NSƯT Quế Hằng: Phim truyền hình giúp tôi giải toả nỗi nhớ nghề

Thứ Năm, 23/05/2013, 08:00

NSƯT Quế Hằng là lứa diễn viên trưởng thành từ lớp đào tạo nghề diễn đầu tiên của Nhà hát Kịch Việt Nam. Chị là bạn học với vợ chồng NSƯT Lan Hương - Đỗ Kỷ, với các nghệ sĩ Quốc Khánh, Trung Anh, Phú Đôn, Ngọc Bích... những nghệ sĩ hiện đã thành danh với nhiều vai diễn ấn tượng. Là người của sân khấu, đã có hơn 30 năm buồn vui cùng nghiệp diễn, nhưng NSƯT Quế Hằng dường như lại được công chúng biết đến nhiều hơn trong điện ảnh. Song với chị, ánh đèn sân khấu luôn có sức quyến rũ đến mãnh liệt và đầy ám ảnh, bởi chị luôn tâm niệm rằng, với chị, sân khấu vẫn là "nghệ thuật gốc".

Tôi đã nhiều lần liên hệ với nghệ sĩ Quế Hằng, nhưng đều vào khoảng thời gian chị nhận lời đi đóng phim ở xa. Chị trở về Hà Nội sau khi hoàn thành những cảnh quay cuối cùng của bộ phim truyền hình dài 30 tập "Ngự lâm không kiếm", lại tất bật tập vở "Hàng xóm chung cư" ở nhà hát với vai cô giáo Phương. "Hàng xóm chung cư" là một vở kịch được "nhập khẩu" từ Trung Quốc, đã từng được Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng cách đây gần chục năm. Nhà hát Kịch Việt Nam sau một thời gian dài gặp nhiều "sóng gió", nay bắt đầu đi vào ổn định và đang có lộ trình phục dựng lại tên tuổi một thời của mình, trước hết bắt đầu bằng những vở diễn đã từng một thời "vang bóng". Lứa nghệ sĩ đã có tuổi như NSƯT Quế Hằng, dù biết thời xuân sắc của mình đã qua, nhưng vẫn khao khát có thêm nhiều cơ hội được đứng trên sân khấu hóa thân vào vai diễn của mình cho thỏa niềm đam mê suốt chiều dài tuổi trẻ...

Nhớ lại "một thời vang bóng" của sân khấu miền Bắc, không chỉ riêng Quế Hằng ẩn chứa nhiều nỗi niềm tâm sự. Buồn có, luyến tiếc có, xót xa có... Đó cũng là nỗi niềm tâm sự của những nghệ sĩ hết lòng vì nghề, đau đáu nỗi buồn thương khi thấy "mái nhà chung" của mình nhiều đêm hiu quạnh. Đã có những bạn diễn của Quế Hằng phải vất vả bươn chải với cuộc sống để có thêm thu nhập chèo chống nuôi gia đình, thậm chí có người phải giã từ sân khấu tìm kiếm một công việc khác có thu nhập tốt hơn. Cố nghệ sĩ Văn Hiệp là một người vất vả, truân chuyên như thế. Chỉ có điều, Văn Hiệp bươn chải kiếm tiền bằng chính nghề diễn của mình. Nhắc đến kỷ niệm với nghệ sĩ Văn Hiệp khi đóng chung vở "Nghêu, Sò, Ốc, Hến", Quế Hằng vẫn không khỏi ngậm ngùi buồn thương cho một  nghệ sĩ long đong, lận đận đến tận cuối đời. Quế Hằng may mắn hơn vì có một gia đình ổn định về kinh tế, chồng chị lại hết lòng ủng hộ nghề diễn của vợ nên chị luôn tâm niệm rằng, dù sân khấu có khó khăn thế nào, chị cũng không bao giờ từ bỏ nó. Chị bảo: "Tôi đến với nghề cũng là "cái duyên", thế nên cũng không dễ gì mà xa rời nó được. Tôi vẫn rất háo hức khi cầm trên tay một kịch bản mới. Được đạo diễn giao bất kỳ một vai nào tôi cũng đều thấy vui, hăm hở tập luyện và vẫn luôn bị nó ám ảnh đến tận miếng ăn, giấc ngủ...".

Tự nhận mình là người luôn đau đáu trong việc nhập vai và cũng chính vì cả nghĩ quá nên nghệ sĩ Quế Hằng hay bị ám ảnh với một vai diễn chất chứa nhiều nội tâm. Trong nghiệp diễn của mình, có 3 nhân vật đã để lại trong lòng chị nhiều ám ảnh. Đó là vai bà chủ chứa trong "Ngôi nhà quỷ ám", vai nữ nghệ sĩ trong "Đời nghệ sĩ", vai Trần Thị Dung trong "Mỹ nhân và anh hùng". Cũng bởi nhiều trăn trở nên chị đầu tư nhiều thời gian, tâm huyết cho vai diễn của mình. Thật may, đó cũng chính là những vai đem lại thành công lớn nhất trên sân khấu của Quế Hằng. Vai  nữ nghệ sĩ trong vở "Đời nghệ sĩ" đã đem về cho chị chiếc Huy chương Vàng trong Liên hoan Sân khấu nhỏ toàn quốc năm 1996 và là cái mốc quan trọng đánh dấu cho những thành công tiếp nối của Quế Hằng.

Là diễn viên có vẻ đẹp thanh lịch, song Quế Hằng lại có hạn chế là đài từ yếu, thanh đới không vang như nhiều diễn viên đàn chị khác. Trong sân khấu, đài từ của diễn viên là yếu tố vô cùng quan trọng, quyết định nhiều đến thành công của một vai diễn, vì thế việc luyện thanh của Quế Hằng vất vả hơn nhiều so với các diễn viên khác. Chị nhớ lại ngày còn thập thò ở cửa Nhà hát Kịch Việt Nam để thi vào lớp đào tạo diễn viên. Được các cô chú lão làng trong nhà hát như NSND Trần Tiến, nghệ sĩ Nguyệt Ánh khen ngợi vóc dáng, nhưng lại chê chất giọng mảnh yếu, Quế Hằng rất buồn. Càng về sau, Quế Hằng càng ý thức được rằng, điểm yếu về giọng nói có thể khiến chị rất khó được phân vai nữ chính, mà có thể suốt đời chỉ đóng những vai quần chúng, vai phụ mà thôi. Nhưng Quế Hằng đã không nản lòng, chăm chỉ tập luyện ngày đêm sao cho cách nhả câu, nhả chữ được tròn vành rõ tiếng. Rồi cũng qua cái thời chỉ chuyên vào vai phụ lướt qua trong vài cảnh nhỏ, Quế Hằng bắt đầu được giao các vai nữ chính như Quỳnh trong "Nhân danh công lý"; Yến trong "Khúc đoạn trường"; vai Thùy trong "Con thuyền chở linh hồn"; vai Trần Thị Dung trong vở "Trần Thủ Độ"... Trong đời diễn của mình, có hai lần Quế Hằng nhập vai Trần Thị Dung trong hai vở diễn khác nhau, nhưng đó đều là vai diễn mà chị yêu thích và dành nhiều tâm huyết. Đây cũng chính là hai vở diễn từng tham gia Hội diễn Sân khấu toàn quốc và đều giúp Quế Hằng giành được Huy chương Bạc.

Cùng một lứa với Quế Hằng, nhiều bạn diễn của chị đã được phong danh hiệu NSƯT từ lâu, song mãi đến năm 2010, Quế Hằng mới được đón nhận vinh dự này. Cũng có lúc buồn, có lúc chạnh lòng, song quan niệm của Quế Hằng khi ai đó hỏi về sự thành danh hơi muộn của chị trên sân khấu là: "Trong nghệ thuật, cũng không nên quá câu nệ chuyện danh hiệu. Tôi mừng vì đóng góp của mình đã được ghi nhận, song dù có là NSƯT hay không, thì từ lúc chân ướt chân ráo vào nghề cho đến buổi cuối cùng đứng trên sân khấu trước khi về hưu, tôi đã và sẽ làm việc bằng tất cả niềm đam mê của mình. Tôi thấy nhiều người đến với sân khấu cũng đầy đam mê và khát vọng, song "tình yêu" cũng phai nhạt dần đi. Nhưng không hiểu sao, tôi vẫn cứ một lòng đắm đuối. Đi làm phim nhiều lắm, nhưng rồi tôi vẫn cứ thích quay về với sân khấu, coi sân khấu là "nghệ thuật gốc" với mình, dù không phải lúc nào sân khấu cũng ưu ái tôi...".

Gắn bó sâu đậm với sân khấu truyền thống, nhưng xem ra Quế Hằng lại rất có duyên với điện ảnh. Chính chị cũng thừa nhận rằng mình được công chúng biết đến nhiều nhất là qua điện ảnh. Ai đã từng xem bộ phim truyện nhựa nổi tiếng của đạo diễn Đặng Nhật Minh có tên "Thị xã trong tầm tay" chắc hẳn vẫn nhớ gương mặt xinh tươi, trong sáng của Quế Hằng khi vào vai cô giáo Thanh. Phim được làm vào năm 1982, lúc ấy Quế Hằng mới ngoài 20 tuổi. Đang làm vở tốt nghiệp lớp đào tạo diễn xuất ở Nhà hát Kịch Việt Nam thì bất ngờ chị nhận được lời mời của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Lần đầu tiên đi đóng phim, lại là vai nữ chính nên Quế Hằng khá hoang mang. Phim lại được quay ở Lạng Sơn, nhiều khu vực rừng núi vẫn còn thám báo của đối phương hoạt động nên khi đi làm phim, gia đình chị còn chưa thực sự an tâm. Đến khi bộ phim hoàn thành và tham dự Liên hoan phim Việt Nam năm 1983 được vinh danh với giải thưởng Bông Sen Vàng ở hạng mục "Kịch bản xuất sắc nhất", phim được trình chiếu ở nhiều nơi đã khiến gương mặt Quế Hằng trở nên quen thuộc với nhiều người. NSƯT Quế Hằng nhớ lại: "Đúng là tôi có một khởi đầu với điện ảnh đầy may mắn. Sự thành công của "Thị xã trong tầm tay" đã cho tôi nhiều cơ hội để thử sức với điện ảnh, được công chúng yêu mến. Tôi coi đó là một ưu ái đặc biệt mà cuộc đời đã dành cho mình...".

Với đôi mắt to tròn "biết nói" và gương mặt quý phái, dường như Quế Hằng không hợp với những vai phụ nữ nông thôn nghèo khổ nên chị thường được mời vào vai những phụ nữ có đời sống vật chất đầy đủ song lại chịu nhiều thiệt thòi, buồn khổ trong tình yêu như Hồng trong "Anh sẽ về"; Hương trong "Săn bắt cướp" (Đạo diễn - NSND Trần Phương); Thắm trong "Kỷ niệm đồi trăng" (Đạo diễn - NSƯT Hoàng Văn Trọng )... Sau này, thời phim truyền hình nở rộ, Quế Hằng lại được mời đóng rất nhiều phim, đến độ chị không còn nhớ hết được nữa. Điều đặc biệt là, khi còn trẻ, những vai diễn của chị thường là các vai chính diện thì đến khi có tuổi một chút, các đạo diễn lại thích mời chị vào các vai phản diện. Chị chia sẻ: "Thực ra tôi vẫn thích được làm phim truyện nhựa, vì mình có cơ hội diễn xuất một cách chỉn chu, có chiều sâu. Nhưng giờ là thời của phim truyền hình và do nhu cầu, thị hiếu của công chúng nên phim truyền hình bây giờ thường dài 50-60 tập nên đôi khi cũng ngại nhận lời. Cátxê cho một tập phim thì ít, chỉ 1-3 triệu/ tập mà diễn viên lại tự phải lo trang phục cho mình trong phim ấy. Tôi thì thường nhận được các vai phụ nữ giàu có, quyền quý nên đôi khi tiền cátxê còn chẳng đủ mua trang phục ấy chứ. Khác với sân khấu, lâu lâu mới có một buổi xuất hiện trước công chúng, phim truyền hình giờ chiếu hàng ngày, cũng là một kênh quan trọng để nghệ sĩ tương tác với khán giả, giúp tôi giải tỏa nỗi nhớ nghề. Tôi vẫn thuộc thế hệ nghệ sĩ có suy nghĩ: "Cứ làm đi, cái còn lại là tác phẩm!", thế nên nhiều khi đi đóng phim cực khổ, tiền thì không được bao nhiêu mà vẫn cứ vui vẻ làm thôi..."

Nguyệt Hà
.
.