Nghệ nhân Chamaléa Âu: Khắc khoải giấc mơ Chapi

Thứ Năm, 05/07/2012, 08:00
Tâm tình của Chamaléa Âu đã giúp chúng tôi hiểu rõ vì sao trong bài hát "Giấc mơ Chapi", nhạc sĩ Trần Tiến có đoạn: "Ai nghèo cũng có cây đàn Chapi". Thì ra người Raglai rất yêu âm nhạc, yêu âm thanh huyền hoặc, vọng vang của dàn mã la -loại nhạc cụ gõ bằng đồng không thể thiếu được trong đời sống xã hội lẫn đời sống tâm linh của tộc người. Nhưng như chia sẻ của Chamaléa Âu, mã la đắt tiền lắm, nên tổ tiên người Raglai mới có sáng kiến mượn tiếng đàn Chapi thay thế tiếng mã la. Và nhờ có Chapi mà đời sống tinh thần của người nghèo Raglai ngày trước không… nghèo...

Ai yêu nhạc chẳng biết bài hát "Giấc mơ Chapi"? Được nhạc sĩ Trần Tiến sáng tác vào năm 1993 trong một chuyến đi điền dã tại một xã miền núi thuộc huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận, "Giấc mơ Chapi" với tiếng đàn chỉ có vài sợi dây nhưng "đong đầy hồn người Raglai"... đang dần thinh lặng theo dòng chảy cuồn cuộn của thời gian. Thương tiếng đàn dân dã một thời đang đứng trước nguy cơ lụi tàn trên chính quê hương của nó, bao mùa rẫy qua, nghệ nhân Chamaléa Âu đã dày công, gắng gượng thổi lửa truyền hồn thanh âm ngàn xưa cho lớp người trẻ. Nhưng hỡi ơi, những gì ông đạt được là nỗi buồn khó nói thành lời, nỗi buồn chông chênh, chơi vơi như hòn đá bên bờ vực thẳm!

Ở Ma Nới (huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận), Chamalé Âu được ví như kho từ điển của núi rừng. Ông đọc thông viết thạo tiếng Kinh, am tường, hiểu rõ văn hóa, phong tục tập quán dân tộc mình. Ông đón khách đường xa bằng nụ cười dí dỏm, bằng cái dáng đi đứng lắc la lắc lư của một người lâu ngày không có khách đến thăm nhà, dẫu vị khách ấy xa lạ, đến đường đột không hẹn trước.

Từ đầu thôn Do, trên đường đưa khách vào nhà để được chiêm ngưỡng "nhan sắc" cũng như lắng nghe âm thanh huyền hoặc của cây đàn Chapi, Chamaléa Âu giải thích tận tường ý nghĩa cái họ Chamaléa của mình. Ông nói người Raglai theo tín ngưỡng đa thần giáo, "vạn vật hữu linh" nên chuyện lấy tên con thú, cây rừng, sông suối, núi đồi làm họ cho mình thì không có gì lạ. Chamaléa Âu bật mí những họ chính ở Ma Nới gồm Pa-tâu-a-xá (đá mài), Pi-năng (cây cau)… và cái họ Chamaléa của ông có nghĩa "dây máu". Sau này qua trò chuyện với những amúh, akay (những ông già, bà già nhất làng), người viết mới biết "dây máu" có vùng còn được gọi là dây huyết rồng, là cây thuốc quý dạng dây leo, dùng bồi dưỡng cho những người cơ thể suy nhược cũng như chữa các chứng bệnh đau lưng, viêm khớp…

Nhà của nghệ nhân Chamaléa Âu nằm sau lưng trường tiểu học. Ngôi nhà bé nhỏ, đơn sơ, chẳng có gì đáng giá tiền triệu, có chăng là những cây đàn Chapi do chính tay Chamaléa Âu tự chế mà lắm người tìm đến hỏi mua với gợi ý trả giá cao nhưng ông nhất định không bán. Ấy vậy ông lại sẵn sàng cho, sẵn sàng tặng cây đàn ấy cho những ai thật sự yêu Chapi nhưng khiêm nhường, ý nhị, chứ không mang dáng dấp của phường con buôn, hợm hĩnh nghĩ mình có tiền sẽ mua được mọi thứ.

Chamaléa Âu mời khách ly rượu ngâm rễ cây khai, một loại cây rừng thường được người Raglai nấu thành cao ngâm rượu. Ông chia sẻ rằng, thường thì người ta đến Ma Nới tìm gặp ông chủ yếu để hỏi về mã la, loại nhạc khí bằng đồng còn được gọi "chiêng bằng", nghĩa là không có u núm như cồng chiêng Tây Nguyên. Ông khẳng định so với mã la thì Chapi kém xa về mọi thứ, từ độ vang xa đến nghi thức, phong tục, huyền thoại gắn liền. Nhưng có một thứ mà người Raglai ai cũng rõ là tuy cấu tạo từ thân cây lồ ô hoặc tre gai nhưng kỳ thực Chapi được xem như là bộ mã la thu nhỏ, bởi tiếng của Chapi không khác gì tiếng mã la, bài bản của Chapi cũng trùng với mã la. "Chapi khác mã la ở chỗ tiếng nó nhỏ, không vang như mã la. Chơi mã la phải có ít nhất 3 người và phải chơi khi buôn làng có lễ hội đông vui hoặc lúc tang ma. Còn Chapi chỉ cần một người thôi. Ai cũng có thể khảy chapi, khảy mọi lúc mọi nơi, lúc vui lẫn lúc buồn".

Nghệ nhân Chamaléa Âu khảy đàn Chapi trong sự chứng kiến của dân làng.

Nghệ nhân Chamaléa Âu giải thích như thế. Rồi ông hứng chí biểu diễn màn vỗ mã la bằng tay không. Nhìn ông lắc lư, nhảy nhót, đám trẻ con ở làng xúm lại xem, bọn nhóc cười sặc sụa, cười ngả nghiêng rồi đùa với nhau rằng "ông già say, ông già khùng". Diễn chừng 5 phút, Chamaléa Âu "tỉnh" trở lại. Gương mặt hằn sâu ngàn nếp nhăn ở ông lúc này bỗng giãn ra. Giọng sảng khoái, ông bật mí rằng hơn 4 thập kỷ trước, muốn có mã la để vỗ, gia chủ phải tốn rất nhiều trâu bò mới đổi được nên chỉ gia đình thế lực, nhiều của cải mới có được mã la. "Nghe ông cha bà mẹ của ông nói nhiều gia đình nghèo quá không đủ trâu đủ bò đổi mã la đã sáng kiến làm ra đàn chapi đấy".

Tâm tình của Chamaléa Âu đã giúp chúng tôi hiểu rõ vì sao trong bài hát "Giấc mơ Chapi", nhạc sĩ Trần Tiến có đoạn: "Ai nghèo cũng có cây đàn Chapi". Thì ra người Raglai rất yêu âm nhạc, yêu âm thanh huyền hoặc, vọng vang của dàn mã la -loại nhạc cụ gõ bằng đồng không thể thiếu được trong đời sống xã hội lẫn đời sống tâm linh của tộc người. Nhưng như chia sẻ của Chamaléa Âu, mã la đắt tiền lắm, nên tổ tiên người Raglai mới có sáng kiến mượn tiếng đàn Chapi thay thế tiếng mã la. Và nhờ có Chapi mà đời sống tinh thần của người nghèo Raglai ngày trước không… nghèo. Khi ở nhà, lúc lên rừng hoặc khi đi rẫy, trong gùi của những chàng trai, những cặp vợ chồng nghèo bên cạnh lao, ná, xà-gạc còn có cây đàn Chapi be bé xinh xinh. "Với Chapi, anh đàn cho em nghe bên bờ suối. Chồng đàn cho vợ nghe trong đêm tối. Chàng trai mượn tiếng đàn Chapi nói lời yêu với cô gái mà anh ta thầm thương trộm nhớ".

Theo Chamaléa Âu cho biết, người Raglai có đến 20 loại nhạc cụ nhưng được sử dụng phổ biến nhất là chhar (mã la), trống Saggơr kayâu (trống lớn được làm từ thân cây lớn đục rỗng, trống này dùng để giữ nhịp chính trong hòa tấu với mã la hay các loại nhạc cụ khác), đàn ka-nhi (làm bằng ống tre, có cần như đàn nhị, 1-2 dây), sáo taleăk, kèn gadet (làm bằng sừng dê hoặc sừng trâu)… và tất nhiên, không thể thiếu đàn Kok t'lơr thường được gọi là Chapi. "Chapi được làm từ ống tre không quá già, không quá non" - Nghệ nhân Chamalé Âu giải thích - "Ngày trước muốn làm Chapi, chỉ việc xách rựa vào rừng, lựa tre gai đốn lấy đoạn dài khoảng 40cm rồi dùng dao nhíp (một loại dao rừng mũi nhọn, tay cần hình chữ S) bóc trên thân tre ấy thành 12 sợi dây, rồi chẻ cật tre nhỏ chặn thành 6 phím".

Kỹ thuật chế tác đàn Chapi có thể tóm lược ngắn gọn, đơn giản như thế. Nhưng như trong bài hát "Giấc mơ Chapi" của nhạc sĩ Trần Tiến, tiếng đàn tre giản đơn, mộc mạc ấy lại đong đầy hồn người Raglai, luôn da diết, sâu lắng, nồng nàn nhưng cũng ẩn trong nó sức bật, sức vươn, sự chân chất, tính cách khảng khái, kiên cường của một tộc người yêu chuộng hòa bình, sẵn sàng vươn lên để được sống tự do giữa núi rừng quê hương.

…Chiều buông, khi buôn làng như chìm trong tiếng gió rì rào, lão nghệ nhân Chamaléa Âu ôm chiếc đàn Chapi theo ông từ những tháng ngày trai trẻ nơi rừng sâu đứng giữa làng, búng khảy. Tiếng đàn Chapi của ông trong trẻo, nghe đong đầy hồn người, cả hồn sông hồn núi, hồn của những cánh rừng rào rạt tiếng bước chân loạt xoạt của con thú giẫm trên cành lá khô. Tiếng đàn Chapi qua tài nghệ khảy đàn của Chamaléa Âu như tiếng ngàn xưa, tiếng ông bà vọng về. Càng khảy đàn, Chamaléa Âu càng say.

Chamaléa Âu trải lòng rằng ngày nào không cầm Chapi để khảy, để lắc lư, để tiếng đàn phát ra âm thanh gọi sông gọi núi, ông nhớ lắm. Ông kể, có lần, một vị khách phương xa đến thăm hỏi chuyện về Chapi. Thấy người ta chẳng phải người đồng bào mình nhưng quý tiếng đàn, thương tiếng đàn nên khi người khách giã từ về phố mà lòng vẫn lưu luyến, vậy là ông tặng cho vị khách ấy cây đàn Chapi. Nhận được tặng phẩm quý, vị khách phương xa mừng rỡ bao nhiêu thì những ngày sau đó, Chamaléa Âu buồn bấy nhiêu. Ông tâm sự buồn không phải vì tiếc cây đàn, mà vì những ngày sau đó, vì mưa to gió lớn chẳng thể vào rừng đốn lồ ô làm đàn được, vậy là ông nhớ tiếng Chapi, nhớ da diết, nhớ đến mất ăn mất ngủ…!

Sau những giây phút thăng hoa theo tiếng đàn Chapi, Chamaléa Âu bỗng đượm buồn. Ông hướng ánh mắt về phía trước, nơi có những đứa trẻ, thanh niên nam nữ đang mở nhạc ầm ầm mà trĩu giọng: "Làng giờ chẳng có đứa nhỏ, người trẻ nào thích đàn Chapi. Tụi nhỏ nói đàn làm chi cho mệt. Thích nghe nhạc thì mở tivi, mở máy hát, hay bật điện thoại di động, muốn nghe bài nào có bài đó. Nghe như vậy sướng hơn, chứ nhọc tâm nhọc sức học khảy đàn, làm đàn làm gì cho mệt".

Qua tâm sự của nghệ nhân Chamaléa Âu, tôi được biết toàn xã Ma Nới hơn 4.000 người giờ đây chỉ còn mỗi "ông già điên" Chamaléa Âu biết khảy đàn Chapi. Chamaléa Âu thở dài: "Ai muốn chơi đàn Chapi phải yêu, phải thích thì mới toàn tâm toàn ý học được. Không yêu không thích thì cố mấy cũng chẳng được kết quả đâu".

Chamalé Âu có 9 người con và hơn 30 cháu nội ngoại nhưng buồn làm sao, chẳng con cháu nào nối được cái nghiệp giữ hồn cha ông như ông. Người trong nhà còn chẳng thể truyền lửa được, hỏi làm sao ông thắp lửa đam mê cho người ngoài. Nhưng không thể chịu "chết", vậy là Chamaléa Âu chọn giải pháp chiều chiều, ông mang cây đàn Chapi - cây đàn mà một thuở "ai nghèo cũng có", cây đàn mà khi rung lên, từng sợi dây đong đầy tình người Raglai, ra giữa làng vừa khảy vừa nhún nhảy với hy vọng biết đâu có đứa trẻ nào đó thấy thích thấy quý và năn nỉ ông truyền lửa. Chamaléa Âu đã làm cái việc kỳ lạ rất đỗi dễ thương ấy từ nhiều mùa rẫy qua. Nhưng đắng lòng khi nghe ông buông tiếng thở dài: "Lửa đã gần tàn mà mồi lửa mới chẳng thấy đâu"!

Ma Oai đang chìm vào đêm. Đêm nay đón khách quý nên nhà của Chamaléa Âu vui lắm. Nhiều người trong làng tụm lại ăn thịt, uống rượu và xem ông già trổ tài vỗ mã la, khảy Chapi. Đêm nay Chamaléa Âu sung sức hơn mọi khi, ông khảy sung, nhảy sung như đã từ lâu rồi không được sờ vào Chapi, không được thỏa mình chìm đắm trong không khí buôn làng vào hội. Đêm nay ánh lửa bập bùng soi sáng rõ từng mặt người, soi rõ cả gương mặt rạng rỡ đang rất vui của Chamaléa Âu với lời thúc giục: "Cháu chụp hình đi, cháu quay phim đi. Chứ khi ông nằm xuống, không còn ai khảy chapi nữa đâu!"

Nguyễn Thành Dũng
.
.