NSƯT Vương Hà: Bao trau chuốt dồn cả vào vai diễn

Thứ Tư, 28/03/2012, 08:00
Hai chục năm qua, NSƯT Vương Hà vẫn luôn được xem là cô "đào nhất" của Nhà hát Cải lương Trung ương. Từng đảm nhiệm những vai nữ chính được xem là mẫu mực của sân khấu cải lương như Thái hậu Dương Vân Nga, nữ học sĩ Nguyễn Thị Lộ, Thị Tơ..., NSƯT Vương Hà là gương mặt nghệ sĩ cải lương đất Bắc được khán giả miền Nam yêu mến và đó cũng một điều rất đáng... ngạc nhiên.

Trong bối cảnh ảm đạm của sân khấu truyền thống nói chung, sân khấu cải lương nói riêng, thật cảm động khi thấy nghệ sĩ Vương Hà vẫn giữ được ngọn lửa nồng đượm với bộ môn nghệ thuật mình đã dấn thân. Chị bảo: "Bao nhiêu tròn trịa đều dành cả cho sân khấu...".

Xem nghệ sĩ Vương Hà diễn trên sân khấu cải lương, thật khó hình dung chị lại xuất thân từ một diễn viên Tuồng. 13 tuổi, cô bé Vương Hà đã trúng tuyển lớp diễn viên trẻ của Nhà hát Tuồng Trung ương, trở thành "đào chính", từng được giao đóng những "vai mẫu" của nghệ thuật tuồng như "Đào Tam Xuân", Thị Hến trong "Nghêu Sò Ốc Hến", "Ông già cõng vợ đi xem hội"... Đang được các cô chú, các anh chị ở Nhà hát Tuồng Trung ương "cưng chiều", hy vọng, thì đùng một cái, Vương Hà xin chuyển sang Nhà hát Cải lương để "đoàn tụ" với chồng là nghệ sĩ cải lương Xuân Vinh. NSƯT Vương Hà kể rằng, từ khi sinh con, chị luôn đối diện với nỗi lo lắng: "Hai vợ chồng ở hai nhà hát, lịch đi diễn, đi công tác khác nhau, rồi còn đêm hôm con nhỏ làm thế nào đây?". Cuối cùng, Vương Hà quyết định mình sẽ chịu thiệt vì chồng, vì con (nghệ sĩ Xuân Vinh khi đó là "kép chính" ở Nhà hát Cải lương Trung ương). Chị từ bỏ vị trí "đào nhất" ở nhà hát Tuồng, sẵn sàng trở thành một diễn viên phụ, bắt đầu lại từ con số 0 với Nhà hát Cải lương Trung ương.

Bạn bè nhiều người tỏ ra tiếc nuối, nhiều người bảo Vương Hà dại, nhưng chị vẫn bỏ ngoài tai. Vốn có sắc, lại thông minh, nhanh nhẹn và mê cải lương từ thuở còn bé thơ, đồng thời người bạn đời vốn được đào tạo bài bản sâu rễ bền gốc với cải lương giúp đỡ, nên Vương Hà tiến bộ rất nhanh. Chỉ hai năm sau, chị đã được giao vai chính và trở thành nữ nghệ sĩ cải lương đất Bắc để lại nhiều ấn tượng khó quên với khán giả phía Nam. Đặc biệt hơn, chị và người bạn đời của mình, NSƯT Xuân Vinh trở thành cặp "đào - kép" ăn ý hiếm có: khi Vương Hà vào vai Thái hậu Dương Vân Nga trong vở "Đế đô sóng cả" thì Xuân Vinh vào vai Tướng quân Lê Hoàn; khi Vương Hà vào vai Thị Phương trong vở "Trương Viên" thì Xuân Vinh hóa thân thành chàng Trương Viên; khi Vương Hà vào vai Thị Lộ trong vở "Vằng vặc ánh sao khuê" thì Xuân Vinh đóng vai Nguyễn Trãi; khi Vương Hà vào vai Thị Tơ trong vở "Cây đàn huyền thoại" (phỏng theo truyện "Mê Thảo - Thời vang bóng" của nhà văn Nguyễn Tuân) thì Xuân Vinh trở thành Bá Nhỡ...

Yêu người và yêu nghề, họ là cặp bạn diễn - bạn đời tâm đầu ý hợp, đi diễn ở đâu cũng có nhau. Ấy vậy mà khi trở về với cuộc sống đời thường, họ ít nói chuyện với nhau về sân khấu. Theo Vương Hà, đó cũng là một cách để họ tránh đi sự nhàm chán, sự lẫn lộn giữa kịch và đời như nhiều cặp vợ chồng nghệ sĩ khác từng gặp phải. Chị bảo: "Ban ngày tập với nhau, tối đi diễn với nhau rồi, về nhà còn nói chuyện sân khấu thì tẻ nhạt lắm! Chúng tôi cứ lên sân khấu thì diễn với nhau hết mình, về nhà là chỉ trọn đạo vợ - chồng thôi...".

NSƯT Vương Hà (đứng giữa) vai Thái hậu Dương Vân Nga trong vở " Đế Đô Sóng Cả".

NSƯT Vương Hà tính cách dịu dàng. Chị sở hữu một gương mặt đẹp đằm thắm và dễ "biến hóa" vào các dạng vai. Đó cũng chính là lợi thế của chị. Cộng thêm giọng hát mượt mà cùng vũ điệu điêu luyện đã khiến Vương Hà sớm thành công với nhiều vai diễn. Hôm nay Vương Hà hóa thân thành một bà hoàng trong vai Thái hậu Dương Vân Nga với sự kiêu sa đài các, ngày mai chị đã hoàn toàn có thể là một thôn nữ mộc mạc chân quê như Thị Phương trong vở "Trương Viên", Vương Ngọc Hoàn trong vở "Vì nghĩa quên mình" hay cô sơn nữ Sơn Vi trong "Tình sử Lộ Đà Giang"...

Ở ngoài đời, NSƯT Vương Hà có nếp sống giản dị, gương mặt thường để mộc, cách ăn vận cũng không chau chuốt, cầu kỳ. Chị bảo: "Mình đơn giản lắm, không văn hoa cầu kỳ, cứ thế nào tiện cho cuộc sống là làm thôi. Nhưng bao nhiêu tròn trịa, trau chuốt đều dành cả cho sân khấu. Trông thì quê kiểng thế này thôi, nhưng không hiểu sao cứ lên sân khấu là "bắt" ánh đèn lắm. Cứ mặc xiêm áo vào, nhạc nổi lên, từ trong cánh gà bước ra, cất lên giọng hát là mình như bước hẳn vào một thế giới khác. Có những điều lạ lắm, ngay chính mình cũng không thể giải thích được, mà mình chỉ nghỉ rằng được ông Tổ nghề diễn thương, nên đã cho mình những khoảnh khắc diễn xuất thần trên sân khấu. Trong nghề diễn, bọn mình thường gọi là "được ăn lộc của ông Tổ!" đấy...".

"Hiện tượng" của NSƯT Vương Hà giống với NSND Lê Khanh và một số nữ nghệ sĩ tài danh khác của sân khấu Việt Nam: ở ngoài đời trông họ rất đỗi bình thường, thậm chí lẫn vào đám đông, nhưng khi lên sân khấu, nơi vẫn được gọi với cụm từ thiêng liêng là "thánh đường nghệ thuật", họ bỗng bừng sáng lên như một... bà hoàng. NSƯT Vương Hà đã nhiều lần vào vai Thái hậu Dương Vân Nga trong trích đoạn "Hoàng hậu hai vua" (kịch bản: NSƯT Lê Duy Hạnh; đạo diễn: NSƯT Bạch Tuyết) và trong vở diễn "Đế đô sóng cả" (kịch bản và đạo diễn: Triệu Trung Kiên) và ở vai diễn này chị luôn cảm nhận rõ nhất sự "lột xác". Người xem cũng có cảm nhận chị đã hóa thân thành một Thái hậu Dương Vân Nga trong từng ánh mắt, từng nụ cười, từng cử chỉ... Đó cũng chính là vai diễn chị đã bỏ công bỏ sức nhiều nhất, đồng thời cũng khiến chị bị ám ảnh lâu nhất.

Lần đầu tiên khi được giao vai diễn này, chị đã về tận cố đô Hoa Lư - Ninh Bình, nơi có đền thờ vua Lê và Thái hậu Dương Vân Nga để thắp hương khấn xin Thái hậu phù hộ cho mình được nhập vai suôn sẻ. Ở đó, chị đã khóc rất nhiều trước số phận bi ai của Thái hậu Dương Vân Nga - một người phụ nữ với diễn biến nội tâm phức tạp, những giằng xé giữa việc nước, tình nhà khi phải ra quyết định liên quan đến vận mệnh của một quốc gia. Từ đó đến nay, đã nhiều lần trở lại đền thờ Thái hậu Dương Vân Nga, lần nào chị cũng khóc. Chị cũng không ít lần rơi nước mắt trên sàn tập. Chị còn nhớ, lần đầu tiên tập vai này chị đã khóc nghẹn, không thể nào diễn được. Và trên sàn diễn, nhiều khi nước mắt vẫn chan hòa. Cảm xúc chân thực đến độ Vương Hà diễn đấy mà như hóa thân hoàn toàn vào thành một Thái hậu Dương Vân Nga bằng xương bằng thịt trên sân khấu.

Chị tâm sự: "Thái hậu Dương Vân Nga là nhân vật lịch sử vẫn còn nhiều tranh cãi đến tận bây giờ. Nhưng trong cảm nhận của mình, đó là một người phụ nữ tiến bộ vượt bậc, có đời sống nội tâm phong phú, có một trái tim dũng cảm, dám yêu, dám sống hết mình. Với mình, đó là một nhân vật luôn hấp dẫn và đầy bí ẩn, lần nào diễn cũng mang đến cho mình đầy cảm hứng mới mẻ...".

Quả là "nghề chẳng phụ người", chính vai diễn Thái hậu Dương Vân Nga đã đem về cho nghệ sĩ Vương Hà nhiều phần thưởng cao quý: Giải Nhất cuộc thi Tài năng sân khấu trẻ Toàn quốc năm 1998 với trích đoạn "Hoàng hậu hai vua"; Huy chương Vàng Hội diễn sân khấu Cải lương Toàn quốc năm 2000 với vở diễn "Đế đô sóng cả". Sau các nghệ sĩ tài danh như Thanh Nga, Bạch Tuyết, Thanh Tâm, Vương Hà chính là người tiếp theo thể hiện thành công hình tượng Thái hậu Dương Vân Nga - một vai diễn mà bất kỳ một nữ nghệ sĩ cải lương nào cũng ao ước.

Tìm được "chìa khóa" để thành công  với vai diễn Thái hậu Dương Vân Nga cũng chính là tấm "giấy thông hành" để Vương Hà đến với những vai diễn khác như vai Thị Lộ, Thị Tơ... Đây đều là những vai diễn có nội tâm, đòi hỏi tài năng và khả năng biểu đạt cảm xúc của diễn viên phải rất tinh tế. Nghệ sĩ Vương Hà tâm sự rằng, với những vai diễn này, khi nhà hát của chị đi lưu diễn ở Tp HCM và các tỉnh lân cận, khán giả miền Nam vốn yêu chuộng cải lương rất thích. Khán giả miền Nam từ lâu vốn quá quen với phong cách cải lương miền Nam mũ cao áo dài, lóng lánh kim sa..., nay gặp hình ảnh những cô gái mặc áo tứ thân đậm chất đồng bằng Bắc Bộ, hát cải lương bằng giọng Bắc như đem đến cho họ một làn gió mới. NSƯT Vương Hà chính là một trong số không nhiều nghệ sĩ cải lương miền Bắc chinh phục được khán giả miền Nam như các NSƯT Thanh Thanh Hiền, NSƯT Xuân Vinh...

Hà Anh
.
.