Người ba lần có ảnh được in trong thiếp chúc tết của Bác Hồ

Thứ Năm, 27/08/2009, 10:15
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hữu Cấy là một trong những hội viên sáng lập Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Ông từng là phóng viên ảnh và cán bộ biên tập của NXB Văn hóa - Thông tin. Từ năm 1985 đến 1993, ông là Trưởng chi nhánh NXB Văn hóa Dân tộc tại TP Hồ Chí Minh. Ông là nghệ sĩ có tới 5 tác phẩm ảnh hoa được Bác Hồ và Bác Tôn chọn làm bưu thiếp chúc tết và là nghệ sĩ được phân công túc trực trong suốt 9 ngày đêm để chụp ảnh tang lễ Bác Hồ...

Thoắt đó mà đã gần 60 năm kể từ khi nghệ sĩ nhiếp ảnh Hữu Cấy chụp bức ảnh đầu tiên về đề tài Hà Nội. Đó là hình ảnh công viên Phủ toàn quyền năm 1950. Cách đây gần chục năm, có dịp gặp nhau tại TP Hồ Chí Minh, thấy ông cặm cụi chăm chút tấm ảnh Cột cờ Hà Nội, tôi hỏi :

- Anh nhớ Hà Nội lắm hả?

Ông mỉm cười rồi bùi ngùi nói:

- Nhớ đến quay quắt ấy chứ! Mình đang tập hợp những bức ảnh về Hà Nội,  tính ra ngoài đó mở triển lãm...

Ông hẹn thế, nhưng rồi vẫn chưa đến dịp, vì năm 2002 ông lại bận lo xuất bản tập album "Việt Nam trong trái tim tôi" để ghi dấu 50 năm sự nghiệp nhiếp ảnh và kỷ niệm 70 năm tuổi đời của mình. Và thật bất ngờ, mới đây ra Hà Nội, ông công bố đến giữa tháng 8 này sẽ mở triển lãm ảnh sau 5 năm chuẩn bị. Chủ đề tập trung về cảnh trí và sinh hoạt của người dân Hà Nội từ năm 1950 đến 1975.

Nghệ sĩ Hữu Cấy cho biết, 150 bức ảnh trưng bày lần này hầu hết là ảnh đen trắng. Tôi cầm tập maket triển lãm của ông mà ngạc nhiên. Nhiều bức ảnh của ông đẹp như tranh lụa vậy. Hình ảnh Hà Nội trong thời kỳ bao cấp và chiến đấu chống Mỹ quả rất phong phú, gây xúc động lòng người. Xem những bức ảnh này, ta thấy sự đổi thay và lớn mạnh của thủ đô cùng đất nước.

Những ảnh hoa của nghệ sĩ Hữu Cấy được Bác Hồ chọn đưa vào thiếp chúc tết của Người các năm 1967, 1968,1969.

Đang mải say sưa với những bức ảnh gợi ký ức một thời, tôi bỗng sững người vì thấy có tấm ảnh chụp một cậu bé có nét quen quen. Nghệ sĩ Hữu Cấy nói ngay:

- Nhà thơ Trần Đăng Khoa năm 1967, lúc 9 tuổi đấy.

Tôi đọc chú thích, thấy ghi: "Đêm thơ nữa đi chú ơi!". Hữu Cấy giải thích đây là bức ảnh ông chụp khi "thần đồng" thơ Trần Đăng Khoa cùng các bạn nhỏ đến đọc thơ cho các chú bộ đội nghe.

Tôi chăm chú nhìn tấm ảnh nghệ sĩ Hữu Cấy chụp với ông Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác Hồ. Trên tay hai người có những bưu thiếp ảnh hoa hồng. Thấy tôi quan tâm đến tấm ảnh này, nghệ sĩ Hữu Cấy kể: Cuối năm 1966, Bộ Văn hóa tổ chức cuộc thi sáng tác ảnh hoa để chọn một bộ ảnh phục vụ cho tết 1967. Đã có 14 ảnh hoa được Ban Tổ chức chọn, trong đó có hai bức ảnh hoa hồng của Hữu Cấy.

Thật bất ngờ, chỉ ít lâu sau NXB Văn hóa được yêu cầu chọn những ảnh hoa đẹp để Bác Hồ dùng làm bưu thiếp chúc tết các nguyên thủ quốc gia. Ngay lập tức 14 ảnh đã vào chung kết được trình lên trên. Kết quả, Văn phòng Trung ương Đảng chọn 2 bức hoa hồng của nghệ sĩ Hữu Cấy cùng bức ảnh hoa sen và hoa cúc vàng của hai tác giả khác. Ông Vũ Kỳ trình lên Bác Hồ cả 4 ảnh đã chọn để Bác duyệt lấy một bức làm bưu thiếp chúc tết. Cuối cùng, Bác chọn hai ảnh hoa hồng của Hữu Cấy.

- Sau này, anh Vũ Kỳ có kể lại với tôi là Bác Hồ đã có những lập luận xác đáng vì sao Bác chọn hoa hồng - Nghệ sĩ Hữu Cấy nói thêm. 

Sau đó, Bác Hồ còn tranh thủ đưa ra lấy ý kiến tập thể. Kết quả, cả hai bức ảnh của Hữu Cấy đều được chọn dùng. Một bức Bác ký làm bưu thiếp chúc tết năm 1967, còn một bức để Trung ương Đảng dùng làm bưu thiếp chúc tết cùng năm. Đến tết năm 1968, Bác Hồ quyết định dùng bức hoa hồng mà Trung ương đã dùng năm trước để làm bưu thiếp chúc tết chứ không dùng ảnh hoa khác. Và thật may mắn đối với nghệ sĩ Hữu Cấy, đến tết năm 1969, sau khi duyệt nhiều ảnh hoa mới của các tác giả khác trình lên, Bác đã quyết định dùng lại bức hoa hồng của Hữu Cấy đã dùng năm 1967. Vậy là trong 3 năm liền, nghệ sĩ Hữu Cấy đều được chọn ảnh hoa để Bác Hồ làm bưu thiếp chúc tết. Điều xúc động với Hữu Cấy là Bác không quên nhắc nhở thanh toán nhuận ảnh cho tác giả.

Viên phi công Mỹ bị bắn rơi và đám khói cháy từ kho xăng Đức Giang. Ảnh: Hữu Cấy.

Tôi hỏi Hữu Cấy khi đó nhuận ảnh được bao nhiêu? Ông vui vẻ nói:

- Cả thảy 70 đồng.

Đó là món quà kỷ niệm mang lại niềm hạnh phúc lớn lao cho một đời nghệ sĩ. Điều mà Hữu Cấy lấy làm tiếc lúc đó là ông không có dịp xin chữ ký của Bác vào một tấm ảnh để giữ làm kỷ niệm.

Vậy là ký ức đẹp ấy vẫn còn lưu giữ trong ông hơn 40 năm qua với biết bao niềm vui sướng mỗi khi kể lại. Những năm sau này, ảnh hoa của Hữu Cấy còn có dịp được Chủ tịch Tôn Đức Thắng chọn làm bưu thiếp chúc tết vào các năm 1972, 1975, 1976 với các ảnh hoa đào và hoa hồng.

Khi tôi quay lại những ký ức về Bác trong năm 1969, Hữu Cấy chợt lặng đi trong giây lát. Bởi lẽ, những cảm xúc đối với Bác thật quá lớn lao. Trong suốt 9 ngày đêm tổ chức tang lễ Bác, Hữu Cấy được phân công trực chụp ảnh để tổ chức xuất bản cuốn ảnh lịch sử ghi lại những nỗi niềm tiếc thương vô hạn của đồng bào cả nước cùng bạn bè quốc tế đối với vị lãnh tụ vĩ đại. Ông tâm sự:

- Lần này trong triển lãm, tôi chỉ chọn hơn chục bức trong hai trăm bức, sao cho phù hợp với chủ đề "Ký ức Hà Nội" mà thôi.

Như ở đầu bài đã nói, kể từ khi nghỉ hưu đến nay, nghệ sĩ Hữu Cấy luôn đau đáu một nỗi niềm nhớ về Hà Nội và ước nguyện được một lần triển lãm ảnh Thủ đô. Có lẽ vì thế mà khi tôi hỏi kỹ ông về những tác phẩm như "Hoa muối" - Huy chương Đồng ở Rumani (năm 1966) hay cuốn sách "Việt Nam trong trái tim tôi" - Giải xuất sắc năm 2003 của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và tác phẩm "Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân" được giải tại triển lãm "Toàn dân bảo vệ Tổ quốc" thì nghệ sĩ Hữu Cấy lại chỉ nhấn mạnh tới tác phẩm "Thông cầu" (được giải tại triển lãm ảnh Liên Xô năm 1973):

 - Đề tài Hà Nội đấy! Thông cầu Long Biên sau khi bị không quân Mỹ đánh gẫy mà. Đây là hình ảnh tôi chụp lúc đoàn tàu đi Hải Phòng đúng vào giờ thông cầu đầu tiên.

Vậy là lúc này, ông chỉ muốn nói đến Hà Nội, bởi cả thời trai trẻ ông đã gắn bó với Hà Nội, luôn luôn nghĩ về Hà Nội và cuộc trưng bày lần này ông mong bày tỏ những ký ức sâu sắc nhất của mình. Ông nghĩ đó là thời đoạn của một Hà Nội trẻ trung, sôi nổi và hào hùng nhất trong tâm hồn ông. Hai mươi lăm năm với trên một trăm bức ảnh đen trắng, vừa thâm trầm, vừa giàu cảm xúc lãng mạn. Hữu Cấy xúc động lần giở bức ảnh chụp viên phi công bị bắn rơi bên cạnh đám khói cháy từ kho xăng Đức Giang, bức ảnh ghi cảnh những vành mũ rơm trên đầu các em bé chui xuống hào những ngày đạn lửa. Ký ức của một thời đã làm người nghệ sĩ già nhòa lệ.

Tôi bùi ngùi nắm lấy tay ông, như muốn chia sẻ cùng một cảm xúc Hà Nội trong muôn vàn ký ức chẳng thể nào phai

Vương Tâm
.
.