Người giữ lửa cho gốm

Thứ Hai, 03/08/2009, 10:00
Người ta gọi anh là Toàn "gốm", Toàn "họa sĩ", rồi Toàn "sắp đặt", thật ra cái tên nào cũng phù hợp, vì ở những lĩnh vực nói trên, anh đều để lại dấu ấn riêng... Ba mươi năm gắn bó với công việc phục chế gốm cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Nguyễn Bảo Toàn đã thấm được cái thẩm mỹ tinh tế ẩn sâu trong dáng vẻ nhiều khi thô tháp, mộc mạc của gốm truyền thống.

Với anh, gốm như một bức tượng, như một trò chơi đất với lửa và hoàn toàn có thể du nhập nó vào nghệ thuật sắp đặt....

-Thưa họa sĩ Nguyễn Bảo Toàn, khi đọc lý lịch trích ngang của anh: "Đẻ ở Hàng Bè. Biết lẫy, biết bò, đi ở Hàng Gai. Biết kiếm sống ở Hàng Đào, Hàng Ngang..." tôi thấy hình như nó chẳng ăn nhập gì với dáng vẻ bên ngoài phong trần, phiêu bạt của anh cả... Vậy có cái "căn cước" nào để khẳng định chất Hà Nội trong anh trước mối "nghi ngờ" này?

+ Đúng là nhìn dáng vẻ bên ngoài, nhiều người không tin tôi là người Hà Nội gốc. Phần nhiều họ nghĩ tôi là dân tự do, ở nơi khác đến. Tôi yêu Hà Nội và tự hào là một phần trong nó. Như bao trẻ con Hà Nội khác, cả thời thơ ấu, tôi lang thang trong các ngõ ngách nhỏ, trèo me, trèo sấu, có khi ra bãi sông Hồng nhổ trộm ngô, khoai... Một thời gian dài tôi phải vất vả phụ giúp gia đình, sau giờ học là hai phích kem và một giỏ nước vối đi bán, nhảy tàu điện từ Bờ Hồ đi đủ các tuyến về Cầu Giấy, Hà Đông, Bưởi, Ga Hàng Cỏ... Giờ Hà Nội đã pha trộn nhiều, nhưng nếu tinh ra vẫn nhận ra được người cũ, người mới. Từ giọng nói, cách uống trà, cách cư xử hàng ngày... mỗi thứ một tí vẫn thấy rõ đâu là người Hà Nội gốc. Lũ trẻ chúng tôi ngày xưa giờ lớn lên vẫn sống một cuộc sống bình dị, có khi là hơi vất vả, nhưng vẫn có một khí khái riêng, rất Hà thành.

- Hà Nội hôm nay đang đổi khác từng ngày, đông đúc, hiện đại và náo nhiệt hơn, nhưng trong tranh của anh tôi lại nhìn thấy một Hà Nội khác, tĩnh lặng, thậm chí rất tĩnh lặng. Nó giống như là tâm trạng hoài cổ vậy. Anh nghĩ sao về điều này?

+ Trong bộ tranh về Hà Nội 36 phố phường, tôi đã dùng nền là những bức ảnh chụp phố cổ được làm mờ bằng kỹ thuật vi tính, rồi sau đó vẽ chồng lên những căn nhà thấp kéo dài yên lặng. 36 bức tranh khi được bày ra cùng lúc sẽ cho người xem cảm giác rõ ràng về sự xưa cũ của Hà Nội. Các ngôi nhà giờ đây đã khác xưa, con người cũng đã đổi khác, nhưng lẩn khuất đâu đó vẫn là dáng vẻ kiêu kỳ của một Hà Nội ngàn năm văn hiến. Tôi muốn công chúng cùng cảm nhận một Hà Nội chìm khuất trong cái huyên náo, ồn ào của cuộc sống hiện đại.

- Được biết anh có quãng thời gian phải xa Hà Nội, "xê dịch" lên tận miền núi để sống. Sống ở một vùng đất khác, với những thói quen và nét văn hóa khác, liệu cái chất Hà Nội trong anh có mất đi ít nhiều?

+ Tôi phải xa Hà Nội, xa gia đình khoảng 10 năm, lên rừng sống một thân một mình. Cũng vất vả lắm, phải kiếm củi, trồng rau, nuôi lợn, đủ cả. Rừng núi heo hút lại lắm thú dữ, rắn rết, cũng sợ lắm, nhưng rồi phải can đảm để vượt qua… Dần dần tôi lại thấy yêu cuộc sống, yêu tập tục, yêu con người phong cảnh nơi đây. Có lẽ để làm được thế chính nhờ cái "chất kiêu" của người Hà Nội giúp tôi vượt qua và hòa nhập với cuộc sống mới. Càng đi xa lại càng thấy rõ cái "kiêu ngầm" ấy. Tôi thu nạp thêm cái chất kiêu hùng của một chàng trai núi rừng, chứ không bị "nhạt" đi cái phần Hà Nội. Hai cái thật khác biệt, một bên hơi trừu tượng, ẩn giấu và sâu lắng, còn bên kia thì lại phô bày, hình thức.

- Hình ảnh đau thương của Hà Nội trong những năm tháng chiến tranh hình như vẫn còn ám ảnh trong ký ức của anh. Vậy nó đã đi vào trong các tác phẩm nghệ thuật của anh như thế nào?

+ Tôi trở về đúng thời điểm Mỹ ném bom B52. Không còn Hà Nội của những tà áo dài, hay những dãy xe kéo chở các bà các chị đi chợ, người dân tất tả ngược xuôi lao vào cuộc chiến chống lại kẻ thù không cân sức. Tôi tham gia dạy bổ túc văn hóa, lại thêm biết đàn, hát, nên phụ trách cả một đội văn nghệ, đi ra các ụ pháo, tên lửa phòng không ở đường Cổ Ngư, ở Nhà máy nước Yên Phụ, hát cho bộ đội nghe. Rồi những đêm sau khi Mỹ ném bom rải thảm, thì đi thu gom xác người chết... Tôi còn là người kẻ dòng chữ "nguy hiểm" lên các bức tường nhà sắp sập. Cả một thời đau thương không thể nào quên trong tôi. Và chắc chắn nó là những chất liệu quý để làm nên các tác phẩm nghệ thuật về Hà Nội của tôi.

- Một chàng trai Hà Nội,"cầm kỳ thi họa" đủ cả, vậy sao anh lại chọn cho mình cái ngành lấm lem, vất vả như gốm?

+ Có lẽ tôi có duyên với nó. Khi ấy cơ quan cử tôi đi học vẽ. Tôi đăng ký ngành điêu khắc, cũng đỗ vào trường rồi, nhưng nhà trường lại sắp xếp cho mình sang học gốm. Tôi thấy gốm cũng như điêu khắc, lại có men, có lửa phải kết hợp cả toán học, hóa học và nhiều yếu tố nữa mới ra sản phẩm, thấy rất thách thức nên chuyển qua. Càng học càng thấy có duyên, có một cái gì đấy gần gũi, thân thuộc lần hồi khó tả ngấm vào tôi qua mỗi lần chọn đất, đốt lò, tạo men... Có lẽ nếu tiếp tục học điêu khắc chưa chắc tôi đã thành gì, nhưng với gốm dù gì thì mình đã lưu được cái tên với nó - "gốm Bảo Toàn".

- Nghệ sĩ vốn bay nhảy, phóng khoáng, nhưng anh lạicòn chuyên tâm vào một  công việc mà  theo như hình dung của tôi là rất đơn điệu, là việc phục chế tranh tại bảo tàng Mỹ thuật suốt hơn 30 năm qua. Anh tìm thấy điều gì thú vị qua công việc này?

+ Đây cũng lại là một cái duyên nữa của tôi với nghệ nhân gốm Nguyễn Văn Y. Khi ấy ông là Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Tôi được anh Lê Ngọc Hân là giảng viên trong Trường Mỹ thuật giới thiệu với thầy Y. Mặc dù chưa tốt nghiệp, nhưng thầy Y quan niệm: "Mèo đen mèo trắng như nhau, quan trọng là phải bắt được chuột". Và với tài "bắt chuột" của mình, tôi trở thành người của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, lại được nhận ngay vào biên chế. Ngay lúc về, tôi đã phục chế thành công những hiện vật gốm để báo cáo lên với Bộ Văn hóa xin thành lập xưởng phục chế của Bảo tàng. Công việc ở xưởng phục chế cũng phải đi khắp mọi miền đất nước để tìm hiểu lịch sử nghề gốm. Tôi được tiếp xúc với các tinh hoa của gốm truyền thống. Học hỏi được nhiều qua mỗi chuyến đi, qua mỗi lần phục chế mà vẫn hợp với cái tạng thích "xê dịch" của mình.

- Từ triển lãm gốm "Đất qua lửa" (năm 1994), anh được coi như một trong những người đầu tiên làm nghệ thuật sắp đặt ở Hà Nội. Anh có nhận xét gì về những nghệ sĩ cùng theo đuổi loại hình nghệ thuật này sau mình?

+ Khi làm triển lãm này, tôi không có khái niệm gì về nghệ thuật sắp đặt cả. Tôi bày tranh và gốm một cách có chủ đích, tạo ra một hiệu ứng không gian rõ rệt, cái nọ hỗ trợ cái kia, tạo cho gốm một không gian riêng, một không gian ba chiều. Trong không gian mới, tôi thấy cảm hứng của mình được thỏa mãn, nguồn nội lực trong con người được giải thoát một cách triệt để. Đây có lẽ là lần "xê dịch" thú vị. Đã là con người, phải "xê dịch",  xê dịch trong không gian sống và đặc biệt là trong suy nghĩ. Mỗi thời kỳ lưu lại một tình cảm riêng, khác, buộc tôi phải làm mới mình…

Trước đây, khi tổ chức triển lãm sắp đặt, chỉ mấy anh em trong nghề quanh quẩn với nhau để thưởng thức, nhưng giờ thì đã có sự hiện diện của công chúng. 

Tôi nghĩ, làm nghệ thuật không phải là "mốt" hay một sự dễ dãi, mà quan trọng là làm cái đó có hợp với mình hay không, có theo cảm xúc của mình, theo những gì mà mình yêu thích không? Với nghệ thuật sắp đặt, nghệ sĩ phải có nội lực rất lớn, nội lực đó bao gồm cả tình cảm, sự nhạy cảm và khả năng hiểu biết không gian. Đó cũng là một thách thức lớn.

- 30 năm làm nghề với vài chục triển lãm cá nhân, một thành tích rất đáng nể so với các đồng nghiệp của mình. Liệu công chúng thủ đô có thể được thưởng thức thêm những tác phẩm mới của anh trong thời gian tới?

+ Gốm vẫn là thứ chất liệu để tôi sống chết với nó. Thực ra để đánh dấu cả quãng dài "xê dịch" và "làm mới" qua mỗi thời kỳ đối với riêng gốm hoàn toàn không dễ. Gốm muôn thuở là những hình hài cụ thể, thay đổi sẽ rất khó, nếu không khéo lại sa vào vùng miền khác. Phải làm sao vẫn phải là gốm, gốm đương đại, lại là gốm Nguyễn Bảo Toàn là cực kỳ khó. Tôi đã bắt tay vào chuẩn bị cho lần "làm mới" này và rất ưng ý. Lần triển lãm tới đây sẽ rất đồ sộ, kết hợp cả việc trưng bày những bức sơn dầu khổ lớn. Hy vọng đây sẽ là lời tri ấn đến anh em, bạn bè để kỷ niệm 30 năm làm việc ở bảo tàng, 30 năm giữ lửa cho gốm.

- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Tường Hương (thực hiện)
.
.