Người đứng sau các mỹ nhân màn bạc

Thứ Bảy, 13/06/2009, 13:30
Tên của bà thường chỉ xuất hiện ở cuối phim và ít khi được chú ý đến. Bà cũng chưa một lần được vinh danh dù bộ phim hay diễn viên ấy đạt được những giải thưởng điện ảnh danh giá. Cùng với nhiều người thầm lặng đứng sau ống kính máy quay, bà đã góp phần làm nên thành công của nhiều bộ phim nổi tiếng trong lịch sử điện ảnh Việt Nam. Bà là nghệ sĩ hóa trang Nguyễn Thị Lam.

Qua sự giúp đỡ của một số nghệ sĩ điện ảnh thế hệ trước, tôi mới tìm gặp được bà. Căn nhà yên tĩnh nằm trong một con ngõ nhỏ của đường Cầu Giấy. Khi tôi đến, trên tay bà vẫn còn đang đan giở bộ râu giả.

73 tuổi, đeo kính lão dày cộp, nhưng tay bà vẫn khéo léo thoăn thoắt móc từng sợi tóc mỏng manh vào tấm lưới. Dường như khá bất ngờ trước sự hiện diện của tôi, bà rót nước rồi nhỏ nhẹ: "Thế hệ như bác còn mấy người nhớ tới nữa".

Vừa đan móc, bà vừa kể cho tôi nghe mối lương duyên của cô gái vùng quan họ đến với nghề hóa trang điện ảnh. Sinh ra và lớn lên ở Bắc Ninh, tới tuổi trưởng thành, cô gái Nguyễn Thị Lam trở thành công nhân Nhà máy Giấy Đáp Cầu như mẹ, như chị và biết bao bạn bè đồng trang lứa khác. Rồi cô cùng gia đình tản cư lên Thái Nguyên và làm công nhân tại Nhà máy Giấy Hoàng Văn Thụ.

Trong lần đạo diễn lừng danh của Liên Xô là Rôman Cácmen sang Việt Nam làm phim tài liệu "Việt Nam trên đường thắng lợi" tới quay cảnh công nhân nhà máy giấy chặt tre làm nguyên liệu tại đội sản xuất của Lam, thay vì làm việc hết sức tự nhiên như các bạn thì tiếng kêu vè vè của chiếc máy quay đã khiến Nguyễn Thị Lam không cưỡng lại sự tò mò.

Cô cứ nhìn không chớp mắt vào chiếc máy quay và đó như một thế giới khác đầy sức cuốn hút. Chỉ sau lần ấy, cô quyết tâm thi vào Khoa Diễn viên của Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh, trở thành một trong những học viên đầu tiên của trường. Nhưng giấc mơ trở thành diễn viên không thành vì lý do gia đình, cô chuyển sang học hóa trang.

Khi điện ảnh Việt Nam thực hiện những bộ phim đầu tiên như "Biển động", "Chung một dòng sông" có mời các chuyên gia hóa trang của Trung Quốc như Tôn Hồng Khôi (Xưởng phim Bắc Kinh), Trương Lập Đường (Xưởng phim Trường Xuân) sang mở lớp dạy nghề hóa trang, Nguyễn Thị Lam may mắn là học viên của lớp này. Năm 1956, bà về Xưởng phim truyện Việt Nam (sau này là Hãng phim truyện Việt Nam), gắn bó với công việc hóa trang và sự thăng trầm của Hãng cho đến khi về hưu.

Trong ký ức hơn 50 năm làm nghề của bà là những tháng ngày vợ chồng theo đoàn làm phim nay đây mai đó. Chồng bà là NSƯT Lưu Xuân Thư, người từng quay những bộ phim nổi tiếng như "Trên Vĩ tuyến 17", "Nguyễn Văn Trỗi", "Tiền tuyến gọi"...

Nghệ sĩ Nguyễn Thị Lam đang hóa trang cho NSND Trà Giang (phim "Huyền thoại người mẹ").

Sau này, ông giữ cương vị Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương cho tới khi về hưu. Chồng quay phim, vợ hóa trang nên thường xuyên sống cảnh xa nhà, hai cậu con trai nhỏ đành để ông bà trông hộ. Ngày ấy, hóa trang cũng phải học kịch bản và đi thực tế như diễn viên, đến nỗi bà còn thuộc cả lời thoại.

Chuyến đi dài nhất phải kể tới đợt làm phim "Vợ chồng A Phủ", "Chị Tư Hậu", "Cho cả ngày mai"... Khi làm phim "Vợ chồng A Phủ", bà cùng đoàn làm phim đi thực tế hàng tháng trời tại Tây Bắc để tìm hiểu xem các cô gái Mông búi tóc như thế nào. Rồi chính bà lại ngồi cặm cụi để tết thành búi tóc to cho nghệ sĩ Đức Hoàn vào vai Mỵ. 

Đi nhiều nhưng đãi ngộ cho nghệ sĩ thuở ấy có gì đáng kể. Lương của người hóa trang khi ấy càng thấp hơn vì được áp bằng thang lương của... thợ xây. Nhiều lần, bà đã có ý định chuyển nghề để có thời gian chăm sóc gia đình. Nhưng cũng từng ấy lần nghe tiếng đoàn làm phim gọi, bà lại gói gém hành lý lên đường.

Cho tới bây giờ, chính bà cũng không thể nhớ được đã tham gia hóa trang cho bao nhiêu bộ phim.

Từ bộ phim đầu tiên với tư cách là trợ lý cho các chuyên gia như "Chung một dòng sông", bà đã trở thành hóa trang chính trong các phim "Đến hẹn lại lên", "Đường về quê mẹ", "Nguyễn Văn Trỗi", "Ngày ấy bên sông Lam", "Mối tình đầu", "Ngày lễ Thánh", "Không có đường chân trời", "Bỉ vỏ", "Tướng về hưu"... Bà nhớ như in những ưu khuyết điểm trên từng gương mặt các giai nhân một thời.

NSND Trà Giang có đôi mắt đẹp, biểu cảm nên hóa trang đơn giản, không mất quá nhiều thời gian, nhưng đôi môi lại hơi đầy đặn nên thường phải dùng chì "ăn gian" một chút cho mảnh mai hơn; NSND Như Quỳnh có nét đẹp rất Á Đông nhưng trán hơi cao nên bà phải đan một lưới tóc giả hoặc để khăn mỏ quạ thấp xuống một chút như trong phim "Đến hẹn lại lên" để che bớt.

Và mắt nghệ sĩ Như Quỳnh là mắt một mí, thuở ấy, không có mí giả lót, bà nghĩ cách đặt lông mi giả cao hơn một chút để lên màn ảnh trông mắt to hơn; NSƯT Hoàng Cúc lại có cái hõm 2 bên khóe miệng khá sâu nên bà lại nghĩ cách thế nào để cảm giác đầy hơn; NSƯT Thanh Hiền có khuôn mặt hợp với vai thôn nữ nhưng đôi mắt lại hơi sắc, bà lại tìm cách làm "dịu" đi...--PageBreak--

Những công việc hóa trang, tưởng đơn giản nhưng khi bắt tay vào thực hiện lại không dễ dàng chút nào, nhất là trong điều kiện mỹ phẩm, nguyên liệu ít ỏi ngày ấy. Khi hóa trang cho NSƯT Dũng Nhi vào vai tướng cướp Năm "Sài Gòn" trong phim "Bỉ vỏ", trong tay bà chỉ có chai nước dung dịch màu xám và chai nước phẩm đỏ.

Thế mà qua tay bà, những vết sẹo trông như thật. Không giống như nhiều người hóa trang bây giờ, để nhanh chóng, họ thường cạo lông mày của diễn viên, sau đó vẽ lại mới hoàn toàn. Nếu quay gần sẽ lộ rõ sự không tự nhiên và ai cũng giống ai. Bà thì khác, ngồi chuốt từng sợi lông mày cho diễn viên, tôn trọng hình dáng tự nhiên, chỉ chuốt cho đen hơn, sắc hơn.

Đơn giản là đội chiếc khăn mỏ quạ nhưng không phải ai cũng biết đội đúng cách. Chỉ bằng cách đội khăn sẽ phân biệt đâu là cô gái đồng bằng Bắc Bộ, đâu là cô gái của vùng trung du... Những chi tiết tưởng như lặt vặt ấy đã góp phần làm nên sự chân thực cho từng cảnh quay, góp phần vào sự thành công của nhiều tác phẩm điện ảnh Việt Nam.

Trong ký ức của nhiều diễn viên cùng làm việc với bà thì nghệ sĩ Nguyễn Thị Lam là người cẩn thận, nghiêm túc với nghề. Ngày nào có cảnh quay là cứ 4 giờ sáng bà lại đốc thúc anh em diễn viên dậy để hóa trang. Dù chỉ một chi tiết nhỏ, chưa ưng ý, bà cũng kiên nhẫn sửa cho đạt mới thôi. Chỉ cần một chiếc lông mi rơi, chút bóng nơi mũi, gò má là bà yêu cầu chỉnh lại ngay.

Không chỉ tham gia hóa trang phim truyện nhựa, bà còn tham gia hóa trang cho các diễn viên trong các album ca nhạc như "Bài ca Trường Sơn", "Những bài ca đi cùng năm tháng"... Bà kể, nhiều diễn viên trẻ sau này chỉ quan tâm sao cho mình thật xinh, thật mốt trên màn ảnh. Cái thời mốt son tím sậm của phim Hàn Quốc tràn vào Việt Nam, bà thoa son hồng cho tự nhiên nhưng cứ thừa lúc bà và đạo diễn không để ý, các cô lại lén lau đi, thoa son tím ngắt lên.

Đến lúc ấy, bà lại tỉ tê: "Vào vai cô gái nông thôn, chờ chồng đi chiến đấu mà môi cứ tím ngắt như ngôi sao Hàn Quốc thì liệu có hợp không?". Mãi rồi các cô mới chịu để bà hóa trang lại. Rồi nghe nói phải thoa son bóng nhìn mới gợi cảm, cô nào cô ấy cứ thoa bóng nhẫy, nhìn như vừa... húp mỡ. Bà lại mất công trang điểm lại.

Vào cái tuổi "thất thập cổ lai hy", bà vẫn được các đạo diễn tín nhiệm mời đi hóa trang, nhưng bà chỉ nhận lời nếu đi trong ngày. Phần vì sức khỏe không còn như xưa, nhưng quan trọng hơn, bà không yên tâm để ông ở nhà một mình. Ông đã 79 tuổi, từ năm 1996 đến nay đã 4 lần tai biến.

Sáu năm nay, ông nằm liệt giường, con cái bận công tác nên mọi sinh hoạt đều một tay bà chu toàn. Biết ông nằm một chỗ buồn, bà thường xuyên kể chuyện, đấm bóp chân tay cho ông đỡ mỏi. Ngoài thời gian chăm sóc ông, bà lại cần mẫn ngồi đan từng bộ râu, tóc giả.

Vừa là để đỡ nhớ nghề, vừa là để thêm tiền thuốc thang cho ông. Được bạn bè trong nghề tôn xưng "người làm râu tóc giỏi nhất Việt Nam", bà chỉ bán hơn 200 nghìn đồng một bộ dù sau đó, họ cho thuê một lần đã 500 nghìn. Bà biết vậy nhưng chỉ cười, mình làm cho vui, đâu vì tiền bạc...

Thảo Duyên
.
.