Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Dũng:

‘Nghệ thuật là sự đam mê đến tận cùng’

Thứ Tư, 11/03/2015, 08:00
Đến với nghệ thuật nhiếp ảnh một cách tình cờ nhưng giờ đây, cái tên Vũ Dũng đã trở nên rất quen thuộc qua nhiều bức ảnh ấn tượng, đầy cảm xúc…

Gần 25 năm trôi qua kể từ giải thưởng nhiếp ảnh đầu tiên, với sự lao động liên tục và không ngừng nghỉ, ông đã sở hữu hơn 200 giải thưởng trong nước và quốc tế ở lĩnh vực ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật và ảnh ý tưởng. Ông được Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam phong tước hiệu "Nghệ sĩ nhiếp ảnh đặc biệt xuất sắc EVAPA/GOLD", được Liên đoàn Nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế phong tước hiệu AFIAP và hiện là Trưởng ban Hội đồng nghệ thuật nhiếp ảnh Hải Phòng. Nhân dịp năm mới, VNCA đã có cuộc trò chuyện cùng nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Dũng xung quanh quá trình lao động nghệ thuật của ông:

- Thưa nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Dũng, là người được biết tới với hàng trăm giải thưởng tại các cuộc thi trong nước và quốc tế, nhưng hình như con đường đến với nhiếp ảnh của ông cũng không dễ dàng?

+ Tôi đam mê hội họa từ nhỏ, 5 - 6 tuổi đã tập tành cầm bút vẽ. Lớn lên một chút thì đúng giai đoạn đất nước có chiến tranh, tôi sơ tán về quê ngoại ở tỉnh Hải Dương. Những ngày tháng sống ở quê ngoại với phong cảnh nông thôn bình dị, cuộc sống dân dã đã in sâu vào ký ức tôi. Học xong phổ thông, tôi vào bộ đội, khoác áo lính tham gia chiến đấu tại nhiều chiến trường. Đất nước và con người Việt Nam ở những nơi tôi đi qua đã thực sự bám sâu vào trí nhớ. Tôi đã dùng hội họa như một cách để miêu tả và lưu giữ ký ức về những trận đánh, những người lính tôi đã gặp trong chiến trường.

Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, sau khi xuất ngũ, tôi làm công chức tại Hải Phòng. Đời sống khó khăn, tôi tự học thêm nghề chụp ảnh tại các công viên, vườn hoa để thêm thắt vào đồng lương ít ỏi. Ban đầu tôi chụp ảnh với mục đích mưu sinh, sau dần càng chụp càng mê. Khi cuộc sống đỡ vất vả hơn, tôi bắt đầu chụp những gì mình thích. Rồi mạnh dạn gửi tới các báo.

Đầu những năm 90, ảnh của tôi có mặt trên nhiều báo địa phương và Trung ương như Tiền phong, Giáo dục thời đại, Lao động… Khi đã "chinh phục" được mảng ảnh báo chí, tôi quyết định tấn công sang ảnh nghệ thuật với tiêu chí "Lấy ảnh báo chí nuôi ảnh nghệ thuật", bắt đầu tham gia các cuộc thi ảnh trên các báo. Và sự nghiệp cầm máy của tôi có thể được tính từ lúc tác phẩm "Không hòa" đoạt giải nhất Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực đồng bằng sông Hồng năm 1994.

- Thời gian vừa qua, chủ đề biển đảo đã trở thành cảm hứng cho các văn nghệ sĩ ở nhiều lĩnh vực. Được biết, ông là một nghệ sĩ nhiếp ảnh có tác phẩm trưng bày ở hầu hết các triển lãm về chủ đề này trong cả nước. Với ông, biển đảo có ý nghĩa thế nào trong sự nghiệp cầm máy của mình?

+ Tôi đã trải qua phần lớn cuộc đời mình ở thành phố Cảng Hải Phòng nên với tôi chụp Hải Phòng nói chung cũng như biển đảo nói riêng tự nhiên như hơi thở của mình. Hải Phòng có Đồ Sơn, Cát Bà là những địa điểm du lịch đẹp, hấp dẫn du khách, con người hòa đồng, khảng khái tạo nhiều thiện cảm cho bất cứ ai đặt chân tới đây. Tuy vậy, để chụp được một tấm ảnh đẹp, giàu cảm xúc không hề dễ dàng. Ngoài tài năng của người cầm máy thì ảnh phong cảnh còn phụ thuộc rất nhiều vào mưa thuận gió hòa. Đã từng có lần tác nghiệp chụp ngư dân làm muối ở Cát Hải, khi leo cao bị trượt chân, tôi từng ngã đập xuống nền xi măng khiến xây xước hết cả mặt.

Năm 2013, tôi đã có dịp cùng 20 nghệ sĩ nhiếp ảnh hàng đầu Việt Nam đi sáng tác ảnh về biển đảo Hải Phòng với chủ đề: "Văn minh sông Hồng". Chuyến đi giúp chúng tôi có được nhiều bức ảnh rất ưng ý. Trong đó, bức "Đèn biển Long Châu, Cát Bà" của tôi được giải thưởng Di sản Việt Nam, bức "Việt Nam quê hương tôi" được rất nhiều người chia sẻ làm ảnh đại diện trên trang Facebook... Thông qua những bức ảnh biển đảo, tôi chỉ muốn nhắn nhủ rằng, đất nước mình đẹp thế, con người hiền hậu thế, bằng mọi cách phải giữ được vẹn toàn.

- Nhiều đồng nghiệp ở Hải Phòng khi nhắc đến ông đều truyền tai nhau rằng "Bất cứ sự kiện nào trong đất liền hay ngoài biển đảo cũng đều có mặt, không có một đồng nghiệp nào là "đối thủ" của ông khi "chen lấn", "xoạc", "huých" để có được bức ảnh ưng ý" . Đâu là lý do khiến ông lăn xả, hết mình đến vậy?

+ "Nhiếp ảnh là nghệ thuật của khoảnh khắc" nên bằng mọi giá, người nghệ sĩ phải thu được vào ống kính của mình khoảnh khắc quý báu nhất. Tôi luôn tâm niệm, đã làm nghề là phải lăn lộn dấn thân. Nhiều lần đi chụp sự kiện theo đoàn, tôi thường vớ xe nào leo lên xe ấy, chẳng mấy khi để ý biển số. Mà dân nhiếp ảnh thì lỉnh kỉnh cơ man nào là ba lô to, thân máy, ống kính, mỗi thứ cũng vài chiếc, lại còn khăn, mũ kính… nhiều khi để mỗi xe một ít, đến khi quay lại chả nhớ xe nào chở theo đồ của mình.

Để có thể chộp được những khoảnh khắc đắc địa, người nhiếp ảnh phải biết chờ đợi. Tác phẩm "Phạm Thế Minh - một tấm gương điển hình" mà tôi đoạt giải nhất báo chí "Khoảng khắc Vàng VN03", "Cúp vàng VAPA" là một ví dụ. Để có được chùm ảnh ấy, tôi đã đi theo nhân vật cả tháng trời. Sau này, khi được giải thưởng, tôi đã chia đôi phần thưởng của mình cho nhân vật, là một nạn nhân chất độc da cam.

- Sự thật là đằng sau mỗi bức ảnh nghệ thuật làm say đắm lòng người thì nghệ sĩ nhiếp ảnh đã đổ mồ hôi, thậm chí cả máu của mình để ghi dấu những hình ảnh nhiều cảm xúc nhất. Với gần 25 năm cầm máy, hẳn ông có rất nhiều kỷ niệm?

+ Kỷ niệm trong cuộc đời cầm máy của tôi thì nhiều lắm, bởi mỗi bức ảnh đã là một câu chuyện rồi. Nhưng có một việc khiến tôi nhớ nhất là năm 2011, tôi đã bị ốm liệt giường 2 năm trời vì… nhiếp ảnh. Chuyện là ngày ấy, để chụp toàn cảnh Nhà máy Xi măng Hải Phòng, tôi phải leo lên tầng cao nhất của tháp nước. Cầu thang bằng sắt để lại từ thời Pháp thuộc cũ kĩ, rất khó leo. Đến khi dùng tất cả sức lực để vận chuyển phương tiện đồ nghề lên được đỉnh tháp thì tôi bị kiệt sức.

Tháp nước hình nón, gió trên đó thổi mạnh tới nỗi nếu không bám chặt có thể bay cả người đi. Lên được tới đó, tôi bị choáng, phải nằm bất động một lúc. Sau chuyến ấy, tôi bị suy nhược cơ thể tưởng như không thể cầm máy được. Bạn bè đồng nghiệp tới thăm đều tiếc nuối: "Chắc Vũ Dũng không còn khả năng làm việc được nữa". Nhiều người khuyên tôi bỏ máy ảnh... Nhưng sau 2 năm kiên trì chữa chạy và luyện tập, may mắn đã mỉm cười, tôi lại tiếp tục rong ruổi cùng những chuyến đi của mình.

Có lần chụp ảnh tại khu vực đóng tàu ngoài cảng, mải thay ống kính, tôi không nhớ là chưa kịp quàng dây máy ảnh vào cổ, cứ tự nhiên buông tay, thế là máy bị vỡ nát, không sử dụng được… Có chuyến đi tác nghiệp tại ngoại thành, tối mịt mới về, tôi bị một con cánh kiến bất ngờ bay vào lỗ tai buốt nhức. Tai chảy nhiều máu nhưng tôi phải đi xe máy 20km trong tình trạng một tay bịt tai mới tới được bệnh viện để nhờ bác sĩ gắp ra. Rồi có lần, săn ảnh hoàng hôn ở ngoại thành, thấy mấy chú ngựa đang đứng trên đê ấn tượng quá, tôi lao tới chụp. Không ngờ, mấy chú ngựa giật mình đuổi theo. Tôi lao thẳng cả người và máy xuống ruộng giữa mùa đông giá rét…

- Chủ đề trong các bức ảnh của ông khá đa dạng, từ người, cảnh vật, hoa lá… nhưng đâu là đối tượng khơi gợi trong ông nhiều rung động nhất ?

+ Ảnh nghệ thuật là không giới hạn. Mọi sự vật, hiện tượng, con người đều có thể trở thành đối tượng của ống kính. Nhưng với tôi, con người là trung tâm của cuộc sống. Điều thu hút ống kính của tôi là số phận con người. Tôi nghiệm thấy, khi hướng ống kính vào cuộc sống hiện thực, chia sẻ trái tim mình với cuộc sống bằng tình yêu chân thành thì sẽ mãn nguyện với từng cú bấm máy. Chính vì thế, một số giải thưởng của tôi gần đây đều hướng ống kính vào con người như ở một số tác phẩm: "Hẹn gặp lại" - Cúp Bạc Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, "Bảo Nhung kể chuyện Bác Hồ" - Giải đặc biệt Liên hoan ảnh nghệ thuật lần thứ 34; "Lên đường" - Giải thưởng Nhiếp ảnh xuất sắc về chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"…

Ngày nay, công nghệ đã giúp các nhà nhiếp ảnh rất nhiều trong khả năng sáng tạo. Tuy nhiên, quyết định hết thảy vẫn là cú bấm của người cầm máy. Một tác phẩm nghệ thuật có giá trị phải lay động trái tim và mang đến cho người xem một thông điệp mang tính nhân văn. Muốn vậy, người nghệ sĩ phải đam mê và yêu cuộc sống

 - Nghỉ hưu, nhưng bạn bè vẫn thấy ông tham gia các cuộc thi, các cuộc triển lãm, chia sẻ ảnh trên Facebook… Dường như với ông, chưa có chỗ cho sự nghỉ ngơi?

+ Dù điều kiện sức khỏe không được như trước nhưng niềm đam mê nhiếp ảnh vẫn luôn thôi thúc tôi từng ngày. Hiện tại, tôi vẫn cộng tác với nhiều báo trong cả nước. Cách đây một tháng, tại một cuộc thi ảnh Du lịch Hải Phòng có chủ đề: "Ấn tượng Hải Phòng", tôi đã đoạt cùng một lúc 5 giải: Nhất, nhì, ba và khuyến khích cùng với 27 tác phẩm đã được treo. Một giải thưởng kỷ lục không thể có với bất kỳ nghệ sĩ nào. Nhưng với tôi, hàng trăm giải thưởng không phải là tất cả. Cái quý nhất là được sáng tạo ra những tác phẩm ưng ý để chia sẻ với cộng đồng.

- Cảm ơn nghệ sĩ Vũ Dũng! 
Thảo Duyên (thực hiện)
.
.