Nghệ sĩ múa và nỗi lo khi… giải nghệ

Thứ Ba, 12/07/2005, 08:03

Đời  của một diễn viên múa rất ngắn. Khi giải nghệ, họ được cơ quan cho chuyển sang công việc khác. Nhưng cũng có nghệ sĩ không thể tìm được việc nhưng cơ quan vẫn phải trả lương, dù rằng số lương ấy rất nhỏ bé.

Ngay từ khi bắt đầu nghiệp múa (học ở Trường Múa Việt Nam), học sinh đã phải học tập cả chuyên môn song song với học văn hóa. Ngoài các giờ học văn hóa ra, các em phải dành ít nhất 4 tiếng/ngày để luyện tập trên sàn tập. Những năm học tại Trường Múa (có em theo khóa 3, 4 năm; có em học 7 năm), bắt buộc phải tập luyện từ các bài đơn giản đến phức tạp ở mọi thể loại: Dân gian dân tộc truyền thống hay cổ điển châu Âu.

Thể loại nào cũng đòi hỏi độ khéo léo và kỹ thuật cao (bật cao, nhảy lớn, quay tròn, các bài tập di trên giày mũi cứng…). Ngoài năng khiếu bẩm sinh, phải thường xuyên luyện tập, học sinh cần có tư duy sáng tạo tránh tình trạng sao chép, mô phỏng, bắt chước một cách máy móc trong cách diễn và dàn dựng.

Những người quyết tâm theo đuổi nghề múa đến cùng, họ cần mẫn tập luyện, bất chấp sự ngăn cản của gia đình, sự đau đớn mệt mỏi về thể xác để mong một ngày… một ngày, cố gắng ấy sẽ được đền đáp và sẽ đơm hoa kết trái. Thế nhưng ra trường, không phải ai cũng tìm được nơi làm việc như  ý nguyện.

Người có sở trường là ballet lại xin được vào nhà hát dân tộc và ngược lại, người rất xuất sắc về múa dân gian dân tộc lại làm việc ở nhà hát múa hiện đại… Nếu được vào biên chế còn khá, nếu chỉ là nhân viên hợp đồng thì cực chẳng đã. Đời sống của họ được cải thiện nhờ vào những hợp đồng biểu diễn của nhà hát và tìm các sô diễn làm thêm.

Vở kịch múa "Các men" (biên đạo: Tuyết Minh - Hồng Phong).

Theo NSƯT Đỗ Tiến Định, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Việt Nam, diễn viên hợp đồng của nhà hát lương 600.000/người, lương này do nhà hát tự hạch toán chi trả chứ không nằm trong quĩ lương của nhà nước. Vì vậy nhà hát phải tìm mọi cách để tăng lịch biểu diễn, thậm chí mở cả căng tin hiện đại kinh doanh nhằm nâng cao đời sống cho anh em.

Mỗi buổi biểu diễn, tiền bồi dưỡng cho diễn viên nói chung, diễn viên múa nói riêng theo quy định của Nhà nước là 30.000/người, song nhà hát đã cố gắng nâng cao hơn (tùy vào từng hợp đồng cụ thể). Tổng thu nhập bình quân của họ hiện nay khoảng trên dưới hai triệu đồng.

Với số tiền ấy ở thành thị, nếu có gia đình rồi thì cuộc sống của diễn viên múa thật chật vật, khó khăn. Họ vừa phải dốc kiệt sức lực cho nghề, vừa  canh cánh một nỗi lo: cơm áo gạo tiền mà thực tế thì, tuổi nghề của diễn viên múa rất ngắn, ra trường chỉ còn biểu diễn được mươi, mười lăm năm. Phụ nữ ngoài 35 và đàn ông ngoài 40 tuổi khó có thể đứng trên sàn diễn.

Nhiều nhà hát cũng đã tìm mọi biện pháp để lo công ăn việc làm cho họ. Chọn một vài người có khả năng cho đi học tiếp biên đạo múa để sau này trở lại nhà hát làm việc, một số người phải chuyển sang làm bảo vệ, hậu cần, hành chính… hoặc cho đi học một nghề nào đó khi học xong họ tự tìm được công tác mới và chuyển ngành… Song không phải bao giờ cũng giải quyết công ăn việc làm được cho tất cả diễn viên.

Đối với những diễn viên múa ở các đoàn, nhà hát địa phương, nhất là tỉnh vùng cao, vùng sâu vùng xa càng khó khăn hơn nhiều, lịch diễn thưa thớt, khó có thể tìm một việc làm thêm đúng nghề như ở thành phố lớn, chỉ trông chờ vào đồng lương ba cọc ba đồng.

Do đó, nhiều em sau khi tốt nghiệp không muốn trở về tỉnh nhà, sẵn sàng một cuộc sống bươn trải, công việc không ổn định ở nơi thành phố.

Có người lại chọn con đường làm giảng viên múa, lương chằn chặn ba năm lên một bậc nhưng ổn định lâu dài như Tuyết Minh, giảng viên Khoa Múa Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh, chẳng hạn.

Khi đang là sinh viên, Tuyết Minh đã cộng tác với Nhà hát Vũ kịch Việt Nam, từng tham gia các vở kịch múa “Gió mùa”, “Kẹp hạt dẻ”… từng làm biên đạo (cùng với nghệ sĩ Hồng Phong) vở ballet “Carmen” “Made in Việt Nam” và kịch múa “Quan Âm Thị Kính” đã gây ấn tượng mạnh mẽ trong công chúng về sự kết hợp một cách sáng tạo giữa múa truyền thống với hiện đại. Tuyết Minh cũng đã từng đoạt giải “Tài năng trẻ Múa chuyên nghiệp toàn quốc” khi đang học năm thứ sáu Trường Múa Việt Nam; đi biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới.

Bây giờ cô ở tuổi 25, nếu theo nghiệp diễn thì còn 10 năm nữa là sẽ giải nghệ. Dĩ nhiên với Tuyết Minh sẽ không dừng lại ở đó, chỉ có điều bắt đầu lại từ đầu trong ngưỡng tuổi 35 thì thật bất công. Nhưng trong số hàng trăm diễn viên múa, đâu phải ai cũng tài năng và gặp may mắn như thế?

Tùng Vân
.
.