Nghiên cứu khoa học ở một số trường đại học: Những điều chưa minh bạch

Thứ Bảy, 13/08/2016, 08:00
Ở các trường đại học (ĐH) từ nhiều năm nay, hằng năm lãnh đạo nhà trường có chỉ tiêu và phát động phong trào nghiên cứu khoa học (NCKH) trong giảng viên, sinh viên và kể cả cán bộ, công nhân viên ở các phòng, ban. Kinh phí nghiên cứu của các trường ĐH do ngân sách địa phương hoặc Trung ương cấp tuỳ theo đặc thù, vị thế và tầm vóc của từng trường.


Đề tài khoa học hằng năm, giảng viên (GV) có thể đăng ký ở các cấp tuỳ theo tầm cỡ đề tài mà mình chuẩn bị thực hiện như: quốc gia, bộ, tỉnh (thành phố), trường. Ở đây do giới hạn bài viết, chúng tôi chỉ đề cập giới hạn đến việc NCKH cấp trường của GV để nhận thấy được một phần bất cập trong công tác NCKH ở bậc ĐH hiện nay.

NCKH là công việc bắt buộc của giảng viên hằng năm để xét thi đua bên cạnh việc giảng dạy, chấm thi, gác thi, hướng dẫn luận văn sinh viên... Giảng viên nào không đăng ký đề tài NCKH thì sẽ bị ảnh hưởng đến kết quả xếp loại thi đua cuối năm, hệ luỵ đến việc lên lương, thưởng và bao nhiêu thứ quyền lợi khác. Vì thế, dù muốn dù không, đề tài tâm huyết hoặc gượng ép thì cũng phải đăng ký cho có mặt.

Hằng năm cứ "đúng hẹn lại lên" vào đầu năm, phòng nghiên cứu khoa học (PNCKH) của trường ĐH ra thông báo gửi các khoa về thời gian và tiêu chí đăng ký đề tài NCKH. GV đã chọn đề tài từ trước hoặc chưa thì đến lúc đó phải "chạy nước rút" tìm đề tài ngay sau khi nhận thông báo của phòng NCKH. Sau một thời gian ngắn - khoảng một tháng, GV sẽ kết thúc nộp đề cương đề tài NCKH lên văn phòng khoa.

Các sinh viên trong ngày hội trình bày đề tài nghiên cứu khoa học (ảnh có tính chất minh họa).

Theo đúng tiến độ thời gian quy định, khoa sẽ thành lập một hội đồng xét duyệt đề tài cho GV, hội đồng gồm một số GV trong khoa và mời thêm vài vị ở các phòng, ban trong trường có cùng chuyên môn. Chủ yếu là góp ý, thêm bớt cho GV hoàn chỉnh đề tài. Sau đó, các khoa lần lượt gửi đề cương đã được xét duyệt về PNCKH.

 Tiếp theo, đúng tiến độ quy định là đề tài NCKH được trình duyệt trước Hội đồng xét duyệt đề tài cấp trường. PNCKH lần lượt tổ chức các buổi xét duyệt tập thể đề cương đề tài NCKH. Thành viên Hội đồng do PNCKH chọn và một phần do GV tự đề cử, gồm những người có cùng chuyên môn trong trường và mời thêm vài vị giáo sư, tiến sĩ (GS, TS) ở các trường, viện… khác đến cho Hội đồng thêm long trọng. Hầu hết các đề tài đều được Hội đồng thông qua trong sự vui vẻ và... thông cảm (!)

 Mỗi đề tài cấp trường theo quy định hiện nay là dưới 100 triệu đồng (có nghĩa là đề tài có giá cao nhất là 99,9 triệu đồng). Một đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường hiện nay, độ dày khoảng 100 trang giấy A4, đánh vi tính cỡ chữ 13, kiểu chữ Times New Roman theo quy định chung. Sau khi đề tài đã được Hội đồng thông qua thì số tiền sẽ được tạm ứng ngay cho GV để phục vụ công việc nghiên cứu là 50%.

Mấy tháng sau khi hoàn thành đề tài, GV nộp công trình đã đánh vi tính, đóng bìa hẳn hoi về PNCKH. Sau đó PNCKH sẽ tổ chức các buổi xét duyệt đề tài đã hoàn thành. PNCKH có nhiệm vụ thành lập Hội đồng nghiệm thu đề tài cấp trường với thành phần gồm có các vị GS, TS trong và ngoài trường, hầu hết là quen biết và "đúng hẹn lại lên".

Hầu như đến giai đoạn "chung kết" này, các đề tài đều được đánh giá "thành công tốt đẹp". GV sẽ được lãnh nốt số tiền 50% còn lại và cuối năm học sẽ có công trình khoa học để kê khai cùng với các thành tích khác để được xếp loại thi đua tốt, với nhiều quyền lợi đi kèm như lương, thưởng…

Còn các công trình NCKH sau khi "trình làng" thì đa số trở về nằm "ngoan ngoãn" trong tủ của cá nhân GV, văn phòng khoa, PNCKH, thư viện nhà trường từ năm này sang năm khác để chờ mối mọt gặm. Rất ít công trình được ứng nghiệm trong thực tế.

Đề tài NCKH ở các trường ĐH đa số thường không có phát hiện, khám phá gì mới, thường là "xào nấu" lại những món cũ rích, quanh quẩn cũng chỉ là "cây nhà lá vườn". Ở đây hầu như đa số GV làm đề tài mang tính chất "đối phó" với thành tích hằng năm theo sự bó buộc của quy định và thứ nữa là để tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống, bù đắp cho đồng lương chính thức hiện nay quá ít ỏi. Tôi đã từng tham dự một số buổi bảo vệ đề tài NCKH tại một số trường ĐH ở các tỉnh hoặc thành phố Hồ Chí Minh, nhận thấy nhiều đề tài rất là tầm phào hoặc lặp lại những thứ cũ rích mà thiên hạ đã nói "tám mươi đời trước" rồi.

Có thể nhận thấy đội ngũ GV ở các trường ĐH, đặc biệt ở các trường ĐH địa phương tỉnh lẻ hiện nay còn nhiều hạn chế về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ... Mà thể hiện rõ nhất, dễ nhận thấy nhất là lĩnh vực khoa học xã hội. Về mặt ngoại ngữ, mặc dầu bây giờ là thời đại "thế giới phẳng" nhưng hơn 80% GV là "ầu ơ ví dầu" về khả năng sử dụng ngoại ngữ; số lượng GV sử dụng lưu loát được một ngoại ngữ chiếm tỉ lệ nhỏ.

Không biết ngoại ngữ, không có điều kiện và phương tiện truy cập, tìm tòi những tài liệu mới từ nước ngoài, nên họ chỉ loanh quanh trong những nguồn tài liệu cũ kỹ đã ấn hành trong nước từ trước đến nay. Thậm chí tệ hại hơn, họ sẵn sàng copy trên mạng hoặc "luộc" lại công trình nghiên cứu của người khác trước đây.

Ở trong môi trường nghiên cứu "ao làng", chật hẹp nên đề tài xào xáo tới lui năm này qua năm khác cũng cạn dần. Để chữa cháy cho sự cạn nguồn tài liệu này, hiện nay GV ở các trường ĐH có xu hướng quay về nghiên cứu lịch sử, văn hoá, kinh tế… ở các địa phương nông thôn. Họ đi xuống địa bàn các huyện, xã xin báo cáo hằng năm về kinh tế - xã hội của chính quyền sở tại rồi đem về và dựa vào số liệu đó mà viết đề tài NCKH. Nhiều đề tài NCKH nghe như bản báo cáo tổng kết cuối năm của một UBND tỉnh, huyện nào đó.

Hầu hết các trường ĐH hiện nay đều thành lập tại trường một cơ quan nghiên cứu, ở trường ĐH lớn tầm cỡ quốc gia thì gọi là Viện nghiên cứu - phát triển (VNCPT), còn ở các trường ĐH địa phương thì gọi là Trung tâm nghiên cứu - phát triển (TTNCPT). Ở các trường ĐH lớn tại các đô thị thì các loại "Viện" này tự xoay xở kiếm đề tài để có kinh phí, tức là "tự thu tự chi", biên chế của trường Viện chỉ có Viện trưởng, Viện phó, còn lại chuyên viên là thuê mướn từ bên ngoài; còn các trường ĐH nhỏ ở các địa phương thì các trung tâm này hầu như được hưởng ngân sách trợ cấp của UBND tỉnh, hằng năm số tiền này là hàng tỉ đồng. Có thể nói hiện nay các TTNCPT của các trường ĐH loại này là nơi để "rửa tiền" hoặc những vị lãnh đạo, GV trong trường có công trình để "chạy" các chức danh phó giáo sư, giáo sư…

Hằng năm, các TTNCPT thường tìm cách để "giải ngân" cho bằng hết số tiền kinh phí chính quyền địa phương cấp cho để NCKH, vì nếu không xài hết số tiền đó mà hoàn lại thì năm sau ngân sách sẽ cấp giảm xuống hoặc không cấp nữa. Như vậy thì các TTNCPT tội gì mà không làm đề tài khoa học, vừa có tiền vừa có "tiếng". Tôi - người viết bài này - đã từng chứng kiến một số TTNCPT "rửa tiền" theo nhiều cách "nghiên cứu khoa học" khác nhau.

Cách thứ nhất là Giám đốc TTNCPT sẽ "phăng" ra một loạt các đề tài vô thưởng vô phạt, thường thường là nghiên cứu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hoá, lịch sử… ở địa phương, sau đó cho mời một số vị có học hàm, học vị ở các trường ĐH, cơ quan nghiên cứu trong, ngoài địa phương tham gia, mỗi vị GS, TS được giao một đề tài để thực hiện; số kinh phí đề tài thì TTNCPT sẽ thu từ 10 - 15%, còn lại trả cho tác giả công trình khoa học.

Cách thứ hai là dùng công trình để chạy chức danh, ví dụ vị hiệu trưởng đã có bằng TS, nay muốn có chức danh PGS thì ông ta giao cho Giám đốc TTNCPT thực hiện bằng cách đề ra một số chuyên đề, rồi mướn một số GV, GS, TS viết, ông ta đứng tên chủ biên; sau khi hoàn thành thì mua giấy phép nhà xuất bản in thành sách. Những cuốn sách này sẽ góp một phần quan trọng trong tiêu chuẩn cho chủ nhân của nó kiếm chức danh, phẩm hàm.

Những chuyên đề loại này đa phần kém chất lượng, chúng ta cứ chịu khó đọc qua các loại sách tự xuất bản này ở một số trường ĐH hiện nay sẽ nhận ra. Còn chủ nhân của nó thì cần quái gì "chất với chả lượng", họ chỉ cần đạt mục đích là kiếm được chức danh GS, PGS để có danh lợi mà thôi.

Ở các trường ĐH, công việc NCKH đóng một vai trò quan trọng bên cạnh công tác giảng dạy. Tuy vậy, do quy chế NCKH nặng tính hành chính và có tính chất một "phong trào thi đua" nên tạo ra một sự bất cập. Với cung cách NCKH như hiện nay, đa phần là cho ra đời những công trình khoa học vô bổ, tạo điều kiện cho một số kẻ trục lợi, làm tốn kém, lãng phí ngân sách nhà nước. Đã đến lúc cần phải chấn chỉnh lại chính sách, quy định về NCKH ở bậc ĐH cho hợp lý và đáp ứng nhu cầu thực tiễn hiện nay.

Lương Sơn - Đức Hà
.
.