“Nắng xế” hay “nắng quá”

Thứ Năm, 18/06/2009, 14:30
Trên tạp chí "Hồn Việt" số 21 (tháng 3/2009), tác giả Hà Văn Thuỳ có bài "Về câu tục ngữ "Gái thương chồng…". Sau khi lý giải "nắng quái" hay "nắng xế", ông cho rằng "Từ quá là sự chọn lựa gượng ép, còn quái lại càng gượng ép hơn nên không thể chấp nhận! Từ những phân tích trên, tôi cho rằng, nguyên bản của câu tục ngữ phải là trai thương vợ nắng xế chiều hôm! Cách nói này tôi gặp khoảng 50-60 năm trước trong dân gian đồng bằng Bắc Bộ".

Nhận thấy việc chữa lại chữ "quái" thành chữ "xế" còn nhiều điều lý thú đáng bàn, chúng tôi đã đọc lại nhiều văn bản và xem lại Từ điển tiếng Việt để câu tục ngữ được trả về đúng văn bản của nó.Có hai nhà ngôn ngữ học đã bàn về câu tục ngữ này trên báo Lao động, mục "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt":

1. Với bài "Tục ngữ có tôn vinh sự phi lý?", một tác giả đã giải nghĩa của câu tục ngữ: "Gái thương chồng đương đông buổi chợ; trai thương vợ nắng quái chiều hôm" = "Vợ sẽ được coi là thương chồng một khi sẵn lòng chiều theo ý thích của chồng ngay cả lúc buổi chợ đang còn đông kẻ mua người bán ; chồng sẽ được coi là thương vợ một khi sẵn lòng chiều theo ý thích của vợ ngay cả lúc nắng quái chiều hôm trời còn đang nóng điên người".

2. Sau đó, TS. Phạm Văn Tình đã trao đổi bằng bài viết "Gái thương chồng, trai thương vợ...". Sau khi ông "xin trình bày coi như một ý kiến tham khảo", ông kết luận: "Dù theo cách nào thì câu tục ngữ trên cũng đem lại cho chúng ta một thông điệp rất đáng suy nghĩ: Trong quan hệ vợ chồng, mức độ và cách thức thể hiện tình cảm của hai phía có khác nhau. Đó cũng là lẽ thường của tạo hóa và đó cũng là cái hay của luật bù trừ trong cuộc sống. Chúng ta cần phải hiểu, phải chấp nhận sao cho quan hệ gia đình lúc nào cũng hài hoà, bền chặt".

Còn rất nhiều bài viết về cách giải nghĩa của câu tục ngữ trên, tuy nhiên vẫn chưa hoặc không thấy bất cứ tác giả nào thay "nắng quái" thành "nắng xế" (chúng tôi nhấn mạnh - NT).

Bởi ngờ ngợ chữ "xế" mà ông Hà Văn Thùy đã thay chữ "quái" nên tôi đã tra từ điển nhưng tuyệt nhiên không thấy "nắng xế" mà chỉ có "nắng quái", ngay cả từ điển Lạc Việt thông dụng trên Internet. Xin nêu ví dụ:

"Riêng động từ quái. Quay trở lại, nghiêng: Nắng quái chiều hôm" (Tự điển Việt Nam, NXB Khai Trí, 1982)

“Danh từ Nắng quái. Nắng yếu lúc chiều tà, khi mặt trời đã hạ xuống dưới đường chân trời. Nắng quái chiều hôm" (Tự điển Tiếng Việt - NXB Đà Nẵng, 2006).

Theo tôi, câu tục ngữ "Gái thương chồng đang (đương) đông buổi chợ/ Trai thương vợ nắng quái chiều hôm" đã không còn mang tính chất dị bản mà đi vào văn bản. Tác giả Quân Tấn có bài "Thâm thúy một chữ thương hay cách hiểu khác về một câu ca dao", rằng: "Câu ca dao khuyến khích ta vươn tới giá trị cao đẹp nhất của tình yêu, tình chồng vợ. Từng câu chữ như hòa thành một đôi không thể tách rời, tạo nên những tầng ý nghĩa xoay vần bất tuyệt. Không chỉ là:

Gái thương chồng đương đông buổi chợ. Trai thương vợ nắng quái chiều hôm Mà còn là: Đương đông buổi chợ trai thương vợ. Nắng quái chiều hôm gái thương chồng".

Do đó mà cũng có câu tục ngữ: "Trai khôn tìm vợ chợ đông. Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân"

Nguyễn Tý
.
.