NSƯT Hà Văn Trọng: Hài lòng với những gì đã có

Thứ Tư, 13/03/2013, 08:00

Lâu rồi khán giả yêu điện ảnh không được gặp NSƯT Hà Văn Trọng trên truyền hình. Gọi điện thoại từ trong năm thì được biết ông đang du ngoạn phương Nam để tránh cái rét cắt da cắt thịt của miền Bắc dễ khiến căn bệnh cao huyết áp của ông tái phát. Cuối cùng, tôi cũng được gặp ông vào một buổi sáng đầu xuân ấm áp tại căn nhà yên tĩnh nằm sâu trong con ngõ nhỏ ở phố Đội Cấn. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, người nghệ sĩ sắp bước vào tuổi bát tuần vẫn ăm ắp một niềm say mê với nghệ thuật...

Trước khi đạo diễn, NSND Hải Ninh qua đời không lâu, Đài Truyền hình Việt Nam có phát sóng bộ phim nổi tiếng "Em bé Hà Nội". Những người yêu điện ảnh dễ dàng nhận thấy trong phim này, NSƯT Hà Văn Trọng vào vai cha của cô bé Ngọc Hà. Phim được sản xuất năm 1974, tức là khi ấy, NSƯT Hà Văn Trọng mới ngoài 30 tuổi. Giờ đây, vẫn vóc dáng cao lớn, khuôn mặt hiền hậu, chỉ có khác chăng ở mái tóc đen đã chuyển sang đốm bạc. NSƯT Hà Văn Trọng chia sẻ, bộ phim gần đây ông tham gia là "Phía cuối cầu vồng", trong vai Chủ tịch Hội đồng quản trị. Trước đó là một loạt phim như "Luật đời", "Đất và người"…Ông vẫn liên tiếp nhận được lời mời đóng phim. Phim truyện nhựa có, phim truyền hình có nhưng ông đều từ chối. Người nghệ sĩ chân chính luôn biết mình cần dừng ở đâu. Tôi nghĩ đó là sự tự trọng cần thiết của người nghệ sĩ. Đó cũng chính là cách nghệ sĩ tôn trọng khán giả.

Trong suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật, cả trên sân khấu và điện ảnh, NSƯT Hà Văn Trọng có cơ hội được thử sức và thành công ở nhiều dạng vai khác nhau. "Từ lãnh đạo cấp cao cho tới người lái đò" - như ông tâm sự. Nhưng, một dấu son trong sự nghiệp diễn xuất của ông là hóa thân vào vai các vị lãnh đạo có thật ở ngoài đời. Với bất kỳ nghệ sĩ nào, vào vai những nhân vật này chưa bao giờ là điều dễ dàng bởi khán giả dễ có điều kiện để so sánh, đối chiếu với nguyên mẫu. Khán giả từng lặng người khi xem NSƯT Hà Văn Trọng vào vai Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vở kịch "Lịch sử và nhân chứng" (đạo diễn Doãn Hoàng Giang). Khi nhận vai, ông tâm niệm, bên cạnh hình thức thì điều quan trọng là phải thể hiện đúng được thần thái, cốt cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đầu tiên mà nghệ sĩ Hà Văn Trọng chú ý là nghiên cứu tiếng nói của Bác. Ông ra Đài tiếng nói Việt Nam, mượn những chiếc băng có thu giọng nói của Bác. Những hội nghị còn lưu lại hình ảnh, âm thanh về bài phát biểu của Người, ông đều cất công mượn cho bằng được để nghe cả tháng trời. Ông chú ý từng hành động, cử chỉ, thái độ của Người khi tiếp xúc với nhân dân. Sự kỳ công đó mang về cho nghệ sĩ Hà Văn Trọng huy chương Vàng tại Hội diễn Sân khấu. Gần đây, khi được mời vào vai cố Tổng bí thư Lê Duẩn trong phim truyện nhựa "Giải phóng Sài Gòn" (đạo diễn Long Vân), ông cũng nghiên cứu kỹ để làm sao hóa thân được thật "giống" nhà lãnh đạo tài ba này. Từ những quan sát đời thực và nghiên cứu tư liệu, ông tìm ra chiếc "chìa khóa" quan trọng để vào vai Tổng bí thư Lê Duẩn - đó là giọng nói Quảng Trị đặc trưng của ông. Bên cạnh đó, là một vị lãnh đạo rất quyết đoán nên từ hành động tới lời nói của Tổng bí thư đều dứt khoát, mạnh mẽ. Nghệ sĩ Hà Văn Trọng kể, khi ông hóa trang, mặc trang phục xong, con gái của Tổng bí thư cũng trầm trồ công nhận là ông rất giống cha mình. Còn những vai lãnh đạo như Cục trưởng, Trưởng phòng, bí thư… thì nhiều vô kể. Ông vui vẻ kể: "Mình có duyên với khá nhiều vai là lãnh đạo của ngành Công an, mà cao nhất là Thiếu tướng trong "Cổ cồn trắng" (sêri phim "Cảnh sát hình sự"). Ông nhập vai thật tới nỗi, nhiều khi vô tình gặp ông, mấy tay nghiện ma túy té chạy vì cứ tưởng ông là công an thật. Còn mỗi lần có dịp trò chuyện với anh em cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự số 7 Thiền Quang, anh em lại đùa: "Bác toàn đóng sếp xịn". Đáng nhớ  nhất là có lần mải nghĩ, không để ý, ông vô tình vượt đèn đỏ. Vừa xuống xe, mấy đồng chí cảnh sát giao thông đã nhanh nhảu: "Thủ trưởng đi đâu đấy?", rồi khi biết chuyện, anh em đã thông cảm giải quyết… cho qua.

Ông bảo, đó là những kỷ niệm vui mà chỉ có nghiệp diễn mới đem lại cho mình. Thuở chiến tranh, hạnh phúc với những nghệ sĩ như ông là biểu diễn ở các chiến trường, cảm nhận được sự háo hức trên từng gương mặt chiến sĩ. Hai mươi năm biểu diễn ở chiến trường, ông ăn cùng mâm, ngủ cùng hầm với bộ đội. Có thể ngày hôm nay được cùng chiến sĩ chia nhau điếu thuốc, mẩu lương khô nhưng có thể ngày mai họ đã mãi mãi không về. Những câu chuyện đó đã khiến ông và các đồng nghiệp luôn diễn hết mình, như ngày mai không còn được đứng trên sân khấu nữa. Ông bảo, cái được lớn nhất trong đời diễn xuất của ông chính là luôn nhận được sự trân trọng, quý mến mà khán giả dành cho mình. Có lần bị hỏng xe máy giữa đêm khuya ở một thị trấn đồi núi heo hút, ông liều gõ cửa một hiệu sửa xe. Vì quen mặt nghệ sĩ trên truyền hình nên chủ cửa hàng sẵn sàng sửa giúp. Trong lúc chờ đợi, chủ nhà còn nướng mực để cả chủ và khách cùng chung vui.

Cùng ông nhớ lại chuyện xưa, NSƯT Hà Văn Trọng kể, ông sinh ra tại Lào, trong một gia đình người Việt có cha làm bác sĩ. Gần 10 tuổi, ông về Việt Nam sống cùng họ hàng. Ngay từ thuở còn ngồi trên ghế nhà trường, dù cuộc sống vô cùng vất vả nhưng cậu bé Hà Văn Trọng đã mang trong mình tình yêu nghệ thuật. Cậu nhiệt tình tham gia các hoạt động văn nghệ của trường, là "cây văn nghệ" có "giá" trong mắt bạn bè, thầy cô. Bước vào tuổi thanh niên, Hà Văn Trọng quyết định trở thành diễn viên tạm tuyển của Nhà hát kịch Việt Nam. Thời đó, trở thành diễn viên tạm tuyển là có thể tự trang trải cho cuộc sống của mình. Tuy nhiên, với bản tính thẳng thắn, Hà Văn Trọng không "được lòng" một đàn anh trong đoàn, thế là anh bị ra khỏi Nhà hát với lý do "không có năng lực". Lúc bước chân ra đi, Hà Văn Trọng chỉ có một tâm nguyện: "Sẽ quay lại Nhà hát này đường đường, chính chính".

Bơ vơ giữa Hà Nội, Hà Văn Trọng mưu sinh bằng việc gánh đất thuê ở Hồ Thiền Quang. May mắn, khi ấy nhà viết kịch, đạo diễn Lộng Chương và NSND Doãn Hoàng Giang thành lập Đội kịch Thanh niên thuộc Thành đoàn Hà Nội, thấy anh bơ vơ bèn gọi về đoàn. Thế là Hà Văn Trọng cứ ban ngày gánh đất, ban đêm sinh hoạt kịch. Nhận ra tài năng của Hà Văn Trọng, đạo diễn Lộng Chương luôn dành vai diễn cho anh. Sau này, khi NSND Đình Quang mở lớp sân khấu, Hà Văn Trọng quyết định đi học rồi trở lại Đoàn kịch Thanh niên. Khi Đoàn kịch Thanh niên sáp nhập với Nhà hát Kịch Việt Nam, Hà Văn Trọng trở thành một trong những diễn viên chính của Nhà hát, đảm nhận những vai chính trong các vở như "Lịch sử và nhân chứng", "Nila - Cô gái đánh trống trận", "Cơ sở trắng", "Anh Trỗi"…

Không chỉ thành công trong sự nghiệp diễn xuất, NSƯT Hà Văn Trọng còn là đạo diễn của những bộ phim nổi tiếng như "Kỷ niệm đồi trăng", "Số đỏ", "Đứa con của người hàng xóm"… Chuyện ông chuyển sang làm đạo diễn cũng rất tình cờ. Rời Nhà hát kịch Việt Nam, ông chuyển sang Hãng phim truyện I và đi làm trợ lý rồi phó đạo diễn cho NSND Hải Ninh. Sau vài năm tự mày mò học hỏi, ông quyết định làm bộ phim của mình. Đến giờ, ông vẫn nhớ kỷ niệm khi làm phim "Số đỏ". Chuyện là, một ngày đẹp trời, ông anh họ bảo ông xem có kịch bản hay hay thì làm, ông ấy sẽ tìm vốn đầu tư. Bàn bạc rồi ông quyết định làm phim "Số đỏ" đã được nhà văn Hứa Văn Định chuyển thể. Phim dài 4 tập, làm hết 130 triệu. Khi phim chiếu ra mắt khán giả đã tạo nên một "cơn sốt". Phim đang vào thời điểm "ăn khách", bất chợt một vị lãnh đạo của ngành Điện ảnh ra lệnh không được chiếu nữa vì cho rằng phim có nhiều cảnh phản cảm!? Biết chuyện, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh yêu cầu đạo diễn mang phim lên chiếu cho ông xem. Ngược lại với lo lắng ban đầu, xem xong, Tổng bí thư không những khen phim tốt mà còn gửi tặng Hà Văn Trọng cây thuốc Bông Sen và gói bánh. Đạo diễn Trần Quốc Trọng khi ấy vào vai Xuân Tóc Đỏ nhớ lại: "Những ngày chiếu phim là những ngày hạnh phúc nhất, vì ngày nào cũng cháy vé. Công an đứng dày đặc vì sợ vỡ rạp. Riêng bản thân tôi ở mỗi buổi chiếu đều có tiêu chuẩn 5 vé nhưng không đủ để cho bạn bè, người thân. Không phải vì họ không đủ tiền mà không thể chen chân vào để mua được vé". Chỉ trong vòng 1 tháng, doanh thu phim lên tới 2,4 tỷ đồng. Số tiền này thực sự là một con số khổng lồ thời kỳ đó. Một bộ phim nữa làm nên tên tuổi của đạo diễn Hà Văn Trọng là "Kỷ niệm đồi trăng" - bộ phim không chỉ là một tác phẩm đặc sắc của điện ảnh Việt Nam mà còn là cầu nối lương duyên cho cặp đôi NSND Phương Thanh và NSƯT Anh Dũng. Khi phim được công chiếu rộng rãi, công nhân ngành than khen ngợi, các rạp chiếu lúc nào cũng chật kín khán giả. Bộ phim còn mang về giải thưởng Rồng vàng của tỉnh Quảng Ninh cho NSND Phương Thanh.

NSƯT Hà Văn Trọng tâm sự, ông hài lòng với sự lựa chọn của mình là đi theo con đường nghệ thuật, ngay cả việc lựa chọn sự cô đơn để được sống đúng là mình, toàn tâm, toàn ý với nghệ thuật. Bởi như ông chia sẻ, nhiều khi với người nghệ sĩ, sự cô đơn lại là khởi nguồn của những sáng tạo. Ông cũng tâm niệm, không ai được tất cả và cũng không ai mất tất cả. Và cái còn lại với ông trong tư cách một nghệ sĩ là sự yêu mến của công chúng; trong tư cách người cha là những đứa con ngoan ngoãn, thành đạt. Vậy thì, liệu còn mong ước gì hơn thế?

Thảo Duyên
.
.