Nghệ nhân vĩ cầm Lê Đình Viên: Nửa thế kỷ gây dựng thương hiệu

Thứ Năm, 13/11/2008, 16:00

Có một chàng trai mê đàn sau khi được nghe nghệ sĩ Đỗ Thế Phiệt kéo violon (vĩ cầm) đã về nhà mày mò làm chiếc đàn thô sơ bằng gỗ và dây phanh xe đạp để chơi. Sau này, khi ra đất Hà Nội, cậu có điều kiện tiếp xúc với loại nhạc cụ quý tộc này. Bằng niềm đam mê sẵn có, chàng trai đã học hỏi, làm nên những chiếc vĩ cầm mang thương hiệu Lê Đình Viên. Chàng trai đó giờ tuổi đã cao, nhưng tình yêu dành cho vĩ cầm không hề vơi cạn.

1. Trong căn phòng nhỏ ở 17 phố Quốc Tử Giám, ông Viên ngồi lặng lẽ, vẻ trầm hơn, yếu hơn. Ông vừa  mới đi chữa bệnh về, giờ vẫn còn hơi mệt. Ông bảo sẽ nghỉ một vài tuần nữa cho khỏe hẳn để tiếp tục sản xuất vĩ cầm. Trong đầu ông còn rất nhiều dự định, dự định về một buổi trình diễn nhạc giao hưởng, tất cả đều sử dụng sản phẩm của ông. Ngoài ra, ông vẫn tiếp tục làm những chiếc có chất lượng tốt. Bởi "khi tôi còn sản xuất, thì những chiếc hay nhất còn chưa ra đời".

Ông Lê Đình Viên quê ở Đô Lương (Nghệ An), là học sinh xuất sắc môn tiếng Pháp của Trường PTTH Huỳnh Thúc Kháng. Năm 1948, trong một đêm văn nghệ do đoàn văn công biểu diễn, tiếng vĩ cầm của nghệ sĩ Đỗ Thế Phiệt, danh cầm nổi tiếng Việt Nam thời ấy đã chiếm trọn tình cảm của cậu bé Lê Đình Viên. Lần đầu tiên cậu nhìn thấy thứ nhạc cụ lạ mắt, được nghe thứ âm thanh tuyệt diệu đến thế. Vốn là người khéo tay, con của một thợ mộc giỏi, về nhà, Viên lấy gỗ, dùng dây phanh xe đạp bắt chước làm một chiếc.

Đến năm 1952, trước khi mất, cha cậu dặn: "Con phải lên Hà Nội thì mới hòng kiếm được miếng ăn". Theo lời cha, Viên khăn gói lên Hà thành làm thuê, kiếm sống. Thế nhưng cuộc sống vẫn chật vật, chàng trai trở vào Thanh Hóa mong tìm được việc làm tốt hơn. Lúc này tiếng đàn của Đỗ Thế Phiệt lại trở về trong những giấc mơ. Cậu ước: Giá mà có tiền để mở một hiệu đàn thì hay biết mấy. Nhưng cơm chẳng có mà ăn, lấy đâu...

Một lần Viên đi qua hiệu sản xuất đàn Thanh Hóa, cậu ngắm những chiếc đàn không chán mắt. Ông chủ ra đuổi, Viên chẳng chịu đi. Cậu bảo: "Chú cho cháu làm không công cho chú, cháu biết nghề mộc". Nhìn Viên một lúc, ông chủ quát: "Biến!". Viên vẫn nài nỉ, cuối cùng ông chủ đồng ý cho thử việc. Nhờ năng khiếu, chịu khó, chỉ sau thời gian ngắn Viên trở thành thợ chính.

Cậu cũng học lỏm được nghề sửa đàn. Và dịp để cậu trổ tài đã đến, khi một cán bộ văn hóa tỉnh Thanh Hóa mang đàn ra cửa hàng, nơi cậu vẫn đang học để sửa. Chủ hiệu bó tay, còn cậu xin: "Để cháu làm cho". Viên tháo tung toàn bộ cây đàn, mày mò nghiên cứu, thậm chí vào cả thư viện đọc sách. Cuối cùng, cậu cũng "bắt" được đúng "bệnh". Lúc nhận đàn, khách khen: "Tuyệt! Sau này cậu sẽ thành tài". Sau đó một thời gian, Viên lại ra Hà Nội, xin vào làm thuê ở hiệu đàn Liên Á (30 Hàng Da), rồi chuyển sang xưởng làm đàn Hợp Tiến, sau lại chuyển sang xưởng mồng 1 tháng 6. Năm 1959, nhà nước có chủ trương thành lập xưởng đàn quốc doanh, Viên đầu quân về. Năm 1960, lãnh đạo xưởng yêu cầu mỗi người thợ phải làm ra một cây đàn theo ý mình. Cây vĩ cầm do Viên làm đã trở thành nhạc cụ chơi trong các đoàn văn công. Tài năng của Viên được nhiều người ghi nhận.

Ngồi kể chuyện cho thế hệ hậu sinh chúng tôi, ông Viên nói: "Vào xí nghiệp sản xuất đàn, tôi được đề bạt làm trưởng phòng kỹ thuật đến năm 1990 được đề bạt làm phó giám đốc. Về hưu năm 1992, tôi mở xưởng đóng tại nhà. Đời tôi làm ra bao nhiêu đàn cũng không thỏa".

2.Ông Viên nói rằng, đời ông có hai niềm vui lớn: Lần thứ nhất là năm 1961, vĩ cầm của ông được khẳng định chất lượng quốc gia. Lần thứ hai là 40 năm sau, năm 2001, được thế giới biết đến.

Ngày 6/11/2001 là bước ngoặt đáng nhớ trong cuộc đời ông. Đó là ngày danh cầm Paul Carlson đã chơi cây vĩ cầm của ông trong đêm nhạc ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Paul Carlson đã từ bỏ cây đàn trứ danh Antonius Stradiuarius đáng giá hàng trăm ngàn USD để đặt cần Archet lên cây vĩ cầm vô danh của ông. Lúc đó, cả khán phòng Nhà hát Lớn im phăng phắc bởi ngón đàn điêu luyện cùng tiếng đàn như mê hoặc lòng người của nghệ sĩ vĩ cầm nổi tiếng người Mỹ. Trong tay người nghệ sĩ tài ba, cây đàn du dương mà dào dạt, đem đến cho những người có mặt ngày hôm ấy một "bữa tiệc" âm nhạc violon thịnh soạn. Cuối buổi diễn, Paul rưng rưng tâm sự: "Thưa các bạn, tôi vô cùng cảm ơn nghệ nhân Lê Đình Viên, người đã cho tôi mượn cây đàn violon này để tôi có được buổi biểu diễn thành công ngày hôm nay!".

Cả hội trường vỡ òa trong tiếng vỗ tay. Không ai ngờ rằng, cây đàn do một người thợ Việt Nam làm ra, lại hoàn toàn "đủ năng lực" truyền tải bản concerto hoành tráng. Và nó là sản phẩm của một người "vô danh tiểu tốt" nơi hẻm nhỏ thành phố.

Ông Viên nhớ lại: "Lúc đó, tôi hỏi vợ nên tặng gì cho ông Paul để tỏ thiện chí. Nhà tôi nói không gì ý nghĩa bằng sản phẩm mình làm ra. Nên tặng cây đàn. Thế là tôi đã trao cây vĩ cầm cho người nghệ sĩ tài ba ấy để lưu lại những kỷ niệm đẹp nhất về đất nước và con người Việt Nam. Sau đó, ông Paul còn đến nhà tôi ăn cơm, cũng ngồi trong căn phòng này".

Ông Viên tự  hào cho biết thêm: "Với một nghệ sĩ biểu diễn thì nhạc cụ đóng vai trò quan trọng, có thể nói chiếm tới 50% sự thành công. Paul Carlson quyết định lựa chọn đàn của tôi là vì cái lý của ông ấy. Sau 2 đêm diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội, Paul Carlson lại đến thăm. Như thế để thấy rằng đàn của mình được người ta rất trân trọng. Ngay cả khách ở Nhật, ở Tiệp cũng đâu có ngờ!".

Ông Viên khoe là đã có rất nhiều người đến đây xin học nghề, trong đó có cả người Thụy Sĩ, Canada, Mỹ... Niềm vui lớn nhất chính là những "đứa con tinh thần" của mình đã được công chúng và bạn bè quốc tế chào đón, góp phần làm rạng danh đất Việt.

3. Ông Viên nói rằng ông may mắn vì có con trai kế nghiệp ông. Anh Lê Đình Long từng học quản trị kinh doanh nhưng lại quyết định ở nhà làm đàn với bố. Anh nói: "Bố tôi già rồi, tôi không muốn gia đình mất đi thương hiệu. Mà đã biết và làm nghề này rồi thì đam mê lắm".

Vợ ông Viên - bà Nguyễn Thị Liên là người phụ nữ hiền thục, gốc Hà Nội, trước đây làm công nhân ngành dệt. Bà là người hết lòng ủng hộ chồng, chung vai sát cánh chèo lái con thuyền gia đình trong lúc khó khăn để có ngày nay.

Giờ, mỗi tháng gia đình ông sản xuất chừng 20 đến 30 chiếc. Giá vĩ cầm cũng có nhiều loại, có chiếc chỉ 3,5 triệu đồng, có chiếc lên đến 25 triệu. Ông tâm sự: "Người thợ làm đàn không nói nhiều mà chứng minh sản phẩm của mình bằng chất lượng. Tôi ví đàn như người con gái. Đàn bà con gái mỗi nước mỗi khác. Mỗi người con gái đẹp đều có những nét đặc trưng riêng, đàn Việt Nam cũng vậy, phải thể hiện vóc dáng, tính cách dân tộc Việt Nam".

Nói về cái khó của nghề sản xuất vĩ cầm, ông Viên cho rằng người chơi vĩ cầm ít quá, cả nghìn người chơi được guitar chưa chắc có một người chơi được vĩ cầm. Có một thời khó khăn về kinh tế nên ông phải lấy guitar để "nuôi" vĩ cầm. Tức là sản xuất cả guitar để bán lấy tiền duy trì cuộc sống mà chế tạo thứ mình yêu thích. Thế nhưng loại này của ông cũng chẳng kém chất lượng bất cứ xưởng nào. Đám học sinh guitar trong Nhạc viện mấy ai không biết. Những thầy dạy guitar tên tuổi ở Hà thành như Hải Thoại, Quang Tôn... đều là khách hàng của ông.

"Vĩ cầm, với tôi không đơn thuần là một nhạc cụ. Nó là một sản phẩm văn hóa. Một cây đàn hoàn chỉnh phải có sự hiện diện của cả người làm ra cây đàn và người chơi đàn. Thiếu một trong hai phần đó, cây đàn chỉ là miếng gỗ ghép lại"- Người nghệ nhân tâm sự.

Trong căn phòng nhỏ vừa là nơi trưng bày, vừa là nơi tiếp khách, ông Viên treo cao 2 bức tranh cổ. Một bức vẽ nghệ nhân chế tác vĩ cầm số 1 thế giới Antonius Stradiuarius đang thử đàn, và bức kia là danh cầm số 1 thế giới Paganini đang say sưa với cây vĩ cầm. Giờ đã ở tuổi 75, ông vẫn gấp rút dạy đám con cháu để chúng hiểu về đàn, để gìn giữ thương hiệu. Nghề làm đàn đúng ra nó là nghề thợ mộc, nhưng không đơn thuần như vậy mà là nghề làm sản phẩm nghệ thuật, làm cho gỗ biết nói.

Trước đây, gỗ làm đàn thường dùng bằng gỗ trong nước, nay thế giới có một loại gỗ chung được kiểm định chất lượng, thì ông Viên chuyển sang nhập gỗ ngoại. Cuộc đời ông, cay đắng đã nhiều, vinh quang cũng đủ, ông không cần gì hơn là mong muốn người Việt Nam hiểu và dùng những loại nhạc cụ được sản xuất trong nước, vì nhiều khi chúng còn tốt hơn hàng của nước ngoài.

Ông Viên là người của vĩ cầm, của một niềm đam mê sáng tạo không mệt mỏi. Tuy tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng mắt ông còn tinh nhanh và còn cảm thụ tốt âm nhạc, cả khi nghe biểu diễn lẫn khi thử đàn. Trước khi chia tay chúng tôi, ông nói: "Cháu có thời gian cứ đến chơi, bác sẽ nói thêm về nghiệp làm đàn của mình. Nó như một thân phận vậy. Thân phận người làm đàn, thân phận của đàn"

Nguyễn Văn Học
.
.