xe hoa” về “ngõ nhỏ”. Không biết tôi nói rằng ông lận đận có đúng không khi có người lại bảo, điều đó chứng tỏ sự đào hoa của người nghệ sĩ mù!

Năm 1949, khi làm cho gánh hát Ba Bé, kép Kim Sinh đã được một bà quý mến mà gả con gái cho. Sáu đứa con ra đời là kết quả của mối tình nở sớm ấy! Dẫu ông không nhìn thấy, nhưng tiếng đàn của ông lại có sức hút mãnh liệt, vang xa, làm thổn thức bao trái tim.

Thương người, nghệ sĩ Kim Sinh thành đa mang, bởi ông không phải là kẻ “truất ngựa truy phong”! Thế nhưng, giờ đây, ông lại chẳng sống cùng người vợ nào cả. Chỉ có cô con gái tên là Ngọc, năm nay 20 tuổi vừa đi học ở Nhạc viện Hà Nội, vừa chăm sóc ông. Nghệ sĩ Kim Sinh còn có cậu con trai cũng rất yêu nhạc truyền thống, đã cùng ông phối khí trong CD thực hiện ở Mỹ năm 1997.

Suốt cuộc đời, cây đàn luôn là người bạn thân thiết nhất để ông bạn bầu, trao vui, gửi buồn. Ông dành dụm những đồng tiền ít ỏi để mua sắm đàn, thỏa mãn niềm đam mê từ nhỏ. Đến nay, ông có khoảng vài chục cây đàn: nguyệt, tỳ, sến nhị, tứ, ghita, ócgan vv… Có lẽ, với ông, những cây đàn này mới là tài sản đáng giá nhất, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng!

Ông cười: “Một người thiệt thòi như tôi đáng ra phải bi quan lắm, vì tranh đẹp, tivi, xe máy và cả… người đẹp đều không được nhìn ngắm, nhưng lúc nào tôi cũng lạc quan!”

Ngô Thanh Hằng
.
.