Nghệ sĩ Duy Thanh: Phải biết "gẩy" tính cách nhân vật

Thứ Ba, 18/10/2011, 08:00
Bởi vì có nhiều bạn trong ngành Công an nên tôi cũng học hỏi được nhiều thứ của chính cuộc sống, công việc của bạn mình để có thể có những nét riêng khi thể hiện tính cách nhân vật. Điều gì mình chưa biết, chưa hiểu thì hỏi. Tôi đóng nhiều đến nỗi cũng bị "lây" tình yêu nghề đấy. Có lần tôi còn nói với anh bạn thân là nếu được trở lại tuổi 20, chắc chắn tôi sẽ nỗ lực hết sức để được khoác trên vai bộ quân phục Công an nhân dân...

Có lẽ, những ai yêu phim Việt hẳn vẫn còn nhớ hình ảnh một bí thư Đảng ủy xã đầy mưu mô, tìm mọi cách hạ bệ chủ tịch xã trong phim "Đất và người"; một phó chủ tịch xã chuyển sang làm giám đốc lâm trường, tiếp tục câu kết với lâm tặc phá rừng đầu nguồn trong phim "Khi đàn chim trở về"... hay sự quyết liệt của những vai Công an như Tư Minh trong "Săn bắt cướp", Thiện trong "Vụ án đêm cuối năm", Thiện Ngôn trong "Đêm giông"... Người thể hiện những vai diễn rất "trái chiều" ấy là nghệ sĩ Duy Thanh. Nghệ sĩ Duy Thanh hiện đang làm việc tại Nhà hát Tuổi Trẻ.

- Thưa nghệ sĩ Duy Thanh, thời gian qua anh xuất hiện trở lại màn ảnh nhỏ với vai vua Lê Đại Hành (Phim "Huyền sử Thiên Đô"), một vai diễn chính diện dài hơi trong suốt 40 tập phim. Theo anh, điều gì đã khiến cho đạo diễn "nhìn ra" một Duy Thanh chính diện sau rất nhiều vai phản diện mà anh đã tham gia trên sân khấu kịch và màn ảnh nhỏ?

+ Thực ra, ban đầu tôi tham gia vào bộ phim "Huyền sử Thiên Đô" với tư cách Phó đạo diễn. Khi casting diễn viên vào các vai diễn thì tôi có nhiệm vụ đóng cùng để thử diễn xuất. Một lần tôi tạm vào vai Lê Hoàn để cho một diễn viên khác thử vai. Lúc đó mọi người mới ồ lên bảo: "Ông vào luôn vai Lê Hoàn chứ còn cần gì tìm ai nữa!". Khi tôi mặc quần áo phục trang vào thì đúng là trông mình hơi… bệ vệ, oai phong. Thực tế, tôi có một gương mặt của diễn viên chính diện và cũng đã vào các vai chính diện rất "ngọt", nhưng các đạo diễn thường giao cho tôi vai phản diện vì tôi biết "gẩy" tính cách nhân vật đúng lúc, đúng nơi. Cái ác, cái thiện đôi khi chỉ thể hiện qua từng cử chỉ nhỏ từ ánh mắt, nụ cười và diễn viên phải làm sao nhấn nhá từng chi tiết mà mình đã tích lũy được trong đời sống để "áp" vào cách thể hiện nhân vật.

- Đã bao giờ anh gặp phải những "hệ lụy" của việc đóng vai phản diện không?

+ Tôi nhớ, hồi năm 1979, đạo diễn Hà Văn Trọng đi tìm diễn viên cho phim "Đất mẹ". Ông tìm đến nhà tôi và bảo: "Cậu đóng vai phản diện có khi được đấy!". Lúc ấy, tôi mới về Nhà hát Tuổi trẻ được một năm và chưa từng đóng một vai phản diện nào nên câu nói đó cứ ám ảnh mãi. Năm 1990, trong vở "Cuộc đời tôi" của Nhà hát, diễn viên đóng vai phản diện bị ốm, lại sắp đến hội diễn, thế là đạo diễn Phạm Thị Thành chọn tôi cho vai này. Tôi không tin mình làm được, nhưng khi diễn thấy khán giả chấp nhận nên... diễn hăng lắm. Sau đó thì đạo diễn nào cần vai "đểu có học thức" thường "ới" tôi. Có lần tôi vào một vùng rừng ở Tây Nguyên, bà con ở đây nhìn thấy tôi đã kéo nhau ra với đủ gậy gộc và chỉ thẳng vào mặt tôi bảo: Hết rừng rồi, không còn rừng đâu mà phá. Sau mới nhớ là vì hệ lụy của việc đóng phim "Khi đàn chim trở về". May mà hồi đó tôi đi cùng nhiều cán bộ trong vùng, không thì bị… đòn oan. Lần khác, tôi nhận được điện thoại của nhà biên kịch Nguyễn Thị Thu Huệ, chị đang ở Liên hoan phim toàn quốc tại Nghệ An. Chị bảo, khi chiếu phim "Làng Thanh mở phố" thì khán giả bỏ về hết vì ghét… cái mặt tôi quá.

- Anh là người có khả năng hóa thân được nhiều vai khác nhau. Có một thời gian, anh thường được đạo diễn mời vào các vai như Đội trưởng Đội Chuyên án hoặc các trinh sát đặc nhiệm trong seri phim hình sự dài tập... Theo anh, người diễn viên cần những tố chất gì để cùng một kiểu vai diễn, nhưng cách thể hiện vẫn không lẫn vào nhau?

+ Dạo đóng phim Cảnh sát hình sự, triền miên trong nhiều ngày, tháng, tôi quen với hình ảnh mình mặc bộ quân phục Công an trên người. Thậm chí, đôi khi đi diễn mệt quá, giờ nghỉ giải lao lại ít nên tôi để nguyên phục trang ra uống bia cỏ cùng anh em. Nhiều người thấy lạ cứ ngó nghiêng chào hỏi làm mình cũng phấn khích lắm. Đóng phim hình sự có cái dễ nhưng cũng có nhiều thử thách. Tôi thường nói với những anh em trẻ diễn cùng rằng, chúng ta dù chỉ khoác bộ quân phục để đóng phim song tinh thần, phong thái của diễn viên là rất quan trọng. Chúng ta đóng săn bắt cướp, truy tìm tội phạm theo một kịch bản có sẵn, biết kết quả ra sao nên chúng ta không thể hiện được những áp lực của nghề Công an. Vì nếu là cuộc chiến chống cái ác thực sự thì nhiều gian nan, vất vả lắm, nhiều đồng chí Công an phải hy sinh cả niềm hạnh phúc gia đình, thậm chí tính mạng của mình vì bình yên của nhân dân. Tôi cũng quen biết, thân thiết nhiều bạn hữu trong ngành Công an nên tôi thấu hiểu điều đó. Mình là nghệ sĩ, xong vai diễn là có thể ngồi uống bia cả buổi, thậm chí cả ngày, nhưng gọi cho bạn mình thì đang đánh án ở tận vùng núi xa xôi hay vùng quê hẻo lánh nào đó và ăn mì tôm cả tuần… Cũng bởi vì có nhiều bạn trong ngành Công an nên tôi cũng học hỏi được nhiều thứ của chính cuộc sống, công việc của bạn mình để có thể có những nét riêng khi thể hiện tính cách nhân vật. Điều gì mình chưa biết, chưa hiểu thì hỏi. Tôi đóng nhiều đến nỗi cũng bị "lây" tình yêu nghề đấy. Có lần tôi còn nói với anh bạn thân là nếu được trở lại tuổi 20, chắc chắn tôi sẽ nỗ lực hết sức để được khoác trên vai bộ quân phục Công an nhân dân.

- Trong số những bộ phim hình sự đã đóng, hẳn anh còn lưu giữ nhiều kỷ niệm tâm đắc?

+ Có hai bộ phim nhựa do Điện ảnh Công an nhân dân sản xuất tôi đều phải vượt qua nhiều ứng cử viên khác để vào vai nhân vật chính là: Thiện trong phim "Vụ án đêm cuối năm" của đạo diễn Châu Huế và Thiện Ngôn; một chiến sĩ An ninh thông minh, can trường trong cuộc đấu tranh chống bọn phản động Fulro ở miền Nam Trung Bộ trong bộ phim "Đêm giông" của nhà văn Hữu Ước, đạo diễn Nguyễn Quang Vinh. Điều vinh dự nhất là trong kỷ yếu "35 năm Điện ảnh Công an nhân dân" có dành trang giới thiệu phim "Đêm giông", tôi được ghi danh cùng hai diễn viên Hà Chi và Minh Châu.

Cũng trong phim "Đêm giông" có một kỷ niệm mà tôi không thể nào quên được, đó là khi diễn cảnh Trung úy Thiện Ngôn đang truy đuổi tội phạm thì bị chống trả, bị bắn từ phía sau. Cảnh này khó nên đã được tập dượt, dàn dựng rất kỹ. Tôi đeo một miếng mút bảo hiểm sau lưng cùng kíp nổ. Những lần tập không sao, đến khi diễn thật thì miếng mút bị chệch ra khỏi vị trí do quá trình tôi di chuyển. Và thế là, khi đạo diễn hô "bắn" cũng đồng thời lưng tôi cháy sém bỏng rát, khói nghi ngút, cả mảng áo cháy đen. Một thời gian dài sau vết thương mới lành lại. Tuy nhiên, đây là một bộ phim mà tôi rất thích vì nhiều tình tiết mạo hiểm và có nhiều pha hành động hấp dẫn.

- Nhiều người xem phim còn nhận ra anh trong vai Cảnh sát Tư Minh, Đội trưởng Đội trinh sát hình sự nổi danh một thời trong bộ phim "Săn bắt cướp" (đạo diễn Trần Phương). Dường như, không nhiều diễn viên vào vai Công an mà có nhiều đất diễn để thể hiện như anh?

+ Phải nói rằng, "Săn bắt cướp" ra đời vào thời kỳ mà phim hình sự chưa thực nở rộ. Báo chí, các phương tiện truyền thông cũng không có nhiều cách phản ánh về các vụ án như bây giờ, bởi thế phim được chú ý và đánh giá rất cao. Vai diễn Tư Minh cũng được tác giả đầu tư để hiện hình tượng một Đội trưởng trinh sát mưu trí, dũng cảm đối mặt với một tên cướp khét tiếng độc ác. Phần cuối câu chuyện, sự hy sinh của anh trong cuộc chiến đấu với những tên cướp tàn ác, để lại người vợ mới cưới đã làm lay động trái tim khán giả. Tôi vẫn còn nhớ, trong bộ phim này, tôi và diễn viên Trọng Trinh có cảnh diễn đánh nhau với bọn cướp trên sông ở Long Xuyên (An Giang), cảnh này phải diễn thử mấy đúp nên hai chúng tôi cứ ngã xuống sông xong lại lên thuyền trong cái nắng chang chang. Đến lần diễn thật thì Trọng Trinh ngã xuống sông và một lúc không thấy anh ngoi lên, mọi người hoảng hốt, các thuyền chài "vào cuộc" lặn tìm. Hóa ra, Trọng Trinh bị cảm nắng và không đủ sức để ngoi lên mặt nước. Cả đoàn được một phen… hú hồn!

- Anh trưởng thành từ một diễn viên kịch và cho đến nay vẫn là người của Nhà hát Tuổi trẻ. Tuy nhiên, vì thành công với nhiều vai diễn trên màn ảnh nhỏ nên nhiều người không biết anh xuất thân từ "lò" sân khấu. Đối với anh, vai diễn sân khấu nào đã để lại những ấn tượng sâu sắc?

+ Tôi đến với sân khấu là một sự tình cờ. Cách đây 20 năm, khi đang là công nhân cơ điện, đi qua thấy Nhà hát Tuổi trẻ tổ chức thi tuyển diễn viên, tôi đánh liều đăng ký, cuối cùng thi đỗ. Tôi vừa học vừa đi diễn những vai chính trong các vở "Lời thề thứ 9", "Đứa con tôi", "Cuộc đời tôi", "Khu vườn của các cô cháu gái"… Đặc biệt vai ông Mac trong vở "Khu vườn của các cô cháu gái" là một trong những vai mà tôi thích nhất. Đây là vở kịch nước ngoài chuyển thể và trong vòng 15 ngày, tôi phải thuộc lời với hơn 2 tiếng đồng hồ trên sân khấu. Lời dài và nhiều triết lý, ban đầu cầm kịch bản trên tay, tôi "hãi" quá, phải xin đạo diễn cắt bớt lời để có thể thuộc nhanh hơn. Nhưng khi về nhà đọc lại kịch bản thì tôi thấy hay và thâm thúy nên đến tận nơi xin đạo diễn không cắt lời nữa. Mười lăm ngày ấy là mười lăm ngày tôi ăn ngủ đều nhớ đến kịch bản của mình, đến nỗi nằm ngủ vẫn còn mơ thấy hình ảnh của ông Mac. Khi vở kịch công diễn thành công, tôi được đón nhận nhiều tình cảm của khán giả. Lúc đó, tôi thấy câu nói "Sân khấu là thánh đường nghệ thuật" quả không sai đối với những diễn viên kịch như chúng tôi. 

- Xin cảm ơn nghệ sĩ Duy Thanh!

Thiên Kim (thực hiện)
.
.