NSƯT Lê Hằng: Một thời để nhớ

Thứ Tư, 15/10/2014, 08:00
Trải qua khá nhiều cuộc điện thoại liên hệ, chúng tôi mới gặp được NSƯT Lê Hằng, ca sĩ, giai nhân nức tiếng một thời. Nhắc tới bà, không ít khán thính giả yêu ca nhạc vẫn nhớ tới giọng hát trong trẻo, cao vút, mềm mại ghi dấu qua một loạt ca khúc như "Trước ngày hội bắn", "Lời anh vọng mãi ngàn năm", "Dừng chân bên suối"... Như người nghệ sĩ đã hoàn thành xong sứ mệnh của mình, bà sống giản dị, bình yên bên con cháu, chỉ có những kỷ niệm về những tháng ngày hoạt động nghệ thuật vẫn vẹn nguyên trong lòng, như dấu ấn những ca khúc của bà, vẫn sắt son trong trái tim người hâm mộ.

Sau một cơn tai biến cách đây mấy năm, sức khỏe của NSƯT Lê Hằng có phần giảm sút. Tuy có gặp chút khó khăn trong cách diễn đạt nhưng trí nhớ của người nữ nghệ sĩ đã bước vào tuổi 80 này vẫn khá minh mẫn, chính xác. Ngắm bà, dù dấu vết thời gian đã lưu lại trên mái tóc bạc trắng nhưng nước da mịn màng, những đường nét thanh tú trên khuôn mặt hiền dịu cùng giọng nói nhẹ nhàng vẫn dễ khiến chúng ta hình dung được những nét đẹp của thời xuân sắc. Chúng tôi lại nhớ tới chia sẻ của NSƯT Kim Oanh, nghệ sĩ cùng thời với bà, khi nhắc tới NSƯT Lê Hằng: "Cô Lê Hằng nổi tiếng là ca sĩ hát hay, xinh đẹp. Chưa kể, tính tình lúc nào cũng nhẹ nhàng, tình cảm, dễ mến lắm".

Cách đây không lâu, khi chương trình "Giai điệu từ hào" trên VTV1 số 8 phát lại ca khúc nổi tiếng một thời "Trước ngày hội bắn", không ít khán giả tại trường quay hôm ấy đều có chung quan điểm, nhiều ca sĩ trẻ thể hiện lại bài hát này nhưng rất ít người vượt qua được cặp song ca Trịnh Quý - Lê Hằng. Ca khúc "Trước ngày hội bắn" được nhạc sĩ, liệt sĩ Trịnh Quý sáng tác năm 1961 khi cả hai người cùng công tác trong đoàn Văn công Quân khu Việt Bắc. Giai điệu rộn ràng, reo vui với những ca từ "Tiếng chim rừng chào mừng bình minh/ Hót trên cành rộn ràng đây đó/ Hạt sương thấm ướt cành đào/ Tưởng như ta bước lạc vào động tiên"… "Trước ngày hội bắn" là một lời hẹn ước của đôi trai gái yêu nhau trước khi bước vào ngày hội vui của các nam nữ quân dân miền núi phía Bắc. Qua giọng hát trong trẻo, cao vút của NSƯT Lê Hằng và sự mộc mạc trong chất giọng của nhạc sĩ Trịnh Quý, bài hát ngay từ khi ra đời đã được khán giả, đặc biệt là các anh bộ đội yêu thích, nhanh chóng trở thành bài "đinh" trong các buổi liên hoan văn nghệ. NSƯT Lê Hằng vẫn nhớ, năm 1962, khi mang tiết mục này tham gia Hội diễn văn nghệ toàn miền Bắc tại Thị Cầu, Bắc Ninh, tiết mục đã đạt tới 3 huy chương. Ngoài huy chương bạc cho giọng nam Trịnh Quý thì giọng nữ Lê Hằng và tiết mục cùng nhận được huy chương Vàng. Trên website âm nhạc "Những bài hát còn xanh", có khán giả lớn tuổi vẫn nhắc lại kỷ niệm, tháng 10 năm 1963, cặp song ca Trịnh Quý - Lê Hằng biểu diễn ca khúc "Trước ngày hội bắn" ở Thanh Hóa, cả biển người chờ mong như nghẹt thở. Thậm chí, mỗi khi kết thúc tiết mục, khán giả lại vỗ tay rào rào yêu cầu ca sĩ đến lần thứ 3 mới thôi.

NSƯT Lê Hằng được nhớ tới là một ca sĩ có giọng hát lừng danh một thời và vẻ đẹp ự nhiên, thuần khiết thuộc hàng giai nhân nhưng bản thân nghệ sĩ Lê Hằng chia sẻ, ca hát là khả năng thiên bẩm chứ gia đình bà không có ai làm nghệ thuật. Sinh ra trong một gia đình có 7 anh chị em tại Hà Nội, cha lại mất sớm, thương mẹ vất vả, Lê Hằng và người anh cả tình nguyện nghỉ học để kiếm tiền giúp mẹ. Công việc của Lê Hằng ngày ấy là đan len thuê cho mấy cửa hiệu ở Hàng Trống. Nhờ có giọng hát truyền cảm, Lê Hằng nhận thêm lồng tiếng cho hãng điện kịch của nhạc sĩ Mạnh Cường. Ngoài lồng tiếng cho nhân vật, khi nhạc sĩ Mạnh Cường sáng tác ca khúc "Tan tác" cho nhân vật công chúa trong phim "Thạch Sanh" đã nhờ luôn Lê Hằng thể hiện. Cũng vào thời điểm ấy, Đài Phát thanh Hà Nội tổ chức cuộc thi hát. Được bạn bè động viên, Lê Hằng dự thi với ca khúc "Đêm xuân dạ khúc" của nhạc sĩ Phạm Duy. Ban giám khảo khi ấy là các nhạc sĩ Thẩm Oánh, Vũ Khánh... Đứng thứ 2 tại vòng sơ kết và bán kết nhưng tới đêm chung kết, Lê Hằng xuất sắc đạt giải nhất.

Với giọng hát truyền cảm và nhan sắc không thua kém bất kỳ diễn viên nàó, cùng với Thương Huyền, Thanh Hằng (nghệ danh khi ấy của Lê Hằng) là những ca sĩ nổi tiếng của giới mộ điệu âm nhạc Hà Thành trước năm 1954. Ngoài thu âm ca khúc cho Đài phát thanh, Lê Hằng nhận lời hát cho các rạp Long Biên, Đại Đồng, Tháng Tám, Công Nhân… Mỗi khi có tên Lê Hằng trên băng rôn,â khán giả đến xem đông tới cháy vé. Mang câu chuyện của một khán giả lớn tuổi ngày đó kể lại để hỏi bà rằng, có phải ngày đó ca sĩ Lê Hằng được rất nhiều chàng trai nhà giàu theo đuổi, rằng Lê Hằng hát ở rạp nào là xe ôtô các chàng đỗ hàng dài quanh đó? Bà cười nhỏ nhẹ: "Đúng là mỗi khi từ rạp này sang rạp kia hát, một số người mời tôi lên ôtô chở tôi đi nhưng tôi không nhận lời ai cả. Có người tặng quà, tôi cũng không nhận. Ngay từ nhỏ, tôi được mẹ tôi dạy rằng con gái phải đoan trang. Gia đình mình nghèo, chỉ yêu và lấy người cùng điều kiện". Bà cười ngượng ngùng: "Nhiều người khen tôi đẹp, nhưng thật lòng tôi thấy mình cũng chỉ dễ nhìn, vừa vừa thôi".

Hỏi bà chuyện ngày xưa, có giai thoại kể giai nhân Lê Hằng ngày ấy là một "nàng thơ" của nhạc sĩ nổi tiếng tài hoa Đoàn Chuẩn, là nguồn cảm hứng cho cả tập nhạc của người nhạc sĩ đa tình này? Bà hiền hậu: "Bản thân tôi không biết nhạc sĩ Đoàn Chuẩn có nói rằng quý mến tôi với ai không nhưng chưa bao giờ ông ấy nói điều đó với tôi cả. Ngày ấy, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn là chủ rạp Đại Đồng, tôi là ca sĩ hát ở đó nên chỉ làm việc với tư cách ca sĩ và ông chủ rạp phim. Tôi chủ yếu làm việc với người quản lý của ông ấy. Rất ít khi chúng tôi nói chuyện trực tiếp với nhau. Hơn nữa, khi ấy, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã có gia đình. Tôi chỉ nhớ một lần, tôi cùng mấy anh em nhạc công tới chúc tết gia đình nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, đang ngồi trò chuyện, nhìn thấy đám lá vàng rơi xao xác bên cửa sổ, tôi buột miệng "Sao mùa xuân rồi mà vẫn có lá vàng rơi nhỉ?". Mấy ngày sau, có việc tới nhà ông, tôi nhìn thấy một bản nhạc đang viết dở để trên bàn, trong đó có câu: "Anh còn nhớ em nói rằng sao mùa xuân lá vẫn rơi/ Sao mùa xuân lá vẫn bay…" (lời trong ca khúc nổi tiếng "Tà áo xanh"). Với bản tính hồn nhiên, tôi bụm miệng "ôi" nhưng chợt thấy mình vô duyên quá nên tôi lại thôi (cười). Tôi cũng chưa bao giờ hát một bài nào của ông ấy"...

Trong cả buổi trò chuyện, NSƯT Lê Hằng luôn tâm niệm chính âm nhạc đã giúp bà "đổi đời", cho bà hạnh phúc và sự nghiệp vẹn toàn. Là ca sĩ nổi tiếng, khi thủ đô Hà Nội giải phóng, Lê Hằng tham gia tích cực vào các hoạt động văn nghệ của đoàn thể lúc bấy giờ. Năm 1954, khi hơn 50 bộ áo dài đã được đóng gói chuyển vào miền Nam với ý định vào đó sinh sống nhưng đến phút cuối, bà đã quyết định ở lại miền Bắc, ra nhập đoàn Văn công Sư đoàn 312, rồi sau đó trở thành nữ ca sĩ chính của đoàn Văn công Quân khu Việt Bắc cho tới khi về hưu, năm 1985. Không chỉ nổi tiếng với "Trước ngày hội bắn", bà còn là ca sĩ đầu tiên hát ca khúc "Lời anh vang mãi ngàn năm" về anh hùng Nguyễn Văn Trỗi của nhạc sĩ Vũ Thanh, góp phần mang tên tuổi nhạc sĩ này đến với khán thính giả. Bà cũng được các nghệ sĩ thế hệ sau như NSƯT Rơ Chăm Pheng, NSƯT Bích Liên…quý trọng như người thầy trong nghệ thuật.

Vượt qua những thị phi thường gắn liền với người đẹp, nghệ sĩ, chiến sĩ Lê Hằng cùng với chồng mình - nhạc sĩ kéo đàn Acordeon Nguyễn Đăng Từ, cũng chính là Trưởng đoàn Văn công Quân khu Việt Bắc đã có một cuộc sống hạnh phúc và những tháng ngày hoạt động nghệ thuật sôi nổi. Ký ức trong bà là những chuyến đi biểu diễn ở đỉnh Mù Cang Chải, cả đoàn phải đi bộ mấy ngày trời mới tới điểm diễn mà đường đi là những vách đá dựng đứng lởm chởm đá tai mèo.

Ngày ấy, có khi sinh con mới được 1 tháng là nghệ sĩ Lê Hằng lại khoác ba lô đi biểu diễn tại các đơn vị bộ đội. Chị Nga, người con cả của NSƯT Lê Hằng chia sẻ: "Ấn tượng của tôi khi ấy là những chuyến đi công tác thường xuyên hàng tháng trời của bố mẹ. Bé thì có bà ngoại trông. Lớn thêm chút nữa mấy chị em tôi tự chăm sóc, bảo ban nhau học hành".

NSƯT Lê Hằng tâm sự, những chuyến công tác dài đằng đẵng ấy không khiến bà thấy vất vả, thấy khổ mà chỉ thấy nhớ, thương con. Có những đêm mệt nhoài sau buổi biểu diễn nhưng nằm mãi không ngủ được vì thương các con. Lo nhà gần đồi núi, rắn rết bò vào nhà, lo các con mải học đèn dầu quên không tắt…

Một kỷ niệm khó quên trong đời bà là năm 1973, trong một chuyến đi công tác Tây Nguyên tới 6 tháng trời, bà phải ngồi ghế gỗ cả nghìn cây số, bụi bám dày trên người. Trên đường ra, xe của đoàn văn công gặp một trung đoàn chiến sĩ Thủ đô vào tăng cường chi viện cho chiến trường miền Nam. Các chiến sĩ trao cả bọc thư đã viết trên đường nhờ các nghệ sĩ chuyển cho gia đình. Về tới Hà Nội, nghệ sĩ Lê Hằng cùng con gái đưa thư tới tận tay người thân của các chiến sĩ. Nhưng, có những lá thư mà chủ nhân của nó đã hy sinh trước khi tới tay người nhận.

Mỗi lần đi biểu diễn ở chiến trường, thường các nghệ sĩ phải tự dựng và thu dọn sân khấu. Có lần, thương các nghệ sĩ vất vả, các chiến sĩ xung phong làm hộ. Không ngờ, đang thu dọn sân khấu, bất ngờ bom Mỹ dội xuống khiến nhiều chiến sĩ hy sinh. NSƯT Lê Hằng tâm sự, những ngày ấy bà và các đồng đội của mình đã hát bằng cả trái tim đầy yêu thương và sự tri ân với những khán giả, đồng đội của mình.

Trò chuyện cùng ca sĩ "người đàn bà đẹp" nổi tiếng một thời, điều mà chúng tôi cảm nhận rõ nhất là vượt trên cả nhan sắc, giọng hát, những nghệ sĩ như bà đã có một cuộc đời cống hiến thật đáng tự hào

Thảo Duyên
.
.