NSƯT Văn Chương: "Duyên thơ" trong đêm giao thừa

Thứ Sáu, 07/02/2014, 08:00

Mỗi dịp Tết đến xuân về, giọng ngâm thơ của NSƯT Văn Chương dường như là tiết mục không thể thiếu trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Truyền hình các địa phương. Đây cũng chính là mối duyên để NSƯT Văn Chương tái ngộ với đông đảo khán thính giả cả nước. “Người chèo” neo đậu bến... thơ, đến nay trong các giọng nam ngâm thơ, ngôi vị "quán quân" thuộc về nghệ sĩ Văn Chương gần như là một điều không phải bàn cãi...

Đối với nhiều nghệ sĩ, ngâm thơ luôn được xem là việc làm mang tính giải trí, vừa có thêm chút thu nhập, vừa có cơ hội giao lưu nhiều hơn với khán giả. Nhưng với tính cách chỉn chu, kỹ lưỡng, nghệ sĩ Văn Chương không bao giờ cho phép mình làm việc lớt chớt, nửa vời. NSƯT Văn Chương tâm sự: "Tôi tham gia thu chương trình Tiếng thơ trên Đài Tiếng nói Việt Nam từ những năm 90 của thế kỷ trước. Lúc ấy, tiền thù lao cho một bài thơ chỉ có 10 nghìn đồng. Nhiều khi biên tập viên của Đài còn rất ngại với người ngâm, cứ cố gom sao cho đủ 10 bài để trả nhuận bút thành tròn 100 nghìn đồng cho đỡ ngại, nhưng tôi vẫn vượt đường xa đến với Đài để thu âm, làm việc một cách nghiêm túc.

Tôi cho rằng mình có một khả năng thiên bẩm, cầm một bài thơ trên tay, tôi đọc một lượt từ đầu đến cuối để cảm nhận tinh thần của bài thơ, đánh dấu những đoạn sẽ lên bổng xuống trầm, những quãng ngưng, nghỉ... Với tôi, ngâm một bài thơ, ngoài là cầu nối giữa tác giả và công chúng, còn là cách tôi gửi tâm hồn mình vào đó..."

Đã gần 20 năm nay, không năm nào giọng ngâm thơ lúc ngọt ngào trầm ấm, khi tha thiết lắng đọng, lúc cao vút hùng hồn... của nghệ sĩ Văn Chương vắng bóng trong mỗi dịp Tết đến xuân về. Với Văn Chương, đó còn là món quà nhỏ, như một lời chúc an lành anh muốn gửi đến khán thính giả gần xa.

Sinh ra và lớn lên trên chiếng chèo Hà Tây, 16 tuổi, cậu bé Văn Chương đã trúng tuyển vào Đoàn chèo Hà Tây. Vốn mê các điệu hát chèo từ nhỏ, vào đoàn lại được các thầy cô, các anh chị thế hệ đi trước dạy bảo tận tình nên theo năm tháng, các làn điệu chèo ngấm vào Văn Chương chậm rãi nhưng sâu rễ bền gốc. Sở hữu một giọng hát chèo thiên phú cùng một tình yêu sâu thẳm với chèo, Văn Chương đã trở thành một trong không nhiều kép nam được yêu mến nhất của làng chèo Việt Nam, từng được gọi là "vàng mười" của sân khấu chèo khi hội tụ đầy đủ các tiêu chí: "thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần". Từng đóng vai Hoàng tử trong "Tấm Cám", vai Nguyễn Trãi trong "Ánh sao khuê", Phan Huy Chú trong "Dáng trúc Sài Sơn"… nhưng vai diễn ấn tượng nhất của Văn Chương có lẽ vẫn là vai Lưu Bình trong vở chèo cổ "Lưu Bình - Dương Lễ".

NSƯT Văn Chương (trái) trong một chương trình biểu diễn âm nhạc dân tộc.

Với vai diễn này, Văn Chương đã đoạt cùng lúc 4 Huy chương vàng trong một Hội diễn sân khấu và trở thành một "hiện tượng" chưa có trong tiền lệ: Huy chương vàng cho "Vai diễn xuất sắc nhất", Huy chương vàng cho "Diễn viên nam có giọng hát hay nhất", Huy chương vàng cho "Diễn viên đóng kép nền đẹp nhất" và Huy chương vàng cho "Diễn viên xuất sắc nhất".

Văn Chương tâm sự rằng, sân khấu chèo cùng với hát văn đã đem đến cho anh một nghệ danh ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng. Anh cũng chẳng ngần ngại tiết lộ rằng, nhiều người mê tiếng hát rồi mê cả… người hát khiến cuộc sống của vợ chồng anh nhiều phen có những xáo trộn nhẹ bởi những cuộc điện thoại, tin nhắn giữa đêm khuya. Vốn là người tỉnh táo, không bao giờ lẫn lộn giữa sân khấu với đời thường nên anh luôn biết cách để cân bằng, điều tiết cảm xúc. Anh luôn giữ một niềm tin vững chắc rằng, gia đình chính là bến đỗ, là nơi hạ cánh an toàn để có ý thức chăm chút và gìn giữ.

"Dù lên sân khấu có là ông hoàng bà chúa, nhưng về đến nhà, tôi không ngần ngại làm mọi việc. Tôi tất bật đón con, sẵn sàng rửa bát, lau nhà, đi chợ, chăm sóc con... khi vợ đi diễn vắng nhà. Vợ chồng tôi đến với nhau từ lúc nghèo khó nên yêu thương nhau lắm. Có một kỷ niệm mà tôi nhớ mãi, đó là hồi mới lấy nhau, cơ quan cho ở nhờ một căn phòng tập thể rộng chừng 15 mét vuông. Vì nghèo quá nên hai vợ chồng có làm thêm một cái chuồng để nuôi thêm con lợn, con gà. Có hôm hai vợ chồng đi diễn vở "Tấm Cám" rất sớm nên chẳng kịp thả gà và cho lợn ăn. Xong sô diễn chạy về nhà, bà xã tôi vừa cởi áo hoàng hậu vội vã thả gà, cho gà ăn, còn tôi vừa tháo vương miện hoàng tử là hối hả cho lợn ăn đấy... ", Văn Chương nói và cười vang.

Đắm đuối với chèo cùng với niềm tự hào Đoàn chèo Hà Tây là nơi lưu giữ được những hồn cốt tinh túy của chiếng chèo xứ Đoài xưa kia, dường như tự Văn Chương cũng cho phép mình trở thành người hoài cổ. Anh không thích chèo bị cải biên hay có nhạc đệm mà trung thành với lối hát chèo cổ với những ngân nga, luyến láy... Anh có thể trình diễn nhiều thể loại dân ca, song lại nhất quyết nói không với nhạc nhẹ, dù là nhạc nhẹ mang âm hưởng dân ca. Có lẽ cũng do cá tính quyết liệt nên ngay cả trong nghệ thuật, anh luôn muốn mọi thứ đen trắng rõ ràng, không pha tạp, lẫn lộn...

Câu nói: "Tính cách làm nên số phận" xem ra khá đúng với NSƯT Văn Chương khi vào năm 2009, anh quyết định "dứt áo" ra khỏi Nhà hát chèo Hà Tây khi ấy vừa mới sáp nhập với Nhà hát chèo Hà Nội để sang làm Trưởng phòng Nghệ thuật kênh VOV3 trong niềm nhớ tiếc của nhiều bạn nghề và khán giả. Anh tâm sự: "Đã có rất nhiều người hỏi tôi tại sao lại bỏ sân khấu chèo mà đi, nhiều người nhớ tiếc và có người còn giận dữ, nhưng tôi cho rằng, cái duyên của mình với chèo chỉ được đến đó. Tôi đã tận tâm, tận lực cống hiến và cũng rất biết ơn sân khấu chèo đã cho tôi nhiều thứ quý giá, nhưng tôi cũng đã làm hết mọi việc có thể để khi xa nó, không cảm thấy day dứt hay hối tiếc. Dù nỗi nhớ nghề, nhớ ánh đèn sân khấu đến giờ vẫn đến thường xuyên, song tôi gửi nỗi nhớ ấy vào những bài hát văn, bài thơ tôi thu âm, ghi hình. Và tôi vẫn cảm nhận được mỗi ngày mình vẫn được sống với nó ở nơi công tác mới với công việc biên tập các tác phẩm âm nhạc ở mảng dân ca".

Rời xa cái nôi đã dìu dắt, nâng đỡ mình từ những bước chân đầu tiên, tâm trạng của NSƯT Văn Chương lúc ấy thật khó diễn tả. Bởi đó là nơi anh đã học những nét nhạc đầu tiên, là ngôi nhà chung của nhiều nghệ sĩ mà dù trong khó nghèo vẫn luôn quý mến thương yêu nhau. Ở đó có những tháng năm tuổi trẻ, những vui buồn của đời nghệ sĩ, có những khát khao chinh phục đỉnh cao và cả khát khao giữ gìn ngọn lửa chèo mang màu sắc truyền thống của anh. Đây cũng chính là nơi nảy nở mối lương duyên của anh với người bạn diễn, sau này trở thành người bạn đời đã gắn bó cùng anh từ trong nghèo khó cơ hàn đến ngày sung túc...

Có thời gian anh không hát chèo, không nghe chèo nữa, bật tivi lên gặp vở chèo là... chuyển kênh, nhưng rồi anh cũng sớm lấy lại cân bằng để thấy rằng, trong cuộc đời cũng cần có những biến cố để biết mình ở đâu trong cõi nhân gian, ở đâu trong lòng công chúng.

Đến giờ, NSƯT Văn Chương vẫn đắm đuối với hát văn, vẫn chăm chỉ nhận những sô diễn bên ngoài và luôn xem đó như một cách luyện nghề. Văn Chương cũng không ngần ngại thổ lộ, việc đi hát văn từ lâu đã trở thành nguồn thu nhập chính của anh, giúp anh nuôi dưỡng tình yêu với bộ môn nghệ thuật chèo truyền thống từ hàng chục năm nay.

Năm 2006, anh cho ra đời bộ CD hát văn gồm 4 đĩa, đến năm 2012 lại tiếp tục làm thêm CD gồm 5 đĩa hát văn như một sự tích lũy, tổng hợp cho cả quá trình sáng tạo. Rời xa sân khấu chèo, nhưng tên tuổi Văn Chương vẫn có một vị trí vững chắc trong lòng công chúng. Cứ đến mùa xuân, nghe giọng ngâm thơ của Văn Chương vang lên tha thiết, lắng đọng trong đêm Giao thừa hay trong một buổi chiều xuân mưa gió lây phây làm đong đưa những cánh đào mai tươi thắm, tôi bỗng thấy lòng nhẹ nhõm, bình yên lạ...

Nguyệt Hà (Xuân 2014)
.
.