NSƯT Vũ Lân: Bị cầm chân nơi đại ngàn bởi những nhạc cụ độc đáo

Thứ Ba, 03/09/2013, 08:00

Đã 30 năm xa Thủ đô, không lúc nào ông không nhớ về con phố Lương Văn Can nhộn nhịp, nơi ông thường cùng bạn cà phê trước giờ biểu diễn. Đã 30 năm, ông chia tay Đoàn Ca múa Hà Nội, và ước hẹn tái hồi. Nhưng rồi cuối cùng, ông không quay về nổi chỉ vì bị những âm thanh của đại ngàn quyến rũ. Ông trở thành "người Tây Nguyên" lúc nào không hay.
Tôi gặp NSƯT Vũ Lân tại Ban Mê với bao nỗi bồi hồi khi nghe ông thổi ki-pa (tù và). Một giai điệu nhớ nhung đến nao lòng...

Nhiều người nhận xét Vũ Lân là một chàng trai lãng tử. Ông lang thang trên mọi cung đường bụi đỏ của Đắk Lắk, hay hát với những em bé Êđê, và múa với những cô gái da nâu, mắt ướt. Ba mươi năm trước, chuyện một nghệ sĩ múa Hà Nội lên cái đất Ban Mê hoang dại này là một sự lạ. Đường phố còn thưa thớt. Những ngôi nhà sàn còn tuềnh toàng trong con gió lồng lộng trên cao nguyên. Nhưng rồi mọi âm thanh của núi rừng vang lên, với những khao khát trong tim, Vũ Lân bắt đầu buộc tóc như những chàng trai Êđê chính hiệu, và bắt đầu cầm lấy cái chiêng gõ lên từng tiếng báo hiệu một ngày mới...

Đó là hình ảnh của nghệ sĩ Vũ Lân trong những ngày đầu nhập Đoàn Ca múa Đắk Lắk với chức danh phó đoàn, phụ trách chuyên môn. Tiếng là vậy song ở đây, Vũ Lân làm mọi việc, từ biểu diễn lẫn dàn dựng tiết mục, tổ chức chương trình, kể cả việc đưa anh em đi các địa phương biểu diễn nhằm tăng thêm thu nhập. Nghệ sĩ Vũ Lân nhớ lại: Năm 1987, có lần đi phục vụ ở Campuchia, Đoàn Ca múa Đắk Lắk bị bọn Khơme đỏ phục kích. Không biết tin bị lộ từ đâu và khi nào, bất ngờ chiếc xe đi trước dẫn đường bị chúng bắn chặn. Ngay lập tức, những chiến sĩ có mặt triển khai chiến đấu và báo hiệu cho các nghệ sĩ quay lại chờ ở phía sau. Đã có hai chiến sĩ hy sinh khi đánh trả bọn này để bảo vệ an toàn cho anh chị em trong đoàn. Sau lần hút chết đó, Vũ Lân lại cùng anh em đi tiếp. Và rồi, chính những tài xế người Campuchia đã báo cho ông hay, bọn Khơme đỏ đã có lệnh bắt sống cả Đoàn Ca múa Đắk Lắk để đưa về chiến khu của chúng. Bởi vậy mà khi các nghệ sĩ trở về, họ phải dùng phương án nghi binh. Chính những ký ức máu lửa ấy đã càng làm Vũ Lân ngày một thêm gắn bó với mảnh đất cao nguyên này.

Đến nay, Vũ Lân còn nhớ như in một buổi chiều, sau khi biểu diễn xong, ông bất ngờ bắt gặp một nghệ nhân đang thổi tù và trong bản. Đó là nghệ nhân Y Cheng M'nô. Y Cheng M'nô bị mù nên tiếng tù và của ông day dứt lắm, nghe như tiếng người khóc vậy. Những âm thanh ấy đã cuốn hút Vũ Lân. Thế là từ đó, như sự mách bảo của con tim, Vũ Lân bắt đầu một hành trình mới: Hành trình tìm hiểu, khám phá âm nhạc Tây Nguyên. Ông bắt đầu từ những nhạc cụ gần như đã bị quên lãng theo thời gian...

Mỗi khi vào các buôn làng, Vũ Lân luôn để ý tới những nhạc cụ của người Êđê, M'nông, hay Bana, với những khám phá mới. Ông nhận ra, nhiều nhạc cụ thường được các nghệ nhân chế tác theo kinh nghiệm truyền lại tự bao đời, bởi vậy ít có sự phát triển mới. Hoặc có những nhạc cụ các nghệ nhân đã không còn chế tác, để thất lạc mất vốn quý của ông cha... Điều đó làm Vũ Lân rất trăn trở.

Nghệ nhân Ama Kim hướng dẫn tác giả sử dụng nhạc cụ do nghệ sĩ Vũ Lân chế tác.

Vũ Lân bắt đầu cuộc săn tìm các loại tre, trúc, nứa… theo sự mách bảo của các nghệ nhân. Riêng công việc phục chế lại dàn chiêng tre, ông gần như phải làm lại từ đầu, bởi lẽ không còn bản mẫu để làm theo. Ông kể, việc đầu tiên là nguyên liệu chế tác cần phải hết sức chuẩn mực, vì đó là những công cụ tạo nên âm thanh. Có lần Vũ Lân phải vào sâu trong rừng cùng với những người dân tộc dẫn đường vì sợ gặp thú dữ. Ngày ấy rừng còn hoang vu và đầy rẫy hiểm nguy, để tìm được cây tre hay cây nứa già và thẳng, với kích cỡ vừa đủ làm nhạc cụ không dễ dàng gì. Hơn thế, chọn xong vật liệu rồi còn phải phơi khô hàng tháng trời, tránh nứt nẻ rồi mới cưa cắt từng đoạn cho hợp với từng loại nhạc cụ.

Vũ Lân cho biết, làm nhạc cụ chiêng tre là khó nhất, vì phải làm đủ bộ, từ 5 đến 9 chiếc, đôi khi cả dàn lên tới 20 chiếc. Đặc biệt sau đó là việc hiệu chỉnh âm thanh cho đúng nốt nhạc và việc tạo nên âm sắc độc đáo của tiếng chiêng tre đòi hỏi sự thẩm âm của người chế tác rất cao. Vì chỉ gọt hay vót quá tay là coi như phải loại bỏ. Qua hàng tháng trời thử nghiệm với tay dao, tay cưa, tay đục, dàn chiêng tre mẫu đầu tiên đã đem lại cho nghệ sĩ Vũ Lân sự thành công, như một phát kiến mới lạ ông dành cho đồng bào Tây Nguyên. Vũ Lân có một nguyên tắc: Sau khi cải tiến nhạc cụ, bao giờ ông cũng đưa lại cho các nghệ nhân biểu diễn thử, rồi nghe góp ý, chỉnh sửa lại cho đến hoàn thiện mới thôi. Chính vì thế, nhạc cụ chiêng tre (ching kram) mà nghệ sĩ Vũ Lân chế tác năm 1986 cùng với những bản nhạc do các nghệ sĩ biểu diễn đã gây tiếng vang rộng khắp, đem lại hàng chục Huy chương vàng cho Đoàn Ca múa Đắk Lắk trong các kỳ hội diễn ca múa nhạc trong nước và quốc tế.

Với nhạc cụ ki pa (tù và) cũng vậy, sau khi gặp nghệ nhân mù Y Chang M'nô trở về, Vũ Lân suy nghĩ ngày đêm làm sao cải tiến để chúng có được những âm thanh phong phú hơn và truyền cảm hơn. Không ngờ, công việc đã lấy đi của Vũ Lân đến gần năm trời. Dường như sự nỗ lực ông đã được đền đáp. Nghệ sĩ Vũ Lân đã dự trại sáng tác và biểu diễn tù và năm 1985 với bản nhạc "Gọi Giàng". Có người trong Ban giám khảo xúc động nói, đó mới đúng là tiếng gọi tha thiết của con người với thiên nhiên, với đất mẹ. Hoang dại, cô đơn nhưng lại tràn trề niềm tin khi cất tiếng "Gọi Giàng", chiếc tù và trở thành một nhạc cụ độc đáo của Vũ Lân. 

Tính đến nay, nghệ sĩ Vũ Lân đã chế tác và chỉnh lý được 22 nhạc cụ của các dân tộc Êđê, M'nông, Gia Lai. Đặc biệt ông còn phục hồi lại được 3 nhạc cụ đã bị thời gian làm cho mai một. Có nhạc cụ ông chỉ nghe nghệ nhân tả lại, nhưng đã làm đúng như nó từng tồn tại trong thực tế. Cùng với nhạc cụ tù và gắn với tên tuổi Vũ Lân, còn có những nhạc cụ độc đáo khác như: Đinh Puốt, Đinh Tút, Đinh Tăk tar, Đinh Gong... Kết quả sau hàng chục năm gắn bó với âm nhạc Tây Nguyên, Vũ Lân đã cho xuất bản cuốn sách: "Sưu tầm, nghiên cứu và khai thác các nhạc cụ dân tộc truyền thống Êđê và M'nông" (NXB Văn hóa Dân tộc ấn hành năm 2008). Đây được coi là công trình đầu tiên và duy nhất hiện nay mang tính thực hành về chế tác nhạc cụ dân tộc Tây Nguyên. Chính vì những thành tựu đó mà Vũ Lân đã được phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú vào năm 1997. Cùng với đó là Giải thưởng chế tác nhạc cụ dân tộc Tây Nguyên năm 2002 và đặc biệt là Giải Tôn vinh văn học nghệ thuật Chư Yang Sin lần thứ nhất của tỉnh Đắk Lắk (1975-2010).

Ở tuổi 68, không còn gì vui hơn với NSƯT Vũ Lân khi ông vừa giành được chiếc Huy chương vàng trong cuộc thi Hát dân ca, dân vũ và nhạc cụ cổ truyền Việt Nam được tổ chức ở Hà Nội. Đó là chiêng lễ cúng sức khỏe của người Êđê do ông phối khí cho bản hòa tấu. Vậy là suốt 30 năm, cái tên Vũ Lân thường được nhắc đến trong mỗi kỳ trình diễn của Đoàn Ca múa Đắk Lắk. Đặc biệt, ông còn có công góp sức cho việc đưa những bài học đánh chiêng đồng và chiêng tre vào các trường học, và về các buôn làng để đào tạo các nghệ sĩ trẻ...

Giờ đây, mỗi sáng khi thức dậy, Vũ Lân thường lắng tai nghe tiếng vọng từ mỗi sân trường. Những bản nhạc chiêng rộn rã vang lên. Những suối nguồn âm thanh đại ngàn lại đưa ông về cõi mơ. Khi ấy, ông thấy nhớ Hà Nội, nhớ ly cà phê Ban Mê mà ông nhâm nhi mỗi khi bình minh lóe sáng. Từ trong sâu thẳm hồn ông, bản nhạc "Làng buôn vào hội" của ông bỗng chốc trở về, rộn ràng biết bao…

Vương tâm
.
.