Người đàn bàn song hành cùng “Hành trình xương thủy tinh”

Thứ Năm, 13/11/2008, 15:00
“Hành trình xương thủy tinh” là cuốn sách đã gây nên xúc động cho hàng ngàn độc giả thời gian qua, sau khi được NXB Trẻ ấn hành rộng rãi trong cả nước.

Cuốn sách kể về cuộc hành trình đau đớn của hai mẹ con chị Nguyễn Thị Thu Hương (tác giả cuốn sách) và cháu Đỗ Minh Hội khi chống lại căn bệnh quái ác: xương thủ tinh (xương dễ vỡ). Nhưng điều lý thú khi đọc cuốn sách này là: Độc giả không chỉ nhìn thấy và cảm thông với những khó khăn, những bất hạnh mà hai mẹ con chị phải trải qua mà trong những trang viết ấy còn lấp lánh niềm tin vào cuộc sống và bản năng hồi sinh của con người.

Chị Hương kể: Từ khi cuốn sách ra đời, chị cảm thấy cuộc sống vui hơn và trở nên có ý nghĩa hơn. Chính vì thế chị lại muốn được hòa nhập vào cuộc sống nhiều hơn. Viết sách như một sự tình cờ. Bởi chị đâu có nghĩ rằng mình sẽ làm điều đó. Nhu cầu ghi lại những gì mình trải qua bỗng trở nên tất yếu khi chị phải chịu quá nhiều tổn thương trong cuộc đời.

Nghe chị nói mới thấy chị thật lạ lùng. Người ta viết thì mong được nổi tiếng còn chị viết chỉ để bán… giấy vụn. Xuất phát từ một câu chuyện cũng rất hài hước: Có một cô bán chổi người Quảng Nam đã đến xóm nghèo của chị và ăn một miếng chuối chiên, giấy gói chuối chiên đó là của chị cho bà hàng xóm. Cô đó vừa ăn vừa đọc và nói: "Cái đứa nào nó viết gì mà buồn cười thế!".

Khi nghe được câu nói ấy, chị thấy trong lòng rất vui. Từ đó chị nghĩ rằng, biết đâu những mảnh giấy ấy lại bay đi khắp nơi qua con đường bán ve chai như vậy. Và rồi sẽ có nhiều người hỏi: "Ai viết cái gì mà kỳ vậy?". Cho dù họ sẽ chẳng bao giờ biết người viết đó là ai nhưng cứ nghĩ là vẫn đang có người vô tình đọc những tâm sự của mình, chị cũng thấy vui lắm rồi. Ước muốn của chị là ghi lại những đốm sáng lấp lánh li ti trong đời. Bởi nếu không ghi lại thì chuyện cơm áo gạo tiền cũng làm cho chúng ta quên hết.

Không giống với bất kỳ người nào khác khi đặt bút viết, bản thảo viết xong, chị Hương cho hết vào bao tải (có lẫn nhiều loại giấy lộn) rồi đem bán cân chỉ với một ý nghĩ giản đơn: "Biết đâu có người qua đó sẽ đọc bản thảo của mình?". Khi báo Tuổi trẻ tổ chức cuộc thi "Chuyện đời tự kể", cả hai mẹ con chị cùng tham gia nhưng chỉ có cháu Đỗ Minh Hội là được giải.

Song không vì thế mà những dòng nhật ký, những trang văn không còn hấp dẫn người mẹ. Ban đầu khi cuốn sách ra đời, chị cũng chỉ dám nghĩ là để trả ơn đời, tri ân những tấm lòng nhân ái chứ không hề tưởng tượng được rằng nó lại được độc giả đón nhận nhiệt tình đến vậy!

Nhớ lại lần đầu tiên khi con bị ngã nhẹ ở bậc hiên với độ cao chưa đầy một gang, vậy mà con cứ khóc ngằn ngặt. Linh cảm của người mẹ mách bảo có điều gì đó bất ổn. Cả nhà đưa cháu đi viện. Chụp X quang xong bác sĩ kết luận bị gãy xương đùi. Con còn nhỏ mà đã bị gãy xương đùi đã khiến chị dằn vặt, trách mình không có đủ kinh nghiệm làm mẹ, vì chị lấy chồng khi mới vừa dời ghế nhà trường.

Cháu Đỗ Minh Hội chỉ mới 14 tháng tuổi nhưng đã gẫy xương 2 lần. Đến Bệnh viện nhi, có một bác sĩ ngoại quốc sau khi chẩn đoán đã cho chị biết con trai của chị bị mắc chứng bệnh xương thủy tinh. Ngay lúc đó, chị hiểu rằng, mình sẽ phải đối diện với một cuộc hành trình nghiệt ngã.

Cuộc hành trình kéo dài tới nay đã gần 20 năm, với 27 lần con trai chị bị gãy xương và 11 lần chuyển nhà. Mỗi lần chuyển lại xa hơn và đến những căn nhà nhỏ hơn. Đã có lúc chị Hương muốn lao xuống dòng sông để tự giải thoát cuộc đời mình.

Nhưng chính thời khắc mong manh đó, hình ảnh đứa con bỗng hiện về. Tiếng cười của nó, ánh mắt của nó đã kéo chị lại. Chị chợt nhận ra: Cuộc sống của nó phụ thuộc vào mình, niềm tin của nó gửi trọn vào mình. Mình chết thì nó cũng chết. Bản năng của người mẹ trỗi dậy, chị quay trở về.

Vượt lên trên nỗi đau nghiệt ngã đang ngày đêm đeo bám cuộc đời hai mẹ con, chị Hương luôn tâm niệm rằng: "Hãy tin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp và hãy gõ cửa thì cửa sẽ mở". Chị vẫn thường xuyên cầu nguyện. Khi cầu nguyện chị không xin tiền mà chỉ xin một con đường. Dù con đường đó có tối tăm, có chật chội nhưng cứ đi khắc sẽ tìm được ánh sáng cuối đường hầm.

Thế nên, dù đã nhiều lần chị tự tuyên ngôn với chính mình là phải "khép cửa lòng" lại, nhưng những sôi động của cuộc sống vẫn cuốn chị đi. Có lẽ vì thế mà trong từng ấy năm trời chị gần như không còn thời gian để buồn, để khóc nữa. 

Giờ đây con trai chị - cháu Đỗ Minh Hội đã làm công việc quản trị mạng cho một tờ báo điện tử sau khi phải trải qua ngót 20 năm sóng gió. Khó khăn đã tạm lui, cuộc sống với mẹ con chị dần trở nên tươi sáng. Và bản thân chị cũng đã có chút thời gian để đi làm những công việc từ thiện.

Chị vẫn thường nói vui: "Nhìn đời qua lăng kính thủy tinh sẽ thấy cuộc sống tươi đẹp hơn". Hy vọng rằng chị Hương sẽ mãi mãi giữ được cách nhìn cuộc sống lạc quan ấy để "Hành trình xương thủy tinh" không còn là một cuộc hành trình đau đớn và nghiệt ngã

Ngọc Anh
.
.