Nạn nhân của đạo diễn Polansky nói gì trong hồi ký?

Thứ Sáu, 02/11/2012, 08:00

"Cô gái vượt lên khỏi cái bóng của Roman Polanski" là tên gọi của một cuốn hồi ký sẽ được Hãng Atria Books phát hành vào mùa thu 2013. Tác giả của cuốn sách không phải ai khác mà chính là Samantha Geimer, cô bé từng bị vị đạo diễn người Pháp gốc Ba Lan Roman Polanski - một đạo diễn lừng danh thế giới - xâm hại tình dục cách đây 35 năm. Hiện "cô bé" năm xưa đã ở tuổi 48. "Bạn đọc sẽ bất ngờ với những khía cạnh lần đầu được biết tới của vụ việc tai tiếng năm nào" - Đại diện đơn vị xuất bản hé lộ.

Hẳn nhiều bạn đọc còn nhớ câu chuyện: Vào một ngày của tháng 3 năm 1977, tại nhà riêng của nam diễn viên Jack Nicholson ở Hollywood Hills, trong lúc chụp ảnh cho một tạp chí thời trang, Polanski đã chuốc rượu pha thuốc mê cho Samantha Geimer, một nữ người mẫu bấy giờ mới chỉ 13 tuổi để thực hiện hành vi hiếp dâm. Vụ việc vỡ lở, mặc dù Polanski đã thành công trong việc thỏa thuận bồi thường và thuyết phục gia đình nạn nhân rút đơn kiện, song Tòa án Los Angeles đã không chấp nhận đề nghị này.

Để tránh bị trừng phạt, năm 1978, Polanski đã trốn khỏi Mỹ. Một thời gian dài Polanski định cư tại Pháp và ông không dám xuất đầu lộ diện tại những nước đã ký kết hiệp định dẫn độ tội phạm xuyên biên giới với Mỹ. Ngay ở giải Oscar năm 2002, mặc dù được tôn vinh là đạo diễn xuất sắc nhất, song ông cũng không dám có mặt để nhận giải trong ngày hội điện ảnh lớn nhất hành tinh. Ngày 26/9/2009, trên đường đến Liên hoan phim Zurich nhận giải Thành tựu trọn đời, Polanski đã bất ngờ bị chính quyền Thụy Sĩ bắt giữ. Năm 2010, trước áp lực của báo chí, chính quyền Thụy Sĩ đã trả tự do cho Polanski sau khi từ chối dẫn độ ông về Mỹ. Họ sợ hành động bắt Polanski bị xem là cách để "Thụy Sĩ lấy lòng Mỹ", khiến Thụy Sĩ "đánh mất đi hình ảnh một đất nước trung lập" của mình...

Theo Hãng AP, năm 1988 Samantha Geimer đã từng gửi đơn kiện Polanski tội xâm hại tình dục, cố ý gây tổn thương tinh thần và cám dỗ cô. Và năm 1993, Polanski đã đồng ý trả 500.000 USD để dàn xếp vụ kiện. Tuy nhiên, việc nạn nhân đã nhận tiền hay chưa thì hiện không một cơ quan báo chí nào đưa ra được bằng chứng.

Nếu như cách đây đúng một năm, lần đầu tiên đạo diễn Polanski chính thức lên tiếng xin lỗi nạn nhân năm xưa của mình và khẳng định: "Cô ấy là nạn nhân của tôi và cũng là nạn nhân của giới truyền thông" thì bản thân Samantha Geimer trước đó ít lâu cũng đã lên tiếng trước công luận rằng cô tha thứ cho Polanski. Thậm chí, Geimer còn kêu gọi tòa án Mỹ xóa bỏ các cáo buộc nặng nề đối với ông. "Tôi biết ông ấy không có ý định làm tôi tổn thương. Cả hai chúng tôi đều phải trải qua những khoảng thời gian rất khó khăn khi phải đối mặt với công luận và tòa án. Và xem ra, trong việc này không ai được đối xử công bằng cả" - Geimer phát biểu  trong chương trình Good Morning America.

Đặc biệt, nhân sự kiện Geimer ký hợp đồng với Hãng Atria Books về việc phát hành cuốn hồi ký, trong thông báo gửi tới giới truyền thông vào ngày 9/10 vừa qua, Geimer đã tranh thủ bộc bạch cùng các độc giả "tương lai" về mục đích của mình khi viết cuốn hồi ký này: "Có thời gian, tôi rơi vào hoàn cảnh còn tệ hại hơn một nạn nhân tình dục - cụm từ mà giới truyền thông thường gán cho tôi. Ở trường trung học, bạn bè tôi đã được bố mẹ nhắc nhở là nên tránh xa tôi. Tôi viết cuốn hồi ký này không phải để thể hiện thái độ giận dữ với một vụ việc từng xảy ra trong quá khứ mà để cung cấp cho bạn đọc một số tình tiết giúp tôi trở lại đúng với con người thực của mình. Gần như cả cuộc đời tôi luôn bị ám ảnh bởi những ý nghĩ mệt mỏi và những cụm từ người ta gán ghép cho tôi một cách quá dễ dàng. Tôi đâu phải là kẻ ngu đần. Tôi hiểu thế nào là một phụ nữ và thế nào là một nạn nhân đúng với ý nghĩa của từ đó"

Trịnh Duy Mạnh
.
.