NSND Trung Anh: Khuôn mặt khắc khổ của "Những ngày không quên"

Thứ Sáu, 24/04/2020, 08:13
Vai ông Sơn trong bộ phim "Về nhà đi con" của NSND Trung Anh lại tiếp tục được trưng dựng trong bộ phim "Những ngày không quên" phản ánh cuộc chiến chống COVID-19. "Những ngày không quên" của đại  dịch thể hiện trên khuôn mặt khắc khổ và bình dị của ông Sơn, còn "những ngày không quên" của NSND Trung Anh được hình dung như thế nào?


Xem bộ phim "Những ngày không quên", công chúng hoàn toàn không khó nhận ra những chi tiết ngoài đời như tin giả về chuyện "phun thuốc khử trùng virus corona trên bầu trời toàn quốc", hoặc những bài thơ ầu ơ ví dầu về "xịt cồn rửa tay". Xoay quanh đại dịch toàn cầu, bộ phim "Những ngày không quên" chênh vênh giữa khái niệm phim tài liệu và phim nghệ thuật, nên đành ứng dụng lời thoại tung hứng gây cười giữa các diễn viên.

Được chờ đợi nhất ở bộ phim "Những ngày không quên" vẫn là vai Sơn của NSND Trung Anh. Tuy nhiên, vai Sơn ở "Về nhà đi con" và vai Sơn trong "Những ngày không quên" lại có khoảng cách nhất định do sự lèo lái của kịch bản được đắp da đắp thịt theo nhu cầu thời sự.

NSND Trung Anh nhận định về vai ông Sơn: "Bộ phim "Về nhà đi con" được đón nhận vì sao? Bởi vì nó chính là con người, ở từng con người trong xã hội bây giờ, ai cũng thấy có một chút mình ở trong đó, ai cũng thấy có bóng dáng của bà hàng xóm nhà mình ở trong đó…

Bộ phim thành công có lẽ ở việc kêu gọi đề cao giá trị gia đình, giá trị từ mối quan hệ ruột thịt, yêu thương, đùm bọc chia sẻ. Tất cả những cái đó cùng với sự dung dị, đời thường làm nên sự thành công cho bộ phim. Có lẽ, thực sự tôi cũng nhát tay nên khi phải diễn cảnh tát đi tát lại các con nhiều lần. Nhưng vui nhất, xúc động nhất là cảnh quay bốn bố con. Tôi thật vui vì những cảnh quay đó đã chạm đến trái tim của nhiều người.

Nói thật, đến bây giờ, tôi vẫn ám ảnh và không dám xem lại cảnh ông Sơn đến nhà thông gia và khi dắt xe về, Thư chạy ra ôm chầm lấy bố, ông Sơn nói: "Con cũng thấy đấy, giờ bố già nua, lẩm cẩm, giáo điều…". Có thể nói, trong bộ phim này dường như diễn viên sử dụng rất ít kỹ thuật diễn, tất cả đều sống, hóa thân với nhân vật của chính mình.

Thực tế, trong kịch bản phim, ông Sơn ủy mị hơn nhiều nhưng tôi đã xin với đạo diễn giảm bớt sự mềm yếu của nhân vật, chọn điểm nhấn thì mới tạo được cao trào cảm xúc!". Còn trong bộ phim "Những ngày không quên" cũng bốn bố con ông Sơn, nhưng lại loay hoay giải quyết bài toán xa lạ với họ. Cho nên, nhân vật ông Sơn chỉ còn lại tính thuyết phục ở khuôn mặt khắc khổ và nụ cười hiền lành, còn nữa thì nhạt nhòa.

NSND Trung Anh năm nay 59 tuổi, là diễn viên rất quen thuộc với giới mộ điệu. Người ta không thể nhìn thấy ở Trung Anh nét hào hoa hay sự lịch lãm như thiên hạ vẫn hình dung về tài tử điện ảnh. Trung Anh có dáng đi nhẹ nhàng và gần gũi như ông giáo làng. Trung Anh có điệu cười mộc mạc và an phận như ông nông dân. Nói cách khác, Trung Anh không giống như một ngôi sao xuất hiện trên màn ảnh để kể chuyện cuộc đời với khán giả, mà Trung Anh lại giống như một khán giả bước lên màn ảnh để kể chuyện cuộc đời mình.

Số phận đã ngẫu nhiên chọn Trung Anh làm diễn viên chăng? Sinh ra và lớn lên ở Đức Thọ - Hà Tĩnh, cậu bé Trung Anh sớm mất mẹ trong một trận bom Mỹ. 7 tuổi, Trung Anh lặn lội từ quê nhà ra Hà Nội tìm cha và được nuôi nấng trong tổ ấm mới của thân phụ với mẹ kế.

Học xong trung học, Trung Anh chưa biết theo nghề gì thì thấy Nhà hát kịch Việt Nam tổ chức thi tuyển để đào tạo lứa diễn viên đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất. Trung Anh nộp đơn ứng thí với sự hồi hộp, vì một chàng trai tính tình trầm lắng thì làm sao có cơ hội ở chốn rực rỡ ánh đèn trình diễn. Không ngờ, Trung Anh được trúng tuyển và được đào tạo 4 năm cùng với các đồng nghiệp Đỗ Kỷ, Quốc Khánh, Trọng Trinh…

Năm 1982, hoàn thành lớp diễn viên khóa 1 của Nhà hát kịch Việt Nam, Trung Anh nhập ngũ. Đóng quân 2 năm ở Quảng Ninh cũng là một khóa đào tạo khác đối với Trung Anh, mà nhờ đó Trung Anh có thể cầm cự với giai đoạn khó khăn lúc bước chân vào nghệ thuật.

Trung Anh thổ lộ: "Nhiều bạn bè của tôi có được thành công ngay những vai diễn đầu tiên, khiến tôi cũng hoang mang khi thấy mình đi thụt lùi quá xa. Tôi chỉ vật vờ đóng vai quần chúng. Tôi bất lực, nản lòng và từng suy nghĩ đến việc bỏ nghề. Các anh trai khuyên: "Mày cân nhắc, theo được thì theo, không thì anh xin cho đi xuất khẩu lao động".

Trong thời gian suy nghĩ về tương lai, tôi vẫn đến nhà hát, xem các thầy cô, các bạn, các em diễn. Điều đó khiến "máu nghệ sĩ" trong tôi nổi lên, quyết định không từ bỏ. Tôi mất bốn, năm năm sau để được giao vai thứ chính rồi dần dần là vai chính".

Trung Anh và dàn diễn viên "Về nhà đi con" được trưng dụng trong phim mới "Những ngày không quên".

Cột mốc quan trọng cho con đường diễn viên của Trung Anh là vai nam chính trong bộ phim "Mê lộ" sản xuất năm 1995. Ánh mắt cam chịu và rắn rỏi mà Trung Anh gửi vào bộ phim "Mê lộ" bắt đầu khiến các đạo diễn tin tưởng vào khả năng hóa thân của Trung Anh. Sau "Mê lộ", sự nghiệp của Trung Anh bước vào đại lộ, với hàng loạt vai chính ấn tượng, mà hai vai gần đây nhất là Lương Bổng trong "Người phán xử" và Sơn trong "Về nhà đi con".

Mỗi lần trò chuyện về hành trình nghệ thuật của mình, NSND Trung Anh luôn dành những ngôn từ trìu mến nhất để nhắc đến vợ - Minh Hiếu. Nhỏ hơn chồng 10 tuổi, Minh Hiếu đám cưới với Trung Anh vào năm 1996, và họ có với nhau hai người con. Chồng xuôi ngược với phim trường và sàn diễn, Minh Hiếu tự nguyện gánh vác nhiệm vụ nuôi dạy con trai Tiến Việt và con gái Thục Anh lớn lên mỗi ngày.

Rất chân thành, NSND Trung Anh đề cao vai trò của hiền thê: "Có thể nói, vợ đóng góp 90% thành công của tôi. Vì thế, tôi muốn tặng danh hiệu cho bà xã. Vợ tôi hy sinh tất cả để đứng đằng sau chồng, làm vô số việc không tên để chồng yên tâm theo đuổi nghệ thuật. Vợ tôi làm kế toán nhưng có hiểu biết sâu sắc về nghệ thuật, đồng cảm với công việc của tôi. Tôi thường xuyên đi đêm về hôm, có những đợt vắng nhà đến vài tháng. Thế nhưng cô ấy vẫn vui vẻ, giúp tôi lo toan chuyện nhà cửa, chăm sóc con cái. Những đợt con ôn thi đại học, chuyển cấp, cô ấy rất vất vả, cả ngày đi lại nhiều lượt đưa đón hai đứa đi học thêm. Chuyện bếp núc tôi cũng không biết làm, việc vun vén gia đình cũng không phải nghĩ đến. Những người khác thường khen tôi diễn hay, không cần sửa gì. Thế nhưng vợ theo dõi các phim của tôi rất chăm chú, nhìn ra một số tật của chồng. Chẳng hạn, cô ấy từng bảo: "Khi anh nói, nhiều lúc miệng của anh bị uốn quá, trông hơi điệu". Tôi xem lại và thấy đúng như thế thật. Những lúc nói to, thoại dài, tôi thường mắc tật đó. Tôi không cần nghe nhiều lời khen mà cần một người chỉ ra những lỗi như vậy. Tôi rất hạnh phúc vì điều đó và luôn trân trọng các ý kiến của bà xã".

Sau bộ phim "Những ngày không quên" về đại dịch COVID-19, NSND Trung Anh nghỉ ngơi để chuẩn bị cho vai chính trong một dự án điện ảnh sắp bấm máy: "Đối với diễn viên, ngoài những thứ trời cho như nhan sắc, năng khiếu, đam mê là điều quan trọng nhất, sau đó đến sự rèn giũa, nỗ lực vươn lên.. Hạnh phúc với tôi hiện tại là những bữa cơm quây quần bên gia đình và được thử sức với những dạng vai mới. Thành danh không có nghĩa là ngừng cống hiến!".

Gia Quan
.
.