NSND Hương Thơm:

‘Nghề tay trái vẫn nuôi nghề tay phải!’

Thứ Ba, 17/03/2015, 08:00
NSND Hương Thơm hiện là Phó Giám đốc phụ trách biểu diễn của Nhà hát Tuồng Việt Nam. Là nghệ sĩ trưởng thành từ những vai diễn có tính kinh điển của nghệ thuật tuồng như Mộc Quế Anh, Đào Tam Xuân, Hồ Nguyệt Cô, Lý Chiêu Hoàng..., đến nay dù đã lên chức... lãnh đạo, NSND Hương Thơm vẫn bị mê hoặc bởi những vai diễn…

Không còn lên sân khấu thường xuyên nữa nhưng NSND Hương Thơm luôn là người "tiếp lửa" cho các nghệ sĩ của Nhà hát Tuồng Việt Nam qua việc truyền nghề cho thế hệ trẻ và quảng bá, "tiếp thị" nghệ thuật Tuồng để rồi nhận về nhiều hợp đồng biểu diễn, giúp anh chị em nghệ sĩ có "công ăn việc làm" và có thêm thu nhập. Dù theo như chia sẻ của NSND Hương Thơm, là người suốt đời làm nghệ thuật nhưng chị luôn phải có "nghề tay trái" để nuôi "nghề tay phải". Nhân dịp đầu xuân, phóng viên Chuyên đề Văn nghệ Công an đã có cuộc trò chuyện với NSND Hương Thơm.

- Thưa NSND Hương Thơm, trong bối cảnh các bộ môn nghệ thuật truyền thống gặp rất nhiều khó khăn khi tuyển sinh vì hiện nay nhiều bậc phụ huynh không còn muốn con em mình theo đuổi nghệ thuật truyền thống nữa, vậy vừa qua, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã làm thế nào để tuyển được 55 học viên cho khóa đào tạo diễn viên - nhạc công tại Nhà hát?

+ Để tuyển sinh được số học viên này cũng là một quá trình gian nan đấy. Nhà hát Tuồng Việt Nam đã sớm gửi công văn đến Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch của 9 tỉnh đề nghị phối hợp. Các đoàn đi tuyển sinh đã đến tận các trường phổ thông để dán thông báo, phát tờ rơi và còn vào tận các lớp học để nhờ các thầy cô giáo giới thiệu cho các em học sinh có năng khiếu văn nghệ để mời đến dự tuyển. Ngoài ra, nếu phát hiện em nào có năng khiếu nhưng vì lý do gì đó mà gia đình không muốn cho các em theo học Tuồng thì chúng tôi cử người đến tận nhà để khuyến khích, động viên. Nhờ sự nỗ lực ấy mà trong đợt 4 Nhà hát của Bộ tổ chức tuyển sinh năm ngoái, chỉ có Nhà hát Tuồng Việt Nam là tuyển đủ chỉ tiêu thôi đấy.

- Nghe nói ngày xưa, khi chị trúng tuyển vào Nhà hát Tuồng Trung ương, bố mẹ chị cũng dứt khoát không cho chị đi theo Tuồng?

+ Đúng vậy! Nhưng không phải vì sợ con theo nghề sẽ không có tương lai tươi sáng hay nghèo khó như các bậc phụ huynh bây giờ, mà đơn giản là vì tôi là con út, bố mẹ thương nên không muốn tôi một mình lặn lội đi học xa nhà vất vả. Tôi còn nhớ khi đó tôi còn là cô thôn nữ gánh thóc lên huyện nộp thuế, thấy có đoàn tuyển văn công đông vui quá thì ghé vào xem thôi. Chắc các cô chú thấy tôi cũng có nét gì đặc biệt hơn nên hai lần được NSND Lê Tiến Thọ và cô Bùi Liên mời vào dự tuyển. Mà lúc đó tôi đã biết tuồng là gì đâu, cũng chưa bao giờ được xem tuồng nên cũng nói như vậy. Thế là các cô chú bảo thích hát gì thì hát, không ngờ lại trúng tuyển ngay.

Thế là 2 lần NSND Lê Tiến Thọ đã về tận nhà động viên cha mẹ tôi cho tôi đi học. Và rồi còn cho xe về tận nhà để đón tôi ra Hà Nội. Những tình cảm sâu đậm và tâm huyết của các bậc tiền bối khiến tôi không bao giờ quên được. Nếu không có các thầy cô cũng nặng lòng, tâm huyết với nghệ thuật Tuồng như vậy thì làm sao có tôi của ngày hôm nay.

- Theo chị, đâu là vướng mắc lớn nhất khiến nhiều người e ngại không muốn con em mình dấn thân với nghệ thuật truyền thống, trong đó có nghệ thuật Tuồng?

+ Có nhiều nguyên nhân song theo tôi cái chính đó là vấn đề cơ chế chính sách đãi ngộ dành cho nghệ sĩ đang bị lãng quên suốt hơn 20 năm nay. Có thể nói, hầu hết nghệ sĩ của các bộ môn nghệ thuật truyền thống đều nghèo, ai cũng phải có nghề tay trái để sống. Như bản thân tôi đây là NSND, hơn 30 năm gắn bó với nghề mà cả lương và phụ cấp nữa mới được 6 triệu một tháng. Vợ chồng tôi may mắn sớm có nghề làm phục trang, đạo cụ biểu diễn của các bộ môn nghệ thuật truyền thống nên đời sống vật chất cũng ổn hơn nhiều cặp vợ chồng nghệ sĩ khác đấy.

Nhà tôi là nghề phụ lại nuôi được nghề chính, phải có "nghề tay trái" mới nuôi được "nghề tay phải". Nếu không yêu nghề, không tâm huyết với nghề chắc tôi và nhiều đồng nghiệp của mình cũng bỏ nghề từ lâu rồi. Người ta phải đi tìm cái nghề khiến người ta đủ sống là đúng chứ. Nhưng cũng thật lạ, tôi vẫn luôn trân trọng cái nghề của mình lắm. Có lẽ bởi đó cũng là duyên nghiệp rồi.

- Nghề làm đạo cụ, trang phục truyền thống đã đến với vợ chồng chị như thế nào? Có phải trong tình thế "đói thì đầu gối phải bò" không?

+ Nói là "đói thì đầu gối phải bò" cũng đúng, nhưng theo tôi là cái duyên nữa. Làm nghề gì cũng phải có cái duyên mới bền lâu được. Cũng như là cái duyên của tôi đến với Tuồng ấy mà. Từ tấm bé chẳng bao giờ nghĩ đến việc mình sẽ trở thành một nghệ sĩ Tuồng, ấy thế mà chỉ vì một lần đi gánh thóc, cơ duyên đã đến. Vợ chồng tôi có thuận lợi là làm việc cùng một nhà hát. Lúc đầu, chúng tôi cũng bắt đầu với việc làm thêm các phục trang đơn giản như mũ, râu, tóc, kiếm, đính kim sa...

Còn nhớ, có những khi vợ chồng tôi đi diễn về muộn vẫn phải thức trắng đêm đính kim sa để sáng mai trả hàng cho khách. Sau này, ông xã nhà tôi đã quyết định chỉ để tôi làm nghề diễn, còn anh ấy chuyển sang phòng hành chính của nhà hát để ổn định kinh tế bằng việc mở một xưởng may trang phục chuyên nghiệp. Đến bây giờ tôi hoàn toàn có thể tự hào xưởng may trang phục biểu diễn của gia đình tôi là bền đẹp số 1, là địa chỉ đặt may trang phục tin cậy của các đoàn nghệ thuật khắp trong Nam ngoài Bắc. Từ ngày có anh ấy lo toan về kinh tế, tôi cũng yên tâm hơn để công tác và hết mình với các vai diễn. Và sau này còn kiêm nhiệm thêm nhiều công việc của đoàn thể mà vẫn yên tâm là vì có một chỗ dựa vững chắc là chồng, con luôn hết lòng ủng hộ.

- Có lần nghe chị chia sẻ rằng, chị có được thành công như hôm nay trong đó phải kể đến công lao đóng góp rất lớn của chồng chị - nghệ sĩ Lưu Ngọc Nam. Chị có thể chia sẻ thêm về chuyện này?

+ Tôi may mắn có được một người chồng đúng nghĩa là một người bạn đời tin cậy. Khi xưa, anh ấy vốn là người của "tuồng Nam" nên cũng chính là "người thầy đầu tiên" của tôi khi tôi theo học "tuồng Bắc", nhưng lại được phân về đoàn "tuồng Nam". Ngoài ra anh ấy luôn là khán giả đầu tiên của tôi, là bạn diễn của tôi khi cần. Ở nhà tôi, sàn nhà chính là sàn tập. Khi được giao bất kỳ vai diễn tôi cũng luôn trăn trở để tìm tòi, sáng tạo từng động tác, từng vũ đạo... Khi hoàn thiện một vai diễn, bao giờ tôi cũng diễn thử ở nhà cho ông xã xem trước. Nếu anh ấy gật đầu, bảo "ok" là tôi cũng yên tâm, tự tin hơn khi lên sàn diễn. Rồi trong những trích đoạn dàn dựng để tôi đi dự thi, anh ấy cũng sẵn sàng vào các vai diễn phụ, diễn hộ cho vợ đi thi. Đến nay, tôi làm công tác quản lý bận rộn với lịch biểu diễn theo hợp đồng liên miên, anh ấy vẫn vui vẻ toan lo mọi việc nhà giúp vợ để tôi yên tâm đi công tác. Vì thế phải nói rằng những thành công của tôi hôm nay là do được chồng con hậu thuẫn, tin yêu. Tôi rất hạnh phúc về điều đó!

- Trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình, chị đã có được nhiều vai diễn có ấn tượng sâu đậm với khán giả như Đào Tam Xuân, Quận chúa Ngọc Hoa, Lý Chiêu Hoàng, Hồ Nguyệt Cô, nàng Mai Hương, Hơ Linh... Đâu là vai diễn khiến chị trăn trở và nhiều ấn tượng nhất?

+ Cuộc đời làm nghệ thuật của tôi cũng gian truân lắm chứ không hề bằng phẳng. Và đôi khi chính tôi cũng không hiểu được vì sao tôi lại có thể là một nghệ sĩ khóc cười cùng nhân vật của mình. Vì thế, không có một nhân vật nào tôi hóa thân một cách đơn giản, dễ dãi mà luôn đầu tư hết sức công phu. Tôi yêu thương tất cả các nhân vật mà mình đã hóa thân và luôn có cảm giác rưng rưng trong từng vai diễn. Nhưng vai diễn mà tôi có nhiều trăn trở nhất có lẽ là vai Quận chúa Ngọc Hoa, bởi khi đó tôi còn khá trẻ, lại vào một vai lớn diễn cùng toàn các nghệ sĩ gạo cội như NSND Lê Tiến Thọ, NSND Mẫn Thu, NSND Gia Khoản, NSND Hoàng Khiềm... Mà vai diễn đó lại đòi hỏi sự thuần thục, nhuần nhuyễn và chính xác trong từng động tác bởi có một màn "đánh tóc" cực khó. Vì thế, cường độ tập luyện của tôi hết sức căng thẳng. Tôi đã bị một cú ngã rất nguy hiểm khi thực hành một miếng đánh mạo hiểm: nhảy cao đá chân sang hai bên. Cũng may tôi chỉ bị chấn thương nhẹ, điều trị một thời gian là khỏi khiến nhiều người phải nói rằng: "Chắc là tôi được Tổ nghề phù hộ nên mới không sao".

Khi hóa thân vào các vai diễn trên sân khấu, nhiều khi tôi có cảm giác rất lạ, có những khoảnh khắc như không còn là mình nữa. Nỗi đau của nhân vật cũng chính là nỗi đau của mình. Khi vào vai Lý Chiêu Hoàng, nàng Mai Hương hay Đào Tam Xuân, tôi đều khóc thực sự, nước mắt giàn giụa ướt hết cả micro...

- Cho đến bây giờ, có điều gì khiến chị cảm thấy còn nuối tiếc vì khi còn xuân sắc, đã không làm hết mình, hết sức cho các vai diễn của mình không?

+Tôi hài lòng với hiện tại. Bởi vì tôi vốn là người đã làm gì là làm hết mình, làm hết sức để về sau không còn gì phải ân hận hay nuối tiếc. Tôi có được sự tôn vinh của khán giả, sự tôn trọng của bạn nghề và một gia đình ấm áp rồi. Đó là những điều hạnh phúc nhất. Chỉ có điều tôi vẫn trăn trở rằng, tôi là người được trao "nghề Tổ", mình phải làm thế nào đó để trao lại nghề cho thế hệ kế cận một cách tốt nhất, trọn vẹn nhất!

- Xin cảm ơn NSND Hương Thơm!

Nguyệt Hà (thực hiện)
.
.