Tản văn

Người mẹ tảo tần

Thứ Ba, 20/05/2014, 08:00
Mẹ tôi bị ung thư dạ dày, vùng hang vị. Vì bệnh viện nói rằng cụ bị khối u ác tính, không chữa được, nên suốt hơn tám tháng trời, mẹ tôi âm thầm chịu đựng con bệnh hành hạ. Con cháu cũng chẳng chạy chữa, thuốc thang gì nhiều cho mẹ. Nói đến điều này, cho đến giờ, tôi vẫn thấy ân hận và xấu hổ...

Mẹ tôi mất sau hơn 8 tháng trời đổ bệnh, hưởng thọ 69 tuổi. Có một chi tiết này mà mỗi lần nghĩ đến mẹ, chị em tôi lại không khỏi buồn thương, xa xót. Chả là lúc còn khỏe, mẹ tôi rất vất vả, luôn chân luôn tay, hầu như không biết nghỉ ngơi là gì.

Mấy cụ trong xóm góp ý: "Bảy mươi tuổi rồi, chẳng tội gì mà vất vả nữa, nghỉ ngơi rồi đi chùa cho nhàn thân". Mẹ tôi rất tâm đắc với lời góp ý này, cũng định ăn Tết xong là nghỉ ngơi, vui cảnh chùa chiền. Nhưng chưa kịp thực hiện ý định đó thì mẹ tôi đổ bệnh, bệnh nặng dần, rồi mất. Như thế, cả cuộc đời mẹ tôi vất vả nắng mưa, thức khuya dậy sớm, cứ lụi hụi, lọ mọ suốt ngày, từ việc đồng áng đến việc nhà, chẳng lúc nào ngơi nghỉ. Chỉ có một mong ước đơn sơ lúc cuối đời mà cũng không thực hiện được.

Mẹ tôi bị ung thư dạ dày, vùng hang vị. Vì bệnh viện nói rằng cụ bị khối u ác tính, không chữa được, nên suốt hơn tám tháng trời, mẹ tôi âm thầm chịu đựng con bệnh hành hạ. Con cháu cũng chẳng chạy chữa, thuốc thang gì nhiều cho mẹ. Nói đến điều này, cho đến giờ, tôi vẫn thấy ân hận và xấu hổ. Trong hơn tám tháng mẹ tôi đau ốm, tôi chỉ được cái là năng về thăm mẹ.

Từ Xuân Hòa về quê tôi khoảng 40 cây số, lại cách sông cách đò nhưng tôi đi lại liên tục, cả thảy đến hàng nghìn cây số. Điều mà tôi ân hận là lúc ấy tôi không có tiền và không thu xếp được thời gian để đưa mẹ đi bệnh viện, để tìm thầy tìm thuốc chạy chữa cho mẹ. Mỗi lần về thăm mẹ, đến cả đồng quà tấm bánh, hộp sữa để mẹ bồi dưỡng… cũng không có. Thời bao cấp, mọi người nghèo quá.

Sau Tết Nguyên đán, mẹ tôi cứ yếu dần, người gầy rộc, da xanh lướt, cơn đau ngày một tăng. Mỗi lần từ Xuân Hòa về quê thăm mẹ, trên đường đi, tôi cứ phấp phỏng nghĩ khôn nghĩ dại, biết đâu giờ này mẹ tôi đột ngột chuyển bệnh… Thế là cứ về đến đầu làng, khi tôi chào bà con trong xóm, trong làng, tôi chú ý xem họ có nói gì, có báo tin dữ không. Nếu họ không nói gì, tôi mới an lòng.

Mấy tháng trước khi mẹ tôi mất, người nhà đến thăm và ngủ lại qua đêm rất đông. Không đủ giường phản, gia đình tôi tháo cả cánh cửa gỗ kê ra sân. Mọi người nằm ngả ngớn, vừa phe phẩy quạt đuổi muỗi vừa chuyện trò vui vẻ. Ở quê tôi, khi đi thăm người ốm (là người có quan hệ họ hàng gần gũi), để bày tỏ tình cảm, sự quan tâm, người ta thường ngủ chơi ở nhà người ốm một vài lần… Mấy tuần cuối, mẹ tôi gần như không ăn uống gì, chỉ đòi uống nước mát. Chắc trong người mẹ tôi nóng khi khối u ngày càng to lên.

Người ta phải tiêm mooc-phin để mẹ tôi đỡ đau. Lúc mẹ tôi sắp mất, dường như linh cảm được cái chết đang đến, mẹ tôi quờ nhẹ tay về phía tôi (chị Lịch và tôi ngồi túc trực bên cạnh mẹ), mắt hướng về phía tôi như muốn nói lời vĩnh biệt. Thế rồi, đồng tử mắt của mẹ giãn ra, chân tay tê lạnh, mẹ ngừng thở. Lúc đó là 12h30' trưa ngày 12/7 âm lịch (tháng nhuận) năm 1987.

Sinh thời, mẹ tôi là người phụ nữ nông dân cần cù, chịu khó, từ việc đồng áng đến việc nhà, luôn chân luôn tay không ngơi nghỉ. Đặc biệt, mẹ tôi làm việc gì cũng cẩn thận, chắc chắn, chỉn chu đến mức mẫu mực. Bà con trong xóm thường nói vui: "Cứ nhìn luống rau, luống khoai, ruộng lúa, ruộng ngô… của cụ Lịch là biết ngay. Mọi thứ đều phẳng phiu, ngang hàng thẳng lối, đẹp như tranh vẽ. Đất làm kĩ, chăm sóc, tưới tắm cẩn thận. Rau, khoai, ngô, lúa… xanh tốt bời bời".

Việc nhà cũng vậy, từ xay giã, giần sàng, làm bánh trái, khâu vá… việc gì mẹ tôi cũng làm cẩn thận, sạch sẽ, tươm tất, chu đáo. Khi làm ren, lũ con gái nhanh tay tinh mắt nhưng đều phải nể phục tấm ren mẹ tôi làm. Đường kim mũi chỉ chắc chắn, cứng cáp, đều đặn, đẹp mắt. Vì vậy, hàng ren mẹ tôi làm không bao giờ bị trả lại. Nhưng không hiểu sao, những đức tính ấy của mẹ tôi không truyền được nhiều cho chị em tôi. Chị em tôi đều vụng về, đểnh đoảng. Riêng tôi, có lẽ tôi nhận được từ mẹ đức tính cẩn thận. Sự cẩn thận, cẩn trọng giúp tôi rất nhiều trong công việc viết sách, viết báo, công việc biên tập xuất bản mà tôi gắn bó quá nửa cuộc đời.

Bố tôi mất từ năm 1964, mẹ tôi âm thầm làm lụng, chắt chiu, nuôi chị em tôi ăn học, trưởng thành. Mẹ tôi không biết ăn ngon mặc đẹp là gì, cả đời lặng lẽ hy sinh vì con cái. Gần đây, khi đời sống vật chất của gia đình chị em tôi khá lên thì mẹ tôi không còn. Chị em tôi không còn cơ hội để báo đáp, bù đắp cho những vất vả, hy sinh của mẹ. Nhưng ở cõi vĩnh hằng, thấy con cháu trưởng thành, đời sống tạm ổn, thậm chí dư dả, gia đình đoàn kết, thương yêu nhau, chắc mẹ cũng mát lòng mát dạ…

Lê Hữu Tỉnh
.
.