Nghệ sĩ Anh Sinh: Những thước phim, những dấu ấn cuộc đời

Thứ Hai, 17/05/2010, 08:48
Nghệ sĩ Anh Sinh tâm sự, cuộc đời ông may mắn được gắn liền với những bộ phim tài liệu đã ghi dấu một thời hào hùng của dân tộc. Khi xem lại những thước phim ấy, trong ông đã sống dậy cả một thời trai trẻ đầy nhiệt huyết và say nghề. Mặc dù biết rằng, làm phim tài liệu chiến tranh có khi phải chấp nhận sự hy sinh sẽ đến với mình bất cứ lúc nào, nhưng số phận của ông đã may mắn hơn nhiều những người bạn, những chiến sĩ cùng thời đã phải gửi thân nơi chiến trường.

Những ngày tháng Tư lịch sử đối với nghệ sĩ Anh Sinh luôn gắn với nhiều kỷ niệm. Ông kể, cách đây 35 năm, ông cùng người đồng nghiệp của mình là nghệ sĩ Châu Huế tham gia thực hiện những thước phim tư liệu đầu tiên ghi lại hình ảnh các chiến sĩ Công an tập luyện ở Trường Trung học Cảnh sát chi viện cho chiến trường miền Nam. Bộ phim "Lên đường" ra đời vào thời điểm ấy đã đánh dấu bước ngoặt lớn trong đời làm biên kịch, đạo diễn của nghệ sĩ Anh Sinh, cũng như của Đội Điện ảnh CAND (bấy giờ còn trực thuộc Phòng Tuyên truyền của Cục Công tác Chính trị - Bộ Công an).

Hồi đó, khi nghĩ ra được ý tưởng làm bộ phim này, nghệ sĩ Anh Sinh và nghệ sĩ Châu Huế không có một "tài sản" gì trong tay, họ đã phải đi thuê máy quay của Hãng Phim truyện Việt Nam, phim nhựa 3 ly thì đi… mua chịu của người quen, 3 tháng, "ba cùng": cùng ăn, cùng ở, cùng luyện tập với các chiến sĩ. Không chỉ những chiến sĩ miền Bắc được tuyển chọn đi học nghiệp vụ để chi viện cho chiến trường miền Nam, mà các chiến sĩ ở Trung Bộ, Tây Nguyên cũng được gửi ra Bắc học chuyên sâu về nghiệp vụ an ninh, trong đó có nhiều đồng chí là người dân tộc thiểu số. Kết thúc khóa học 3 tháng chuẩn bị trở về quê hương, những đồng chí này đã bí mật "cà răng, căng tai". Họ cho rằng, đi xa một thời gian, răng của họ đã "dài" ra, và nếu để nguyên như vậy trở về bản làng, họ sẽ bị các già làng chê trách.

Đến ngày xuất quân, nghệ sĩ Anh Sinh và nghệ sĩ Châu Huế theo xe ôtô chở các chiến sĩ vào đến Cúc Phương (Ninh Bình). Để quay cảnh các chiến sĩ hành quân trên đường Trường Sơn, nghệ sĩ Châu Huế phải trèo lên cây khá cao mới quay được đoàn quân đi trùng trùng, điệp điệp. Có lúc mải mê tìm bối cảnh, không giữ được thăng bằng, ông suýt bị ngã. Phải mất 7 tháng trời ròng rã, bộ phim tài liệu "Lên đường" mới hoàn tất. Khi được công chiếu, bộ phim đã thành công vượt ngoài mong đợi của các nghệ sĩ.

Đạo diễn, NSND Nguyễn Khắc Lợi đang chỉ đạo diễn xuất phim "Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn" (nghệ sĩ Anh Sinh tham gia viết kịch bản).

Năm 1970, Thứ trưởng Trần Quyết chính thức ký quyết định thành lập Điện ảnh Công an nhân dân do nhà văn Lê Tri Kỷ phụ trách. Ngay sau đó, nhà văn Lê Tri kỷ đã tổ chức sản xuất bộ phim hình sự đầu tiên của lực lượng Công an: "Tiếng pháo đêm giao thừa" (sau này được Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đổi tên là "Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn").

Nghệ sĩ Anh Sinh được giao viết một phần đáng kể của kịch bản nói trên. Ông cho hay: "Kịch bản có đoạn tôi viết về một trinh sát công an trẻ tuổi đột kích vào bắt tên tội phạm đang ẩn nấp. Khi đó, anh trinh sát này đã để cho tên tội phạm nhìn thấy khẩu súng anh dắt sau lưng áo. Thấy vậy, tên tội phạm đã bỏ chạy theo lối cửa sau trốn thoát… Khi trình kịch bản để Bộ Trưởng Trần Quốc Hoàn duyệt thì chi tiết này đã được ông biên tập lại: Khi tên tội phạm nhìn thấy súng, đã ngay lập tức nhảy vào đẩy ngã người trinh sát, cướp súng và bắn chết anh. Khi phim lên sóng, cảnh này đã có tác động lớn trong lòng khán giả.

Sau này, có lần tôi được gặp đồng chí Trần Quốc Hoàn, tôi hỏi ông về chi tiết đó, ông nói: "Phải chấp nhận "hy sinh" một chiến sĩ công an để làm gương cho các anh em trẻ khác. Họ phải biết rằng, đã là lính trinh sát thì không được để lộ mình. Các chiến sĩ trẻ thường mắc bệnh huênh hoang, nếu không cẩn trọng, họ sẽ phải trả giá bằng chính mạng sống của mình". Qua đó, tôi hiểu thêm rằng, làm phim hoặc làm bất cứ loại hình nào liên quan đến đề tài Công an, ngoài sự đam mê cũng cần phải tìm hiểu ngọn ngành về nghiệp vụ thì mới thành công được".

Như phần đầu bài đã nói, năm 1975, nghệ sĩ Anh Sinh được chọn đi theo đoàn của Bộ Công an có mặt tại Sài Gòn để quay phim tài liệu về những người ở phía bên kia chiến tuyến ra trình diện cách mạng. Gần mười ngày "thực sát" theo chân những tướng, tá ngụy trên đất Sài Gòn, bộ phim tài liệu "Những trang hồ sơ về một loại người" gồm 5 cuốn phim (mỗi cuốn 15 phút) của ông đã được hoàn thành. Đặc biệt, không chỉ thu hút khán giả trong nước, bộ phim còn nhận được sự quan tâm chú ý của nhiều khán giả nước ngoài.

Kể lại những kỷ niệm khi làm phim này, nghệ sĩ Anh Sinh cho biết, hồi ấy, có những đối tượng thuộc diện nguy hiểm không ra trình diện mà trốn chạy, đoàn làm phim phải theo sát các nhóm trinh sát trong đêm để truy bắt. Ông nhớ nhất là cảnh vây bắt tên "Chúa Đảo" trốn chạy từ Côn Đảo về Vũng Tàu rồi theo đường biển trốn ra nước ngoài. Khi hắn đang "yên vị" trên chuyến tàu cuối cùng rời khỏi Việt Nam thì các chiến sĩ Công an kịp thời phong tỏa, vây bắt và dẫn giải hắn về nhận tội.

Lần khác, ông làm phim "Bản cáo trạng số 1" công bố cáo trạng xét xử tên gián điệp White (người Anh) ở Sài Gòn. Tên này khi được tha bổng về nước đã nhùng nhằng không chịu xuất cảnh với lý do chưa giải quyết xong chuyện vợ con - hắn có tới 3 người vợ ở Sài Gòn (thực chất hắn kiếm cớ ở lại để liên hệ với các tổ chức phản động đang ẩn dật trong nội thành lúc bấy giờ nhằm gây dựng kế hoạch "hậu chiến" của Mỹ). White sau đó đã phải ra trước vành móng ngựa, và đây là vụ án gián điệp đầu tiên ta đưa ra xử kể từ khi đất nước được hoàn toàn giải phóng.

Nghệ sĩ Anh Sinh tâm sự, cuộc đời ông may mắn được gắn liền với những bộ phim tài liệu đã ghi dấu một thời hào hùng của dân tộc. Khi xem lại những thước phim ấy, trong ông đã sống dậy cả một thời trai trẻ đầy nhiệt huyết và say nghề. Mặc dù biết rằng, làm phim tài liệu chiến tranh có khi phải chấp nhận sự hy sinh sẽ đến với mình bất cứ lúc nào, nhưng số phận của ông đã may mắn hơn nhiều những người bạn, những chiến sĩ cùng thời đã phải gửi thân nơi chiến trường.

Ông kể: "Hồi chúng tôi vào Tây Nguyên làm phim "Lửa gọi" nói về cuộc chiến chống Phunrô, khi đang quay cảnh dân làng bê vác hành lý rút tới vùng "tự do" thì chúng tôi bị bọn lính Phunrô tập kích nã súng. May mà lúc đó có lực lượng bảo vệ đoàn làm phim yểm trợ, anh em cũng kịp nhảy xuống suối tránh đạn nên không ai bị thương. Lần khác, đoàn chúng tôi đi quay phim tài liệu về Hoàng Cơ Minh, một tên phản động khét tiếng đã bị chết ở biên giới Việt - Lào. Chúng tôi đã phải đi 3 ngày, 3 đêm mới tìm đến được mộ của hắn. May mắn cho chúng tôi, khi xe ôtô dừng lại, tất cả anh em xuống xe và phát hiện ra bánh xe phía sau chỉ cách quả mìn chống tăng vài centimet. Tất cả được phen hú hồn vì… thoát chết trong gang tấc!".

Nói về nghệ sĩ Anh Sinh, nhiều đạo diễn trẻ vẫn khẳng định, ông là một trong những đạo diễn, nhà biên kịch có nhiều phim tư liệu chiến tranh được coi là "vốn quý" của lực lượng Công an. Nghệ sĩ Anh Sinh thì quan niệm, đã làm nghề thì phải đam mê theo đuổi đến cùng. Ông vốn là một công nhân mỏ than Quảng Ninh, từng ôm từng thúng than vẹo cả lưng từ hầm lò ra bãi.

Với ý chí vươn lên, ông tranh thủ tích lũy kiến thức, thậm chí "học mót" của các anh, các chú đi trước. Đêm đêm, ông thường ra bến xe Cẩm Phả, dưới ánh đèn điện nhập nhòa, vừa học bổ túc văn hóa, vừa viết kịch bản phim. Kịch bản "Đội máy xúc vùng mỏ" của ông viết trong thời kỳ này đã đoạt giải Vàng ở Hội diễn Toàn quốc Văn nghệ quần chúng (năm 1957-1958). Trong những năm chiến tranh, ông nhận làm bộ phim tư liệu về Vĩnh Linh. Để có những tài liệu cần thiết, ông đã đạp xe từ Hà Nội vào Quảng Trị, 15 ngày cả đi lẫn về dưới mưa bom bão đạn của địch.

Giờ đây, tuy đã ở tuổi 73 nhưng nghệ sĩ Anh Sinh vẫn chưa chịu ngơi tay bút. Ông bảo, ông phải viết nốt phần cuối cùng của bộ phim đặt hàng mang tên "Huyền thoại vị tướng không sao". Ông cho rằng, nghề làm phim, ở một góc độ nào đó đã mang đến cho các tác giả những cảm giác hạnh phúc vì những gì mình nghĩ, mình viết được thể hiện bằng một đời sống có thực trên màn ảnh. Giờ đây, sau mấy chục năm, những phim giáo khoa (phim dành cho học viên các trường An ninh, Cảnh sát) của ông vẫn đang phát huy tác dụng. Nhưng có lẽ, ít ai biết rằng, để có những thước phim chỉ dài 15 phút ấy, cả tháng trời ông phải thức thâu đêm đọc, nghiên cứu các tài liệu chuyên ngành...

Khi tôi hỏi ông kỷ niệm về những người bạn cùng thời, ánh mắt của người nghệ sĩ già bỗng trở nên xa xăm, trầm lặng. Ông bảo, Điện ảnh Công an nhân dân giờ đã có vị thế trong ngôi nhà chung của Điện ảnh Việt Nam, nhưng thời gian qua đi, thế hệ những người đầu tiên gây dựng nền móng cũng đã dần khuất bóng. Quy luật của tạo hóa khó ai tránh khỏi. Bởi vậy, với ông, những tháng ngày rong ruổi khắp mọi miền đất nước để ghi lại những thước phim tư liệu vẫn luôn là những ký ức đẹp giúp ông vui sống

Thiên Kim
.
.