“Người của một thời” và tiếng nói tri ân

Thứ Hai, 24/08/2009, 08:45
Gần nửa thế kỷ làm công việc giảng dạy, nghiên cứu phê bình văn học với những kết quả đáng trân trọng, khoảng mươi năm gần đây, GS Hà Minh Đức  chuyển hướng ngòi bút của mình sang lĩnh vực sáng tác. Và trong thời gian không dài để cho "ngòi bút lang thang giây phút" (theo cách nói của ông), Hà Minh Đức đã có một vốn liếng dày dặn: 5 tập thơ và 5 tập bút ký. Bên cạnh đó, ông vẫn đều đặn cho ra đời một số tập chuyên luận và khảo cứu bề thế.

Tập bút ký "Người của một thời" vẫn in đậm dấu ấn riêng trong phong cách viết ký của GS Hà Minh Đức: Những chi tiết được quan sát, ghi nhận một cách tinh tế. Giọng điệu hiền lành, đôn hậu nhưng không kém phần hóm hỉnh, vui nhộn. ẩn đằng sau những câu chuyện tưởng như vụn vặt, nhỏ bé là những suy tưởng, chiêm nghiệm sâu sắc về lẽ đời và tình người rộng lớn.

Bao trùm lên tập sách là tiếng nói tri ân sâu nặng, là tình cảm nâng niu, quý trọng những điều tốt đẹp trong cuộc sống, từ tình mẫu tử thiêng liêng, đạo thầy trò cao quý đến nghĩa bạn bè đồng môn đồng tuế không phai bạc qua thời gian.

Như một điều không thể khác, tác giả đã dành bài viết đầu tiên trong cuốn sách để nói về "Lễ mừng thọ mẹ một trăm tuổi". Một bài viết ngắn, chỉ 2 trang giấy mà gửi gắm nhiều ân tình. Người con - một vị GS đã ở vào tuổi "xưa nay hiếm" thủ thỉ, tâm tình với thân mẫu vào thời khắc giao thừa đã điểm.

Đó cũng là những giây phút thiêng liêng và giàu ý nghĩa nhất, bởi "thời khắc này đã chính thức bước sang năm mới. Mẹ đã tròn một trăm tuổi. Con đã có thể tự hào đọc câu thơ "trăm năm trong cõi người ta" khi nghĩ về mẹ. Cõi người vui sướng, đau khổ mẹ đã từng chịu đựng. Xin mẹ hãy quên đi những nhọc nhằn của ngày qua...". Những suy nghĩ đó cùng với cảm xúc chân thành trong bài thơ "Thưa mẹ" được viết trong buổi lễ mừng thọ đã tạo nên một điểm nhấn thật khó quên.

Là người đứng trên bục giảng đại học nhiều chục năm, nên trong cuốn sách này GS Hà Minh Đức đã dành nhiều trang viết để khắc họa về những người thầy, người bạn những năm tháng dưới mái trường Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), môi trường quen thuộc, nơi ông gắn bó suốt cuộc đời mình.

Hà Minh Đức thật may mắn được là học trò rồi sau này là đồng nghiệp vong niên của những người thầy lớn, những cây đại thụ của nền giáo dục Việt Nam. Họ là những trí thức ưu tú, những nhà khoa học hàng đầu của đất nước. "Vườn cổ tích của thầy" với bao tên tuổi sáng giá, đặt nền móng cho ngành KHXH nói chung và ngành nghiên cứu văn chương nói riêng.

G.S Hà Minh Đức (bên trái) và GS - TS Trần Đình Sử.

Đó là  Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn, các GS: Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Trần Đức Thảo, Cao Xuân Huy, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Mạnh Tường, Hoàng Xuân Nhị, Trương Tửu… Mỗi người một phong cách, một gương mặt, một lĩnh vực chuyên sâu nhưng đều là những người thầy lớn về tầm cao trí tuệ, học vấn uyên thâm, có nhân cách và đạo đức trong sáng.

Qua hồi ức của Hà Minh Đức, họ hiện ra thật sinh động và nhiều nét độc đáo: "Tôi nhớ đến thầy Đặng Thai Mai cây cổ thụ nhiều cành lá xum xuê của vườn cổ tích. Dáng vẻ trang nghiêm, ánh mắt sắc, nụ cười kín đáo nhân hậu. Thầy Mai là người thầy, người cha không riêng của chúng tôi. Được học với thầy một giờ là một kỷ niệm nhớ đời".

"Thầy Cao Xuân Huy mang rõ nét của phong cách phương Đông. Am hiểu sâu sắc triết học phương Đông, thấu hiểu Hán học từ linh hồn trang sách đến từng con chữ, thầy Cao Xuân Huy là một cây cổ thụ toả bóng mát và hướng mọi người đến với thiện tâm và lòng bao dung. Thầy chủ trương nhu đạo, sức mạnh của nhu đạo".

Những giờ học với thầy Trần Đức Thảo cũng có bao điều lý thú. Xung quanh thầy có nhiều huyền thoại. Đó là nhà triết học "nguyên khối", đầy tài năng nhưng cuộc đời "lênh đênh như người lữ hành trên đường về thánh địa phải chịu đựng nhiều đau khổ và cuối cùng được tôn vinh".

Điều thú vị là tác giả đã khéo chọn lựa những chi tiết đời thường sinh động và đắt giá "của một thời" để gây ấn tượng: "Một lần đến thăm thầy Hoàng Xuân Nhị vào buổi tối tôi thấy một cảnh lạ. Thầy ngồi làm việc. Tấm màn rộng phủ cả bàn để tránh muỗi. Đèn sáng, màn trắng và GS với mái tóc bạc trắng, trông như một đạo sĩ đang luyện pháp thuật". --PageBreak--

Chân dung những bạn bè, đồng nghiệp của GS Hà Minh Đức được nhắc đến trong tập sách này đều là những gương mặt sáng giá trong làng văn, làng báo và giới khoa học xã hội: Nhà báo Phan Quang, nhà lý luận phê bình Đông Hoài, các GS Bùi Văn Nguyên, Trần Quốc Vượng, Phong Lê, Phan Cự Đệ, Cao Xuân Hạo, Lê Bá Hán, Đỗ Văn Khang…

Sự trân trọng đối với các thành quả khoa học, các giá trị văn chương học thuật, sự sẻ chia thông cảm với niềm vui nỗi khổ trong đời sống thường nhật đã làm nên hồn cốt và sức nặng cho nhiều trang viết của tác giả Hà Minh Đức. Những người bạn của ông hiện lên trong muôn mặt đời thường, gần gũi quen thuộc, đôi khi có cả nét phóng khoáng, suồng sã nhưng vẫn giữ được sự chừng mực, có giới hạn. Có thể đó cũng là một "hạn chế" trong cách thể hiện của ngòi bút Hà Minh Đức.

Nếu như ông phóng túng hơn, "phá cách" hơn chắc rằng các bài ký sẽ có sự đa dạng, nhiều màu sắc hơn. Tôi cũng đã cảm nhận rõ điều này trong một số bài viết miêu tả những nét sinh hoạt, những cảnh và người của Thủ đô Hà Nội trong cơ chế thị trường. "Xe ôm Hà Nội" là một bài ký miêu tả chân thực, sống động với nhiều câu chuyện khá thú vị.

Dường như để thay đổi khẩu vị và làm phong phú hơn giọng điệu trong tập bút ký của mình, tác giả đã đưa vào đây một số truyện ký với cảm xúc bâng khuâng man mác, mang phong vị "của một thời lãng mạn".

Có thể nhiều lớp sinh viên của những ngày chiến tranh, sơ tán sẽ gặp lại hình bóng và kỷ niệm của bạn bè mình qua những trang viết đan cài hư thực. "Chuyện buồn ngày ấy", "Tình yêu đầu ngọn gió", "Nhịp võng xe trâu"… là những hoài niệm giàu chất thơ, tiêu biểu cho cảm hứng trữ tình và sự tươi trẻ trong tâm hồn người viết.

"Chuyện kể về một đêm trăng Hồ Tây" được cấu tứ như một bài thơ trữ tình xinh xắn, gợi lại không khí một đêm trung thu ở Hồ Tây trong những năm đầu chiến tranh chống Mỹ của một đôi bạn trẻ. Chuyện đời, chuyện văn chương và tình yêu trong sáng thơ ngây trôi qua như một giấc mơ nhưng đã để lại những dư vị ngọt ngào thật khó nguôi quên.

Điều đáng quý là mặc dù GS Hà Minh Đức nay đã là "người thầy của nhiều người thầy", có những gia đình cả vợ chồng con cái đều là học trò của thầy nhưng thầy vẫn dành cho nhiều thế hệ học trò tình cảm chân thành và sự quan tâm chu đáo. Tình cảm và sự quan tâm đó được biểu hiện thật sinh động qua bài viết "Một địa chỉ, nhiều tài năng" đặt ở cuối tập sách.

Có thể coi đó là một "biên niên sử" thu nhỏ về các thế hệ sinh viên khoa Văn đã từng là học trò của GS Hà Minh Đức. Thầy đã điểm danh lại "những thế hệ sinh viên của khoa Văn ra trường đã đóng góp bằng những khả năng và phong cách riêng cho các hoạt động văn hóa văn nghệ của đất nước".

Mảnh đất khoa Văn đã đào tạo và vun trồng nên nhiều tài năng đáng tự hào, những nhà thơ, nhà văn có hạng của đất nước. Trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, nghiên cứu phê bình… số lượng sinh viên Khoa Văn cũng chiếm một số lượng đông đảo với nhiều người nổi tiếng.

Khi viết tập sách hơn 300 trang với 28 bài bút ký, GS Hà Minh Đức chỉ có ý định khiêm nhường như ông đã bộc bạch trong lời nói đầu là để tôn vinh các thầy giáo, các nhà khoa học, tri âm với bạn bè thân thiết, ghi lại những chuyện vui buồn mà ông đã được lắng nghe, tham dự và chứng kiến. Tất cả mang dấu ấn của một thời, có thể hôm nay đã trở nên xa lạ.

Nhưng đó là những trang viết bày tỏ tình thương yêu với những kỷ niệm ngày qua không dễ nguôi quên. Xuất phát từ một định hướng rõ rệt như vậy nên điều đáng ghi nhận ở đây không chỉ ở giá trị nghệ thuật với những yêu cầu nghiêm ngặt của thể ký (tính chân thực, khách quan, cách trình bày ý tưởng và chọn lựa chi tiết sao cho hiệu quả) mà chính là ở tấm lòng đôn hậu, nhân ái.

Hầu như ta chỉ thấy ở đó những hình ảnh sáng tươi và những điều tốt đẹp trong các mối quan hệ giữa con người với nhau. Ông không muốn nghĩ xấu hoặc làm đau lòng ai, mặc dù trong đời, làm gì có ai chỉ gặp toàn người tốt, gặp toàn niềm vui! Sự chân thành, tâm huyết cùng với vốn sống giàu có và bản năng nghệ thuật nhạy bén đã làm nên sức cuốn hút cho những trang viết của ông

Lưu Khánh Thơ
.
.