Tản văn

Nghĩ trước cho con...

Thứ Năm, 20/10/2011, 08:00

Con của mẹ có đôi mắt to, ánh mắt xa xăm, mang mác buồn. Nhìn con, ai cũng bảo: Cậu này lớn dễ là thi sĩ lắm, bé mà đã có "tướng" rồi.

Mẹ nghĩ, thơ ca là biểu tượng của cái đẹp thì con trai của mẹ rất có thể là nhà thơ. Cuộc đời này nếu thực sự đẹp, mẹ mong ước con của mẹ như vậy. Thi sĩ là tâm hồn của thời đại!

Những chuyện đời thường gay cấn hay tình cảm ở trường lớp, ở ngoài đường ở nhà mà con được chứng kiến dễ gây ấn tượng ám ảnh con. Con hay ngẫm nghĩ theo cách của con và thương cảm những hoàn cảnh éo le. Sự "ủy mị" của con làm mẹ lo lắng. Vì có thể lắm - đức tính này sẽ làm con khó thành công được việc gì cho ra dáng đàn ông. Nhịp sống bây giờ là nhịp sống ganh đua, là cạnh tranh, thậm chí con người sẵn sàng chà đạp, sát phạt nhau để có được một vị trí nào đó, vậy mà con cứ lấy tình thương người để giải quyết và hành động thì con sẽ bị lạc lõng giữa cuộc đời mất. Sách cổ kim vẫn dạy con người tình yêu thương nhân loại, nhưng cuộc sống thật nay đã đổi thay. Cá lớn thường nuốt cá bé. Ai cũng mong sau này lớn lên con mình mọi sự hanh thông, cuộc sống bớt nhọc nhằn, mở mày mở mặt với đời... Trăm bề ngổn ngang, mẹ biết phải dạy con theo hướng nào đây? Mẹ lo sợ lắm. Con của mẹ đang lớn lên từng ngày.

Nhà mình ở cạnh bệnh viện. Buổi tối thường có tiếng kêu như tiếng hét của con lợn bay ngang qua nóc nhà. Con hỏi: "Mẹ ơi, con gì kêu nghe sợ thế hả mẹ?". Mẹ giải thích cho con nghe: "Đấy là tiếng kêu của con chim lợn. Bà ngoại bảo, hễ con chim lợn bay qua nhà, nó cất tiếng kêu có nghĩa là nhà đó đang có người ốm mệt hoặc có người sắp qua đời hoặc gặp chuyện không hay. Ngày mẹ còn nhỏ, nếu có tiếng kêu của con chim lợn trong vườn hay trên nóc nhà là bà ngoại mang gạo, muối ra ném, nhổ nước bọt đuổi phủi phui cái xúi của con chim lợn đI".

Thế là từ đó, dù đang chơi vui với các bạn ngoài đường phố hay đang chúi mắt chơi điện tử, thấy tiếng kêu của con chim lợn, con cũng ngửa cổ lên trời phủi phui nhổ đuổi con chim lợn. Con phủi phui đủ bốn lần cho bốn thành viên trong gia đình: Cho bố này, cho mẹ, cho chị và cho chính mình.

Lần ấy mẹ ốm nằm nhà, đi học về là con chạy tới chỗ mẹ. Con quẩn quanh quấn quít bên mẹ. Con bảo, mẹ có việc gì không để con làm giúp mẹ. Mẹ bảo con sang nhà bên chơi với bạn cho đỡ buồn, mẹ nằm ngủ một chút. Lúc sau mẹ thấy con hớt hơ hớt hải chạy về, thở hổn hển: "Mẹ ơi, mẹ lại bị đau bụng rồi phải không?". Mẹ khẽ gật đầu. Con bảo: "Nghe tiếng con chim lợn là con biết, con chạy về ngay. Con phủi phui rồi mà mẹ vẫn bị đau, để con đấm lưng cho mẹ...".

Ở quán nước bên đường có một tốp thanh niên ngồi uống nước. Họ tranh cãi với nhau điều gì đó. Họ tranh cãi với nhau gay gắt lắm. Hết đứng lên lại ngồi xuống, xỉa xói vào mặt nhau. Ai cũng muốn mình thắng lý, dần dà họ đánh nhau. Một người thanh niên cầm vỏ chai bia nện vào đầu người đang đấu khẩu với mình, máu chảy be bét. Mọi người kêu hét, xúm lại băng bó, gọi xe cấp cứu đưa người vỡ đầu đi bệnh viện. Thấy ồn ào, hai mẹ con cũng chạy ra xem. Nghe những người chứng kiến vụ việc thuật lại đầu đuôi câu chuyện, con trai chép miệng như một ông cụ, nói với mẹ: "Tất cả chỉ tại ai cũng thích làm tướng mẹ nhỉ. Người ta thích làm tướng thì cứ cho người ta làm tướng, tranh nhau làm gì. Dại thế mẹ nhỉ".

Nghe con nói vậy, mẹ chột dạ: "Con mình không có chí tiến thủ sao? Nó muốn nhường nhịn người khác? Đức tính này sẽ làm con nghèo, mà nghèo là sẽ khổ đấy con ơi...".

Nhưng rồi, một ý nghĩ khác ập đến trong đầu mẹ: Như vậy là con rất ngoan, rất biết nhường nhịn. Sau này con lớn lên, sẽ tránh được nhiều mối họa ở đời. Mẹ nghĩ vậy và vui mừng khi thấy nhiều người cũng chia sẻ với mẹ như vậy…

Thu Thảo
.
.