NSƯT Thùy Chi: Một thời để nhớ

Thứ Tư, 16/09/2009, 14:30
NSƯT Thùy Chi sinh năm 1933 tại Hà Nội. Bà được khán giả biết đến với vai chị Nhàn trong vở kịch cùng tên của cố đạo diễn Đào Hồng Cẩm, vai diễn đã góp phần mang lại cho bà danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú (đợt I). Bà nguyên là giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, là vợ của nhạc sĩ Lương Ngọc Trác. Gần 10 năm nay, NSƯT Thùy Chi đã phải nằm bất động trên giường bệnh sau lần bà bị tai biến mạch máu não...

Vào một ngày nắng như đổ lửa, tôi tìm đến khu tập thể Văn công Mai Dịch thăm NSƯT Thùy Chi. Bà bị liệt nửa người bên phải và giờ đây, tất cả những sinh hoạt hàng ngày phải nhờ vào người giúp việc. Bà phải ăn uống theo chế độ của một trẻ nhỏ: Một ngày 3 bữa cháo, 2 bữa sữa, một cốc nước cam. Ngoài ra, bà phải uống rất nhiều loại thuốc. Cô giúp việc kể lại rằng, có những hôm bà mệt, không màng đến ăn uống thì phải nịnh, phải dỗ dành, đôi khi phải cố ép bà mới chịu ăn cho. Tôi đến bên giường bệnh thăm bà và nói vài câu chuyện đùa, bà vẫn cố gắng để đáp lại, mặc dù giọng nói của bà không còn dễ nghe nữa.

Con đường đến với sân khấu của NSƯT Thùy Chi là một mối duyên định sẵn. Hồi kháng chiến ở Việt Bắc, chị gái bà, Kiều Hạnh, là diễn viên Đoàn kịch Chiến Thắng do nhà thơ Thế Lữ làm đoàn trưởng. Hồi đó, Kiều Hạnh có con nhỏ nhưng hàng đêm vẫn phải đi diễn nên Thùy Chi thường đi theo để giúp chị bế cháu. Đêm đêm, khi chị đi diễn cũng là lúc Thùy Chi bế cháu đứng sau cánh gà, vừa là để xem chị biểu diễn, vừa là để cháu bé nhìn thấy mẹ mà không khóc. Nhiều đêm trôi qua như thế, Thùy Chi xem mãi đến quen vai diễn của chị...

Có lần chị gái phải nghỉ diễn vì ốm, vai diễn bị trống mà không có người thay thế. Đoàn trưởng lo lắng đi tìm người đóng thế. Vốn được xem chị gái biểu diễn hàng ngày, lại thuộc lòng lời thoại, Thùy Chi nghiễm nhiên được nhận vai. Sau này, do hoàn cảnh gia đình Kiều Hạnh đông con, lại hay ốm đau, không thể đi diễn nay đây mai đó được, đoàn trưởng Thế Lữ đồng ý cho bà trở về nhà, nhưng ông giữ Thùy Chi ở lại. Từ đó, Thùy Chi trở thành một trong những diễn viên chủ chốt của đoàn. Cũng từ đó, trên sân khấu kịch xứ Bắc nổi danh một tên tuổi Thùy Chi với những vai diễn để lại những dấu ấn trong lòng khán giả...

Chính nhà thơ Thế Lữ là người đã đặt cho bà nghệ danh Thùy Chi. Tên thật của bà là Phạm Thị Thôn. Hồi đó, Thùy Chi đang ở độ tuổi mười chín đôi mươi và "sở hữu" một ngoại hình xinh xắn. Nhà thơ Thế Lữ đặt nghệ danh Thùy Chi (Chi là cành, Thùy là cuối cùng) với ý nghĩa, không hiểu ai là người cuối cùng sẽ được sở hữu cô gái đẹp này.

Nghề diễn không chỉ mang lại cho Thùy Chi một tên tuổi đáng nhớ trong làng kịch, mà khi trở về đầu quân cho đoàn kịch Tổng cục Chính trị, bà đã gặp được người đàn ông của đời mình: nhạc sĩ Lương Ngọc Trác. Năm 1955, bà đi theo đoàn cải cách ruộng đất ở Ninh Giang. Trưởng đoàn là nhà thơ Vũ Cao đã "nhắm" Thùy Chi cho nhạc sĩ Lương Ngọc Trác. Một hôm, nhạc sĩ Lương Ngọc Trác đạp xe từ Hà Nội xuống thăm Thùy Chi, trên ghi đông xe đeo toòng teng chục bánh gai Ninh Giang. Là cặp trai tài, gái sắc, họ đã yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên.

NSƯT Thùy Chi (thứ 3 từ trái qua) thời kỳ ở Đoàn kịch Chiến Thắng.

Hồi đó hoàn cảnh khó khăn, làm sao có tiền để cưới nhau. Một hôm, nhạc sĩ Lương Ngọc Trác dõng dạc nói với người yêu: "Này, chúng mình tổ chức nhé!". Thùy Chi hỏi: "Nhưng tiền đâu mà cưới hả anh?". Nhạc sĩ vỗ vào túi áo: "Tiền đây, tớ vừa nhận nhuận bút bài hát "Trăng Tây Bắc" của một nhà xuất bản được 16 đồng". Mặc dù tính toán cụ thể, tiết kiệm thế nào thì cũng phải hết 20 đồng, nhưng đã tính là phải "làm tới". Hai người bàn bạc rồi kéo đến báo cáo đạo diễn Đào Hồng Cẩm, Đoàn trưởng Đoàn Kịch Tổng cục Chính trị, thủ trưởng của Thùy Chi lúc bấy giờ. Thế là đám cưới được tổ chức ở số 2 Bà Triệu (hồi đó là một tiệm nhảy), đám cưới đời sống mới chỉ có nước chè, kẹo bánh vì có đông đủ bạn bè, đồng nghiệp tới dự.

Năm 1979, Thùy Chi rời Đoàn Kịch Tổng cục Chính trị về giảng dạy cho diễn viên kịch khóa 1 của Nhà hát Tuổi trẻ, sau đó bà lên làm Trưởng đoàn biểu diễn, rồi Phó Giám đốc Nhà hát. Đến năm 1990 bà được bổ nhiệm làm Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ. Tuy là người quản lý nhưng trên sân khấu kịch, Thùy Chi là một người diễn có "gu". Với ngoại hình phù hợp và cách xử lý tinh tế, bà luôn được phân những vai "bà" hoặc "mẹ", như: Nhũ mẫu trong "Romeo và Juliet", già Đa trong "Tấm Cám", Mẹ Janđa trong "Chim sơn ca", thím Năm trong "Sống mãi tuổi 17"... Tuy không phải là những vai diễn chính, nhưng kết thúc buổi biểu diễn, NSƯT Thùy Chi luôn là người để lại ấn tượng trong lòng khán giả.

Thế hệ những diễn viên trẻ và thành đạt như NSND Lê Khanh, NSND Lan Hương, NSƯT Chí Trung, NSƯT Anh Tú, nghệ sĩ Anh Chi... đều gọi bà bằng một cái tên thân thiết là "má Chi", mặc dù bà là người Hà Nội gốc.

Nhớ lại những ngày làm việc bên cạnh "má Chi", NSND Lê Khanh tâm sự rằng, "má Chi" như một người mẹ thực sự chăm lo cho đàn con trong gia đình, mà không phải kiểu "sếp" với nhân viên. Nhất là những lần đoàn đi lưu diễn ở các tỉnh xa, không ai khác mà chính "má Chi" là người quan tâm nhất đến bữa ăn, giấc ngủ cho diễn viên trong đoàn. Sau đêm diễn má thường làm món "chè trứng" kiểu Trung Hoa - một món ăn má rất thích nấu cho các con cùng thưởng thức. Mỗi lần diễn xong, đói bụng, các diễn viên trẻ thường tìm đến bà với câu hỏi thường trực: "Có gì ăn không má ơi"! Tuy luôn gần gũi với mọi người như trong một gia đình nhưng Thùy Chi vốn là một nghệ sĩ trưởng thành trong quân đội nên bà có những nguyên tắc kỷ luật riêng đối với các cán bộ diễn viên của Nhà hát. Bà nghiêm nét mặt là "các con" phải tuân thủ.

Năm 1986, sau thành công của vở "Chim sơn ca", Lê Khanh được may mắn đi cùng bà sang Pháp dự Liên hoan Hiệp hội sân khấu Thanh thiếu niên quốc tế. Hôm đang trên xe ôtô đến Liên hoan thì bị tắc đường. Lý do chỉ vì một đôi trai gái đứng trên đường hôn nhau say đắm. Lê Khanh ngỡ ngàng vì lần đầu tiên ở tuổi đôi mươi đi ra nước ngoài, chị được chứng kiến sự tự nhiên, lãng mạn của tình yêu kiểu phương Tây. Những người đi đường cũng ngó qua cửa xe và nhìn đôi tình nhân đầy vẻ ưu ái... chờ đợi cho màn hôn nhau kết thúc để được thông xe. Tuy nhiên, cạnh cô gái trẻ Lê Khanh chí thú ngắm nhìn, thì "má Chi" ngọ ngoạy không yên và có vẻ... sốt ruột, bà lẩm nhẩm nói một mình: "Ơ, thế chúng nó hôn nhau đến tối thì làm thế nào?!".

Trong cuộc sống, NSƯT Thùy Chi là người rất quan tâm đến bạn bè. NSƯT Xuân Thức kể lại rằng, sau khi rời Đoàn kịch Chiến Thắng, bà về Đoàn Văn công Sư đoàn 308 còn Thùy Chi về Đoàn Kịch Tổng cục Chính trị nên hai chị em ít gặp nhau. Một lần đi diễn, gặp nhau ở lán trại bộ đội, chưa nhìn thấy Xuân Thức, Thùy Chi đã lục balô của bạn. Tưởng là có việc gì, hóa ra Thùy Chi muốn bí mật cho bạn tiền để bạn cần gì còn tiêu. Giữa núi rừng mênh mang, tiền chả dùng vào việc gì, nhưng chính sự quan tâm của Thùy Chi đã khiến cho NSƯT Xuân Thức cảm động khôn xiết và không quên những ân tình mà người bạn thân một thuở đã dành cho mình.

Giờ đây, sau hai lần bị tai biến, NSƯT Thùy Chi đã không còn đi lại được nữa. Thuở xưa, bà đã đi khắp đất nước để biểu diễn phục vụ bộ đội, phục vụ khán giả, thì 10 năm nay, thế giới của bà chỉ thu hẹp trong một căn phòng nhỏ rộng chừng 10 mét vuông ở tầng 1 của căn nhà 4 tầng rộng rãi mà các con bà xây cho bố mẹ ở.

Tôi ngồi lặng ngắm bà từ phòng khách, thấy bà nằm bất động, mắt hướng lên trần nhà chăm chú nhìn rất lâu. Tôi nghĩ, có thể bà đang nhớ lại những ký ức đẹp một thời đứng trên sân khấu cùng những vai diễn. Đã mười năm bà không bước ra khỏi khuôn cửa mà chỉ sống bằng những ký ức đẹp đẽ thuở ấy. Cho dù bà nằm đấy, bất lực với chính cơ thể của mình, nhưng tôi biết NSƯT Thùy Chi không cô đơn, vì hàng ngày con cháu vẫn đến chuyện trò cùng bà. Đặc biệt bên cạnh bà, luôn có người chồng yêu thương. Mấy chục năm qua, nhạc sĩ Lương Ngọc Trác luôn ở cạnh vợ, động viên, săn sóc, kể cho bà nghe những câu chuyện từ ngày xưa. Thỉnh thoảng ông vẫn mang đàn ghita chơi lại cho bà nghe một bản tình ca riêng tặng bà mà ông đã viết...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.