Chuyện kể nhân mùa trao giải Nobel:

Người bạn gái đặc biệt của Alfred Nobel

Thứ Tư, 31/10/2012, 08:00

Vĩ đại mà đơn côi, giàu sang mà bất hạnh, dường như cả cuộc đời mình, Alfred Nobel (1833-1896) tồn tại là để hiến dâng cho nhân loại những phát kiến quan trọng trong lĩnh vực khoa học, đồng thời phần nào để minh chứng cho một nhận định buồn bã nhất của ông: "Tôi không có được một gia đình làm nơi thả neo, không có bạn để yêu thương, cũng không có kẻ thù để căm ghét".

Có nhà tâm lý học đã giải thích việc nhà bác học lỗi lạc, nhà tỉ phú Nobel tỏ ra rất khó khăn trong việc tìm kiếm bạn đời là bởi vì ông quá... yêu quí mẹ mình. Tình cảm đặc biệt ấy đã khiến ông thấy trên đời không còn người phụ nữ nào đáng yêu nữa. Các nhà nghiên cứu tiểu sử thì lại cho rằng, đấy là hậu quả cú "sốc" của mối tình đầu tiên (chẳng là, khi Nobel còn trai trẻ, sống trên đất Pháp, ông đắm đuối yêu một cô gái và mối tình thơ mộng này đã tan vỡ bởi cái chết bất ngờ của người con gái nói trên. Người ta cho rằng bởi quá đau khổ, Nobel đã tự hứa với lòng mình không bao giờ mường tượng tới một mối tình nào nữa cả).

Thực tế chưa hẳn vậy.

Mùa xuân năm 1876, trên một tờ báo ở thành Vienna (thủ đô nước Áo) có đăng lời rao: "Một người đàn ông đã nhiều tuổi, có học, giàu có, sống ở Paris, xin mời một phụ nữ trung niên, biết vài ngoại ngữ, làm thư ký kiêm quản gia".

Bấy giờ Alfred Nobel đã ở tuổi 43, quả là một người có văn hóa cao, biết nhiều ngoại ngữ và rất giàu có. Với phát minh ra chất nổ và kíp nổ, ông cho thành lập một loạt nhà máy mang tên mình ở hầu hết các nước: Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Pháp, Italia, Áo, Hungary, Tây Ban Nha, Mỹ... (nghĩa là ở những nơi người ta cần dùng đến chất nổ để khai thác hầm mỏ hoặc đào đường hầm xuyên núi). Nobel nghiễm nhiên trở thành một trong những nhân vật giàu nhất thế giới thế kỷ XIX. Tuy vậy, nỗi sầu u ẩn vẫn chất chứa trong cặp mắt thông minh của ông. Đã ngoại tứ tuần rồi mà ông vẫn sống cô lập, chưa có gia đình. Lời rao trên báo của ông không chỉ có nghĩa ông cần tìm một thư ký, mà còn muốn tìm vợ.

Người đầu tiên đáp lại lời rao này là một phụ nữ dòng dõi quí tộc Áo, ngoài ba mươi tuổi tên gọi Bertha Kinsky, khi ấy đang làm chân dạy thêm để kiếm sống.

Mới tiếp xúc với Nobel, người đàn ông có "chiều cao dưới mức trung bình, chòm râu màu sẫm, đường nét trên mặt tinh tế", Bertha cảm thấy một ấn tượng dễ mến. Nobel quả là người thông minh, hiền hậu, nhã nhặn, có tài ăn nói tuy tính tình có phần lập dị. Đáng tiếc là trước đấy, Bertha đã có người để trao gửi trái tim. Bởi vậy khi được hỏi về hoàn cảnh đời tư, bà đã thú nhận hết điều này với Nobel.

Sau một tuần nhận việc, Bertha trở lại thành Vienna để kết hôn với Count Arthur von Suttner. Việc lấy chồng không ngăn trở bà và Nobel thường xuyên thư từ cho nhau. Giữa bà và Nobel đã được kết nối với nhau bởi một tình bạn thân thiết (tình bạn không hơn không kém) kéo dài đến ngày nhà bác học tạ thế.

Hồi trẻ, Nobel từng tham gia sáng tác văn học. Ông làm thơ, soạn kịch, viết tiểu thuyết. Bản thân Bertha Kinsky sau này cũng trở thành nhà văn tên tuổi và nữ chiến sĩ đấu tranh tích cực cho hòa bình (bà là tác giả cuốn sách nổi tiếng "Đả đảo vũ khí"). Điều này hẳn đã ảnh hưởng tới tâm lý của Alfred Nobel khi ông thực hiện bản di chúc cuối cùng, trong đó ông quyết định dành hẳn một giải thưởng cho các cá nhân và tổ chức có công thúc đẩy hòa bình. Và, một điều thật ý nghĩa (mà nếu biết, hẳn Nobel sẽ rất vui): Năm 1905, gần 10 năm sau khi Nobel qua đời, Bertha Kinsky đã được trao giải thưởng Nobel về hòa bình.

Bên cạnh chuyện liên quan đến giải Nobel dành cho Bertha Kinsky, trước đây trong dư luận từng xuất hiện một lời đồn cho rằng sở dĩ Nobel không quyết định lập giải Nobel toán học vì một người phụ nữ được cho là vợ chưa cưới đã từ bỏ ông để đi theo một nhà toán học nổi tiếng. Những người nghiên cứu tiểu sử Nobel cho đây là một thông tin không có cơ sở

Lê Duy Thành
.
.