Người mẹ của "Pippi tất dài"

Thứ Năm, 10/12/2015, 08:00
Tháng 10 vừa qua,  tại Đức đã lần đầu ra mắt hai cuốn sách liên quan tới cuộc đời của nữ nhà văn nổi tiếng người Thụy Điển Astrid Lindgren, người đã sáng tạo nên "Pippi tất dài", nhân vật văn học làm say mê nhiều thế hệ trẻ em trên thế giới.

Hai cuốn sách, một cuốn viết về tiểu sử nhà văn của tác giả Jens Andersen và một cuốn là nhật ký viết trong thời chiến của bà, sẽ giúp độc giả có được hình dung đầy đủ hơn về chân dung nhà văn có tinh thần khoáng đạt, yêu chuộng hòa bình, người đã dùng văn phong và khiếu hài hước để đối diện với những trở ngại trong cuộc sống và đương đầu với những sự thật khủng khiếp của chiến tranh.

Quang cảnh sống trên hòn đảo Furusund của Thụy Điển trên thực tế giống hệt với những gì được nhà văn Astrid Lindgren miêu tả trong tiểu thuyết "Seacrow Island" (Đảo chim biển). Đây là nơi bà đã ở trong nhiều mùa hè và một số tác phẩm đã ra đời tại đó. Khi đã trở thành biểu tượng của nền văn học Thụy Điển, bà Lindgren thường tới đảo Furusund những lúc cần tĩnh lặng. Nơi đó yên tĩnh và bình yên hơn ở Stockholm.

Nữ nhà văn Astrid Lindgren.

Chỗ ngồi yêu thích nhất của bà là chiếc ghế băng đặt trên ban công của tầng hai nhìn ra biển. Con gái nhà văn, bà Karin Kyman, nay cũng đã hơn 80 tuổi và có diện mạo rất giống mẹ, chỉ cho mọi người xem dòng chữ được viết bằng bút chì ở mặt dưới chiếc ghế: "Ngày 3-7-1963. Mùa hè. Tuyệt vời. Như những ngày hạnh phúc xưa. Khoảng đầu hè thật kỳ diệu. Tôi đã ở đây trong toàn bộ tháng sáu và đã viết "Michel from Lanneberga" (Michel ở Lanneberga). Cuốn sách giờ đã xong. Chúng tôi đã mua một chiếc thuyền buồm, chiếc 'Saltkrokan'". Chắc chắn nữ nhà văn Lindgren đã phải nằm ngửa trên nền nhà để viết những chữ đó, hai chân phải thò ra ngoài và có lẽ lúc đó bà cũng đung đưa chân giống như cô bé Pippi!

Ngoài "Pippi tất dài", bà còn có những tác phẩm tuyệt vời khác như "Mio, my son" (Mio, con trai ta" và "My Nightingale is singing" (Chim sơn ca của tôi đang hót). Bà cũng đã sáng tạo nên các nhân vật như Madita và Lotta, Karrlsson-trên-mái-nhà và Kalle Blomquist.

Các nhân vật do nhà văn sáng tạo nên đã ăn sâu trong tâm trí của nhiều thế hệ trẻ thơ sinh ra từ sau thế chiến thứ hai. Vào những năm 1960 và 1970, rất ít loại hình giải trí có thể thay thế cho những cuốn truyện thiếu nhi của nhà văn Astrid Lindgren.

Trong những năm xảy ra thế chiến thứ hai, bà đã viết tới 17 cuốn nhật ký.

Những ghi chép cho thấy rất nhiều mối quan tâm và cả về cuộc sống thường nhật của một gia đình trung lưu Thụy Điển. Nó cũng thể hiện những niềm vui đơn sơ trong cuộc sống gia đình của bà như những chuyến đi chơi bằng xe đạp, những lần tản bộ giữa các luống hoa ở Vasapark và lần gia đình bà chuyển tới sống ở một căn hộ rộng rãi hơn.

Vào thời điểm bà Lindgren bắt đầu ghi nhật ký, bà vẫn chưa nổi tiếng. Để mưu sinh, bà phải làm việc ở bộ phận kiểm duyệt thư tín thuộc cơ quan tình báo Thụy Điển năm 1940. Do tính chất công việc đương nhiên bà phải giữ bí mật hoàn toàn với những gì đọc được, nhưng dù sao chúng cũng gây ấn tượng nhất định với bà.

Con gái nhà văn, bà Karin Kyman lý giải: "Mẹ tôi viết cuốn nhật ký này để giúp bà hiểu hơn về những gì đang diễn ra. Bà muốn hiểu rõ về diễn tiến phát triển của các sự kiện như nó đã xảy ra khi đó".

Bà là một người phụ nữ rất quan tâm tới chính trị. Mùa thu năm 1939, bà viết: "Quá tồi tệ khi không có ai bắn chết Hitler". Cuốn nhật ký đánh dấu điểm khởi đầu cho hành trình tận tụy suốt đời của bà hướng tới hòa bình.

Thông qua những trang nhật ký, tài năng cũng như phong cách văn chương của bà dần định hình. Người ta có thể nhận ra giọng văn không thể nhầm lẫn với ai của bà ở sự giao hòa giữa sự rõ ràng, tinh tế và chất hài hước chua cay trong phần viết đề ngày 5-9-1942: "Cuộc chiến tranh vừa bước sang năm thứ ba nhưng tôi đã không kỷ niệm ngày sinh của nó".

Mùa hè năm 1944, khủng hoảng xảy đến. Chồng bà, ông Sture, đã phải lòng một phụ nữ khác. Bà viết: "Một trận lở đất đã sập xuống cuộc đời tôi".

Khi bà Lindgren xuất bản cuốn "Pippi tất dài" năm 1945, thời điểm vừa kết thúc thế chiến thứ hai, cuốn sách là sự kiện mang tính nhạy cảm rất rõ. Đó là tác phẩm viết về một nhân vật nữ anh hùng có thể ăn cả một chiếc bánh cùng lúc treo cả đám con trai khó chịu lên các nhành cây, và trong rạp xiếc đánh bại được cả Mighty Adolf, người khỏe nhất thế giới! Nhân vật một cô bé như vị nữ anh hùng, mạnh mẽ hơn và thông minh hơn rất nhiều so với bất cứ người lớn nào khác.

Tháng 3-1944, bà Lindgren ghi trong nhật ký: "Ở nhà, Karin bị lên sởi và phải chấp nhận mọi kiêng cữ, con bé không được phép ngồi dậy. Lúc này tôi đang phải tự làm mình vui với Pippi". Bà tự làm bị thương mắt cá chân và buộc mình ở nhà, nghỉ ngơi, tranh thủ thời gian để viết.

Các em nhỏ của nhiều thế hệ vẫn say mê những câu chuyện về cô bé Pippi tất dài của nữ nhà văn Astrid Lindgren - Ảnh: Londonisreading.

Cô gái nhỏ với sức mạnh siêu nhiên Pippi đã đem lại niềm vui cho cả nhà bà Lindgren trong hơn hai năm. Trước đó tháng 12-1941, bà Lindgren đang ngồi cạnh giường con gái. Karin đang bị viêm phổi. Cô kể: "Để giữ mẹ ở thêm bên tôi chút nữa, tôi đã nói với bà: Hãy kể cho con nghe chuyện gì đó về Pippi tất dài đi mẹ. Tôi chưa bao giờ nghĩ về cái tên đó lúc trước. Tôi chỉ đơn giản nghĩ ra nó để khuyến khích mẹ kể cho tôi nghe một câu chuyện".

 "Pippi tất dài" là tác phẩm của một người vợ và một người mẹ thích đọc sách. Những trải nghiệm và học vấn của bà đã thấm vào tác phẩm. Bà cho phép mình chịu sự ảnh hưởng của lòng nhiệt tình từ các thính giả nhỏ tuổi đầu tiên của câu chuyện, và bà cũng luôn cho rằng cần hết mực tôn trọng trẻ em.

Bản thảo đầu tiên của Pippi đã được bà Lindgren gửi tới nhà xuất bản Bonniers, nhưng năm tháng sau người ta gửi trả lại bà kèm theo bức thư từ chối. Bà đã bắt tay viết lại với những chỉnh sửa thêm. Sau đó nó cũng đã được xuất bản và tư tưởng cách mạng của nó vượt xa hơn so với nội dung "Pippi tất dài" bản thảo đầu tiên.

Việc xuất bản "Pippi tất dài" vào tháng 11-1945 đánh dấu khởi đầu đích thực sự nghiệp văn chương của bà. Đó là khoảnh khắc quan trọng trong đời bà. Sau rất nhiều tháng xa cách, chồng bà đã trở về đoàn tụ.

Trong vài năm sau đó, bà đã viết được thêm hai cuốn truyện Pippi nữa và cũng đã sáng tạo thêm nhân vật Kalle Blomquist. Lúc đó bà cũng gần 40 tuổi, trở thành nhà văn viết cho thiếu nhi nổi tiếng thế giới.

Năm 17 tuổi,  bà quyết định học nghề báo tại tòa soạn nhật báo Vimmerby Tidning. Lúc đó bà vẫn còn có tên là Astrid Ericsson, nổi tiếng là một thiếu nữ phi truyền thống tại quê nhà. Tháng 9-1926 bà rời khỏi tờ báo khi chưa tới 19 tuổi, vì lúc đó bà đang mang bầu đứa con với ông tổng biên tập đã có gia đình, lớn hơn bà tới ba mươi tuổi. Nhà văn Andersen miêu tả những năm tháng tiếp sau đó giống như một cuộc đổ vỡ đã nhào nặn cuộc đời bà Lindgren. Bà chuyển tới Stockholm và tham gia một chương trình huấn luyện với vai trò thư ký kiêm nhân viên tốc ký.

Tuy nhiên bà đã không muốn sinh con tại Stockholm, cạnh cha đứa trẻ và tòa xử ly hôn khó khăn. Nhà hoạt động nữ quyền Eva Andén đã khuyên bà sinh con tại Đan Mạch. Cuối tháng 11- 1926, bụng mang dạ chửa, bà một mình tới Copenhagen. Ở đây bà đã tìm được một gia đình nhận nuôi đứa con trai tên Lars bà sinh ra sau đó.

Người mẹ trẻ đã phải gánh chịu nỗi đau vô bờ sau cuộc chia lìa. Khoảng thời gian khó khăn còn kéo dài suốt ba năm. Chỉ tới khi bà gặp được ông Sture Lindgen tại Stockholm và hai người kết hôn vào mùa xuân năm 1931, bà mới có thể đưa con trai về nhà.

Từ lâu ông Lindgren vẫn im lặng về phần đời này của vợ mình, và chỉ đề cập tới nó trong cuộc trả lời phỏng vấn với nhà báo Margareta Stramstedt vào những năm 1970.

Mùa thu năm 1978, bà Lindgren được trao tặng Giải thưởng Hòa bình của Hiệp hội German Booksellers. Vào giai đoạn kết thúc của sự nghiệp văn chương, bà Lindgren còn sáng tạo thêm một nhân vật văn học khác, một người có thể gọi là bạn của Pippi trong cuốn sách "Ronia the Robber's daughter" (Ronia, con gái của Robber), xuất bản năm 1981. Đó là cuốn tiểu thuyết cuối cùng của bà, một câu chuyện về lòng dũng cảm và sự kiên trì.

Trần Đắc Luân
.
.