Tản văn

Ngày xuân thắp nén nhang thơm...

Thứ Ba, 21/02/2012, 08:00

Ngày nay, mặc dù cuộc sống sôi động bộn bề với những kế sinh nhai, con người càng chú trọng việc cúng lễ tổ tiên, tảo mộ, thăm quê hương bản quán. Có phải chăng đó là biểu hiện của đạo lý "uống nước nhớ nguồn", là cõi tâm linh, là góc thanh thản của tâm hồn!

Mùa xuân đi tảo mộ, thắp nén hương nhang nhớ người quá cố là tục lệ có từ ngàn xưa. Bởi vậy cụ Nguyễn Du mới viết:

Thanh minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh…

Hòa với dòng người tỏa về muôn quê, mùa xuân này tôi về quê - nơi "chôn nhau cắt rốn"- tảo mộ tổ tiên, rồi lại đi tiếp, dù muộn cũng phải đến tìm mộ và thăm lại ngôi nhà của người con gái đã qua đời cách đây ba mươi năm. Ba mươi năm, ngôi nhà không người ở. Ba mươi năm ngôi nhà không người thân thăm viếng bởi sự éo le của cái chết nơi đất khách quê người.

Vùng "đất khách" này từ xưa như một hòn đảo nằm giữa sông Hồng. Muốn đặt chân tới phải qua con đò. Bốn bề ngấm nước phù sa sông Hồng nên đất nơi đây dẻo quánh, quanh năm cây cối xanh tươi màu mỡ. Năm nay, mùa đông lấn chiếm tiết xuân, cây đay, cây mía chưa chịu bật nảy mầm lên khỏi mặt đất nên cả một vùng vượt xa tầm mắt là màu nâu của đất. Thỉnh thoảng chấm điểm vài chú bò vàng gặm cỏ bên mương khô nước. Trời trong xanh, đất thậm nâu. Tôi đi giữa đất trời, gió lạnh ẩm của sông Hồng mơn man. Tôi háo hức hít sâu vào lồng ngực thấy thấm đượm và lòng xốn xang. Con đê bao quanh làng "đất khách" năm nào đã cùng bà con xiết chặt bên nhau làm hàng rào sống vật lộn với sóng lũ sông Hồng đã đi vào lịch sử. Giờ đây con đê hiền lành, thanh thản ngả lưng ôm ấp xóm làng. Dòng sông do sự nắn dòng chảy của công trình thủy điện Sông Đà nên hình như điều hòa dịu dàng hơn. Người dân không còn cảnh phải đi đò mới vào được đất liền nữa. Điện đã về làng, tiếng đài, tiếng tivi vọng nhà sang nhà.

Cô gái ấy làm dâu đất này khi vừa tròn hai mươi tuổi, ra đi khi vừa bước sang tuổi hai ba. Thế là đã ba mươi năm cô trở về với đất. Ba mươi năm đủ để một cô bé mười tuổi thành một phụ nữ chững chạc "toan về già" như tôi. Nhưng kỷ niệm tuổi thơ còn mãi trong ký ức.

Khi cô còn sống tôi thường sang nhà cô chơi vào ngày chủ nhật. Tôi còn nhớ mãi vị ngọt của mía trong vườn nhà cô, mùi thơm của những chảo mật đang trên bếp nhà ai tỏa hương ngọt lịm như mật ong, vị ngậy bùi của những bắp ngô non luộc nóng hổi bốc khói trên tay. Và mái tóc của tôi được cô chải mượt, tết đuôi sam ngúng nguẩy. Còn cô, đứng ngắm nhìn đàn lợn béo đang tranh nhau ăn, bắp chân trần trắng ngần xinh xắn. Cô vận chiếc áo màu sen hồng cổ trái tim làm nổi gương mặt xinh tươi. Trông cô trẻ đẹp, nhanh nhẹn như một nữ sinh viên trường đại học Nông nghiệp về đây thực tập. Thế mà cô đã có chồng…

Ba mươi năm trôi qua. Tôi dự định ra mộ thăm cô chứ không vào nhà. Thế mà ngôi nhà đã hiển hiện trước mặt. Ngôi nhà của cô không được khoác áo mới. Mái gianh lá mía ngày xưa do cô đan lợp, chịu nhiều mưa nắng, giờ chỉ cần đặt nhẹ bàn tay lên mái gianh là nó có thể mủn ra rồi. Hàng cau lạc lõng trước sân nhà trơ trọi đốt thời gian. Tôi thầm gọi "Cô ơi!".

Trên bia mộ cô không có di ảnh, chỉ có dòng chữ tên cô và ngày mất. Tôi đặt bó hoa hồng nhiều gai lên mộ cô. Tôi đứng như trời trồng. Người nhà chồng cô khóc than, rằng từ ngày cô mất, chồng cô cũng bỏ làng ra đi không thấy trở về. Tôi cắm những bông hồng có cành mập sâu xuống đất, hy vọng nó sẽ sống, tươi tốt bên cô. Ngày xưa cô là cô giáo dạy học cho trẻ con trong xóm nhà chồng và rồi một lần, chồng cô ghen. Cô đã ra đi thật bất ngờ… Cả gia đình không ai tha thứ.

Lá rụng về cội. Tìm thấy mộ cô rồi, nhất định năm lại năm, mùa xuân đi tảo mộ, tôi lại đến bên cô hồi niệm, nghĩ suy những chặng đường đời… 

Phan Trung Nguyệt
.
.