Nghệ sĩ của “những người thích đùa”

Chủ Nhật, 18/02/2007, 08:30

Thế mạnh của Xuân Hương là sử dụng những ngón nghề của sân khấu tạp kỹ; dùng hình ảnh, âm thanh, ánh sáng làm ngôn ngữ sân khấu. Do vậy, chương trình “Những người thích đùa” thu hút cả giới trí thức lẫn giới bình dân.

Tôi được biết, nghệ sĩ Xuân Hương có một khoảng thời gian rất khó khăn trước khi quyết định một mình làm chương trình “Những người thích đùa”. Hay nói đúng hơn đây là lần đầu tiên chương trình này không có Thanh Bạch - người bạn đời, bạn diễn thân thiết, ăn ý nhất của chị trong suốt bao năm qua. Có những nỗi buồn được giấu kín, có những niềm riêng không tiện nói ra. Chỉ biết đó là sự thật.

“Nhưng đừng hỏi, đừng nói gì thêm về chuyện ấy nữa” - Nghệ sĩ Xuân Hương bảo với tôi như vậy; rồi không giấu đi ánh mắt của mình, chị nhìn tôi mỉm cười. Tôi chợt nhận ra đó là nụ cười của một người đang trên đường. Có nỗi buồn và cả những niềm vui(!).

Tính đến chương trình “Những người thích đùa” lần thứ 4 này, thì thực ra vẫn một mình Xuân Hương kiêm nhiệm luôn cả ba vai trò: tác giả kịch bản, đạo diễn và diễn viên (riêng “Những người thích đùa” lần I năm 1997 do Đoàn Khoa làm đạo diễn).

Để đến với chương trình “Những người thích đùa” và tạo dựng nó thành một thương hiệu như hiện nay, có thể nói nghệ sĩ Xuân Hương và những cộng sự của mình đều có cái “máu cười” mạnh mẽ. Ai cũng biết “Những người thích đùa” là tên một tác phẩm nổi tiếng của nhà văn châm biếm bậc thầy Azit Nexin. Nghệ sĩ Xuân Hương, khi còn theo học khoa đạo diễn tạp kỹ ở Nga đã rất mê nhà văn người Thổ Nhĩ Kỳ này.

Có năng khiếu bắt chước ngoại hình, cử chỉ, dáng điệu, giọng nói người khác một cách tài tình, nhưng Xuân Hương không đi theo con đường “tấu hài” một cách dễ dãi. Trái lại, chị rất tâm đắc với những đề tài xã hội. Đấy là một sự lựa chọn dũng cảm, vì thầy dạy của chị đã từng cảnh báo rằng: “Nếu chọn con đường kịch châm biếm thì hãy coi chừng… nồi cơm của mình”.

Về lời “cảnh báo” này, bản thân nghệ sĩ Xuân Hương và các cộng sự đã có không ít... ví dụ. Vì kịch do nhóm dựng đa phần đả phá những thói hư tật xấu của quan tham; lên án những tiêu cực, nhũng nhiễu; mô tả những nhọc nhằn, bức xúc của thường dân… cho nên không phải lúc nào cũng được các “sếp” ủng hộ. Có khi kịch đang diễn giữa chừng, nhìn xuống thấy hàng ghế “đại biểu” vắng hoe. Có khi kịch vừa hết một màn, đã được mời nghỉ… uống nước trà rồi về. Cuộc đời đôi khi cũng giống như một vở hài kịch, nhưng làm người ta rơi nước mắt.

Nghệ sĩ Xuân Hương tên thật là Lê Xuân Hương. Tôi nói đùa: “Chị không phải họ Hồ, nhưng sao tôi thấy chị cũng có cái khí phách, cái ngang tàng, thích đùa với những trò đời, giống nữ sĩ Hồ Xuân Hương quá”. Nghe vậy, nghệ sĩ Xuân Hương bật cười sảng khoái. Nhưng rồi chị bảo: “Với tư cách một nghệ sĩ tôi thấy mình cũng có nhiệm vụ như một công dân. Với chương trình “Những người thích đùa” tôi muốn mình đồng hành với báo chí trong việc chống tiêu cực”.

Có thể nói nghệ sĩ Xuân Hương là người chịu khó đọc báo còn hơn cả nhà báo. Không chỉ đọc mà chị còn ghi chép, sưu tầm, lưu trữ theo hệ thống tư liệu. Từ những vụ việc tiêu cực được nêu trên báo chí, hay những câu chuyện hài hước bắt nguồn từ cuộc sống xung quanh, Xuân Hương xây dựng nên “hồn cốt” cho những vở kịch của mình.

Trong chương trình “Những người thích đùa” lần 4 (công diễn tại Nhà hát Bến Thành, chia thành 2 đợt; đợt 1: từ 12/1-16/1/2007; đợt 2: từ 17/2-4/3/2007, tức từ mồng Một tết đến 16 Âm lịch) khán giả đã và sẽ “gặp lại” những vấn đề mà báo chí từng phản ánh suốt năm qua, như nạn chia chác đất đai của các quan; việc chạy án, ngâm án, án oan; việc chạy trường, gạ tình lấy điểm, loạn phòng thi v.v…

Tác phẩm được “thăng hoa” từ những chất liệu có thật chứ không phải là bản copy vội vã, gượng gạo, thế mạnh của Xuân Hương còn ở chỗ sử dụng những ngón nghề của sân khấu tạp kỹ; dùng hình ảnh, âm thanh, ánh sáng làm ngôn ngữ sân khấu. Do vậy, chương trình “Những người thích đùa” thu hút cả giới trí thức lẫn giới bình dân.

Tuy nhiên, theo nghệ sĩ Xuân Hương, chị cảm động nhất là khi thấy đêm diễn nào nhà hát cũng có rất nhiều những mái đầu bạc. “Những người già rất ít khi rời khỏi nhà vào buổi tối, lại đến nhà hát để xem “kịch hề” là điều... lạ. Vậy mà chương trình nào của chúng tôi cũng có đông đảo người già đến xem. Đặc biệt có nhiều người xem đến 3-4 đêm liền. Đó là niềm vui, là động lực để chúng tôi thực hiện chương trình tốt hơn”- Nghệ sĩ Xuân Hương tâm sự.

Nghệ sĩ Xuân Hương trên sân khấu chưa khi nào được vào vai... đẹp. Khi thì là một “con mụ” y tá hách dịch; khi thì hoá thân thành lão hói Đài Loan kiếm gái tơ làm vợ; khi thì vào vai một cô thư ký UBND phường rất “hắc xì dầu” v.v… Xuân Hương chưa bao giờ sợ mình “xấu xí” trên sân khấu, chị chỉ biết diễn hết mình, dốc hết ruột gan để “mua vui cũng được một vài trống canh”

Trần Nhã Thuỵ
.
.