Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thế Phong:

Người của trẻ thơ

Thứ Năm, 22/01/2015, 13:00
Lên sáu tuổi, nhà của Trần Thế Phong là vỉa hè, là con đường. Bạn của Phong là những tờ vé số, bao ve chai, xấp báo, chiếc hộp đánh giày... Lớn lên, khi đã cầm chiếc máy ảnh ao ước, bức hình đầu tiên anh chụp là những đứa trẻ đường phố. Ánh mắt hồn nhiên con trẻ dẫn anh đi mải miết, tìm về ngày nhỏ lấm lem bụi đường trong vòng xoay ống kính...

1. Trần Thế Phong vừa trở về sau chuyến đi Thụy Sĩ.  Triển lãm "Vượt qua bóng tối" của anh ở Việt Nam hồi tháng 4, khách xem lặng người trước nụ cười lấp lánh trên những đôi mắt trắng bé nhỏ. Ông Chris Gotz và bà Marlies của Công ty Easy Productions Thụy Sĩ không cầm được nước mắt. Họ tha thiết mời anh sang nước mình triển lãm ảnh và đưa câu chuyện về nghị lực sống của những thiên thần bị tước đi đôi mắt đến với người Thụy Sĩ. Đó như một cách nối dài vòng tay, kết nối triệu trái tim. Số tiền thu được từ buổi triển lãm và bán bộ sách ảnh cùng tên, anh đem tặng các em khiếm thị.

Mọi khoảnh khắc anh chụp đều là khoảnh khắc thật, không sống sượng, sắp đặt. Đó là cảnh các em đọc chữ nổi, nấu ăn, thay áo, giặt giũ, cùng vui chơi ca hát… Trong bất cứ hoàn cảnh nào, đôi mắt trắng đục luôn nheo cười đầy ám ảnh. Hai năm anh lui tới ngôi trường Nguyễn Đình Chiểu để sống và chơi với các em, để rồi cảm phục ngỡ ngàng mà hối hả bấm máy. 

Có lẽ, mang một tuổi thơ buồn nên góc máy của Trần Thế Phong luôn rưng rưng thấu cảm với những số phận không may. Cha mẹ ly hôn khi Phong vẫn còn khóc ngằn ngặt khát sữa. Cậu được đưa về cho bà cô ở quận 4, TP HCM nuôi dạy. 6 tuổi, Phong lao vào đời với đủ thứ nghề: từ bán báo, bán kem, bán vé chợ đen đến đánh giày, bán vé số… để kiếm tiền đi học. Đường nắng, chiều mưa, đầu trần, chân đất,  Phong lang thang đi từ quán nhậu này đến quán nhậu khác. Tiếng chửi, tiếng đuổi mắng té tát. Phong đâm lì. Các tay anh chị giang hồ đến xâm chiếm địa bàn, giật hết tiền rồi đánh cậu mấy phen nhừ tử. Những lần như vậy, ánh mắt Phong ngầu đỏ. Cậu hận đời, thèm khát gia nhập các băng nhóm giang hồ để muốn ra sao thì ra, không ai còn bắt nạt được mình nữa.

Nhưng chiều chiều ghé chùa, nghe sư thầy giảng đạo, cậu hiểu trái tim mình vẫn còn yêu thương nhiều lắm. Trong đám bạn của Phong có đứa mồ côi cha mẹ, có đứa phải nghỉ học để đi làm nuôi gia đình, có đứa lang thang đầu đường xó chợ. Phong nhìn thấy ở đó những cánh chim bé nhỏ phải chấp chới giữa trời giông bão. Những lần ế ẩm, trời mưa lớn, Phong ngồi co ro, bụng réo theo tiếng mưa. Một khúc bánh mì của đứa bạn chìa ra trước mặt lúc ấy đủ làm mắt cậu rớm nước.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thế Phong (bên trái) tại triển lãm cá nhân ở Thụy Sĩ tháng 10/2014.

Lên cấp 2, Phong xin làm chạy bàn. Dù học rất giỏi nhưng lên lớp 10, số tiền dành dụm chẳng đủ cho Phong đi học nữa. Phong vẫn chạy bàn và âm ỉ một ước mơ. "Hồi nhỏ, mỗi lần đi bán báo dạo ngang công viên, tôi thấy mấy đứa nhỏ cùng tuổi với mình vui vẻ làm dáng bên cha mẹ để chụp hình kỉ niệm. Tôi tủi phận vô cùng vì mình chẳng hề có tấm hình nào, không gia đình, không kỉ niệm với ba mẹ. Lang thang mọi ngóc ngách của thành phố, tôi chứng kiến nhiều khoảnh khắc, cảnh đời rất đáng lưu lại. Đọc báo, thấy nhiều khi một tấm hình mà làm thay đổi số phận của biết bao mảnh đời bất hạnh khi họ được xã hội quan tâm. Thằng nhóc tôi lúc ấy luôn ước ao sở hữu một chiếc máy chụp hình. Tôi sẽ có những tấm ảnh cho riêng mình và sẽ chụp lại được rất nhiều con người, cảnh vật mà mình chứng kiến" - anh kể.  Chắt chiu mãi, đến khi trở thành cậu thanh niên, Phong mới mua được cho mình chiếc máy ảnh Zenik - loại rẻ nhất lúc đó - và đăng ký học lớp nhiếp ảnh của thầy Phùng Hiệp.

Nghề phóng viên ảnh và chụp hình dịch vụ… giúp Trần Thế Phong trang trải qua ngày. Nhưng điều đó chưa đủ để anh tìm thấy niềm vui và lý tưởng sống đời mình. Đơn giản, nó vẫn chỉ là cần câu cơm. Anh phải đi tìm một mục đích nào khác, tung hoành hơn, thả hết cái tôi đang cựa quậy trong thân xác, quả tim để bung ra với đời. Vậy là anh rẽ sang con đường nhiếp ảnh nghệ thuật. Ảnh nghệ thuật đầu tiên của anh là tác phẩm "Hoàng hôn trên cầu Mỹ Thuận". Bức ảnh được Hội Nhiếp ảnh TP HCM trao Huy chương vàng, Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam trao Huy chương bạc năm 2000.

2. Ngày còn lăn lộn mưu sinh, Phong ghét cay ghét đắng cảm giác người ta nhìn mình ái ngại, tội nghiệp. Nên anh hiểu, những đứa trẻ đường phố, bao phận người lầm than đều muốn được tôn trọng hơn là giọt nước mắt bố thí của kẻ lạ. Cho nên, xem ảnh của Trần Thế Phong, dù là chụp về trẻ em nghèo, về người lao động lầm lũi, cơ cực kiếm sống trong khung cảnh nhếch nhác, hôi hám, thì bức ảnh vẫn sáng bừng nụ cười. Ở họ toát ra niềm tươi vui, reo mừng, tràn đầy nghị lực vươn lên, chứ không than thân, trách phận. Đó là nụ cười yêu đời của cụ già lượm ve chai, của các mẹ buôn thúng bán bưng, của đám trẻ kiếm sống ở bãi rác... Đó còn là giờ ăn trưa vỏn vẹn ổ bánh mì của hai đứa trẻ bán báo dạo mà rất đỗi ngon lành… Nó gợi cho người xem sự đồng cảm, trân trọng những hạt ngọc bình dị trong ngổn ngang bụi bặm dòng đời.

Trần Thế Phong đi nhiều, chụp nhiều về cảnh vật mọi miền Tổ quốc nhưng ống kính của anh chẳng thể thờ ơ trước ánh mắt của trẻ thơ. Bức ảnh đầu tiên Phong chụp khi rời lớp thầy Phùng Hiệp chính là những em bé mưu sinh trên đường phố. Anh rối rít bấm, lũ trẻ với mái tóc cháy nắng cười tít mắt. Anh rửa ảnh đem tặng chúng mà nghe như ai gói ghém quà đem tặng cho mình.

Tay máy và cõi lòng của anh bị xoáy vào những đôi mắt trong veo, làm nên muôn cung bậc trong trẻo. Ngoài những đứa trẻ mưu sinh trên đường phố, em học sinh khiếm thị, tác phẩm của Trần Thế Phong còn là trẻ em nghèo chắt từng giọt nước mùa khô cằn, bầy trẻ thơ hò reo trên đồi thả diều, con bò vàng chạy đuổi theo sau, nụ cười "hết cỡ" cùng chúng bạn của cậu bé mang gương mặt dị dạng và cánh tay cụt do bom mìn… Anh tâm sự: "Mỗi lần chụp trẻ em, đặc biệt là trẻ em nghèo và trẻ em đường phố, lòng tôi lại rạo rực như đáp chuyến tàu ngược về tuổi thơ mình. Cơn xúc động khiến tôi không thể đưa máy lên và ngắm bấm". Có lẽ bởi sự đồng cảm đó mà các tác phẩm trong tập sách ảnh "Những nẻo đường tuổi thơ" của Trần Thế Phong ghi dấu ấn sâu đậm với công chúng. Ngay cả khi sang nước ngoài, anh cũng không cưỡng được những đôi mắt long lanh như giọt sương ấy. Vô tình hay hữu ý, mỗi lần nhắc đến Trần Thế Phong, người ta lại bảo anh là tay máy của trẻ thơ.

Tác phẩm "Đôi bạn nhỏ" của Trần Thế Phong.

Gắn với trẻ thơ là hình ảnh Mẹ. Xa mẹ từ nhỏ, Phong không có lấy nổi một hình dung về mẹ. Cho nên, với Phong, "Mẹ" là những người phụ nữ tần tảo sớm hôm, một nắng hai sương với đôi quang gánh, líu ríu nuôi bầy con thơ mà anh gặp trên mọi nẻo đường. Anh chia sẻ: "Có những mẹ lưng đã còng lắm, vậy mà ngày ngày vẫn gánh trên vai cơ man nào là hàng hóa. Các mẹ gần như đi bộ cả ngày, nắng cũng như mưa, vừa đi vừa rao. Tôi đi theo họ để chụp hình, cứ ngỡ như họ là mẹ mình mà thương vô cùng. Tôi chẳng mang vác gì nhiều, lại sức đàn ông vậy mà đã thấy chân mỏi nhừ. Tôi hiểu đàn con là niềm hạnh phúc cho những bước chân của "Mẹ" thêm vững chãi. Tôi tin, khi tôi đồng cảm, xúc động với nhân vật của mình thì người xem cũng sẽ đồng cảm, xúc động khi xem ảnh của tôi".

Ao ước nhất của anh vẫn là ý nghĩa cộng đồng mà mỗi tấm ảnh mang lại. Rất nhiều nghĩa cử âm thầm đã giúp đỡ, quan tâm đến những phận đời, đặc biệt là các em thiếu nhi bất hạnh. Gặp các bé, đóng khung niềm tin yêu cuộc sống trong mỗi tấm hình, anh thấy mình còn rất may mắn. Con tim anh vui khi không chỉ đem những bộ ảnh mình chụp đến với mọi người trên dải đất chữ S, mà còn đến phía bên kia bán cầu. Để rồi tất cả đều chung một tấm lòng, biết yêu thương hơn những kiếp người, yêu thương trẻ thơ.

Gần 15 năm theo đuổi ảnh nghệ thuật, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thế Phong đã có 6 triển lãm cá nhân trong nước, 2 triển lãm cá nhân tại Zurich và Bern (Thụy Sĩ), gặt hái hơn 100 giải thưởng ảnh nghệ thuật, báo chí trong và ngoài nước. Trần Thế Phong cũng đã cho ra đời ba tập sách ảnh chuyên đề: "Gánh" (2011), "Những nẻo đường tuổi thơ" (2012) và "Vượt qua bóng tối" (2014).
Mai Quỳnh Nga
.
.