NSƯT Minh Thu: Đã qua ngày giông bão

Thứ Năm, 19/09/2013, 08:00

Bỏ lại đằng sau nhiều năm tháng nhọc nhằn, vất vả và cả những dằn vặt khổ đau sau hai cuộc hôn nhân tan vỡ, giờ đây, NSƯT Minh Thu đang có những ngày tháng thong dong, vui vẻ, yên bình. Người con gái duy nhất của chị lấy chồng Tây, hiện đang định cư ở Italia vừa mới sinh con, nên chị vừa có chuyến “xuất ngoại” để thăm nom con gái và cháu ngoại, kết hợp đi du lịch luôn. Mười năm nay, một mình một bóng, song NSƯT Minh Thu luôn là người biết cách tự cân bằng cuộc sống của mình. Chị chia sẻ: "Sân khấu đúng là "người tình" đầy quyến rũ...".

Vừa từ Italia trở về, NSƯT Minh Thu đã ngay lập tức trở lại sàn tập của Nhà hát Chèo Việt Nam với vai bà Đền trong vở chèo "Đất mẹ Đền thiêng" (Kịch bản: Triệu Trung Kiên; Đạo diễn: Vũ Ngọc Minh và Lê Tuấn Cường). Đây là vở diễn được Nhà hát Chèo Việt Nam dàn dựng để tham dự Hội diễn Nghệ thuật sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2013 sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 10 tới đây tại Hải Phòng. Hiện chị còn nhận lời biên đạo và dạy cho các diễn viên Nhà hát Chèo Hà Nội phần lời hát trong vở chèo "Phùng Khắc Khoan" và đều đặn nhận các sô diễn bên ngoài nên thời gian này chị khá bận rộn. NSƯT Minh Thu tâm sự về vai diễn mới: "Bà Đền là vai diễn tương đối khó, đòi hỏi người diễn viên khi hát phải có độ "thăng", có sự lấp lánh của Đức thánh Mẫu, nhất là trong cảnh hóa Phật. Vì thế tôi cũng đang rất trăn trở với vai diễn này với suy nghĩ làm sao để thể hiện tốt nhất hình tượng Mẫu trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt - một tín ngưỡng chỉ có ở Việt Nam thôi...".

Hầu như mỗi lần nói về chèo, NSƯT Minh Thu cũng "lên đồng" như thế. Chị nói chuyện hay đi giảng dạy đều say sưa. Bén duyên sân khấu chèo từ năm 14 tuổi, đến nay đã ngấp nghé tuổi nghỉ hưu, tính ra nghệ sĩ Minh Thu đã tròn 40 năm duyên nợ với chèo. Ông "Vua hề chèo" - NSND Mạnh Tuấn có 7 người con (trong đó NSƯT Minh Thu là trưởng nữ) thì cả thảy 7 người đều có "máu" nghệ sĩ. Minh Thu kế thừa được từ người cha ngọn lửa yêu thương và tâm huyết với nghề đến tận những ngày cuối đời. Cuộc đời NSND Mạnh Tuấn là những chuỗi ngày dài phấn đấu không mệt mỏi và là tấm gương sáng đối với các con.

Nhắc lại những kỷ niệm về cha, NSƯT Minh Thu ngậm ngùi: "Cha tôi có một tuổi thơ nghèo khó, gia đình đông con, bà nội tôi lại mất sớm nên cha tôi phải đi ở đợ nuôi thân. Nhưng ông lại đặc biệt mê chèo, cứ có đám hát đến làng là trốn nhà chủ đi xem, đêm về muộn không dám gọi cửa, chui vào đống rơm mà ngủ. Đến khi kháng chiến bùng nổ, cha tôi theo đoàn bộ đội về làng trốn nhà đi theo đoàn văn công phục vụ chiến trường. Mới đầu cha chỉ được giao nhiệm vụ bảo quản đạo cụ cho đoàn, về sau nhờ kiên trì tự học đánh trống, tự học các vai mình thích với sự dìu dắt của các danh hề thời đó như Năm Ngũ, Tư Liên..., mà rồi thành danh. Cha tôi là người yêu nghề và làm nghề đến tận những ngày cuối đời. Khi phát hiện ra mình bị bệnh ung thư, cụ vẫn lạc quan lắm, vẫn đi đóng nốt những cảnh cuối trong phim "Đất và người", mặc những cơn đau khiến ông toát hết mồ hôi. Sau chuyến đó, cha tôi "gục" hẳn, phải vào bệnh viện luôn, được 1 tháng 20 ngày sau thì qua đời tại bệnh viện chứ không về được nhà lần nào nữa. Tôi nghĩ mình cũng sẽ như cha thôi, sẽ hát, diễn đến ngày cuối cùng có thể. Đời nghệ sĩ cũng như con chim sơn ca, tạo hóa đã ban cho tiếng hót thì phải hót đến khi chết...".

Thấm thoắt đã 40 năm NSƯT Minh Thu gắn bó với chèo và chị coi đó là mối "lương duyên tri kỷ". Chèo là niềm đam mê, là khát vọng của chị. Tuổi trẻ của Minh Thu gắn với nhiều vai diễn nổi tiếng. Trong số đó có những vai đã trở thành vai "mẫu" như vai Thị Kính trong "Quan âm Thị Kính"; vai Đào Liên trong "Hồ Xuân Hương"; vai Hoàng hậu trong "Nàng chúa Ba"; vai mẹ Nhiên trong "Nỗi đau tình mẹ", vai Thơm trong "Quên lời thề xưa"... Trong nghề diễn, có nhiều diễn viên chỉ vào được một dạng vai, nhưng lợi thế của Minh Thu là có giọng hát chèo chuẩn mực, gương mặt đẹp sắc sảo, khả năng diễn xuất và múa khá điêu luyện nên chị có khả năng biến hóa vào các dạng vai mà không bị lẫn: đào thương (như vai Thị Kính, đào Liên), đào lệch (như vai bà chủ trong "Bức tranh làng nghề", vai chủ chứa trong "Chiều tím"), đào pha (vợ Trương Ba)... Nghệ sĩ Minh Thu cũng là người năng động, đa tài, chịu thương chịu khó nên dường như lúc nào cũng trong tình cảnh "làm không hết việc". Trong sự khó khăn của sân khấu nhiều năm qua, ngoài lịch diễn ở nhà hát, chị vẫn đều đặn nhận sô đi hát xẩm, hát trầu văn, hát dân ca, hát những sáng tác mới mang âm hưởng dân ca. Đó là cách đa phần các nghệ sĩ sân khấu truyền thống hiện nay đang làm để có thêm thu nhập đảm bảo cuộc sống, song với NSƯT Minh Thu, nó còn là cách để giải tỏa nỗi khát khao thường trực của chị: được diễn!

Chừng ấy năm gắn bó với chèo, cũng có lúc vì cuộc sống quá khó khăn, suýt nữa thì Minh Thu phải bỏ nghề. Ấy vậy mà như duyên nợ, không thể dứt áo ra đi được. Chị kể: "Hồi ấy, tôi với Quốc Anh mới lấy nhau, hai vợ chồng lại cùng đoàn, đồng lương ít ỏi chênh vênh tưởng chừng không đủ nuôi con. Vì thế hai vợ chồng bàn nhau chỉ để Quốc Anh giữ nghề, còn tôi xin ra ngoài bươn chải buôn bán để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Tôi lên xin với NSƯT Bùi Đức Hạnh, lúc đó là Giám đốc Nhà hát cho được nghỉ, thì anh ấy bảo: Cứ tạm nghỉ ít lâu, nếu không thấy nhớ nghề thì thôi, nếu còn thấy nhớ nghề thì lại quay lại. Tôi nghỉ được vài tháng, tìm mối mua sữa từ các nguồn ở nước ngoài về bán cho các cửa hàng trên phố Hàng Buồm. Ban đầu tưởng "ổn", nhưng nhà tôi lại ở sát ngay nhà hát, ban ngày đi vắng thì thôi, cứ tối về nghe tiếng trống, tiếng phách và tiếng các bạn tập hát vọng đến là lại lên cơn nhớ nghề quay quắt. Tiếng hát lại làm lòng tôi chộn rộn, day dứt không yên. Và tôi biết rằng, một khi nghề đã ăn vào máu rồi, thì mình không dễ dàng gì từ bỏ nó vì bất cứ lý do gì...".

Trước khi kết hôn với NSƯT Quốc Anh, NSƯT Minh Thu đã trải qua "một lần đò" và có một con gái. Quốc Anh ít tuổi hơn, về Nhà hát Chèo Việt Nam sau Minh Thu nhưng hai người có cơ hội đóng chung trong nhiều vở: Khi Minh Thu vào vai Thị Kính thì Quốc Anh vào vai Lý trưởng trong "Quan Âm thị Kính"; khi Minh Thu vào vai  Hoàng hậu  thì Quốc Anh vào vai Vua trong "Nàng chúa Ba" hay "Nàng Sơcuntơra"; khi Minh Thu vào vai bà Trương Ba thì Quốc Anh vào ông hàng thịt nhưng có hồn ông Trương Ba... Mê đắm tài sắc của cô đào Minh Thu như điếu đổ, Quốc Anh khi ấy bất chấp mọi trở ngại và rào cản từ phía hai gia đình (nhất là từ phía gia đình anh) để đến với Minh Thu. Câu chuyện tình yêu của hai người đến nay nhiều nghệ sĩ ở Nhà hát Chèo Việt Nam vẫn còn nhắc nhớ.

- Đấy! Đến với nhau bằng cả "duyên" lẫn "nghiệp", vậy mà cũng chỉ đi được cùng nhau 15 năm thôi - NSƯT Minh Thu thổ lộ - Đã 10 năm đường ai nấy đi, song mỗi khi có ai nhắc tới Quốc Anh tôi vẫn thấy buồn cho tôi và cho anh ấy. Quốc Anh cũng có nhiều nỗi buồn riêng, tôi cũng chỉ có một mình, bạn bè cứ vun vào, bảo: "Hay là nối lại!", song tôi một mực là không bao giờ. Lòng tôi đã thương tổn quá nhiều. Cuộc đời đã thử thách tôi với quá nhiều giông bão. Bây giờ tôi chỉ muốn được bình yên. Rảnh rỗi thì bay sang nhà con gái ở Ý chăm con, chăm cháu. Vừa rồi, tôi đã làm được một việc quan trọng, đó là đưa được mẹ tôi sang Ý chơi một chuyến 40 ngày thăm cháu, chắt. Cụ có nguyện vọng được đến chân tháp Eiffer để chụp một kiểu ảnh và tôi đã làm được điều đó khiến cụ rất toại nguyện. Thế là tôi hạnh phúc lắm rồi...

Cuộc hôn nhân lần thứ 2 tan vỡ khiến NSƯT Minh Thu có thời gian còn rơi vào cảm giác thù hận. Tuổi xuân thường qua mau, tuổi ngũ tuần sầm sập đến, nỗi cô đơn thì cận kề, song với Minh Thu, năm tháng chính là một liều thuốc quý, nó khiến mọi vết thương lòng dù sâu đến mấy cũng dần lành lại. Chỉ có điều, con gái chị lại lấy chồng xa quá, tránh làm sao những phút chống chếnh, cô liêu trong căn nhà rộng hơn 100m2 này. Chị nhận ra rằng, trong từng ấy năm tháng, khi "từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ" thì "người tình chèo" vẫn luôn bên chị suốt chừng ấy năm, sắt son và mặn nồng. Chị tâm sự: "Trong trái tim tôi, tình yêu, niềm đam mê và tâm huyết với chèo vẫn luôn ấm nồng. Bây giờ đi hát, đi dạy, nhìn xuống thấy ánh mắt chăm chú của khán giả, của học trò, tôi vẫn thấy vui, thậm chí là xúc động và biết rằng mình đã sống một cuộc đời ý nghĩa. Sau cùng, tuổi đã về chiều mới thấm một điều, con cái vẫn là điều an ủi lớn nhất, quan trọng nhất. Tôi vẫn cảm ơn cuộc đời đã dành cho tôi món quà nhỏ bé tuyệt vời ấy..."

Nguyệt Hà
.
.