Tản văn

Nghịch cảnh

Thứ Năm, 09/09/2010, 09:41
Một đêm gió mưa tơi tả. Trong những cảnh huống ấy, nằm trên căn gác lửng ấm cúng, tôi thường hay chạnh lòng nghĩ tới những phận người lang thang cơ nhỡ trên đường. Không biết lúc này họ thế nào! Rồi vẩn vơ tôi lại nghĩ tới những kiếp chim muông. ờ nhỉ, mưa tạt gió xiên thế này, những cái tổ mỏng manh làm sao có thể là chỗ chắc chắn để nương thân. Cứ lan man nghĩ vậy, chợt lảnh lói cất lên trong đêm sâu một tiếng rao của cậu bé bán bánh mì nào đó:

- Ai mua bánh mỳ nóng đ...ây!

Rõ khổ, một cái bánh mì chỉ đáng giá có một nghìn, lời lãi bao nhiêu! Chẳng thế mà ngày xưa (thời thuộc Pháp), nằm trong xà lim Quy Nhơn, nhà thơ Tố Hữu đã lắng nghe và bày tỏ lòng thương cảm với em bé bán bánh bột lọc đang cất tiếng rao trong đêm hôm khuya khoắt. Tôi nhớ, có lần tôi hỏi một cậu bé bán bánh mỳ:

- Đi hàng cây số thế này mới có một người mua. Vậy một ngày em đi đến bao nhiêu cây.

- Ôi giời, cứ vòng vo thế mà có ngày em đi đến bốn chục cây số. Thằng bạn bán kem của em ở quê nó còn đi nhiều hơn. Có ngày nó đi tới năm chục cây, vì nó phải đi nhanh, không thì để lâu, kem chảy mất.

Ông bạn hàng xóm của tôi nghe vậy, buột miệng:

- Có cho tao tiền như tiền lãi bánh của bọn mày chỉ để đi ngần ấy cây số, tao cũng xin vái huống hồ lại còn phải thồ hàng, phải rao bán...

Quay lại chuyện thằng bé tôi đang kể trên. Khi nó đi quá cửa nhà tôi một đoạn, chợt có tiếng gọi:

- Ê, bánh mỳ, lại đây mày!

Tôi mừng thầm, vậy là thằng bé cũng bõ công đi qua đoạn phố này rồi. Nhưng cái tiếng kia lại cất lên, vẻ nạt nộ:

- Bánh nóng không mày?

Có mấy tiếng lao nhao cùng cất lên. Tôi đoán chừng có một tốp choai choai túm tụm đâu đây.

Thằng bé bán bánh nói với vẻ e dè:

- Dạ, mưa gió thế này, bánh còn nóng sao được ạ!

- Tiên sư mày - Có tiếng gầm lên - Thế sao mày dám rao là bánh mỳ nóng. Ông đập chết mẹ mày bây giờ.

Chỉ nghe vậy, tôi vội nhào ra khỏi giường, mở cửa sổ nhìn ra. Trong bóng đêm nhập nhoạng, tôi loáng thoáng nhận thấy một tốp trẻ con chừng 15, 16 tuổi đang túm tụm ở một hẻm ngõ chếch phía bên kia đường. Đốm lửa ở đầu điếu thuốc của chúng lập loè. Tôi nhận ra mặt một đứa trong bọn:

- Này em ơi, đừng bắt nạt nó đi. Trời mưa gió thế này nó đi bán bánh, thế chưa đủ khốn khổ hay sao?

Bọn trẻ lao xao nói cái gì đó, rồi phá lên cười, mắng đuổi thằng bé bán bánh "cút đi nhanh". Thằng bé khập khiễng lao lên xe, lấy tay gạt mắt. Tôi đoán: nó không dám khóc thành tiếng, nhưng hẳn nước mắt nó đang nhoà cùng những hạt mưa lạnh giá sa xuống ngày càng nặng. Nó tủi mà!

Không dưng câu chuyện này lại làm tôi nhớ đến một câu chuyện tương tự vậy, xảy ra trước đây ít lâu. Một chiếc xe thồ bánh đi qua, chợt nghe có tiếng gọi:

- Ê, bánh mỳ, lại đây, lại đây.

Một tốp trẻ reo lên:

- Bánh còn nóng không?

- Dạ, bánh còn nóng ạ.

- Thế thì đi mà bán nhanh đi, kẻo không nó nguội.

Nói rồi, bọn trẻ phá lên cười, khoái trá về hành động bỡn cợt của mình. Trong khi thằng bé kia tưng hửng vì mất công xuống xe, mở bọc lấy bánh...

Đáng ra, chúng phải biết thương cảm những người bạn đồng lứa nhưng số phận vất vả, lam lũ, trong khi mình thì đàn đúm, lêu lổng, còn muốn trêu chọc, dậm dọa người...

Minh Quân
.
.