Nghệ sĩ Hữu Thành: Từ cải lương "đi bụi" sang điện ảnh

Thứ Sáu, 21/06/2013, 08:00

Nhập nhoạng tối, rời gác trọ lụp xụp hầm hập nóng, ông "xách" chiếc xe máy cà tàng chạy một vòng quanh Sài Gòn. Hễ quán nào khách đang "zô zô" khí thế, ông dựng xe, rảo vào. Khề khà tuổi 80 vậy mà ca vọng cổ vẫn mùi lắm khiến khách vỗ tay rần rần. Gom góp những đồng tiền lẻ trong cánh hoa khách tặng, ông đắp đổi qua ngày. "Đâu phải lúc nào cũng có người kêu đóng phim. Hát vậy chớ cũng đỡ nhớ gánh hát ngày xưa à" - Ba thằng Kìm trong "Mùa len trâu" cười rung chòm râu bạc...

1. Nghe có gánh Thái Bình về, cu Lắc vứt cái bào gỗ đi coi hát. Học tới lớp 5 thì nghỉ về nhà làm thợ mộc vì…  dốt quá. Vậy mà ca vọng cổ lại đại tài. Lắc đi coi hát, say sưa quên lối về nhà. Ngày gánh nhổ rạp, Lắc đến trước mặt ông bầu, khoanh tay thưa: "Dạ thưa chú, chú cho con theo đoàn?". Bầu Thới nhíu mày: "Chú mày hát có được không mà đòi?". Cu Lắc ca thử. Ông bầu Ngự Bình trợn trừng nhìn thằng nhóc đen nhẻm: "Chú mày ca được một hơi hơn trăm chữ à? Giỏi! Nhưng đi theo đoàn cực lắm, chú mày có chịu được hôn?". Lắc quệt mũi, gật đầu cái rụp. Vậy là đi. Nhẹ bẫng. Không hành lý, không một lời giã biệt người mẹ góa bụa, trên người chỉ độc bộ quần áo, không hơn. Xe lăn bánh. Mái nhà tranh, hàng dừa làng Tân An , Bình Dương lùi lại phía sau, xa dần trong đôi mắt háo hức của chú bé. "Năm đó bố 16 tuổi. Rồi đi bụi tứ xứ từ đận ấy tới giờ" - Nghệ sĩ Hữu Thành rổn rảng.

Bầu Ngự Bình đặt nghệ danh là Hoàng Lắc. Ngày mới theo đoàn, chú bé đã được ông bầu cho vào vai quân lính rồi đọc lời dẫn chuyện. Lần đầu tiên thấy cái tên Hoàng Lắc trên tấm phông màn (dù chữ nhỏ xíu dưới cái tên kép chính to tướng), chú sướng mê tơi. Nhờ có giọng ca truyền cảm, dài hơi nên chẳng mấy chốc chú được cho làm kép phụ, kép chính rồi kép độc. Ông bầu đặt cho Hoàng Lắc nghệ danh tử tế hơn là Hữu Thành. Bà con thấy rạp quảng cáo có Hữu Thành là đổ xô đi xem rất đông. Mỗi lần ông ca, khán giả phấn khích quá, xen tiếng vỗ tay là tiếng dộng ghế xuống đất rầm rầm. Bôn ba cùng đoàn đi diễn ở miệt vườn sông nước miền Tây Nam bộ rồi rong ruổi ngược ra miền Trung nắng gió, những đêm mưa tầm tã vắng khách, những hôm treo nồi bó gối, nghe bụng kêu ọc ạch vì đói… không làm Thành có ý định bỏ đoàn quay về cố hương. Thỉnh thoảng đoàn trở lại làng Tân An. Về hát ở quê nhà, giữa những gương mặt thân quen luôn vắng một người. Ông biết má giận. Thằng con trai độc nhất đi đã hơn 3 năm, không tin tức về nhà. Bà cũng không thèm liên lạc với thằng con "bất hiếu" ấy.

Nhưng hôm đoàn hát về quê, ông anh họ lù lù xuất hiện. Hóa ra má nhờ lên bắt Thành về. Nhìn ông anh họ lực lưỡng hùng hổ chực xắn tay áo nện cho một trận, Thành sợ, đi theo lùi lũi. Về tới ngõ đã thấy mặt má hầm hầm. Thành run. Má con không nói tiếng nào. Được dăm bữa, thừa lúc má đi vắng, ông trốn về đoàn. Ba lần bị bắt về nhà, ba lần "thằng con trời đánh" trốn. Lần cuối bị anh họ lôi xềnh xệch về trước cửa, quỳ dưới chân má, ông vừa khóc vừa thưa: "Má! Đừng bắt con về nữa, sân khấu thành cái nghiệp của con rồi, con không dứt ra được. Má không cho con theo cái nghiệp này là má giết con đó". Má ông nghe xong, lẳng lặng bỏ vô buồng. Tiếng thở dài trĩu nặng bước chân. Đêm đó, ông nghe tiếng cựa mình của má, tiếng cựa mình trằn trọc đến sáng. Gà gáy sớm, gói gém ít đồ ăn cho con, má tiễn ông đi…

"Diễn ban ngày thì đỡ, còn có đường trốn bắt lính, chớ ban đêm cảnh sát ngụy vào đánh úp, khó mà thoát. Lần nào, bố cũng nhảy tót lên nóc nhà, nằm im thin thít. Xài hoài chiêu đó nên mới báo hại cái lưng phồng rộp vì nắm áp lưng vô mái tôn giữa ban trưa. Trốn mãi rồi cũng bị bắt. Bố bị đưa vô quân trường. Tập tành khí thế lắm. Xong 3 tháng thì… dông thẳng về đoàn. Lại đi hát tiếp". Ngồi nghe ông kể, lâu lâu bà Ngọc Bình - vợ ông, nhắc vài chi tiết. Số ông, ai cũng bảo hên. Đi hát, anh kép Hữu Thành "cua" luôn cô đào chính Ngọc Bình - ái nữ của ông bầu Thới. Sáu đứa con lần lượt ra đời trong gánh hát, lang bạt theo cha mẹ. Đường học mịt mù…

Đoàn Thái Bình tan rã, ông lại dắt díu vợ con "đi bụi" từ đoàn này sang đoàn khác kiếm cơm. Từ Mộng Vân, Hoa Sen đến Hương Mùa Thu… Quay đi quay lại 20 đoàn vậy mà tròn 40 năm bám sàn cải lương. Được bầu làm Phó trưởng đoàn chỉ đạo nghệ thuật Hậu Giang II, những tưởng đó là bến đỗ bình yên của ông, ai dè đoàn Hậu Giang II lục đục. Năm 1990, ông về Sài Gòn để từ đây, quanh năm suốt tháng dọn từ xóm trọ này sang xóm trọ khác… Và giữa phố xá thênh thang, lão nghệ sĩ mang cái số đi bụi lạc bước sang điện ảnh…

2. Con hẻm 103 Hồ Thị Kỷ, phường 1, quận 10 ồn ào kẻ vào người ra. Nhà trọ của ông cuối hẻm. Nhà trệt và căn gác xép vẻn vẹn 10m2 ngổn ngang đồ đạc. Gia đình cậu con trai út gồm 5 người sinh hoạt ở nhà dưới, hai ông bà ở trên gác. Bước vào nhà, tôi cứ sợ đụng trần dù tôi chẳng phải là cô gái chân dài gì cho cam. Vậy mà căn trọ lụp xụp, chật chội ấy lại là nơi tử tế nhất để lão nghệ sĩ nương thân hơn cả chục năm nay. Ông đi nhiều, ăn bờ ngủ bụi là chính nên chỗ trọ nào cũng ưng. Lên Sài Gòn, đã 6 lần ông dắt vợ con chuyển trọ. Toàn bị đuổi, dẫu mấy căn nhà trước, có hôm đang ngủ, mưa ào một trận là nhà ngập lênh láng. Thau hứng nước dột lại dập dềnh theo bọt nước tanh rình. Riết rồi mỗi lần thấy ông lò dò đến phường, mấy anh Công an lại trêu: "Chuyển trọ nữa hả bố?". Long đong, lận đận mãi đến năm 2009, ông mới có sổ hộ khẩu. Mà là sổ ghép với nhà khác để gọi là thường trú. Còn nhà ông, vẫn là trọ tạm bợ, vẫn nơm nớp không biết khi nào chủ đòi lại.

Bỏ cải lương, ông không biết làm gì để kiếm cơm. May thay một người bạn giới thiệu gia công đinh tán. Một năm ròng, mười ngón tay nghệ sĩ èo uột bỏng rát, rớm máu vì búa, vì kéo rồi chai lại, xù xì những sẹo là sẹo. Nghệ sĩ Nguyễn Hậu cùng vài người bạn xuống nhà thăm. Gặp cậu con trai thứ ba là Tiến Cường, bảo đang cần gấp vai hòa thượng già mà chưa tìm được ai. "Trời đất, cái mặt tui vầy mà mấy cha nội biểu tui đóng vai hòa thượng già. Vai đó ba tui mới hạp". Tưởng nói vậy mấy ổng về, ai dè mấy ổng gặp ông cụ thật. Vừa nghe đến đóng phim, ông mừng rơn: "Gì chớ đóng phim là bố chịu liền". "Nhưng vai này phải cạo đầu, bố có chịu không?". Ông gật đầu cái rụp. Cái gật đầu cũng nhẹ bẫng như ngày nào ông bước vào cải lương. Hôm sau, ông về miền Tây vào vai hòa thượng trong phim "Đất phương Nam", sướng quá suýt quên tiền cátxê.

Để làm đậm cái chất hồn hậu, ông quyết định nuôi râu. Nhờ chòm râu bạc và cái cốt cách rặt Nam bộ đã khiến các đạo diễn luôn chấm ông vào vai các ông già Nam bộ. Đến nay ông đã đóng hơn 100 bộ phim, toàn vai phụ nhưng luôn để lại cho người xem ấn tượng về lão nông dân miền Nam mộc mạc, phóng khoáng, nặng tình với nước non như phim "Người đẹp Tây Đô", "Đường Hồ Chí Minh trên biển", "Mệnh lệnh hoa hồng"... Tiêu biểu trong số đó phải kể đến vai ông Định - ba thằng Kìm trong phim "Mùa len trâu". Về An Giang mênh mang con nước nổi, ông sợ nhất là diễn viên… trâu. Trước khi bấm máy, đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh cho ông và Lê Thế Lữ (vai Kìm) lên đường sớm để làm quen với chú trâu sẽ đóng cùng. Ớn nhất là cảnh Kìm đẩy người cha đã chết trên con thuyền nhỏ giữa mênh mông sông nước. Hai con quạ buộc ở đầu mũi thuyền gần đầu người cha. Thấy vậy, ông nhổm dậy la làng: "Trời ơi, con quạ ăn xác người chết là nó móc hai con mắt trước. Cột vầy nó móc mắt bố thì sao?". Vậy là hai con quạ bị buộc ra xa bằng dây cước. Cảnh quay ấy, ông toát mồ hôi trong khi hai con quạ tức điên đập cánh lồng lộn vì rướn cổ hoài mà rỉa "lão người chết" không được. Lần đóng bộ phim "Đường Hồ Chí Minh trên biển", ông làm lão ngư dân tiếp tế cho các chiến sĩ cách mạng. Sóng biển Long Hải hôm đó lớn hơn mọi ngày khiến con thuyền của ông mấy lần suýt đánh úp.

Đóng phim "ớn" hơn vào vai diễn trên sân khấu nhiều nhưng ông vẫn mê. Đạo diễn chỉ cần "hú" một tiếng là ông "phi" xe máy xuống liền, dù chỉ xuất hiện trên màn hình có mấy giây hoặc không có lời thoại nào. Chỉ thoại đúng một câu trong "Duyên trần thoát tục" của Lê Cung Bắc mà ông chơi "sộp" - mua vé máy bay bay thẳng ra Huế cho kịp tiến độ quay. Sinh viên điện ảnh làm bài thực tập, cần có vai ông già, "bố ơi!" một tiếng là ông có mặt. Mà sinh viên cũng nghèo mạt nên ông nỡ nào lấy tiền. Dẫu xế chiều chông chênh, người ta an nhàn bên con cháu thì ngoài giờ đóng phim, hằng đêm ông lại lóc cóc chạy khắp các quán nhậu, ca vọng cổ kiếm cơm đến 12 giờ đêm mới lọ mọ về. Lão nghệ sĩ vẫn cười mà rằng: "Ngó đi bụi hoài chớ bố thấy mình sướng quá xá. Giờ tuần hai lần chạy về Bình Dương thăm má, xong rồi đi đóng phim và ca tài tử. Cực thiệt nhưng hổng đóng, hổng ca, chịu sao nổi"

Mai Quỳnh Nga
.
.