Nghệ sĩ Minh Hải: Tôi luôn được tự chủ trong diễn xuất

Thứ Năm, 09/09/2010, 10:06
Bộ phim "Vượt qua bến Thượng Hải" là một bộ phim công phu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, một dự án phim trọng tâm của Điện ảnh Việt Nam nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Người và Đại lễ 1000 năm Thăng Long. Một trong những điều đặc biệt ở bộ phim này là vượt lên trên nhiều ứng cử viên sáng giá khác, nghệ sĩ Minh Hải - diễn viên Nhà hát kịch Việt Nam đã được chọn và hoàn thành xuất sắc vai Nguyễn Ái Quốc.

Bộ phim "Vượt qua bến Thượng Hải" do Hãng phim Hội Nhà văn sản xuất đã hoàn tất và sẽ ra mắt khán giả vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 năm nay. Đây là một bộ phim công phu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, một dự án phim trọng tâm của Điện ảnh Việt Nam nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Người và Đại lễ 1000 năm Thăng Long. Một trong những điều đặc biệt ở bộ phim này là vượt lên trên nhiều ứng cử viên sáng giá khác, nghệ sĩ Minh Hải - diễn viên Nhà hát kịch Việt Nam đã được chọn và hoàn thành xuất sắc vai Nguyễn Ái Quốc. Dù rất bận rộn nhưng nghệ sĩ Minh Hải đã dành cho VNCA một cuộc trò chuyện cởi mở xung quanh vai diễn tâm đắc này.

- Xin chúc mừng anh vừa hoàn thành một vai diễn lớn trong sự nghiệp diễn xuất của mình, điều mà nhiều nghệ sĩ mơ ước! Được biết, trước khi phim bấm máy, có khá nhiều ứng cử viên cho vai chính Nguyễn Ái Quốc, vậy con đường đến với vai diễn này của anh như thế nào?

+ Truyện phim "Vượt qua bến Thượng Hải" lấy bối cảnh vào năm 1933, kể từ khi Nguyễn Ái Quốc rời Hồng Công tới Thượng Hải để tìm cách sang Liên Xô. Đây là một dự án phim lớn nên công tác tuyển diễn viên được thực hiện kỹ càng. Tôi nhận được điện thoại của anh Triệu Tuấn (một trong 2 đạo diễn của phim - TG) gọi lên thử vai vào những ngày cuối cùng. Tại đây, tôi được gặp một số nghệ sĩ đàn anh đã từng thành công với vai Bác Hồ. Họ cũng tới thử vai. Tôi nghĩ, "chắc không đến lượt mình" nhưng rồi bụng bảo dạ: "Thôi, đằng nào cũng đến rồi, cứ vào thử cho biết".

Đạo diễn Trung Quốc Phạm Đông Vũ đề nghị tôi diễn một cảnh trong kịch bản. Đó là cảnh đêm 30 tết ở Thượng Hải, nhìn pháo bông trên bầu trời lúc giao thừa, Nguyễn Ái Quốc nhớ về quê hương Việt Nam còn lầm than của mình. Tôi diễn xong, đạo diễn Phạm Đông Vũ nói: "Hảo! Hảo!", sau đó yêu cầu tôi diễn thêm cảnh nữa. Đó là cảnh Nguyễn Ái Quốc chia tay cô y tá từng chăm sóc mình ở Hạ Môn để sang Liên Xô. Thú thực là sau đó về nhà, tôi không hy vọng nhiều. Không ngờ, 10 ngày sau, tôi nhận được điện thoại của đoàn làm phim thông báo tôi được chọn vào vai Nguyễn Ái Quốc.

- Tôi nghĩ, được đóng vai Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là một vinh dự lớn nhưng chắc chắn áp lực cũng rất nặng nề, nhất là với một người "lính mới" như anh. Anh đã có những ngày đóng phim như thế nào?

 + Với tôi, ngay sau niềm hạnh phúc là nỗi lo lắng. Tôi mất ngủ nhiều đêm liền. Thú thực, nếu ở Việt Nam tôi lo lắng một thì sang tới Trung Quốc, lo lắng mười. Làm sao hoàn thành vai diễn, đền đáp sự tin tưởng và ưu đãi mà đoàn làm phim dành cho mình là một áp lực lớn. Những ngày đóng phim cũng không ít khó khăn. Đoàn làm phim sang Trung Quốc đúng thời điểm lạnh nhất, nhiệt độ có ngày xuống tới -6oC trong khi nhân vật chỉ mặc áo mỏng. Đã có lúc tôi bị ốm vì không quen thời tiết. Mối lo lắng nhất khi ốm là tiếng bị vỡ trong khi phim lại thu thanh trực tiếp. Những cảnh quay khó nhất với tôi là làm sao toát lên được thần thái của Người trong những hoàn cảnh éo le như chia tay y tá Phương Thảo để sang Liên Xô hay lúc nghe tin y tá Phương Thảo hy sinh... Tất cả mọi cảm xúc của Người chỉ thể hiện bằng ánh mắt, gương mặt.

Nghệ sĩ Minh Hải trong vai Nguyễn Ái Quốc (bên trái) trong phim "Vượt qua bến Thượng Hải".
Một khó khăn nữa là trong phim có nhiều cảnh Bác trò chuyện bằng tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp. Có đoạn thoại tiếng Trung Quốc dài tới 3 trang rưỡi. Vừa phải nhớ lời thoại, vừa tập diễn xuất, việc này không hề đơn giản. Ngoài thời gian trên trường quay, tôi gần như giam mình trong phòng nghiền ngẫm kịch bản, học lời thoại. Sau này, có lần đạo diễn Phạm Đông Vũ nói với tôi: "Người Việt Nam mà nói tiếng Thượng Hải hay hơn cả người Thượng Hải". Tôi rất vui vì lời động viên ấy.

- Ông Nguyễn Xuân Hưng - Phó giám đốc phụ trách Hãng phim Hội Nhà văn chia sẻ với báo chí rằng: "Chúng tôi đã không chọn nhầm người khi giao vai cho Minh Hải". Còn NSƯT Mỹ Duyên, người cùng đóng với anh trong phim nhận xét: "Minh Hải biết truyền đạt cảm xúc qua đôi mắt, bằng nội tâm, biết cách phối hợp cảm xúc từ bạn diễn. Có thể nói, Minh Hải diễn không chỉ bằng ngoại hình mà bằng cả sự yên mến, tìm tòi sáng tạo và say mê nhân vật mà mình thể hiện". Anh có bí quyết gì không để đạt được sự khen ngợi ấy?

+ Như bao người Việt Nam khác, tôi vô cùng kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi lại may mắn là người con xứ Nghệ nên khao khát được thể hiện vai diễn về Người. Bên cạnh diễn xuất, tôi chú ý nhiều tới giọng nói. Dù là người Nghệ An nhưng để tập được đúng giọng Bác tôi phải nghe đi nghe lại đoạn băng Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 tại Quảng trường Ba Đình. Sau đó tập rồi thu âm, nghe lại. Vai diễn Nguyễn Ái Quốc trong phim vào năm 1933, tức là trước thời điểm Bác đọc Tuyên ngôn 12 năm, vì vậy, tôi phải tập luyện để giảm âm trầm cho giọng trẻ hơn một chút.

Giai đoạn này, tài liệu về Bác không nhiều, chủ yếu chỉ là những cảm nhận của bạn bè, đồng chí, những người từng có thời gian hoạt động cùng Bác. Nhưng có một câu nói của nhà thơ Liên Xô Manđenxtam về Bác mà tôi nhớ mãi: "Dáng dấp con người đang ngồi trước mặt tôi đây, Nguyễn Ái Quốc, cũng đang tỏa ra thật lịch thiệp và tế nhị" và "Qua phong thái thanh cao, trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới". Tôi lấy câu này làm "kim chỉ nam" cho diễn xuất của mình.

- Nếu tôi không nhầm, trước khi vào vai Nguyễn Ái Quốc trong phim "Vượt qua bến Thượng Hải", anh từng vào vai Bác Hồ trong vở kịch nói "Bác Hồ ra trận" dài 100 phút, vở diễn có thời lượng dài nhất từ trước đến nay?

 + Đúng. Bác Hồ là vai chính, vở diễn 100 phút thì có tới 75 phút có Bác. Tôi thức trắng 3 đêm để tập diễn xuất, lòng rất hồi hộp. Tới khi hóa trang xong, chính nghệ sĩ hóa trang và đạo diễn ồ lên ngạc nhiên: "Giống quá". Thậm chí, diễn viên vào vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp mải "ngắm Bác" mà quên cả lời thoại. Còn tôi, hóa trang xong, bước sang trường quay, thấy mình như một người khác. Quay cảnh đầu tiên, tôi đã bật khóc... Thực ra, để có thể vào vai Bác Hồ, tôi học hỏi cách diễn xuất từ các nghệ sĩ đi trước của Nhà hát từ khi dựng vở "Đêm trắng" hay trong Lễ hội làng Sen năm 2003. Tôi là một nhân vật phụ trong dàn tập thể khoảng 30 chiến sĩ bộ đội đứng quanh nghe Bác trò chuyện và rất ấn tượng với NSƯT Trần Thạch vào vai Bác Hồ, đến mức khi vào cánh gà mà tôi cứ nhìn ra sân khấu như bị thôi miên.

- Với "Vượt qua bến Thượng Hải", anh có cơ hội được trực tiếp làm việc với êkíp làm phim Trung Quốc, điều gì ấn tượng nhất với anh?

+ Điều ấn tượng nhất với tôi là cách làm việc hết sức chuyên nghiệp. Bối cảnh phim thường được chuẩn bị từ hôm trước, các diễn viên nắm rõ cảnh quay nên đến phim trường là quay luôn, không ai phải mệt mỏi vì chờ đợi. Cả trường quay hơn trăm người nhưng không ai đến muộn một phút. Những việc nhỏ nhất cũng được thực hiện nghiêm túc, chu đáo, như mái tóc của nhân vật hai ngày cắt một lần. Dù có quay tới 5 giờ sáng thì ngay sau đó, trang phục của nhân vật cũng được là, ủi cẩn thận.

Bên cạnh đó, sự sáng tạo của diễn viên được tôn trọng mức tối đa. Khi quay cảnh Nguyễn Ái Quốc đi dạo và trò chuyện cùng người học trò của mình trong khu tô giới của Anh, trước khi quay, đạo diễn hỏi: "Đoạn này, anh định diễn thế nào, đi đến đâu thì hết lời thoại?". Khi tôi nói cách diễn cũng như ước chừng đoạn đường nhân vật đi đến, đạo diễn "Ok" và chuẩn bị luôn 3 máy quay để phục vụ. Cũng trong cảnh này, có chi tiết Bác Hồ nhớ về đất nước, nhớ đến câu hò ví dặm của quê hương và bất chợt Người cất tiếng hát. Đạo diễn cho tôi tự chọn một đoạn ví dặm, tôi đã chọn ngay khúc hát: "Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục/ Mà biết cuộc đời răng là nhục là vinh… Bao giờ Ngàn Hống hết cây/ Sông Lam hết nước thì đó với đây mới hết tình". Nghe tôi hát thử, đạo diễn quyết định lấy bài hát làm chủ đề cho phần nhạc phim.

- Trước "Bác Hồ ra trận", "Vượt qua bến Thượng hải", anh là diễn viên ít được khán giả biết tới, dù đầu quân về Nhà hát kịch Việt Nam gần 10 năm. Còn bây giờ, cuộc sống của anh có gì khác không khi mà tên tuổi anh được báo chí nhắc tới nhiều hơn?

+ À, có chuyện này. Hôm vừa rồi, tôi đọc trên báo có tít bài: "Nghệ sĩ Minh Hải lên "lão" ở tuổi 31" nói về vai diễn mới của tôi trong vở kịch "Mùa hạ cay đắng" của tác giả Nguyễn Quang Lập. Nhờ có vai diễn Nguyễn Ái Quốc mà tôi được quan tâm, chú ý hơn. Nhưng tôi thì trước sau vẫn thế, vẫn là diễn viên của Nhà hát kịch Việt Nam, luôn có mặt đúng giờ trong mọi hoạt động của Nhà hát, ngoài diễn xuất có thể phụ giúp chuẩn bị phông màn, sân khấu… Và vẫn chỉ mong sao xong việc là về nhà ngay để chơi với cô con gái bé bỏng.

- Xin cảm ơn anh và chúc anh ngày càng thành công trong sự nghiệp!

Thảo Duyên
.
.