Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều:

Người không quen ngồi một mình dưới ánh điện

Thứ Hai, 02/07/2007, 13:00

"Vào những lúc như thế này, bất giác tôi lại nhớ tới nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Không nghi ngờ gì nữa, tác giả thi phẩm “Sự mất ngủ của lửa” xứng đáng là tấm gương trong việc thực hành tiết kiệm điện".

Ngành điện của chúng ta đang lâm vào tình trạng “cung không đủ cầu”. Đợt nắng dữ vừa rồi, nhiều khu vực ở Hà Nội đã phải cắt điện đột ngột. Cắt cả ban đêm, khi mọi người đang say giấc.

Lãnh đạo Tổng Công ty Điện lực Việt Nam phải thay nhau lên tiếng trên công luận, kêu gọi mọi người tăng cường tiết kiệm điện. Nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó có việc chuyển các loại bóng đèn đang dùng sang bóng compact. Nhưng cơ bản vẫn là khuyến cáo người dân hạn chế sử dụng điện khi không thật cần thiết.

Vào những lúc như thế này, bất giác tôi lại nhớ tới nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Không nghi ngờ gì nữa, tác giả thi phẩm “Sự mất ngủ của lửa” xứng đáng là tấm gương trong việc thực hành tiết kiệm điện.

Hồi còn làm phóng viên Chuyên đề An ninh thế giới, tôi cùng Nguyễn Quang Thiều được Tổng biên tập Hữu Ước bố trí ngồi chung một phòng tại tầng 4 tòa nhà 100 Yết Kiêu. Đây là một căn phòng rộng rãi, đầy đủ tiện nghi, đẹp và có cấu trúc như một phòng nghỉ trong khách sạn.

Ngoài chùm đèn sặc sỡ, công suất tới cả nghìn oát, phòng còn được “hỗ trợ” bởi hai bộ đèn tuýp 4 chiếc. Ngoài ra, còn có một cửa sổ lớn mở nhìn xuống phố Đỗ Hành. Nói chung, trong mọi trường hợp, nguồn ánh sáng của chúng tôi là rất dư dả.

Tuy vậy, hễ đi đâu về phòng bao giờ tôi cũng phải làm một động tác thừa, là rút chìa khóa tra vào ổ. Bởi dẫu nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đang lừng lững tại vị như một hòn đá tảng trong phòng, song cứ bên ngoài nhìn vào, không ai có thể nhận ra điều ấy.

Ô kính cửa phòng mờ mờ một thứ ánh sáng rất khó dự đoán là ánh sáng tự nhiên hay nhân tạo. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có một thói quen bất di bất dịch, là dù ngồi nghỉ hay đang viết, anh chỉ sử dụng một nguồn ánh sáng rất hạn chế.

Có lẽ từ lâu anh đã quen như vậy. Trong bầu ánh sáng nhờ nhờ ấy, cặp mắt ốc nhồi của Thiều ánh lên, kỳ ảo và đầy mẫn cảm. Thiều có một điều lạ, đến nay tôi vẫn không sao cắt nghĩa nổi. Có những lúc anh nằm thu mình như một cậu bé trên chiếc giường xếp, cặp mắt nhắm nghiền như đã ngủ… tự nghìn năm.

Ấy vậy mà chỉ thoáng một tiếng động, đã thấy anh mở mắt bình thản, như thể anh… chưa ngủ bao giờ. Dường như với Nguyễn Quang Thiều, thức hay ngủ anh đều quen với nguồn ánh sáng nhờ nhờ mà anh gọi là “dịu dàng” ấy.

Bây giờ ở báo Văn Nghệ cũng vậy, trong phòng làm việc của Nguyễn Quang Thiều có hai ngọn đèn, nhưng anh chỉ dùng một. Anh thổ lộ: “Ánh sáng rực rỡ quá thường làm mình lúng túng. Sáng rực rỡ, sáng trắng ra, tất cả mọi thứ đều đã rõ ràng, cho chúng ta cảm giác trống, như là không có gì để nói nữa.

Trong phòng làm việc, tôi thường tắt đèn, mở cửa sổ. Ánh sáng đủ nhìn thấy chữ là tôi có thể gò mình ngồi viết. Đến nay, mặc dù đây đó tôi cũng tham gia trả lời phỏng vấn báo này báo khác, song tôi vẫn không thoát khỏi cảm giác kinh hãi khi ngồi trước máy ghi hình hay ngồi trên bục diễn giả mà ánh sáng chiếu thẳng vào mặt khiến tôi không nhìn thấy ai ở dưới để nói điều gì đó”.

Nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng từng nhận xét: Truyện của Nguyễn Quang Thiều lúc nào cũng được khởi sự bằng một không gian vào buổi tối. Tôi thì tôi lại nhận thấy ngay cả thơ Nguyễn Quang Thiều cũng vậy.

Trong nhiều bài, thời điểm anh đề cập là vào buổi tối hoặc đêm hôm khuya khoắt, và ánh sáng nếu có hầu hết cũng là ánh trăng hoặc ánh của ngọn đèn… hạt đỗ, chứ không phải ánh sáng đèn điện.

Trong “Bài hát về cố hương” có đoạn: “Tôi hát về cố hương tôi/ Trong ánh sáng đèn dầu/ Ngọn đèn đó ông bà tôi để lại”. Bài “Cánh buồm” tác giả mở đầu bằng cảnh thị xã đêm mất điện và trong cảnh “Không ai nhìn rõ ai/ Tôi cũng không nhìn rõ tôi” là lúc anh nghe “tiếng nói nổi lên như từng chùm tăm cá”.

Quả là, trong bóng tối, mọi giác quan và trí tưởng tượng của nhà thơ được phát huy cao độ. Thảo nào mà trong bài thơ “Bầy kiến qua bàn tiệc” anh đã nhìn “chiếc bóng điện 1000 oát” như “vầng mặt trời giả dối/ Lặn xuống từ công-tắc màu đen”.

Giải thích tại sao mình có phần “dị ứng” với ánh sáng đèn điện, và có phần “thiên vị” với ánh sáng đèn dầu, Nguyễn Quang Thiều cho hay: “Thuở nhỏ, bên ngọn đèn dầu được vặn nhỏ đến leo lét để tiết kiệm dầu, bà nội tôi, người suốt bốn năm trời nằm liệt trên giường đã kể cho tôi nghe biết bao nhiêu chuyện.

Trong ánh sáng buồn bã ấy, câu chuyện bà kể đã ăn sâu vào hồn tôi, ám ảnh tôi đến tận giờ, khiến mỗi khi gặp lại thứ ánh sáng đó, thì những cái gì đó của sự lạ lùng, của thân phận lại vẩn vơ thức dậy trong tôi. Rõ ràng, bóng tối hay ánh sáng mờ ảo đã tạo cho tôi suy nghĩ, cảm xúc mạnh hơn”

Phạm Khải
.
.