NSND Thanh Hoa: Thanh thản tuổi xế chiều

Thứ Tư, 28/12/2011, 08:00
Bận rộn, tất bật với các cuộc điện thoại, nhanh nhẹn và hoạt ngôn với mọi đề tài liên quan đến đời sống, thông minh và khá sắc sảo khi giải quyết các công việc, sự vụ, nhưng NSND Thanh Hoa lại thừa nhận điểm yếu của mình là... cả tin. Chính vì thế, trong cuộc đời, không phải lúc nào bà cũng có những chặng đi êm ả.

NSND Thanh Hoa có một sự nghiệp ca hát thành công với đủ mọi giải thưởng lớn nhỏ đã đạt được trong và ngoài nước, các album của bà bán chạy dù có những thời điểm tìm được khán giả hào hứng với dòng nhạc cách mạng là không nhiều. Ở tuổi ngoài sáu mươi, nhiều nghệ sĩ của thế hệ bà đã chấp nhận lui vào tấm màn nhung sân khấu, thì NSND Thanh Hoa vẫn đầy những dự định, dự án về âm nhạc cho riêng mình và cả cho các ca sĩ trẻ ở Trung tâm Bồi dưỡng kỹ năng "Tinh hoa nghệ thuật Việt" mà bà làm giám đốc.

Đã lâu, NSND Thanh Hoa không xuất hiện trước công chúng dù bà vẫn đi thu thanh ở Đài Phát thanh. Dường như sau sự cố xảy ra trong đêm truyền hình trực tiếp cách đây vài năm đã khiến bà cẩn trọng hơn trong cách nhận lời các chương trình biểu diễn. Không phải bà lo lắng vì giọng hát của mình không còn đảm bảo được độ sung sức, dẻo dai như xưa, mà bà sợ rằng chỉ một phút sơ sẩy, cánh báo chí "ăn xổi" có thể sẽ khiến bà đau lòng bởi những nhận xét không phải lúc nào cũng đúng. Trong khi đó, có thể có hàng trăm, hàng nghìn khán giả có thể bỏ qua cho bà vì nhiều lý do, trong đó có lý do về tuổi tác.

Theo dòng hồi tưởng, NSND Thanh Hoa kể lại câu chuyện cuộc đời và âm nhạc của mình bằng một giọng nói vang, khỏe khoắn. Bà là kết quả của một mối tình giữa cô lái đò và anh bộ đội đi đò sang sông. Bố Thanh Hoa là một cây văn nghệ ở trường Thiếu sinh quân. Một lần hành quân qua Bến Đục (chùa Hương) thấy cô lái đò xinh quá, ông liền "tán tỉnh" bằng bài hát "Cô lái đò". Vậy mà cô lái đò xiêu lòng, "bỏ thuyền bỏ lái bỏ dòng trong", bỏ cả nhà đi theo anh bộ đội ấy và tình nguyện ở lại trường thiếu sinh quân làm "cô nuôi". Có lẽ bởi duyên nợ đó, mà sau này, khi đã trở thành ca sĩ, hát lại bài "Cô lái đò" (đã in vào đĩa CD), Thanh Hoa như thấy được bóng dáng cha mẹ mình ở bến đò năm ấy.

Thời còn nhỏ, Thanh Hoa còm cõi, đen đúa như một cái kẹo. Chưa bao giờ những người thân yêu, ngay cả bản thân bà nghĩ rằng, sẽ có một ngày, Thanh Hoa là cái tên nổi lên và ghi đậm dấu ấn trong làng nhạc Việt. Chỉ có một đức tính chẳng bao giờ thay đổi trong cô gái ấy cho đến tận bây giờ, đó là bản tính bướng bỉnh. Suốt những năm học phổ thông, học bạ của Thanh Hoa chưa bao giờ thiếu lời phê của thầy cô giáo là: "nghịch ngầm". Cũng bởi thế, đến năm cuối cấp, cực chẳng đã, cô bé Thanh Hoa mang sổ học bạ lên phòng gặp thầy hiệu trưởng, phân bua: "Thưa thầy, năm nào em cũng bị phê là "nghịch ngầm", nghịch mà ai cũng biết như thế thì là "lộ" rồi còn gì ạ. Vì thế, xin thầy sửa thành "nghịch lộ" cho em!".

Tuổi thơ của Thanh Hoa là tuổi thơ khốn khó của một đứa trẻ sinh ra trong một gia đình đông con, lại trong thời buổi cả đất nước đói nghèo. Thanh Hoa là chị của sáu đứa em nên phải cùng mẹ gánh vác trách nhiệm để có thêm đồng ra đồng vào nuôi sống gia đình. Sáng sáng, Thanh Hoa đi lấy sườn để nấu nước phở cho cửa hàng. Chiều đi học về lại ghé qua cửa hàng rửa bát thuê. Đêm thì đi nắm than trong khu nhà máy Cao - xà - lá ở Thanh Xuân. Thấy Thanh Hoa bé quá, ông cửa hàng trưởng không muốn cho làm nữa vì sợ mang tiếng. Thanh Hoa ức lắm, tìm cách "trả đũa". Biết ông vốn mê hút thuốc lào, Thanh Hoa lấy nhọ nồi bôi vòng quanh ống điếu cày. Khi ông này xuống cửa hàng, khách hàng nhìn thấy cười nghiêng ngả. Vậy là Thanh Hoa bị… đuổi việc.

Đến với âm nhạc, người mà Thanh Hoa phải mang ơn đó là thầy Đặng Hữu Phát, hồi đó là Bí thư Chi bộ Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Khi Thanh Hoa vừa đi học vừa làm phụ bếp ở Nhạc viện suốt những tháng hè, thầy là người đã phát hiện ra giọng hát truyền cảm và cái duyên ngầm ẩn đằng sau dáng người bé nhỏ, lùn tịt, da đen, giọng như… con mèo hen mà nhiều thầy cô giáo trước đó đã nhận xét về Thanh Hoa. Như được tiếp thêm nghị lực từ lời động viên của thầy, Thanh Hoa quyết tâm học. Ban ngày xin đi luyện giọng ở trường, đêm rảnh là rúc đầu xuống giếng để… hét, cứ thế cho đến khi giọng vang, to. Kết quả cuối học kỳ hai, Thanh Hoa đạt điểm năm trừ (tương đương với điểm 10 bây giờ).

Ra trường, Thanh Hoa về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam và gắn bó ở đấy cho đến lúc nghỉ hưu (năm 2006). Đối với Thanh Hoa, đó là những năm tháng đầy gian khổ, đau thương mất mát vì chiến tranh nhưng cũng đầy tinh thần quật cường của dân tộc Việt Nam. Bà đã đi đến mọi nẻo đường chiến tranh để hát cho thương bệnh binh, hát cho những người lính nghỉ chân giữa chặng hành quân. Đó là thời kỳ tiếng hát của bà được yêu quý, trân trọng, được vút cao trên những nẻo đường của Tổ quốc. Cũng trong thời gian làm việc ở Đài, bà là một trong những ca sĩ thu âm nhiều nhất với hơn 400 bản thu, trong đó có những ca khúc đã được phát sóng rất nhiều lần và gắn bó với tên tuổi của ca sĩ Thanh Hoa như "Tình yêu của đất và nước", "Con kênh ta đào", "Khúc hát ru của người mẹ trẻ", "Em chọn lối này", "Tàu anh qua núi", "Tình yêu trên dòng sông quan họ", "Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh", "Bác Hồ một tình yêu bao la", "Mùa xuân làng lúa làng hoa", "Đường tàu mùa xuân"… Thanh Hoa cũng đã đoạt những giải thưởng lớn mà bất kỳ một ca sĩ nào cũng mơ ước có được: Giải nhất tại cuộc thi nhạc nhẹ quốc tế Cóc-Phây vàng lần thứ 18 ở Bulgaria (năm 1982), Huy chương vàng Hội diễn ca múa nhạc toàn quốc (năm 1985), Bằng khen đặc biệt cuộc thi 8 bài hát trên vô tuyến truyền hình ở Cuba, Bằng khen người hát bài hát Tiệp Khắc hay nhất... Với những thành tích đã đạt được, năm 2001, ca sĩ Thanh Hoa được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND.

Nhớ lại tháng ngày tuổi trẻ đã qua, gương mặt NSND Thanh Hoa tươi tắn như được sống lại cả một quãng đời tuổi trẻ cùng biết bao hồi tưởng. Tôi hỏi NSND Thanh Hoa, cho đến nay, bà dường như đã có tất cả những gì mà một ca sĩ thế hệ của bà mơ ước: Danh hiệu cao quý, công việc phù hợp, gia đình êm ấm, con cái thành đạt. Vậy có lúc nào bà cảm thấy cô đơn và nuối tiếc về một điều gì trong quá khứ? Dường như biết được ý nghĩ của tôi, NSND Thanh Hoa không ngại ngần chia sẻ: Trong cuộc đời bà, dù có những niềm vui, nhưng ít ai biết, bà cũng đã phải rơi nhiều nước mắt sau cánh gà sân khấu.

Câu chuyện với người chồng đầu tiên, nhạc sĩ Phan Lạc Hoa đã khiến cho báo chí tốn không ít giấy mực đã như một cái án bất thành văn đeo đẳng bà suốt cả một đời như một nghiệp chướng. Dù chẳng bao giờ bà thanh minh những điều đã xảy ra, vì bà biết rằng, có nói thì cũng chẳng ích gì, người ra đi cũng đã ra đi rồi. Người ở lại mang tiếng cũng đã mang tiếng rồi. Bà nghĩ gì chỉ trong lòng bà biết. Có lúc, ngay giữa vinh quang, bà cảm nhận được nỗi cô đơn xâm chiếm, những điều khó lý giải của cuộc sống bộn bề, của nỗi nhớ người đã ra đi và lòng mang ơn người còn ở lại. Nhiều người, ngay cả các con của mình thường khoe rằng, NSND Thanh Hoa hồn nhiên, nhưng thực ra, trong lòng bà đầy những nghĩ ngợi, đầy sự nhạy cảm và không ít nỗi buồn. Những điều này bà ít khi chia sẻ với các con, cũng không mấy khi thể hiện ra bên ngoài, vì cuộc sống vốn dĩ nhiều nỗi lo toan rồi.

Dù gì đi nữa, NSND Thanh Hoa vẫn luôn nghĩ, cho đến nay, bà là một người may mắn. May mắn vì đến được đích cuối cùng của ước mơ thời tuổi trẻ. May mắn vì đến tuổi ngoài 60 vẫn có một gia đình ấm áp và hạnh phúc. Có một người chồng kém bà sáu tuổi, từng có một thời đẹp trai và hào hoa nức tiếng nhưng lại quyết định gắn bó với cuộc đời bà, luôn yêu thương bà và hai cô con gái riêng của vợ như chính con mình. Giờ đây, hàng ngày, ông đưa đón vợ đi làm, cùng vợ gánh vác công việc ở Trung tâm bồi dưỡng "Tinh hoa nghệ thuật Việt". Một trung tâm bồi dưỡng kỹ thuật thanh nhạc, dạy kỹ năng ứng xử, giao tiếp, biểu cảm cho các MC, ca sĩ trẻ, dạy nhảy hip-hop cho thanh thiếu niên, dạy hát nhạc dân ca mới, với sự cộng tác của các nghệ sĩ nổi tiếng trong giới như NSND Lê Khanh, NSƯT Thanh Ngoan, NSƯT Dương Minh Đức… Người nghệ sĩ xiếc ấy, mấy chục năm qua đã sống, chấp nhận tính cách bướng bỉnh của vợ, chấp nhận được sự "vụng về" của vợ vì không biết vào bếp nấu những bữa cơm ngon cho gia đình, chờ đón vợ trở về sau những chuyến lưu diễn ở xa và chở che cho Thanh Hoa những lúc cuộc sống bất ổn…

Có nhiều nghệ sĩ, ở vào thời kỳ nghỉ hưu, họ thường đối diện với chính mình và nỗi cô đơn cố hữu của tuổi tác khi nhớ về một thời vang bóng. Với NSND Thanh Hoa, bà cảm thấy mình đang sống những ngày thanh thản của tuổi xế chiều. Thanh thản với nghề nghiệp, với cuộc sống, với công việc. Vì bà cho rằng, mỗi số phận đã được ông trời an bài. Và bà không bao giờ hối tiếc vì những ngày tháng đã sống…

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.