Nghệ sĩ Mai Ngọc Căn (bên phải) trong bộ phim "Đi qua ngày giông bão"

Thứ Ba, 20/03/2012, 08:00
Ở ttuổi 73, với 83 bộ phim đã tham gia, nghệ sĩ Mai Ngọc Căn coi nghề diễn viên là một nghề chơi, nhưng nói như cụ Nguyễn Du “nghề chơi cũng lắm công phu”, vì thế, với ông,   được làm diễn viên là một điều cao quý. Vì thế muốn thành công và đi được dài hơi với nó đòi hỏi nhiều sự hy sinh chứ không phải như kiểu của các diễn viên trẻ ngày nay - coi nó là như một thứ trang sức để đánh bóng tên tuổi mình...

Nghệ sĩ Mai Ngọc Căn tâm sự rằng, chẳng biết hữu duyên thế nào mà ngay từ hồi còn rất trẻ ông thường xuyên được chỉ định vào vai... ông già. Không chỉ thế, nhiều lần ông phải vào vai người... quá cố. Đã có 5 bộ phim đạo diễn sử dụng ảnh của ông để đặt lên bàn thờ, 3 bộ phim ảnh của ông được đặt làm bia mộ và hai phim ông vào vai người chết phải nằm trên bàn xác. Có lần, ông đóng vai một người hấp hối trong phim "Chuyện kể trước lúc 0 giờ", đạo diễn Khải Hưng hỏi ông: "Thầy có kiêng kỵ gì không?". Ông lắc đầu: "Tôi chỉ quan tâm đến việc phim có hay hay không, chứ không kiêng kỵ gì. Chỉ mong các anh đạo cụ cố gắng lau dọn cái bàn xác sạch sẽ trước khi tôi nằm vào, vì có thể để lâu nó bị bẩn". Nghệ sĩ Mai Ngọc Căn cũng từng được mời tham gia nhiều phim về đề tài hình sự...

Ở ttuổi 73, với 83 bộ phim đã tham gia, nghệ sĩ Mai Ngọc Căn coi nghề diễn viên là một nghề chơi, nhưng nói như cụ Nguyễn Du “nghề chơi cũng lắm công phu”, vì thế, với ông,   được làm diễn viên là một điều cao quý. Vì thế muốn thành công và đi được dài hơi với nó đòi hỏi nhiều sự hy sinh chứ không phải như kiểu của các diễn viên trẻ ngày nay - coi nó là như một thứ trang sức để đánh bóng tên tuổi mình. Mỗi bộ phim đối với ông là sự trải nghiệm một cuộc đời và vai diễn nào ông cũng nhớ rành rẽ từng chi tiết. Bởi ông có thói quen ghi nhật ký từ mấy chục năm nay. Ông ghi đầy đủ những chi tiết liên quan đến bộ phim cũng như cảm nhận của mình về vai diễn đáng nhớ. Hỏi ông về thói quen này, nghệ sĩ Mai Ngọc Căn chia sẻ rằng, chăm chút cuốn nhật ký, thậm chí chỗ nào cần viết hoa, cần viết chữ đỏ, chỗ nào cần gạch chân để khi cần là nhớ, là biết ngay những cột mốc quan trọng… cũng chính là cách ông chăm chút một phần cuộc đời mình. Hơn 40 năm trong nghề, sống làm việc với nhiều đạo diễn, nhiều bạn bè, giờ người còn người mất, vì thế những câu chuyện đã qua đôi khi bị lãng quên. Ghi lại những ngày tháng ấy là cách ông ôn lại cuộc đời mình, để mà trân trọng và yêu thương nó.

Lật giở từng trang nhật ký trong lớp giấy đã úa vàng và nét mực đã nhòe theo thời gian, nghệ sĩ Mai Ngọc Căn ngược thời gian trở về quá khứ, cái ngày cách đây gần 50 năm, khi ông còn là một anh công nhân yêu phim ảnh đi xem Đội chiếu bóng lưu động số 58 của Trung ương về chiếu tại sân vận động thị xã Cẩm Phả (Quảng Ninh). Không biết duyên cớ thế nào, mà khi buổi chiếu bóng kết thúc, ông không về luôn mà nán lại tò mò xem Đội thu dọn máy chiếu. Anh thuyết minh phim thấy chàng trai có vẻ mê phim ảnh bèn nói: "Ở Hà Nội đang tuyển sinh lớp diễn viên và đạo diễn điện ảnh đấy. Cậu thích thì thử vận may xem sao!". Ông đã giấu gia đình với hơn 10 đồng cùng chiếc thẻ công nhân thợ sửa chữa ôtô của Nhà máy Cơ khí Cẩm Phả đến điểm thi ở số 7 Trần Phú, Hà Nội với tâm thế của một người "Điếc không sợ súng!". Và như một duyên may, ông đã thi đỗ vào lớp điện ảnh khóa I cùng với Trà Giang, Lâm Tới, Ngọc Lan, Anh Thái, Đức Lưu, Tuệ Minh…

Mai Ngọc Căn đã được tham gia vào hầu hết những bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam thời bấy giờ như: "Kim Đồng", "Vợ chồng A Phủ", "Một ngày đầu thu", "Khói trắng"... Thời điểm này ông được gặp gỡ nhiều nghệ sĩ đàn anh, đàn chị, được đi tới nhiều vùng đất. Có lần quay phim "Kim Đồng" ở Cao Bằng, ông đã được vào nhà và gặp mẹ của anh Kim Đồng, được bà nấu xôi trứng kiến cho ăn. Đặc biệt, có một niềm hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời, ấy là khi ông được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh (năm 1960) khi Người đến thăm trường. Ông vẫn còn giữ được tấm hình chụp có mình may mắn đứng cạnh Bác Hồ và được Bác tặng một điếu thuốc lá. Mai Ngọc Căn đã giữ điếu thuốc lá ấy trong nhiều năm liền cho đến một ngày điếu thuốc mủn thành bột.

Nghệ sĩ Mai Ngọc Căn (bên phải) trong bộ phim “Đi qua ngày giông bão”.

Sau khi tốt nghiệp lớp điện ảnh khóa I, Mai Ngọc Căn về sinh hoạt trong Kịch đoàn điện ảnh rồi nhận được lệnh đi bộ đội ở Đại đội trinh sát Đặc công Sư đoàn 350, khoác trên vai bộ áo lính công an vũ trang. Thời điểm đang tập dượt trong vai trò một người công an vũ trang để chuẩn bị sang Lào thì ông lại được gọi về Hà Nội tham gia bộ phim "Trên vĩ tuyến 17" (đạo diễn Lý Thái Bảo), một bộ phim về cuộc chiến đấu anh dũng của lực lượng công an nhân dân vũ trang với địch tại sông Bến Hải - con sông chia cắt hai miền. Nhớ lại hồi đó, nghệ sĩ Mai Ngọc Căn vẫn cho rằng, ông (với vai binh nhất), Trần Phương (vai thượng sĩ Dương) và Lâm Tới (vai Đồn trưởng địch) là những diễn viên… can đảm nhất vì diễn cảnh bơi ra giữa dòng sông - ranh giới của cái sống và cái chết chỉ để có 30 giây chân thực, sống động trên màn ảnh. Dù trước đó, đạo diễn Lý Thái Bảo đã xác định rõ ràng với từng diễn viên: "Các đồng chí đi đóng phim nhưng thực ra đang đi làm nhiệm vụ, vì thế, chẳng may bị địch phát hiện thì cũng coi như hy sinh vì nghề nghiệp".

Bộ phim thành công, không có hy sinh, mất mát nào nhưng là một câu chuyện nhớ đời cho bất cứ ai trong ê kíp của bộ phim được thực hiện ròng rã suốt 2 năm trời (từ 1964 đến 1966) này. Sau phim "Trên vĩ tuyến 17", Mai Ngọc Căn tiếp tục được mời vào vai xã đội trưởng A.Sáng trong phim "Lửa rừng"; vai Ghin, chàng trai người dân tộc Dao trong phim "Bình minh trên rẻo cao". Năm 1969, khi đang công tác tại Kịch đoàn văn công Công an vũ trang, Mai Ngọc Căn được cử đi học lớp đạo diễn sân khấu tại trường Sân khấu - Điện ảnh. Rồi tiếp tục được chọn đi học tiếp tại trường Đại học Lômônôxốp (Liên Xô cũ). Năm 1980, khi nhà nước cho thành lập Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Việt Nam, NSND Đình Quang, Hiệu trưởng trường đã mời nghệ sĩ Mai Ngọc Căn về làm Trưởng phòng Đào tạo kiêm chủ nhiệm lớp diễn viên. Những học viên của ông ngày nay đã là những người thành đạt như NSND Khải Hưng, NSƯT Bùi Thạc Chuyên, NSƯT Chiều Xuân…

Thời kỳ các diễn viên phim truyện video và phim truyền hình dài tập có nhiều đất dụng võ, nghệ sĩ Mai Ngọc Căn đã được nhiều đạo diễn mời tham gia như: vai ông Hào trong phim "Đất và người"; ông Trọng trong phim "Những ngọn nến trong đêm"; ông Tửu trong "Người chiếu bóng"; ông Thăng chủ nhiệm hợp tác xã trong "Đường đời"; cụ Năm trong "Lều chõng"; ông Long trong "Nếp nhà"… Ông cũng từng tham gia nhiều phim về đề tài hình sự như Trung tá Vân trong phim "Bí mật những cuộc đời"; bố của Tá trong "Phi đội chuồn chuồn"; ông Minh trong phim "Đội đặc nhiệm nhà C5"; chủ hồ câu trong "Cổ cồn trắng"… Nghệ sĩ Mai Ngọc Căn cho rằng, dù được mời vào các vai giống nhau về độ tuổi nhưng mỗi một vai diễn, ông đều tìm cho mình một chi tiết khác nhau.

Để có được điều này, ông phải quan sát từ thực tế đời sống. Có lần, ông phải vào vai Cần, một gã chủ đề, một trong những vai diễn phản diện hiếm hoi của Mai Ngọc Căn. Gã này thuộc loại ăn to nói lớn, lúc nào cũng phì phèo điếu thuốc lá trên tay. Vậy mà 3 tháng sau khi quay xong bộ phim, ông bị… nghiện thuốc lá trở lại và đến giờ vẫn chưa bỏ được.

Khi vào vai một người tật nguyền, Mai Ngọc Căn cũng đã ngồi hàng giờ để quan sát cuộc sống của một người tật nguyền. Hay đóng vai một ông già người dân tộc ông cũng đã "nằm vùng" một thời gian ở vùng cao. Đấy là chưa kể có những thời điểm, ông trở thành một người hóa giải những mắt xích "rắc rối". Chả là có lần đoàn làm phim của ông mượn nhà một người dân tộc để quay phim. Trong bộ phim có cảnh quay một người mẹ già bị ốm và mất. Tình cờ trong gia đình cho mượn nhà cũng có một bà cụ trạc tuổi như thế nên đoàn làm phim thuê bà đóng luôn vai đó. Đang máy quay, đèn chiếu sẵn sàng thì anh con trai ở ngoài rẫy chạy về cầm theo hai túi… phân trâu cứ thế ném xối xả vào máy móc. Chuyện sau đó được giải thích là vì anh ta không đồng ý cho mẹ anh đóng vai ấy vì sợ bị… xúi quẩy! Không những thế, anh ta còn chửi bới và hành hung đoàn làm phim. Lúc đó, "ông già dân tộc" Mai Ngọc Căn đã phải đứng ra phân trần cho anh ta hiểu. Tuy anh ta có bớt giận nhưng đoàn làm phim, ngoài việc phải lau rửa các máy móc đã phải khệ nệ di chuyển đến địa điểm khác vì người đàn ông nọ đã không cho đoàn thuê nhà để quay nữa.

Bởi quen mặt trên màn ảnh nhỏ với hầu hết các vai ông già nên mỗi lần ra đường, Mai Ngọc Căn cũng nhận được nhiều sự ưu ái. Có lần đi trên chuyến xe khách từ Quảng Ninh lên Hà Nội, một phụ nữ ngồi phía trước đã đưa tặng ông một củ sâm to và nói: "Ông cắt ra để ngậm hoặc ngâm vào rượu uống cho khỏe để còn đi đóng phim". Sau này ông mới biết chị ta là thương nhân của chợ ở Điện Biên Phủ.

Ngoài tuổi 70, nhưng lịch làm việc của nghệ sĩ Mai Ngọc Căn kín mít. Nhiều đạo diễn mời ông tham gia phim của mình vì ông là người có nhiều kinh nghiệm, hiểu nghề và yêu nghề. Ông hiếm khi phải diễn đến đúp thứ hai một cảnh quay nào. Bản thân ông, ngoài vai trò một diễn viên còn là một giáo viên và là đạo diễn từng dàn dựng nhiều vở cho các đoàn nghệ thuật. Ông từng dàn dựng các vở cho Sở Công an Hà Nội và Sở Công an Hải Phòng. Giờ đây, vào những lúc rảnh rỗi, ông ngồi yên tĩnh trong căn phòng nhiều kỷ niệm chương, nhiều bằng khen, nhiều ảnh chụp chung cùng bạn bè một thuở để viết tiếp những câu chuyện cuộc đời. Với ông, đời người nghệ sĩ là một chuyến đi dài để tới… chính mình

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.