Nghĩ về chất lượng sống của người Việt

Thứ Năm, 05/11/2015, 13:00
Tất cả chúng ta đều phải thừa nhận một thực tế rằng, trong khoảng hơn 20 năm trở lại đây, đời sống vật chất của người Việt trong nước đã được cải thiện một cách đáng kể. Đó là một kết qủa tốt đẹp của cả một xã hội chuyển động mạnh mẽ, kể từ thời điểm mấu chốt, bản lề là công cuộc đổi mới năm 1986...
Từ một đời sống mà những nhu cầu của con người ta chỉ ở những mức thấp nhất trong tháp nhu cầu Maslow, dường như người Việt đã được đáp ứng những nhu cầu cao nhất như nhu cầu được tự thể hiện bản thân mình, như một sự khẳng định sự tồn tại có ý nghĩa của mình trong xã hội. Tất cả những gì đơn giản ngày xưa, như được một bữa cải thiện hàng tuần, được mặc đủ ấm, và nếu đẹp thì càng tốt, đã không còn là mong mỏi chung của cả xã hội nữa. Người Việt hôm nay sống sung túc hơn, đàng hoàng hơn, cập nhật hơn, đặc biệt là người Việt ở các đô thị lớn.

Để chứng minh cho sự sung túc đó chúng ta không cần phải nhìn ở đâu xa mà chỉ cần soi rọi lại chính bản thân mình, những người xung quanh mình, là chúng ta có thể nhận thấy sự hiện hữu của nó rõ mồn một. Tất nhiên, đây đó, ở những vùng sâu, vùng xa, vẫn có những người còn rất khổ nhưng suy cho cùng, họ cũng chỉ là một nhóm thiểu số không đủ để làm đại diện cho cả bộ mặt xã hội.

Những buổi hòa nhạc thính phòng, dù được tổ chức miễn phí nhưng rất ít khán giả tới xem (ảnh có tính minh họa).

Người Việt ngày một đặt ra một nhu cầu cao hơn về hưởng thụ vật chất mà đơn cử ra là những lựa chọn sản phẩm của họ hàng ngày. Người đô thị đã hướng đến các sản phẩm sạch, thậm chí sẵn sàng bỏ tiền nhiều hơn để có những sản phẩm nhập khẩu có bảo chứng về độ an toàn cao. Đặc biệt, những sản phẩm tiên tiến của thế giới cũng đã chọn Việt Nam như một trong những điểm ra mắt đồng loạt toàn cầu.

Ví dụ như mới đây nhất là các sản phẩm công nghệ của Apple chẳng hạn; hoặc như chiếc bóng đèn thông minh, kết nối với wifi, có thể được điều khiển từ xa bằng điện thoại thông minh và có đến 16 triệu màu khác nhau của hãng Philips chẳng hạn. Loại bóng đèn đó là một sản phẩm công nghệ mới tinh của thế giới, và ở Việt Nam, đã nhiều gia đình đặt mua, sử dụng nó với mức giá không quá đắt (vài trăm ngàn cho một bóng đèn) để bài trí cho căn nhà của mình nhằm tạo cho mình một không gian riêng phù hợp với cảm xúc. Sự cập nhật về nhu cầu vật chất đầy hiện đại đó chính là một chỉ dấu không thể phủ nhận về chất lượng đời sống vật chất của người Việt hôm nay.

Nhưng suy cho cùng, có phải sự thoả mãn những nhu cầu cấp cao về đời sống vật chất như vậy đã đủ để chúng ta thỏa mãn với nhau rằng chất lượng sống của người Việt cũng đang ở mức cao? Thực tế, chất lượng sống của chúng ta, ở những khía cạnh phi thể lý, lại đang xuống thấp trầm trọng, bất chấp việc chúng ta đang được cởi mở rất nhiều, tiếp cận rất nhiều với thế giới, nhờ vào internet và công nghệ thông tin tân tiến.

Hãy nhìn vào thị trường văn hóa và chúng ta sẽ nhận ra ngay sự nghèo nàn đến mức đáng thương của người Việt hiện đại. Cái gọi là thị trường văn hóa ấy gần như chỉ là sự độc chiếm, độc diễn của các sản phẩm giải trí tầm thường mà thôi và sự góp mặt của nghệ thuật ngày càng mờ nhạt hơn. Hãy thử đặt cho mình một câu hỏi rằng "bạn đã bao nhiêu lần đặt chân đến một triển lãm mỹ thuật trong đời?", chắc chắn chúng ta sẽ giật mình thực sự. Và câu hỏi đó có thể được thay thế hoàn toàn bằng các chủ thể khác, như "bao nhiêu cuốn sách văn học"; "bao nhiêu buổi hòa nhạc cao cấp"… mà đáp án vẫn không hề thay đổi. Người Việt đã có một thời gian dài xa lánh những thứ nghệ thuật cao cấp đến mức độ gần như thờ ơ và chỉ quan tâm đến chúng mỗi khi trong thế giới của chúng có những scandal sặc mùi giải trí mà thôi.

Điển hình nhất là thế giới mỹ thuật và văn chương. Sách văn chương ấn hành ra không nhiều về số lượng bản in trên mỗi đầu sách đơn giản vì không nhiều người sẽ mua chúng. Người Việt ưa chuộng các dạng sách cẩm nang sống rẻ tiền và sáo rỗng hơn là những gì đọc để đọng lại. Thậm chí, khi được tặng sách quý, họ có thể dễ dàng khoe nó trên mạng xã hội nhưng đọc nó thì tuyệt nhiên không. Triển lãm mỹ thuật cũng vậy. Giới tạo hình mở triển lãm gần như chỉ để đón tiếp bạn bè, đồng nghiệp hoặc khách vãng lai nước ngoài. Còn những khán giả, người thưởng thức trong nước thì đã đi đâu mất rồi? Có vẻ như họ đã thành người thiên cổ và trong cộng đồng đông đảo còn lại ngoài xã hội, không có ai là khán giả của những thứ cao đẹp ấy nữa.

Nhiều người sẽ biện minh rằng người Việt hôm nay không ưa chuộng những thứ cao đẹp đó bởi họ cảm thấy chúng khó hiểu, và nói chung là không hay. Điều đó có thể đúng nhưng thưởng thức nghệ thuật cao cấp không phải nhất thiết cần phải hiểu mà quan trọng nhất là cần phải yêu thích. Sự yêu thích sẽ đưa họ lại gần một loại hình nghệ thuật hơn, rồi từ đó, họ sẽ hiểu dần về nó. Sự hiểu dần về nó đó chính là nền tảng để người thưởng thức nâng tầm kiến thức của  mình hơn, và suy cho cùng, nó cũng nâng tầm chất lượng sống của con người hơn. Song, người Việt hiện đại lại chọn cách xa lánh cái cao đẹp kia, và càng ngày càng biến đời sống tinh thần của mình trở nên nghèo nàn, và thấp cấp.

Suy cho cùng, chất lượng sống của người Việt hiện đại thực sự đang ở mức độ báo động cao khi nó cho thấy chúng ta quá chú trọng vào sự thỏa mãn vật chất mà quên đi mất cái nhu cầu thẩm mỹ rất quan trọng đối với mỗi người. Đơn giản, một xã hội xa lánh cái đẹp chắc chắn là một xã hội không đẹp rồi. Và chắc chắn một điều rằng, không một ai trong chúng ta dám khẳng định rằng "người Việt đang sống đẹp, sống chất lượng"…

Hà Quang Minh
.
.