Nghệ sĩ Thuý Hiền: Không có gì tiếc nuối

Thứ Hai, 16/04/2012, 08:00
"...là một diễn viên ai cũng muốn nổi tiếng và được diễn những vai ấn tượng trên truyền hình… Nhưng mỗi người có một niềm đam mê khác nhau. Tôi yêu màu áo quân phục mình mang trên người và yêu nghề của mình nên thấy không có điều gì phải tiếc nuối cả. Thậm chí, tôi cho rằng, diễn kịch ở một phương diện nào đó khó hơn."...

Trên sân khấu, khi hóa thân vào các vai diễn, nghệ sĩ Thúy Hiền lột tả được cá tính sắc sảo và nghiêm nghị bao nhiêu thì ngoài đời, chị Hiền nhẹ nhàng, cởi mở bấy nhiêu. Chị là chủ nhân của nhiều giải thưởng lớn nhỏ trong các kỳ Liên hoan sân khấu như: Giải nhì (không có giải nhất) tài năng trẻ toàn quốc lần thứ 2 tại Đà Nẵng với vai thầy bói mù trong vở "Nghêu, Sò, Ốc, Hến"; Giải vàng trong Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tại TP Hồ Chí Minh với vai bà Độ trong "Hoa hải đường", Huy chương vàng vai Kim Sen trong vở "Hoa thép" tại Liên hoan nghệ thuật sân khấu về hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân; Huy chương vàng vai bà bán xôi trong kịch ngắn "Xem mặt" tại Liên hoan sân khấu Hài lần thứ nhất tại Quảng Ninh. Hiện chị là Đại úy, Đội trưởng Đội diễn viên của Đoàn kịch Công an nhân dân.

- Thưa nghệ sĩ Thúy Hiền, tôi vẫn nhớ ấn tượng của mình về vai nữ Trung tá Kim Sen trong vở "Hoa thép" (tác giả, Đại tá Phan Gia Liên, đạo diễn Lê Hùng) do chị thủ vai trong Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về "Hình tượng người chiến sĩ CAND" (lần thứ II). Một nữ cán bộ chiến sĩ Công an mạnh mẽ, quyết liệt, nghiêm khắc. Nhưng ngoài đời, Thúy Hiền lại là một tính cách trái ngược. Duyên cớ gì mà chị lại được chọn vai diễn này?

+ Có lẽ đạo diễn đã nhìn ra tôi là Hiền mà không phải là… hiền chăng? (cười). Như bạn đã biết, "Hoa thép" là vở kịch được lấy từ nguyên mẫu đời sống của một nữ chiến sĩ Công an hy sinh cả bản thân mình vì công việc. Trong cuộc đối đầu căng thẳng giữa lực lượng Công an với những kẻ bắt cóc con tin, khi mọi việc tưởng đã bế tắc thì nữ Trung tá Cảnh sát Kim Sen xuất hiện. Chị đã dũng cảm một mình vào sào huyệt của bọn buôn bán ma túy để đối đầu với chúng. Với tinh thần quả quyết, lòng can đảm của một nữ chiến sĩ Công an được tôi luyện trong đấu tranh, Kim Sen đã bắt kẻ xấu phải trả giá. Nhưng đánh đổi lấy chiến công ấy, chị đã hy sinh. Thú thật, ban đầu khi nhận vai diễn này, tôi lo lắm, đây là một vai diễn đòi hỏi không chỉ kỹ năng diễn xuất của một diễn viên mà còn phải diễn ra cho đúng thần thái của một người nữ chiến sĩ Công an trước sự sống còn của chính mình. Khi vai diễn của tôi đoạt Huy chương vàng, tôi mới thở phào nhẹ nhõm vì mình đã vượt qua được những rào cản của chính mình. Và niềm hạnh phúc được nhân lên khi nhân vật là nguyên mẫu của vở kịch đến xem chúng tôi diễn, chị xúc động với gương mặt ngấn lệ. Tôi nghĩ, như thế là thành công hơn mong đợi rồi.

Nghệ sĩ Thúy Hiền trong vở “Hoa thép”.

- Theo tôi được biết, trước khi "đóng đinh" tên tuổi của mình với vai Kim Sen, chị thường xuyên được bố trí vào vai bà nông dân, bà bán xôi… khi tuổi đời còn trẻ, dù là người Hà Nội "xịn". Chị có "bí quyết" gì để "lọt" mắt các đạo diễn trong trường hợp đó?

+ Thậm chí, khi tôi được đạo diễn Vũ Minh mời… giả làm ông thầy bói mù trong trích đoạn "Nghêu, Sò, Ốc, Hến", tôi còn năn nỉ thầy cho đổi vai khác. Quả thật, thuở mới vào nghề, tôi không thích đóng những vai xấu, lại còn bị mù đeo kính đen trông… hãi lắm. Tôi chỉ muốn vào những vai đèm đẹp, chưa ý thức được những vai cá tính. Thầy bảo, để diễn cho ra được thầy bói mù, có khi em phải… học cả đời, mà học được rồi thì em tiến xa lắm. Nghe vậy, tôi quyết tâm lắm. Tôi tìm hiểu những người mù, học cách nói của các thầy bói sao cho… trầm bổng. Tập ở trên sân khấu chưa đủ, về nhà lúc nào rảnh là tôi lẩm nhẩm diễn một mình như… dở người. Mẹ tôi từng phản đối tôi theo nghề diễn viên nên thấy tôi vậy bà càng… lắc đầu ngán ngẩm! Cuối cùng, những nỗ lực của tôi cũng được đền đáp. Mỗi khi diễn, tôi khăn gói lọc cọc cái gậy ra, chưa nói năng gì đã nhận được những tràng cười nghiêng ngả. Cũng trích đoạn "Nghêu, Sò, Ốc, Hến", năm 1998, tôi đã tham gia Hội diễn tài năng trẻ toàn quốc tại Đà Nẵng và đoạt giải nhì (không có giải nhất). Quả thật, vai diễn thành công đã cho tôi một động lực rất lớn. Sau này, dù vào vai một bà già còng lưng, một cô gái quê… dù là vai ngắn vai dài thì tôi cũng luôn muốn mình sẽ tạo được ấn tượng trên sân khấu.

- Nhiều diễn viên trẻ vào nghề và thành công do "cha truyền con nối", chị vừa chia sẻ rằng, mẹ chị từng phản đối chị theo nghề diễn viên?

+ Đúng thế, vì tôi sinh ra trong một gia đình không ai làm nghệ thuật. Bố tôi là thẩm phán Tòa án Quân sự, còn mẹ tôi làm bác sĩ Quân y. Nhưng từ cấp I, tôi đã sinh hoạt văn nghệ tại Cung Thiếu nhi và từng đóng cả 2 vai trong một vở, như đảm nhận từ vai công chúa lẫn vai vua Hùng trong "Sơn Tinh, Thủy Tinh". Khi tốt nghiệp trung học, theo hướng của bố mẹ, tôi đăng ký vào trường Đại học Tổng hợp và Trường Đại học Luật. Nhưng người bạn thân từ hồi vỡ lòng là đạo diễn Đỗ Thanh Hải bây giờ, đã "rủ rê" tôi làm hồ sơ cùng thi vào Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh cho… vui! Thế là Đỗ Thanh Hải mua hồ sơ cho tôi, rồi hai đứa chở nhau đi thi. Mãi đến khi có giấy báo đỗ, bố mẹ và những người thân trong gia đình mới biết và... kịch liệt phản đối, nhưng rồi mọi người lại mềm lòng trước đam mê và quyết tâm của tôi. Bản thân tôi thì thấy rằng, mình đã lựa chọn đúng. Tốt nghiệp Đại học, nhiều bạn bè như Trung Hiếu, Công Lý, Tùng Dương… đầu quân về các Nhà hát, còn tôi xin về Đoàn Kịch CAND và được nhận vai diễn đầu tiên là một vai chính, vợ chiến sĩ Công an trong vở "Đám cưới trong đêm mưa". Tôi vẫn nhớ, lần đầu tiên tôi mời bố mẹ đi xem kịch và mẹ tôi đã gần như thay đổi những định kiến về nghề diễn viên mà tôi theo đuổi. Tôi nghĩ bà còn ngạc nhiên vì con gái bà luôn được chăm bẵm như một "tiểu thư" lại hóa thân vào vai người phụ nữ đặc sệt nông dân quê mùa trong vở diễn!

- Nghe chị nói, tôi biết chị rất yêu và vẫn luôn bền bỉ với sân khấu kịch. Nhưng hiện nay, có một bộ phận những diễn viên trẻ thậm chí không được đào tạo bài bản nhưng họ lại dễ nổi, nhanh giàu vì tham gia đóng phim truyền hình dài tập… Chị suy nghĩ thế nào về điều này?

+ Dĩ nhiên, là một diễn viên ai cũng muốn nổi tiếng và được diễn những vai ấn tượng trên truyền hình… Nhưng mỗi người có một niềm đam mê khác nhau. Tôi yêu màu áo quân phục mình mang trên người và yêu nghề của mình nên thấy không có điều gì phải tiếc nuối cả. Thậm chí, tôi cho rằng, diễn kịch ở một phương diện nào đó khó hơn. Tôi nhớ, có thời điểm trong cùng một vở diễn, vở "Vòng xoáy" (kịch bản: nhà văn Hữu Ước, đạo diễn - NSND Doãn Hoàng Giang), do sự luân chuyển diễn viên, lúc thì tôi được phân vai làm vợ của Tư Hoàng, lúc thì làm vợ của thiếu tướng Bẩy Thắng. Với vai diễn nào tôi cũng khắc họa cuộc sống nội tâm phức tạp của hai người phụ nữ có hai hoàn cảnh khác nhau. Điều này, ngoài bản năng nghề diễn, là do tôi học được những bài học của các thầy, các đạo diễn. Ở đoàn kịch Công an nhân dân, tôi được làm nghề một cách thực sự và được đi khắp mọi miền đất nước để diễn cho lính. Niềm vui của tôi được nhân lên gấp nhiều lần mỗi khi nhận được những tràng vỗ tay tán thưởng hoặc những giọt nước mắt xúc động của khán giả. Tôi cho rằng, hạnh phúc của người diễn là được cộng hưởng, đồng cảm của khán giả. Mình diễn để người ta thấy được một cuộc đời đang trôi trên sân khấu và sống với những cuộc đời ấy để thấy có ý nghĩa hơn, là một thành công của người diễn viên. Không ít lần đi diễn ở các trại giam, chúng tôi thấy được ánh mắt hối cải và mong muốn được làm lại cuộc đời của những người trót phạm phải lỗi lầm. Một lần khác, khi kết thúc đêm diễn ở Nha Trang, một khán giả nữ đã chạy lên sân khấu ôm tôi và nói: "Khổ quá em ơi! Không xem thì ai biết Công an khổ thế này!". Những niềm hạnh phúc đời thường này tôi tin rằng, một diễn viên đóng phim truyền hình không thể có được.

- Vừa là diễn viên, vừa là một chiến sĩ, bận rộn và thường phải đi xa, liệu có bao giờ chị gặp hoàn cảnh khó xử với gia đình, với chồng con như một nhân vật chị từng vào vai?

+ Tôi may mắn có một người chồng cùng ngành, hiểu và thông cảm với công việc của vợ. Khi tôi đi công tác thì anh chăm sóc hai con. Anh cũng giúp tôi nhiều trong nghiệp vụ để tôi hoàn thành tốt vai diễn của mình. Chẳng hạn như vai Kim Sen trong "Hoa Thép", anh chia sẻ những nghiệp vụ trong ngành điều tra, phá án để tôi nắm bắt được bản chất của sự việc. Nói gì thì nói, dù tôi có là một diễn viên giỏi về diễn xuất nhưng chưa chắc ngôn ngữ, dáng vẻ, thần thái đã thể hiện được cốt cách của người chiến sĩ Công an nhân dân. Ngoài những ngày đi diễn, tôi vẫn luôn chu đáo để có những bữa cơm ngon để cả nhà sum vầy.

- Xin cảm ơn nghệ sĩ Thúy Hiền!

Thiên Kim (thực hiện)
.
.