Năm tháng sẽ trôi qua

Thứ Năm, 03/03/2005, 07:16

Năm tháng sẽ trôi qua, câu nói tưởng như nhàm chán ấy hóa ra lại là nỗi day dứt không thôi trong mỗi nhà văn.

Mọi sinh linh đều như hạt bụi bám vào sợi dây thời gian chậm rãi trôi, vô hình, vô tận, không đầu, không cuối để rồi một lúc nào đó chìm vào phía quá khứ lãng quên. Sau sự hiện hữu của ta là gì? Có hay không có một thế giới khác tồn tại song hành thế giới ta đang sống?

Mặc cho biết bao nhiêu người qua bao nhiêu thế hệ đã bỏ cả cuộc đời tìm nó, hàng triệu trang sách đã cố công hình dung ra nó, nhưng cái thế giới ấy vẫn mịt mù, câm lặng. Bởi thế, ta vẫn sống hằng ngày bằng cuộc sống ta biết được và bằng cả niềm tin pha lẫn ngờ vực về một thế giới ta không biết được. Phải chăng nếu vẻ đẹp của một phát minh khoa học là ở chỗ nó chứng minh một cách rành mạch, lạnh lùng cái này đúng và cái kia không đúng, thì vẻ đẹp và sức mê hoặc của những trang văn lại là ở chỗ nhà văn tự phơi bày tâm trạng của mình trong một thế giới đầy xác tín và nghi hoặc.

Năm tháng sẽ trôi qua, cái gì sẽ còn lại? Những trang sách ta đã viết ra ư? Tôi thấy nhiều văn tài khi còn sống, người ta nói về họ một cách dè dặt, có khen chăng, có tặng thưởng chăng, có tài trợ sáng tác chăng cũng nhuốm vẻ ban ơn. Nhưng chỉ cần họ chết thì bài báo nọ đăng, cuốn sách kia in tới tấp đến mức chen chúc, giẫm đạp lên nhau và không ít người nhờ viết báo, viết sách mà có tiền, có tiếng.

Tôi thấy nhiều thư viện ít năm lại có đợt bán cân sách cũ. Tôi cũng thấy rất nhiều học sinh chuyên văn, sinh viên văn khoa hiện nay chưa bao giờ đọc hết một cuốn tiểu thuyết dày quá trăm trang. Hóa ra nhiều đứa con tinh thần ta mang nặng đẻ đau cũng chỉ là đứa con tinh thần của ta mà thôi. Để lại cho đời sau, điều đó chỉ đúng với rất ít người, còn nói chung là chuyện hão huyền.

Nhưng rồi chẳng cần ai thúc giục, chúng ta vẫn ngồi vào bàn hăm hở viết. Có lý do vì tiền, nhưng nếu chỉ vì tiền thì chẳng dại gì chọn nghề văn. Có lý do vì chẳng biết làm gì khác ngoài đau đáu văn chương thì đành dấn thân, quá nửa đời người, chẳng lẽ bỏ nghề. Nhưng hơn cả là sự thôi thúc từ trong gan ruột, sự thôi thúc phải nói được một điều gì đó tâm huyết dù chẳng ai nghe đi nữa. Phải yêu thương hết mình và căm giận hết mình dù chẳng biết có ai cần không. Phải làm việc cật lực, không thể tháng ngày rong chơi dù sách có mang bán cân, dù bây giờ người ta thích nhìn, thích nghe hơn thích đọc, dù văn chương là của nơi vắng, lúc buồn không ứng với chỗ đông đúc mà bây giờ chỗ nào cũng đông người.

Nghĩa là cái nghiệp, đã mang lấy nghiệp vào thân. Đối với nhà văn không gì mừng hơn viết được. Viết những gì dưới đất và cả những gì trên bầu trời. Viết như Đôn Kihôtê đánh nhau với cối xay gió; như ông già kia dành cả đời trồng tre đón cò về; như ông Tây nọ bỏ nhà lầu, xe hơi chui vào rừng Cúc Phương cứu loài khỉ sắp tuyệt chủng.

 Bởi năm tháng dù trôi qua nhưng mùa xuân vẫn về. Cây đã úa tàn trăm mùa lá vẫn ham sinh chồi đâm nụ. Mất làng hoa Ngọc Hà lại có trăm làng hoa khác. Đất Nhật Tân  bị dành cho biệt thự mọc thì đào Nhật Tân lại tìm đất mới tái sinh. Dù văn chương trong mắt không ít người chưa bao giờ được coi là cái không thể thiếu, nhưng văn chương vẫn tồn tại, cuộc đời vẫn cần có nhà văn, xưa đã thế và mai sau cũng thế

.
.