Người ‘Cho thuê hạnh phúc’

Thứ Năm, 19/02/2015, 08:00
Sau tập truyện ngắn "Ngược dốc" (2005) và cuốn biên khảo "Danh nhân văn hóa Nam bộ - Người và đất Tiền Giang" (2006), nhà văn Huỳnh Mẫn Chi đã cho ra mắt tiểu thuyết đầu tay "Cho thuê hạnh phúc" do NXB Văn học ấn hành vào cuối năm 2014. Cuốn tiểu thuyết viết về một đề tài mới lạ là công nghệ xét nghiệm ADN và do nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết lời giới thiệu trước khi ông qua đời. 

- Chúc mừng công phu và sự đột phá đề tài của chị qua tiểu thuyết "Cho thuê hạnh phúc". Xuất phát từ đâu chị hình thành ý tưởng viết về công nghệ ADN?

+ Một lần rút tiền từ máy tự động ATM, tôi nghĩ đến lợi ích của văn minh mang đến cho nhân loại. Nhìn từ góc xã hội Việt Nam, cuộc sống hiện đại cho ta mọi thứ, nhưng cũng làm mai một đi nhiều thứ gọi là giá trị truyền thống, giá trị đạo đức. Trong đó, đời sống gia đình, tình yêu hôn nhân ngày nay không được như xưa. Tôi đã nghĩ đến công nghệ ADN.

-  Từ ATM liên tưởng đến ADN. Thật thú vị. Nhưng tại sao là ADN? Có phải nó là một ẩn số trong lòng nhà văn và bây giờ có cơ hội giải mã?

+ ADN (hay DNA) viết tắt từ acid deoxyribonucleis là một phần tử acid mang thông tin di truyền, trong quá trình sinh sản, phân tử ADN được nhân đôi và truyền cho thế hệ sau. Khi mà đạo đức trở nên bất lực, ADN sẽ tìm ra câu trả lời chính xác qua cấp độ phân tử nhân đôi và di truyền. Kết quả giải mã những đoạn gien trong phòng thí nghiệm là chứng cứ xác thực nhất để hóa giải những bí mật của bao số phận con người. Tôi nghĩ bất cứ đề tài nào, vấn đề gì khi chạm đến nỗi lòng người viết, thì sức bật càng mạnh, càng thúc giục, càng tuôn trào. ADN là một vấn đề luôn âm ỉ trong tôi. 

- Đề tài ADN chỉ là cái cớ để nhà văn phản ánh, giải quyết nhiều mối quan hệ tình cảm chằng chịt, éo le trong tiểu thuyết. Những mối quan hệ đó do chị hoàn toàn hư cấu hay có câu chuyện nào từ hiện thực cuộc sống mà chị từng chứng kiến hoặc nghe kể lại?

+ Tất cả nhân vật cũng như nội dung câu chuyện do tôi hoàn toàn hư cấu. Các nhân vật nữ trong tiểu thuyết của tôi đều phải trải qua một lần xét nghiệm ADN, với nhiều lý do khác nhau. Thông qua hai nhân vật chính, một mối tình, của hai trí thức trẻ tài năng trong ngành Y học, đại diện cho công lý đi tìm sự thật. Kết quả giải mã những đoạn gien trong phòng thí nghiệm là chứng cứ xác thực nhất để hóa giải những bí mật mà hằng ngày họ phải đối diện, chứng kiến. Đối mặt bao khó khăn, với trăm ngàn lời mua chuộc cũng như đe dọa, họ vẫn đứng vững, vẫn giữ đúng kết quả của sự thật, cho dù sự thật ấy có phũ phàng với người này nhưng lại là hạnh phúc của người kia.

- Đại diện cho công lý, nhưng cuối cùng chị cũng lại để cho hai nhân vật chính trong tiểu thuyết đối diện với nỗi đau từ ADN…

+ Đúng vậy. Đến một ngày, chính người trong cuộc lại không tìm cho mình lối thoát. Họ lại không đến được với nhau, mối tình họ ngang trái, vì trong lòng chất chứa sự hoài nghi từ mối tình trắc trở của thế hệ trước. Kết quả từ xét nghiệm AND có thể phát hiện họ cùng chung huyết thống? Họ đã rơi vào tâm trạng bồn chồn, lo lắng, sợ hãi như bao khách hàng mà họ đã từng chứng kiến khi chờ đợi kết quả xét nghiệm ADN.

Nhà văn Huỳnh Mẫn Chi ký tặng sách "Cho thuê hạnh phúc".

- Bất ngờ từ đề tài đến cốt truyện. Ở góc độ tác giả, chị muốn truyền đi thông điệp gì qua tiểu thuyết?

+ Điều kiện xã hội hiện nay mở rộng cơ hội tiếp cận với các quan hệ mới, đồng nghĩa với việc buông lỏng các mối quan hệ sẵn có. Người phụ nữ được giải phóng, được đề cao, được tự do hơn ngày xưa. Phụ nữ có nhu cầu tình cảm và tinh thần cao hơn, nhưng một khi gặp phải cuộc sống gia đình không như ý muốn, có thể khiến họ chống chếnh, thiếu vắng, dẫn đến việc sa vào những mối quan hệ không chính đáng. Công nghệ ADN xuất hiện như một lời cảnh báo để phụ nữ hãy sống thận trọng hơn, giữ mình hơn, không thể che giấu sự thật đến suốt đời. Chính lối sống buông thả, sự thiếu chung thủy đã ảnh hưởng rất lớn đến giá trị truyền thống gia đình Việt Nam.

- Đạo đức từ gia đình đến xã hội có những biểu hiện xuống cấp đáng báo động. Theo chị, liệu văn học nghệ thuật có góp phần gây nên vấn nạn ấy, hoặc có thể góp phần cứu vãn cho những mối quan hệ gia đình tốt đẹp?

+ Tôi nghĩ có chứ! Trong thực tế, văn học nghệ thuật ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, đến xã hội… Trước đây, văn học và âm nhạc là hai bộ môn nghệ thuật tác động rất lớn đến tinh thần chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ngày nay, những trào lưu văn hóa từ bên ngoài thông qua các bộ môn nghệ thuật: văn học, phim ảnh, âm nhạc đều ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của giới trẻ. Ví dụ như những mối tình nơi công sở, tình yêu ngoài luồng, yêu tay ba, những đứa trẻ bị bỏ rơi… ngày nào cũng xuất hiện trong các phim truyện Việt Nam, được phát sóng khắp các kênh truyền hình, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến đời sống gia đình hiện đại. Những người làm văn học nghệ thuật và các nhà quản lý cần lưu tâm đến điều đó.

- Từ kinh nghiệm của mình, chị thấy một người phụ nữ viết văn có những thuận lợi và khó khăn nào?

+ Phụ nữ khi đã có gia đình, ở mọi ngành nghề, không riêng gì viết văn, đều gặp khó khăn về mặt thời gian. Thời gian phần nhiều họ dành cho gia đình, chăm sóc con cái. Phụ nữ làm nghề gì cũng vậy, cần có sự chia sẻ rất lớn từ người chồng. Có lẽ, tôi là người phụ nữ may mắn, vì luôn được chồng chia sẻ trong công việc viết lách ngay từ khi mới thai nghén ý tưởng.

- Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, bạn của chồng chị (nhạc sĩ giao hưởng Nguyễn Văn Nam), đã ra đi gần tròn một năm. Thật bất ngờ ông lại là người viết lời giới thiệu tiểu thuyết "Cho thuê hạnh phúc". Có những kỷ niệm cụ thể sâu sắc nào về ông mà vợ chồng chị lưu giữ?

+ Nhà văn Nguyễn Quang Sáng là bạn thân, bạn cùng thời với chồng tôi. Sau này, gia đình tôi chuyển về quận 7 sống, lại là hàng xóm với ông. Ông rất hiểu hoàn cảnh, đời sống của gia đình tôi. Tính cách Nam bộ của ông cũng giống như chồng tôi, chân tình và cởi mở. Kỷ niệm về ông mà hai vợ chồng tôi không bao giờ quên được, đó là ngày cưới của chúng tôi. Chồng tôi không biết thế nào mà quên gửi thiệp mời ông đến dự. Cận kề ngày cưới, ông gọi điện thoại cho chồng tôi, giọng hồ hởi: "Mày nha! Tao biết hết rồi! Sao mày cưới vợ mà không mời tao? Mày không mời, tao cũng tới…". Chồng tôi mới giật mình vì thiếu sót này, không phải với nhà văn Nguyễn Quang Sáng mà còn nhiều người bạn thân khác. Chắc có lẽ trong giây phút xốn xang, vì sắp được mặc áo chú rể, chồng tôi bối rối… Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đột ngột ra đi, đối với chồng tôi, gia đình tôi là nỗi buồn lớn.

- Được biết, chị đang có một gia đình hạnh phúc, với một người chồng tài năng nổi tiếng và hai đứa con ngoan. Đời sống của một gia đình hoàn toàn làm công tác văn học nghệ thuật có gặp khó khăn về tài chính?

+ Tài năng của chồng tôi được tôn vinh là thế, cuộc đời riêng của anh cũng được báo chí quan tâm không kém phần. Bởi suốt mấy mươi năm từ ngày về nước (do sang Nga học nhạc), anh vẫn lẻ bóng. Anh cũng từng cá cược vui với bạn bè: "Nếu có một bà nào, một chị nào tuyên bố Nguyễn Văn Nam mê tôi, Nguyễn Văn Nam khoái tôi, Nguyễn Văn Nam từng yêu tôi…; tôi sẽ mời họ về nhà tôi ngay…".  Thế nhưng, không có ai tự tin cả, mấy chục năm anh vẫn sống vậy… Đùng một cái, anh cưới vợ, vợ lại kém anh gần nửa thế kỷ, chính là đề tài để mọi người thắc mắc. Thế nhưng, phần đông ai cũng muốn anh có mái ấm gia đình yên ổn như bao người khác…

Hiện nay, chồng tôi vẫn là lao động chính trong gia đình. Cuộc sống không khỏi gặp khó khăn khi 2 đứa con nhỏ chào đời và đang ở tuổi ăn tuổi học. Ở nước ngoài, viết một bản giao hưởng, người ta có thể nuôi được cả gia đình trong 3 năm. Thế nhưng, ở Việt Nam, viết một bản giao hưởng trong 3 năm ròng rã chỉ đủ nuôi gia đình khoảng một vài tháng. Cả hai vợ chồng tôi dù có xem sáng tạo nghệ thuật là công việc chính, là niềm đam mê vô tận, nhưng chúng tôi vẫn sống bằng nguồn lương đi dạy ít ỏi…

- Sau tiểu thuyết "Cho thuê hạnh phúc", chị có những dự định sáng tác và xuất bản gì trong năm mới?

+ Tôi đang tiếp tục viết về số phận người phụ nữ, thông qua hai nhân vật nữ song sinh, đó là Bồng và Bềnh. Do tác hại của nguồn nước ô nhiễm, ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống người dân, "Tắm sông" là câu chuyện kể về số phận của nhiều mảnh đời nghèo, sống chủ yếu trên sông và ven sông, chợ nổi ở miền Tây Nam bộ. Bồng rất thích tắm sông, tắm sông hằng ngày, nên cô rất yêu thiên nhiên. Rồi từ cuộc sống gắn bó với sông rạch, thích tắm sông, cô có ý thức bảo vệ nguồn nước. Bềnh khác hẳn với cô chị, dù chỉ quanh quẩn xóm lao động nghèo ven sông, nhưng cô thuộc rất nhiều địa danh tận xứ sở Hàn Quốc. Ba lần dự tuyển lấy chồng Hàn Quốc, cô đều thất bại. Cô đã kiếm được nhiều tiền từ quán bia ôm khi vừa rời lớp 11. Bỏ học, từ cô nữ sinh, cô nhanh chóng trở thành phụ nữ sành sỏi chốn ăn chơi miệt vườn.

- Cảm ơn sự chia sẻ của chị. Năm mới, chúc gia đình chị mạnh khoẻ, vượt mọi khó khăn, có nhiều niềm vui sáng tạo.

Phan Huỳnh
.
.