Nghĩ trong mùa lễ hội

Thứ Hai, 11/03/2013, 08:04
Với hàng ngàn đền chùa, miếu mạo, khu di tích… thì khó có ai mà đi hết được. Nhưng qua quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như đi đến một số điểm để được "mục sở thị"… thì thấy rằng hầu như các địa chỉ của lễ hội ấy đã được sửa sang, nâng cấp rất nhiều bằng tiền của, công sức của Nhà nước và nhân dân. Diện mạo các điểm đến ấy đã khác hẳn. Đẹp hơn, hoành tráng hơn, thu hút nhiều du khách hơn...

Du khách đi đến lễ hội không vất vả cực nhọc như trước đây. Những chỗ nguy hiểm, có vực sâu thì được thiết kế bằng các cáp treo, tạo thuận lợi cho du khách nhẹ nhàng, khỏe khoắn hơn trong bước chân hành hương. Chẳng thế mà nhiều người nói, so với trước đây thì bây giờ, trong một mùa lễ hội đi đến được nhiều điểm hơn và thực sự có cảm giác như người âm với người dương gần nhau hơn. Ít thấy những cảnh đìu hiu, hoang phế. Chỗ nào cũng thấy nổi bật các gam màu đỏ rực, hồng tươi, vàng chóe từ đường nét mái đình mái chùa đến các bàn thờ, bức tượng, từ ngoài sân đến tiền sảnh, các bậc tam cấp đến cảnh quan vườn tược xung quanh. Tôi nhớ ngày xưa theo người lớn đến các đình chùa cứ thấy sợ sợ thế nào ấy, đi vào đó thấy không khí âm u ngỡ như đi vào cõi của ma quỉ, chết chóc. Còn bây giờ trái lại, cảm giác vui vẻ, thanh thản cứ luôn trào dâng. Một phần cũng do cảnh quan tươi tắn, ấm cúng nơi đây mang lại. Tuy nhiên cũng có không ít nhà chuyên môn lên tiếng về vấn đề này. Họ sợ rằng chúng ta làm biến dạng, mất gốc, chẳng khác gì phá hoại các di sản này, gây tổn thương đến ý nghĩa lịch sử và ý nghĩa giáo dục của nó. Đây là điều chúng ta cần chú ý và hết sức tránh, vì nó vi phạm vào những điều mang tính nguyên tắc. Quả thật có những đền chùa, miếu mạo được xây dựng từ cách đây hàng bốn, năm trăm năm, nhưng qua trùng tu, tôn tạo nó lại mang vẻ đẹp của thế kỷ XX, với các sai sót theo kiểu chữ "tác" đánh thành chữ "tộ"… Đó là chưa nói đến những biểu hiện mở rộng, nâng cao qui mô phạm vi của các điểm lễ hội với mục đích thương mại. Chẳng hạn: hầu hết các miếu mạo đền chùa, sau khi trùng tu, tôn tạo thì số lượng các bàn thờ tăng lên rất nhiều. Tôi đã chứng kiến một ngôi chùa ở gần nhà tôi ở: Ngày trước, khi chùa chưa được sửa sang, mồng một ngày rằm tôi thường ra thắp hương thì thấy chỉ có thờ các vị Tam bảo, thờ quan văn, quan võ, đức thánh hiền… ước chừng chưa đầy chục nơi thờ. Sau khi trùng tu nâng cấp thì thấy có rất nhiều bàn thờ, thờ vô số thần, nằm la liệt từ ngoài cổng vào, từ thờ Đức Thánh Trần đến ông Hoàng Bảy, ông Hoàng Mười, từ thờ Ngũ hổ đến Sơn Trang, cậu bé, cô bé… đến một hòn non bộ được đặt trong bể nước có mấy chú cá cảnh bơi lội cũng thành nơi thắp hương để thờ thần thủy cung. Có những chỗ du khách chỉ biết đặt tiền lễ, chắp tay vái vội rồi đi chứ cũng chẳng biết vị thần ấy là ai. Các vị thần là danh nhân lịch sử với các vị thần của các truyền thuyết cổ tích cứ lẫn lộn ngồi bên nhau. Có những chỗ các "bàn" thờ được hình thành rất ngẫu hứng. Cứ vài ba viên đá chụm vào, có mấy cây hương cắm xiên xẹo, có mấy đồng tiền kẹp vào, thế là người trước người sau cứ thế mà thắp hương đặt lễ. Trông những chỗ thờ ấy thật cám cảnh và có phần phản cảm. Bày ra nhiều bàn thờ, nhiều chỗ thờ như vậy không ngoài mục đích thương mại hóa các điểm đến này.

Một thực tế khác đang được nhiều người chú ý và có những ý kiến khác nhau là việc hình thành các khu trồng cây lưu niệm trong các khu di tích này. Những nơi có nghiên cứu, có qui hoạch, việc trồng cây lưu niệm gây ấn tượng đẹp về văn hóa. Nhưng có những nơi việc làm này xem ra có phần tùy hứng, nhìn vào vườn cây cũng có thể nhận ra là nó được trồng theo "nhiệm kì": Các vị lãnh đạo mới lên được trồng ở những chỗ mới hơn, đẹp hơn. Số lượng các đồng chí trồng cây lưu niệm nhiều quá, có chỗ rất nhiều cây mang tên các đồng chí có chức vụ cấp Vụ, Cục. Do quá nhiều như thế cho nên có khi vị trí thứ tự không được tính toán kĩ, lại có tình trạng trồng nhiều chăm ít nên có cây của vị này thì xum xuê xanh tốt, cây của vị nọ thì còi cọc, chậm phát triển, từ đó mà người ta có những câu đàm tiếu không hay. Thiết nghĩ trong khu di tích, nếu có trồng cây lưu niệm thì cũng nên chú ý cân nhắc, chỉ nên dành cho những đồng chí lãnh đạo cấp cao nhất và thực sự có uy tín, có dấu ấn ở trung ương cũng như ở địa phương. Bên cạnh những đồng chí lãnh đạo, cũng nên có những vị trí trồng cây lưu niệm cho những nhà hoạt động khoa học, văn hóa, xã hội tài năng lỗi lạc, có cống hiến lớn cho đất nước. Có như thế thì vườn cây lưu niệm mới thực sự tạo thêm cảnh quan đẹp cho khu di tích

Phạm Văn Thạch
.
.