Nghệ sĩ điêu khắc Kim Thanh: Hồn tượng, phận người

Thứ Hai, 16/12/2013, 08:00
Đã mấy đêm rồi bà không ngủ được, nước mắt ứa ra đẫm gối. Mở tivi, đọc báo, cảnh chết chóc ở thành phố Tacloban, Philippines sau siêu bão kinh hoàng Haiyan ám ảnh, cứa từng vết dao. Nỗi đau sâu hoắm như ngày tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi xa. Hai nỗi đau ấy trở thành lời giục giã để bà thực hiện một nghĩa cử thiêng liêng: gom vạn tấm lòng thỉnh tượng Đại tướng để gây quỹ ủng hộ cho dải đất chết Tacloban...

Nhớ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nghệ sĩ điêu khắc Kim Thanh vẫn nhớ như in nụ cười hiền hậu của ông. Năm 2006, lần đầu tiên bà ra Hà Nội, cũng là lần đầu tiên bà vinh dự được đến thăm Đại tướng khi ông đang điều trị tại bệnh viện. Đại tướng yếu lắm, khuôn mặt hốc hác, lại nhiều đoàn đến thăm nên bà chỉ kịp đặt bó hoa tươi bên giường ông rồi lặng lẽ ra về. 

Hai năm sau, hạnh phúc vỡ òa khi bà được đến thăm Đại tướng tại nhà riêng. Biết bà đi một mình nên một nhiếp ảnh gia xin đi ké. Bà hơi chần chừ. Người nghệ sĩ nhiếp ảnh mắt rơm rớm: "Em ra Hà Nội bốn, năm lần rồi, lần nào cũng không gặp được bác Giáp. Em chỉ gặp bác ấy một lần là em cam lòng". Bà nghe vậy, thấy tội quá, liền đồng ý cho anh vào cùng. Không ngờ anh nài tiếp: "Chị cho vợ em vào luôn nha. Vợ em cũng chưa bao giờ gặp được bác Giáp". Bà lại gật đầu. Được đà, anh tiếp luôn: "Còn hai đứa con nhỏ thì sao chị? Bỏ tụi nó nheo nhóc ngoài kia tội quá". Bà ừ đại, kéo luôn cả gia đình anh vào thăm bác Giáp.

Vừa gặp bác, anh đột ngột quỳ xuống khiến mọi người hoảng hốt. "Bác ơi, hôm nay con gặp bác như con được gặp Bác Hồ" - anh vừa nói vừa khóc. Bà thấy má mình hình như ươn ướt. Những người có mặt ở đó cũng lén lau nước mắt khi Đại tướng từ tốn đỡ anh chàng nhiếp ảnh đứng lên.

Mọi người đang vui vẻ nói chuyện thì bỗng bác Giáp khẽ vẫy tay về phía cửa: "Cháu bế em ngồi xuống đây với bác". Thì ra nãy giờ, vợ anh nhiếp ảnh vì ngại đông người nên chỉ dám đứng bồng con nép bên cánh cửa. Mấy vị khách nam đỏ bừng mặt, vội vàng đứng dậy nhường ghế cho người thiếu phụ. Kim Thanh nhìn bác, cảm động trước sự tinh tế của Đại tướng.

Nghệ sĩ điêu khắc Kim Thanh và những bức tượng chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ấn tượng của những lần gặp gỡ ấy đã giúp bà tạc nên rất nhiều tượng chân dung về vị Đại tướng kính yêu. Tượng bán thân, tượng toàn thân, tượng Đại tướng đứng trên nóc hầm Đờ Cát, cả tượng Đại tướng thời trẻ và chân dung khi ông sắp khuất. Năm 2010, bức tượng bán thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp cao 50 cm của bà được chọn để trưng bày trong Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc. Những bức tượng Đại tướng trưng bày ở triển lãm có người ngỏ ý thỉnh về vì lòng ngưỡng mộ, tôn thờ, bà sẵn lòng tặng họ, như tấm lòng gặp gỡ tấm lòng...

Bà kể: "Năm 2003, sau gần một tháng dò hỏi, tôi và chồng - nhà điêu khắc Nguyễn Sang mới biết thầy Tô Sanh đang điều trị suy tim tại Bệnh viện Thống Nhất. Ông rất ngạc nhiên khi nghe chúng tôi bày tỏ muốn học nghề điêu khắc, tạc tượng danh nhân. Lúc đó, nhìn ông yếu lắm, tôi nghĩ là ông sẽ không nhận chúng tôi làm học trò như ý nguyện tha thiết của hai vợ chồng. Bởi lúc đó chồng tôi đã 47 tuổi, tôi cũng đã 43.

Anh Sang làm công nhân viên chức nhà nước, tôi dạy môn Hóa - Sinh ở Đức Hòa, Long An mười năm rồi theo chồng về thành phố. Chúng tôi đã làm khá nhiều nghề để mưu sinh, nhưng hội họa, điêu khắc thì…chưa từng học qua. Theo dõi hoạt động của điêu khắc gia Tô Sanh qua tivi, hai vợ chồng thích quá nên bàn nhau tìm bằng được bác Tô Sanh để xin học nghề. Sau một tuần nằm viện, ngày 29 Tết, ông được bệnh viện cho về nhà ăn Tết. Chúng tôi xúc động không tả nổi khi vừa ra viện, ông đã nói: "Tôi muốn đến thăm nhà hai em". Ông gật gù khen ngợi cách thiết kế, bài trí của căn nhà.

Vậy là ngay chiều 30 Tết, chúng tôi được ông nhận làm học trò. Sáng mồng 3 Tết, ông thuê xe ba gác chở đầy đất sét, thạch cao, bàn quay… đến nhà tôi và dạy cho chúng tôi những bài học đầu tiên. Khóa học hy hữu, kéo dài vỏn vẹn có 6 ngày: từ mồng 3 đến mồng 9 Tết. Thầy miệt mài giảng giải cho chúng tôi mặc cơn đau huyết áp và bệnh suy tim hành hạ. Chúng tôi vừa học vừa lo, vừa thương thầy quá. Đến khi nhận được tờ giấy viết tay của thầy thì chúng tôi không kìm nổi lòng mình: "Ngày… tháng… Anh chị Sang -  Thanh làm việc tốt. Tôi muốn những ngày cuối đời tôi sống có ích. Tôi muốn dạy anh chị Sang - Thanh tạc tượng. Nếu tôi có mệnh hệ gì không ai được làm khó anh chị. Ký tên: Tô Sanh".

Từ cái tâm sáng của một người thầy hết lòng vì học trò, nghệ sĩ điêu khắc Kim Thanh nhận ra rằng: Học nghề tạc tượng, quan trọng là học cái tâm, cái đức của thầy. Rồi thầy trở bệnh nặng, vợ chồng Kim Thanh và Nguyễn Sang tự mày mò học tiếp. Gian phòng nhỏ bé trong con hẻm trên đường Sư Vạn Hạnh, quận 10, Tp HCM là nơi quần tụ của hàng trăm chân dung Anh hùng dân tộc, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, tướng lĩnh, danh nhân văn hóa, nhà khoa học, nhà giáo, bác sĩ, nghệ sĩ… Để thể hiện được thần thái của nhân vật trong nét đất, cạnh đồng, bà phải sống cùng với nhân vật sau khi đọc kỹ tư liệu về cuộc đời, thân thế của họ.

Hiện vợ chồng nghệ sĩ Kim Thanh đã có hơn 60 cuộc triển lãm lớn nhỏ. Câu chuyện đi tìm pho tượng NSND Trần Hiếu mất 3 năm ròng của ca sĩ Tina Tình có lẽ là câu chuyện mà nghệ sĩ Kim Thanh luôn xúc động mỗi khi lật giở sổ cảm tưởng triển lãm. "Tôi đã rơi nước mắt trước tượng thầy. Một tượng đồng rất có hồn và tôi đã thấy được nụ cười trên môi thầy. Đã lâu rồi tôi không thấy được nét mặt thanh thản, yêu đời trên khuôn mặt ấy.

Tôi đứng lặng trước pho tượng và nghĩ: Đây mới chính là thầy Trần Hiếu! Hiền lành và yêu đời. Dẫu ở ngoài đời thầy đôi khi không được vui như vậy nhưng tôi hạnh phúc vì cô Kim Thanh đã lưu lại được nét ấy của thầy trên tượng đồng này" - Tina Tình viết.

Tháng 12 này, hàng trăm bức tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng đồng được làm bằng cả tấm lòng của người nghệ sĩ sẽ góp chút tấm lòng chia sẻ với vùng đất chết Tacloban. Những bức tượng thỉnh về là một cánh tay đưa ra với đồng loại. "Đại tướng là vị lãnh tụ được thế giới biết đến và ngưỡng mộ. Do đó, quỹ ủng hộ từ thiện từ việc thỉnh tượng Đại tướng sẽ không chỉ có giá trị vật chất, mà còn có giá trị tinh thần đối với người dân đang gặp hoạn nạn. Tôi mong bản lĩnh kiên cường không gì có thể địch nổi của Đại tướng là nguồn động lực mạnh mẽ để họ vượt qua thiên tai. Số tiền thu được, tôi sẽ gửi gắm cơ quan báo chí uy tín để trước hết gửi đến người dân Philippines, sau là ủng hộ cho nữ phóng viên xấu số ở Quảng Ngãi và bà con miền Trung" - nghệ sĩ Kim Thanh nói. Đôi mắt bà lấp lánh sau màn nước

Mai Quỳnh Nga
.
.